Nhộn nhịp cảng cá Đề Gi
9:48', 11/10/ 2011 (GMT+7)

Không hổ danh là cảng cá lớn nhất Bình Định, mỗi ngày cảng Đề Gi (xã Cát Khánh, Phù Cát) đón nhận trên 50 tàu đánh bắt xa bờ cập cảng. Một buổi sớm ở Đề Gi, chúng tôi vui chung trong niềm vui của những ngư dân trở về sau tuần trăng với hầm thuyền nặng cá, với sự tất bật của những chủ thu mua và cả niềm vui của những người lao động.

Vựa cá miền Trung

Với tổng vốn đầu tư 52 tỉ đồng, cảng cá Đề Gi được hoàn thành và đưa vào sử dụng từ tháng 9-2006 cho tới nay, trở thành cảng cá lớn nhất của tỉnh Bình Định. Với các hạng mục cầu cảng, đê chắn sóng, luồng lạch thiết kế hiện đại, tiện dụng, cảng cá Đề Gi được hình thành như một “căn cứ” của các tàu đánh bắt xa bờ.

Phân loại cá tại cảng cá Đề Gi.

Đây cũng là nơi tiếp nhận, phân phối, tiêu thụ và sơ chế, bảo quản hải sản để cung ứng cho thị trường, với các dịch vụ hậu cần nghề cá, góp phần thúc đẩy kinh tế biển ở Bình Định. Bên cạnh đó, đây cũng là nơi neo đậu an toàn cho tàu thuyền trú bão. Theo thiết kế, mỗi năm cảng cá Đề Gi có năng lực tiếp nhận 12.000 tấn hải sản và hơn 10.000 tấn hàng hóa khác, bảo đảm cho trên 1.000 tàu thuyền ra vào tránh, trú bão an toàn trong đầm Đạm Thủy.

Mới 5 giờ nhưng vùng cửa biển Đề Gi đã ngập tràn nắng sớm. Theo chân Trung úy Đinh Văn Hảo, kiểm soát viên trạm Kiểm soát BP Đề Gi, chúng tôi xuống cầu cảng ken dày các phương tiện neo đậu. Đang vào tuần “nghỉ trăng” nên các phương tiện về cảng cá rất nhiều.

Trung úy Đinh Văn Hảo bảo: “Những ngày “nghỉ trăng” thế này, có ngày có đến cả trăm phương tiện cập cảng, còn bình thường thì cũng phải 40-50 phương tiện”. Trong âu thuyền Đạm Thủy, tàu neo đậu san sát. Những con tàu sơn xanh, đỏ, trắng và cờ đỏ bay phấp phới theo mỗi đợt gió về. Tiếng người mua, người bán, tiếng mặc cả giá hàng xôn xao; tiếng ầm ầm của máy xay đá, tiếng máy cẩu cẩu những thùng cá từ hầm tàu lên cầu cảng, tiếng xe lạnh ra vào cảng... La liệt trên cảng cá là những khuân cá với đủ màu sắc, đủ loại: Cá đỏ, cá lồ ồ, cá gang, cá nục, cá thu, cá bò gù, mực, tôm... Tất cả tạo nên một không khí nhộn nhịp của một cảng cá sầm uất bậc nhất miền Trung.

Niềm vui người làm nghề cá

Chị Dương Thị Nghiên, chủ thu mua tôm và mực có tiếng tại Đề Gi, bởi ngoài việc thu mua tôm, mực thương phẩm, chị còn thu mua tôm hùm giống để thả vào các lồng bè của mình trong đầm Đạm Thủy. Chị Nghiên cho biết: “Năm nay, lượng tôm và mực nhiều hơn năm ngoái. Tùy từng cỡ, chúng tôi thu mua tôm từ 250 nghìn đến 1,4 triệu đồng/ 1kg. Tôm hùm giống tôi mua với giá 40-50 nghìn đồng/con. Có thuyền đi 1 đêm cũng thu được cả triệu đồng”.

Số lượng lớn hải sản qua cảng mỗi ngày không chỉ là nguồn thu lớn cho các chủ thu mua, mà còn tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động phổ thông tại địa phương... Vào những ngày này, bình quân ngày công lao động cũng được trên dưới trăm ngàn giúp nhiều gia đình nghèo đủ để trang trải cuộc sống.

Trở về từ khơi xa, ông Nguyễn Đắc Hoạt, chủ tàu BĐ 93166TS và Nguyễn Đức Sanh, BKS BĐ 93001TS phấn khởi chia sẻ với mọi người về việc tại sao chỉ đi 1 trăng (khoảng 20 ngày) nhưng khi về đã thu được hơn 1 tỷ đồng.

Theo các “tài công lão làng” này, cần có sự phối hợp, hỗ trợ nhau khi đánh bắt trên biển, nhất là các tàu hành nghề khai thác xa bờ và có thời gian đánh bắt trên biển dài ngày, như: Nghề câu cá ngừ đại dương, vây rút chì, lưới kéo... Trong tình hình giá nhiên liệu tăng cao làm cho phí tổn của mỗi chuyến đi biển tăng, các chủ thuyền bàn nhau đưa ra cách thức khai thác hợp lý, giảm chi phí sản xuất, cộng đồng trách nhiệm trong việc bảo vệ ngư dân và ngư trường.

Được biết, phương thức hỗ trợ nhau trên biển là một hình thức sinh hoạt của tổ tàu thuyền đoàn kết đang hình thành ở tỉnh Bình Định. Các mô hình này cũng đang phát triển ở các huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ, TP Quy Nhơn. Điều đó khiến chúng tôi hiểu tại sao, ở Đề Gi rất ít gặp những con tàu “nằm bờ vì thua lỗ”.

.Theo baobienphong

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nhiều hãng hàng không bay đến miền Trung  (10/10/2011)
Sạt lở hàng trăm tấn đá ở quần thể Ngũ Hành Sơn  (09/09/2011)
Đà Lạt: Phát triển đô thị gắn với bảo tồn kiến trúc và cảnh quan  (30/08/2011)
Chamaléa Âu - Nghệ nhân biểu diễn đàn Chapi  (19/08/2011)
Đã nhân được giống sâm Ngọc Linh bằng công nghệ sinh học   (09/08/2011)
Kon Tum nỗ lực giảm nghèo  (08/08/2011)
Nguồn nước sinh hoạt tại Tây Nguyên bị ô nhiễm nặng  (07/08/2011)
Gần 2.000 tỷ đồng xây nút giao thông trọng điểm miền Trung  (24/07/2011)
Liên kết để phát triển  (14/07/2011)
Di tích Thành nhà Hồ là di sản văn hóa thế giới  (28/06/2011)
Độc đáo gốm Chăm  (20/06/2011)
Siêu khuyển ở Trường Sa  (17/06/2011)
Bình minh ngày mới trên vùng đất Đức Phổ…  (16/06/2011)
Gia Lai: Thủy điện An Khê-Ka Nak hòa lưới quốc gia  (14/06/2011)
Làm giàu từ đất cằn  (07/06/2011)