|
Biểu diễn cồng chiêng Tây Nguyên (Ảnh minh hoạ) |
Vinh dự là 1 trong 5 đoàn nghệ thuật của cả nước biểu diễn tại chương trình nghệ thuật đêm khai mạc Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, Đoàn Ca múa nhạc Dân tộc Đắk Lắk sẽ góp tiết mục “Trống chiêng vào hội”.
Một chương trình nghệ thuật đặc sắc, mang đậm chất Tây Nguyên cũng đã được đoàn dàn dựng, chuẩn bị công phu để biểu diễn tại Hà Nội trong suốt 10 ngày diễn ra Đại lễ.
Gặp các diễn viên, nghệ sĩ của Đoàn ca múa nhạc Dân tộc Đắk Lắk khi đoàn vừa hoàn thành chương trình nghệ thuật, tham dự Đại lễ 1.000 Thăng Long-Hà Nội. Gương mặt ai cũng rạng rỡ niềm vui, dù trong lòng không khỏi hồi hộp trước sự kiện văn hóa - chính trị trọng đại của cả dân tộc.
Ông Nguyễn Đẩu, Phó Trưởng đoàn Ca múa nhạc Dân tộc Đắk Lắk chia sẻ: Đã theo đoàn đi biểu diễn ở nhiều nơi, nhiều nước trên thế giới, nhưng lần biểu diễn này mang một ý nghĩa thật đặc biệt. Biểu diễn ở Đại lễ 1.000 Thăng Long - Hà Nội là cơ hội có một không hai của đời người. “Không những riêng tôi mà tất cả anh em diễn viên, cán bộ viên chức của đoàn đều rất vui mừng và tự hào, bởi chúng tôi là một trong những đoàn đại diện của Tây Nguyên được ra tham dự Đại lễ 1.000 Thăng Long. Anh em rất hồ hởi, tập trung hết khả năng để tập luyện cho chương trình biểu diễn tại Hà Nội từ ngày 1 - 10.10 tới đây”, ông Nguyễn Đẩu bày tỏ.
Đối với Nguyễn Thị Hồng Báu, diễn viên múa, kiêm người dẫn chương trình của Đoàn Ca múa nhạc Dân tộc Đắk Lắk, việc được tham dự Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội còn là bước khởi đầu thuận lợi cho toàn bộ sự nghiệp nghệ thuật của mình: “Là một diễn viên mới ra trường, được đi diễn ở một chương trình lớn như thế này là một vinh dự rất lớn với em. Em cảm thấy rất hào hứng và hồi hộp mong được ra Hà Nội tham dự chương trình mừng Đại lễ 1.000 Thăng Long – Hà Nội”.
Theo kịch bản, tiết mục “Trống chiêng vào hội” của đoàn Đắk Lắk sẽ được trình diễn trong Chương trình nghệ thuật khai hội 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội tại sân khấu chính trong 2 phút. Đây sẽ là tiết mục hoà tấu trống, chiêng và hát múa do Nghệ sĩ ưu tú Vũ Lân biên soạn. Để phục vụ cho tiết mục này, 5 chiếc trống lớn và dàn chiêng 7 chiếc của dân tộc Ê đê, cùng nhiều đạo cụ khác đã được đoàn chuẩn bị. Nghệ sĩ ưu tú Y San Alêô, Trưởng Đoàn Ca múa nhạc Dân tộc Đắk Lắk cho biết: “Tác phẩm “Trống chiêng vào hội” có tiết tấu, âm hưởng của tiếng trống Ê đê. 5 chiếc trống cùng hoà nhịp tạo nên những tiết tấu, khí phách của Tây Nguyên, dàn chiêng Ê đê cũng sẽ hoà nhịp cùng tiết tấu của trống. Bên cạnh trống, chiêng, chúng tôi cũng xây dựng hình tượng 5 cô gái dân tộc Ê đê biểu diễn bằng những ngôn ngữ của ngày hội truyền thống dân tộc mình”.
Không chỉ tham gia với vai trò chỉ đạo nghệ thuật, Nghệ sĩ ưu tú Y San Alêô còn tham gia biểu diễn, với tiết mục độc tấu sáo vỗ “Làng buôn vào hội”. Đây là tiết mục được anh biểu diễn ở nhiều nơi, nhiều nước trên thế giới. Lần này, tiếng sáo sẽ được cất lên giữa Thủ đô Hà Nội trong một dịp lễ trọng đại.
Cùng với tiết mục “Trống chiêng vào hội”, Đoàn Ca múa nhạc Dân tộc Đắk Lắk còn chuẩn bị nhiều tiết mục khác để biểu diễn tại Thủ đô Hà Nội trong các ngày từ 1 - 10.10. Đó là các tiết mục múa “Nữ thần đen”, độc tấu chiêng tre “Vang vọng từ cội nguồn”, cùng nhiều bài hát về Tây Nguyên…
Đoàn Ca múa nhạc Dân tộc Đắk Lắk đã lên đường ra Hà Nội tham dự Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội sáng 28.9. Ai cũng hy vọng sẽ thể hiện được âm thanh, hương sắc, đất trời và con người Tây Nguyên, tô điểm thêm cho Đại lễ.
. Theo VOV
|