Ông Đinh La Thăng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam khẳng định, dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất tại Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) là hạt nhân công nghiệp tại vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, tạo đà cho phát triển toàn diện các ngành công nghiệp và kinh tế của khu vực, đảm bảo cho sự phát triển kinh tế cân đối giữa các vùng, miền của đất nước.
|
Một góc nhà máy lọc dầu Dung Quất. (Ảnh: Nguyễn Đăng Lâm/TTXVN)
|
Nhà máy lọc dầu Dung Quất xứng đáng là kết tinh của trí tuệ, sức mạnh của dân tộc Việt Nam, là sản phẩm của đường lối đổi mới và phát huy nội lực của Đảng; là biểu tượng của giai cấp công nhân Việt Nam trong thời đại mới.
Chủ trương đúng
Ngày 19.9.1994, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã trực tiếp thị sát khu vực vịnh Dung Quất-Quảng Ngãi và chỉ thị cho các bộ, ngành liên quan phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục khảo sát và lập quy hoạch Khu Công nghiệp tập trung, nhà máy lọc dầu số 1 và Cảng nước sâu Dung Quất (nay là Khu Kinh tế Dung Quất).
Sau khi xem xét những kết quả khảo sát khoa học thu được và quy hoạch sơ bộ, ngày 9.11.1994, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 658/QĐ-TTg về địa điểm xây dựng nhà máy lọc dầu số 1 và quy hoạch Khu kinh tế trọng điểm miền Trung, trong đó chính thức chọn Dung Quất-Quảng Ngãi làm địa điểm xây dựng Nhà máy lọc dầu số 1.
Trong tiến trình công nghiệp hóa-hiện đại hóa ở Việt Nam, việc xây dựng nhà máy lọc dầu Dung Quất có thể được xem như một bước tiến cực kỳ quan trọng đặt nền móng cho ngành công nghiệp mũi nhọn của đất nước.
Với tổng mức đầu tư trên 3 tỷ USD, dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ giải quyết có hiệu quả các nhu cầu về việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng nguồn thu ngân sách và phát triển các ngành dịch vụ khác của địa phương trong giai đoạn xây dựng cũng như giai đoạn vận hành sản xuất.
Việc xây dựng nhà máy lọc dầu Dung Quất còn là tiền đề thúc đẩy các nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp tục đầu tư vào Khu kinh tế Dung Quất trên các lĩnh vực công nghiệp hóa chất, công nghiệp cơ khí, chế tạo và lắp ráp, đóng sửa tàu biển, luyện cán thép, vận tải, điện tử, chế biến và các ngành công nghiệp khác.
Hình thành dung mạo
Sau một thời gian tích cực đàm phán, ngày 17.5.2005, Hợp đồng EPC 1+4 đã được ký kết giữa PetroVietnam và Tổ hợp nhà thầu Technip gồm Công ty Technip France (Pháp), Technip Geoproduction (Malaysia), JGC (Nhật Bản), Tecnicas Reunidas (Tây Ban Nha) thực hiện, trong đó Technip France đứng đầu. Ngày 28.11.2005, lễ khởi công các gói thầu EPC 1+2+3+4 được Tổ hợp Nhà thầu Technip phối hợp với PetroVietnam tổ chức tại công trường.
Nhà máy lọc dầu Dung Quất đặt tại Khu kinh tế Dung Quất, thuộc địa bàn các xã Bình Thuận và Bình Trị, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
Nhà máy lọc dầu có công suất chế biến 6,5 triệu tấn dầu thô/năm; (tương đương 148.000 thùng/ngày); giai đoạn 2 mở rộng lên đến trên 10 triệu tấn/năm. Giai đoạn 1 chế biến 100% dầu thô Bạch Hổ (Việt Nam); giai đoạn 2 chế biến dầu thô hỗn hợp (85% dầu thô Bạch Hổ + 15% dầu chua Dubai).
Trong suốt 44 tháng xây dựng, chủ đầu tư cùng với các nhà thầu đã thực hiện một khối lượng công việc rất lớn bao gồm tham gia thực hiện gói thầu EPC 1+4 và 2+3 ngoài tổ hợp nhà thầu chính Technip còn có 47 nhà thầu phụ và 151 nhà thầu phụ thứ cấp.
