Miền Trung đối mặt mùa mưa bão - Bài 2: Càng di dời, dân càng khổ!
15:50', 3/8/ 2010 (GMT+7)

Năm nào cũng vậy, các địa phương miền Trung đều xây dựng kế hoạch, đề ra mục tiêu phải di dời cho được những hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm đến nơi ở mới. Thế nhưng, công tác này vẫn còn nhiều bất cập khiến người dân không khỏi bức xúc.

Tránh lũ, gặp đói nghèo!

Trận lũ lịch sử năm 1999 đã tàn phá miền Trung hết sức nghiêm trọng. Trong đó, làng Phương Trung (Đại Quang, Đại Lộc, Quảng Nam) bị xóa sổ hoàn toàn. Cả ngôi làng với hàng trăm ngôi nhà nằm sát bờ sông Vu Gia bị cuốn trôi ra biển. Người dân chỉ kịp chạy thoát thân, tài sản, nhà cửa không còn thứ gì.

Ngay sau đó, lãnh đạo trung ương đã về thị sát tình hình và quyết định cho lập làng mới trên một ngọn đồi cách làng cũ hơn 3km để di dời dân. Và làng mới gần như không quy hoạch một diện tích đất nào cho sản xuất nông nghiệp. Đã hơn 10 năm trôi qua, người dân ở đây hết sức khốn khổ do “tránh được lũ, nhưng phải đói nghèo”.

Bà Lê Thị Kim (62 tuổi), nói như khóc: “Chú thấy đó, bản thân tôi độc thân, nuôi thêm 2 đứa cháu gọi bằng cô, mồ côi cha mẹ và mẹ già 86 tuổi. Hàng ngày, tôi phải thức dậy từ mờ sáng, rời làng đi tìm người mướn, thuê quét dọn, chăm trẻ con… để có cái ăn cho cả nhà. Bây giờ già rồi, đi cả ngày cũng khó kiếm được việc. Bây giờ tôi mong muốn có miếng đất để trồng lúa, trồng rau kiếm cái ăn qua ngày cho mẹ già và 2 đứa cháu bệnh tật”.

Còn anh Phạm Văn Vĩnh, cho rằng: “Ở đây, không chăn nuôi được. Đàn heo của cả làng hơn 400 con cứ lần lượt bệnh mà chết, gà vịt cũng vậy. Vừa rồi anh lấy hết số tiền tích góp bao năm ở làng cũ mua gà về nuôi. Nhưng nuôi chưa đầy tháng, nắng nóng làm gà chết không còn một con. Lúc còn ở làng cũ, mỗi năm gia đình tôi thu nhập gần 30 triệu đồng từ việc chăn nuôi, buôn bán hàng tạp hóa, nhưng khi vào đây thì... trắng tay”.

Ngược ra Thừa Thiên - Huế, tình trạng trên càng nghiêm trọng hơn. Cùng với tổ chức CICS (Canada) hỗ trợ từ 8 - 10 triệu đồng/hộ, chính quyền địa phương cũng hỗ trợ đất làm nhà và khu tái định cư (TĐC) cho 18 hộ dân xóm Cồn Đường, thôn Hà Lạc, xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền, sau trận lũ lụt lịch sử năm 1999. Thế nhưng, gần 12 năm về khu TĐC sinh sống, người dân chỉ biết sống chung với ngọn đèn dầu leo lét, đường sá đi lại khó khăn, không nước sạch, không trường học... Từ những hệ lụy trên, 14/18 hộ dân sinh sống ở đây đã bỏ nhà quay về “chốn cũ” hoặc phiêu bạt nơi khác mưu sinh.

Từ năm 2005 đến nay, Thừa Thiên - Huế đã hình thành hàng trăm khu TĐC hay khu dãn dân nhằm đối phó bão, lũ. Tuy nhiên, những bất cập từ khâu khảo sát thiết kế, đến thi công, rồi thiếu đất sản xuất… khiến rất nhiều người mặc dù đã di dời đến khu TĐC tránh trú bão đành quay lại “chốn xưa”. Chính vì vậy mỗi khi bão, lũ xảy ra hơn 80.000 người dân nằm trong diện phải di dời khẩn cấp.

Chờ tái định cư

Dọc bờ biển từ huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát… cho đến TP Quy Nhơn (Bình Định), đâu đâu cũng thấy những ngôi nhà chênh vênh bên mép sóng. Gần một năm sau khi căn nhà bất ngờ bị biển “nuốt”, gia đình anh Võ Ngọc Vạn (thôn Lý Hòa, xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn) vẫn phải loay hoay chờ bố trí TĐC. Gần 300 căn hộ trong xã Nhơn Lý cũng phải sống phập phù bên mép biển, ngày đêm lo lắng khi mùa mưa bão đang đến gần.

 

Hàng trăm hộ dân xã Nhơn Lý (TP Quy Nhơn, Bình Định) có nhà gần mép sóng, đang nóng lòng chờ bố trí tái định cư.

