Hoa Đà Lạt trên đường tìm thương hiệu
16:48', 6/1/ 2011 (GMT+7)

 

1ha hoa cao cấp Đà Lạt cho thu nhập trên dưới 1 tỉ đồng mỗi năm.

 

Trên đường phát triển

Hiệp hội Hoa Đà Lạt ước tính tết năm Tân Mão, sản lượng hoa các loại theo dạng bán sỉ của Đà Lạt sẽ không thấp hơn con số 20 triệu cành. Đặc biệt, trong số đó, các loại hoa cao cấp chiếm khoảng 3 triệu cành. Theo số liệu của UBND TP.Đà Lạt,  đến nay Đà Lạt có hơn 2.000 hộ dân chuyên sản xuất và kinh doanh hoa với diện tích hoa được trồng hằng năm hơn 3.500ha và hiện đang triển khai chương trình phát triển ngành hoa theo hướng bền vững giai đoạn 2010 – 2020. Sản lượng hoa của Đà Lạt đã đạt đến con số hơn 1,1 tỉ cành mỗi năm (năm 2005, con số này là 650 triệu cành). Đồng thời, thị trường hoa Đà Lạt giờ đã được mở rộng sang các nước Châu Âu chứ không còn bó hẹp ở Nhật Bản, Đài Loan, Singapore... như trước đây. Đó là những thuận lợi rất cơ bản để hình thành thương hiệu hoa Đà Lạt. Không ít hộ nông dân ở Đà Lạt đã thực sự nhập cuộc trên lĩnh vực sản xuất hoa. Một trong số đó có Chế Quang Đệ - chủ trang trại Lâm Sinh.

Từ năm 1996, ông Chế Quang Đệ đã “vào rừng” (vùng Đạ Sar, huyện Lạc Dương, cách Đà Lạt khoảng 20km) để mua đất, lập trang trại trồng hoa và chuyên trồng hoa lan. Vài năm sau, ông đã sở hữu được một cơ ngơi lên đến 11ha chuyên trồng hoa địa lan và mỗi năm cho thu nhập hơn 10 tỉ đồng. Hoặc như thượng tọa Thích Tuệ Quang - người khá nổi tiếng với việc nhân giống vô tính cây sâm Ngọc Linh trong thời gian gần đây, chính là chủ nhân của một công ty trách nhiệm hữu hạn có đến hơn 60.000 chậu hoa lan trong một thung lũng thuộc khu vực hồ Tuyền Lâm (cách Đà Lạt khoảng 5km). Đà Lạt còn có 16 doanh nghiệp nước ngoài đầu tư trực tiếp vào lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu hoa hiện đang được xem là địa phương dẫn đầu cả nước trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên lĩnh vực trồng hoa.

Cần một thương hiệu đúng nghĩa

Đà Lạt được công nhận là “thành phố Festival hoa”. Với sản phẩm hoa Đà Lạt, theo cách nói của nhiều người, tự thân nó đã là một thương hiệu không có đối thủ cạnh tranh. Có thể vì quá yêu mến hoa Đà Lạt nên có người đã tự bằng lòng với “thương hiệu” hoa Đà Lạt kiểu... tự phong này chăng? Còn trong thực tế, để giao dịch trên thị trường thế giới, hoa Đà Lạt rất cần một thương hiệu đúng nghĩa. Chính vì vậy, ngay từ năm 2005, UBND TP.Đà Lạt đã chính thức đặt vấn đề với Câu lạc bộ Xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam trong việc xây dựng thương hiệu chính thức cho sản phẩm hoa Đà Lạt. Nghề trồng hoa Đà Lạt đã có bước phát triển vượt bậc trong nhiều năm qua, đặc biệt là trong những năm từ 2004.

Trong 3.500ha hoa hiện có của Đà Lạt thì diện tích được sản xuất theo công nghệ cao đã chiếm đến khoảng 1.700ha. Nếu như năm 2008, mỗi hécta đất nông nghiệp của Đà Lạt cho thu nhập chỉ 50 triệu đồng thì con số này hiện nay là 76 triệu đồng. Riêng trên lĩnh vực trồng hoa, con số này còn tăng cao đáng kể: Trong 3.500ha hoa hiện có, thì doanh thu bình quân đã đạt đến con số 300 triệu đồng/ha/năm; riêng diện tích hoa công nghệ cao thì con số này lên đến trên dưới 1,2 tỉ đồng. Tuy nhiên, việc thu nhập ngất ngưởng từ hoa không làm giảm đi khao khát có một thương hiệu đúng nghĩa cho sản phẩm này trong lòng người trồng hoa ở Đà Lạt.

TS Dương Tấn Nhựt – Phó Viện trưởng Viện Sinh học Tây Nguyên - phân tích: Sản phẩm hoa Đà Lạt cần một thị trường nước ngoài rộng lớn hơn nữa trong tương lai. Muốn vậy, không chỉ cần một quy trình công nghệ cao trong sản xuất để cho ra những sản phẩm chất lượng cao, mà hoa Đà Lạt còn rất cần một thương hiệu đúng nghĩa để tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới. Để có một thương hiệu, ngành hoa Đà Lạt rất cần bước đột phá về giống để tạo ra những sản phẩm độc quyền, nhằm chứng minh với thế giới rằng sản phẩm hoa đó chỉ có ở Đà Lạt mà thôi!

. Theo Công Thương điện tử

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Miền Trung: Nhiều công trình thủy điện về đích  (03/01/2011)
Đứt ruột miền Trung   (30/12/2010)
Tây Nguyên - diện mạo mới về kinh tế, xã hội  (27/12/2010)
Khánh thành công trình thủy lợi lớn nhất Đắk Nông  (24/12/2010)
Khánh thành kho ngoại quan lớn nhất khu vực Tây Nguyên  (21/12/2010)
Buôn bán tại Đà Nẵng xưa  (19/12/2010)
Dùng thảo mộc phục hồi tháp Mỹ Sơn  (13/12/2010)
Mưa lớn tại Nam Trung bộ  (07/12/2010)
Nhà sáng chế tuổi học trò  (06/12/2010)
Văn hoá Huế, đâu chỉ mỗi triều Nguyễn   (01/12/2010)
Gốm Bầu Trúc - nét văn hóa Chăm lâu đời ở Ninh Thuận  (28/11/2010)
Tiếp cận “ốc đảo” Sơn Long   (25/11/2010)
Ngày hội văn hóa- thể thao các dân tộc tỉnh Kon Tum   (23/11/2010)
Giao lưu "Hoa hậu Trái Đất 2010 và phố cổ Hội An"  (22/11/2010)
Cát vùi ruộng, nguy cơ dân đói  (16/11/2010)