Đã có hơn 1.000 chuyên gia của nhà thầu và hàng trăm cán bộ giám sát thiết kế của chủ đầu tư và nhà thầu tư vấn quản lý dự án được huy động làm việc liên tục trong nhiều tháng tại 4 trung tâm trên thế giới.
Tài liệu thiết kế chi tiết và bản vẽ kỹ thuật phục vụ chế tạo, xây lắp được phê duyệt lên đến hàng triệu bản. Số kỹ sư và công nhân tham gia gói thầu vào khoảng 14.000 đến 15.000 người đến từ 30 quốc gia. Các nhà thầu Việt Nam đảm nhận khoảng 75% khối lượng công tác xây lắp trên công trường. Tổng số giờ công thi công trên công trường đạt khoảng gần 66 triệu giờ.
Việc chỉnh sửa thiết kế tổng thể đã cho phép nhà máy sản xuất ra cơ cấu sản phẩm mới có chất lượng cao hơn, đón đầu và cạnh tranh được với thị trường xăng dầu trong khu vực cũng như trên thế giới. Trong đó, sản lượng hàng năm các sản phẩm chính đó là Propylene 204.200 tấn; LPG 505.300 tấn; xăng Mogas 92 có 2,2 triệu tấn; xăng Mogas 95 có 377.600 tấn; dầu hỏa/nhiên liệu phản lực J-A1 có 236.800 tấn; diesel ôtô có 1.902.100 tấn; dầu nhiên liệu (FO) có gần 78.000 tấn.
Tổng thời gian thực hiện dự án là 44 tháng, trong đó, giai đoạn thiết kế, mua sắm và hoàn thiện xây lắp cơ khí là 36 tháng; giai đoạn chạy thử, chạy nghiệm thu là 8 tháng. Nghiệm thu bàn giao toàn bộ công trình vào tháng 4.2010.
Tổng mức đầu tư của dự án nhà máy lọc dầu Dung Quất theo Quyết định 546/QĐ-TTg là 2,501 tỷ USD chưa bao gồm chi phí tài chính. Tổng mức đầu tư sau khi đã tính toán phát sinh và lập hồ sơ hoàn công lên khoảng 3,1 tỷ USD.
Hiệu quả rõ ràng
Dự án xây dựng nhà máy lọc dầu Dung Quất là công trình trọng điểm quốc gia về dầu khí có ý nghĩa hết sức to lớn đối với việc phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Quảng Ngãi và các tỉnh, thành phố trong khu vực miền Trung.
Việc đầu tư xây dựng nhà máy lọc dầu Dung Quất cho phép chế biến dầu thô trong nước, đảm bảo từng bước về an ninh năng lượng, giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp xăng dầu từ nước ngoài, góp phần vào sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước.
Theo tính toán, nhà máy lọc dầu Dung Quất khi đi vào hoạt động với công suất 6,5 triệu tấn/năm, sẽ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu sử dụng xăng dầu trong nước.
Qua hơn một năm đưa vào vận hành chạy thử, tính đến đầu tháng 5.2010, số lượng dầu thô Bạch Hổ đã nhập vào nhà máy hơn 3,740 triệu tấn phục vụ công tác chạy thử, chạy nghiệm thu, đã chế biến được gần 3 triệu tấn sản phẩm các loại và tiêu thụ trên thị trường hơn 2,815 triệu tấn.
Theo kế hoạch năm 2010, nhà máy sẽ nhập 5 triệu tấn dầu thô, chế biến 4,76 triệu tấn sản phẩm các loại, doanh thu đạt khoảng 63.000 tỷ đồng, sẽ nộp ngân sách nhà nước từ 7.450 tỷ đến 8.800 tỷ đồng.
Việc đưa Nhà máy lọc dầu Dung Quất vào vận hành thương mại từ cuối tháng 2.2009 đã đánh dấu một mốc son quan trọng trong lịch sử của ngành dầu khí, là nền móng đầu tiên cho sự phát triển ngành công nghiệp lọc hóa dầu, đáp ứng mục tiêu của chiến lược phát triển ngành dầu khí giai đoạn 2005-2015, tầm nhìn 2025; góp phần đảm bảo an ninh năng lượng của quốc gia.
. Theo TTXVN/Vietnam+ |