 

Anh Vạn cho biết: “Đêm 22.5.2009, chỉ một trận mưa lớn do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, nhà của tôi đã ngã ào xuống biển. Không còn đường xoay xở, tôi phải đưa gia đình về nương nhờ bên ngoại. Chính quyền địa phương hứa sẽ bố trí TĐC cho chúng tôi nhưng hơn một năm nay chẳng thấy đả động gì…”.

Ông Phạm Dũng (thôn Xuân Thạnh Nam, xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ), một hộ dân được bố trí di dời đến khu TĐC Mỹ An, cho rằng: “Đa số các hộ dân vùng sạt lở nguy hiểm đều đồng tình với việc di dời đến các địa điểm TĐC mới để được an toàn. Nhưng muốn xây một căn nhà mới ở khu TĐC cần đến vài chục triệu đồng, trong khi Nhà nước chỉ hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ khó ai đi được”.

Theo kế hoạch của UBND tỉnh Bình Định, đến cuối năm 2010 phải bố trí xong TĐC gần 2.300 hộ dân tại các huyện Hoài Ân, Hoài Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ, Tuy Phước, TP Quy Nhơn… Tuy nhiên, việc hoàn thành các khu TĐC đúng như kế hoạch rất khó khăn, nhất là khoản kinh phí đầu tư phải phụ thuộc nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương.

Phải tính giải pháp căn cơ

Mô hình nhà tránh lũ kiên cố đầu tiên ở miền Trung được xây dựng tại tổ 25, Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng với kiến trúc 2 tầng, khá kiên cố với diện tích sử dụng khoảng 300m². Tầng trệt xây theo dạng kiến trúc mở, thoáng. Cán bộ và nhân dân thường dùng nơi này để sinh hoạt, hội họp, làm sân khấu biểu diễn văn nghệ, tập kết hàng cứu trợ như gạo, mì tôm...

 

“Nhà cộng đồng tránh lũ” ở quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng.

 

Tầng trên rộng rãi, thoáng mát, có nhà vệ sinh nam - nữ, có bếp nấu ăn, phòng đọc sách và một bồn chứa khoảng 1.000 lít nước. Năm 2009, khi người dân tập trung tránh lũ tại ngôi nhà này thì ca-nô chở gạo, mì tôm đến tận chân cầu thang rất tiện lợi.

Sau khi thấy hiệu quả của nhà đa năng tránh lũ, nhiều công trình tương tự đã, đang đầu tư, nhân rộng khắp nơi.

Ông Nguyễn Đăng Lâm, Giám đốc Quỹ hỗ trợ thiên tai miền Trung, cho biết: “Từ mô hình nhà tránh lũ ở Đà Nẵng, gần đây quỹ đã triển khai xây dựng được 21 công trình phòng, tránh thiên tai ở những vùng trũng thấp tại 10 tỉnh, thành phố của miền Trung để vừa làm nơi sinh hoạt, học tập, khám, chữa bệnh cho nhân dân, vừa phòng, tránh khi có lũ lụt. Riêng trong năm 2010, quỹ sẽ tiếp tục triển khai xây dựng ít nhất 30 dự án phòng, tránh thiên tai, trong đó đang triển khai xây 15 nhà tránh lũ cộng đồng...”.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai ở Quảng Bình thì cho rằng: “Nhà nước cho dân vay tiền kiên cố nhà cửa, chính quyền đỡ lo hơn việc di dân tập thể khi có bão, lũ xảy ra. Nhà nước đã có nhiều chính sách cho vay ưu đãi để phát triển kinh tế thì tại sao không cho vay ưu đãi để xây dựng, sửa chữa nhà cửa kiên cố?”. 

. Theo SGPP

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Miền Trung đối mặt mùa mưa bão - Nỗi lo từ hạ nguồn  (02/08/2010)
Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế: Bùng phát dịch sốt xuất huyết  (01/08/2010)
Xây nhà máy sản xuất đông dược đạt chuẩn quốc tế  (30/07/2010)
Mở các tuyến bay quốc tế đến sân bay Cam Ranh  (25/07/2010)
Ngư dân huyện đảo Lý Sơn trúng đậm cá cơm quế  (23/07/2010)
Cá voi khổng lồ xuất hiện ở Phú Yên  (20/07/2010)
Tây Nguyên xây mới gần 4.000 phòng học  (19/07/2010)
Hoàng Sa, Trường Sa - những con đường ven biển đẹp nhất  (16/07/2010)
Thành lập Đội kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Trung  (15/07/2010)
Xây nhà máy nhiệt điện 3,8 tỉ USD  (11/07/2010)
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: Người dân Ninh Thuận ủng hộ xây dựng nhà máy điện hạt nhân  (09/07/2010)
Miền Trung - Tổng lực phòng chống cháy rừng  (09/07/2010)
Khoảng 90.000ha lúa đang bị thiếu nước do hạn hán  (07/07/2010)
Nghiên cứu mẫu bọ xít hút máu người ở miền Trung  (06/07/2010)
Vietnam Airlines khai trương đường bay TP. Hồ Chí Minh – Đà Lạt – Đà Nẵng   (01/07/2010)