|
Ngập lụt tại miền Trung thời gian qua có một phần do các Nhà máy thủy điện xả lũ |
Hàng trăm người chết và mất tích, thiệt hại về vật chất hơn 1.000 tỷ đồng do mưa lũ sau cơn bão số 11 vừa qua là những con số đáng phải suy ngẫm.
Xin được đưa ra một bức tranh tổng thể về thuỷ điện miền Trung hiện nay. Tại khu vực này hiện có hơn 6.000 công trình hồ chứa, đập dâng lớn nhỏ, 22 nhà máy thủy điện có công suốt từ 20 - 220MW. Hầu như tất cả tỉnh miền Trung đều có công trình thủy điện khá lớn như Bản Vẽ (Nghệ An), Rào Quán (Quảng Trị), Bình Điền, Cổ Bi, A Vương (Thừa Thiên - Huế), rồi Sông Tranh 2, Đa Mi 4 (Định Bình)... Đây là những công trình nằm trong quy hoạch của Nhà nước, được Thủ tướng, Bộ Công thương phê duyệt. Chủ trương của Nhà nước khi xây dựng các công trình thủy điện là tận dụng một lượng nước rất lớn để làm thuỷ điện, không để nước đổ ra biển một cách lãng phí.
Tuy nhiên, do phân cấp quản lý nên rất nhiều công trình thủy điện nhỏ do địa phương tự thẩm định và cấp phép. Vì thế nên mới có tình trạng là một dòng sông ở miền Trung phải cõng tới hàng chục công trình thuỷ điện. Riêng tỉnh Thừa Thiên Huế có tới gần 15 dự án thủy điện thuộc hệ thống sông Hương; huyện Vĩnh Thạnh tỉnh Bình Định phải gánh tới 11 công trình thuỷ điện lớn… Các địa phương đều “biện minh” cho việc làm này là góp phần chia lửa cùng cả nước trong vấn đề thiếu điện, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực.
Mục tiêu đề ra là vậy, nhưng trong khi cái được còn chưa rõ ràng, thì cái mất lại quá lớn. Để xây dựng các công trình thuỷ điện ở miền Trung, hàng loạt khu rừng nguyên sinh bị san phẳng, mà điển hình là những khu vực rừng nguyên sinh xung quanh công trình thủy điện A Vương tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Hầu hết các dự án thuỷ điện đều đụng đến rừng phòng hộ xung yếu, vì những dự án càng về sau càng phải đi sâu vào rừng. Riêng Thuỷ điện Trà Xom với công suất 20MW ở Phú Yên đã huỷ diệt 600 ha rừng nguyên sinh. Nếu với công thức này, thì công trình A Vương với công suất gấp 10 lần thì diện tích rừng bị huỷ diệt sẽ lớn đến đâu?
Cái mất thứ 2 là mất dòng chảy sinh thái của sông do xây dựng quá nhiều công trình thủy điện trên cùng một dòng sông. Thứ 3 là huỷ hoại môi trường, mất an toàn mùa lũ, thiếu nước về mùa khô. Hậu quả nhãn tiền và rõ ràng nhất chính là hiện tượng lũ chồng lên lũ liên tục trong mấy năm gần đây. Điển hình là cơn bão số 11 vừa qua. Hàng trăm người chết và mất tích, thiệt hại về nhà cửa và hoa màu, giao thông vượt qua con số 1.000 tỷ đồng – Đây là những con số hết sức đau lòng.
Các chuyên gia đều khẳng định, các công trình thủy điện vừa và nhỏ gây thiệt hại nhiều nhất. Các công trình này đa phần đều do tư nhân đầu tư. Nhiều chủ đầu tư làm thủy điện nhưng không tính đến môi trường, thậm chí còn thể hiện rõ mục đích khai thác gỗ từ rừng. Các nhà đầu tư này cũng ít chú trọng đến vận hành hồ thủy điện.
Mặt khác, việc phát triển các công trình thuỷ điện ở khu vực miền Trung thời gian gần đây quá ồ ạt, không có quy hoạch rõ ràng. Việc quy hoạch, khai thác, quản lý nguồn tài nguyên nước trên hệ thống lưu vực sông suối miền Trung rơi vào thực trạng mạnh ai nấy làm. Chưa có một cơ quan nào quản lý về lưu vực sông. Chính bởi vậy mới có hiện tượng nhà đầu tư công trình thủy điện Đắk Mi 4 đã tự tiện chuyển đổi lưu vực sông từ thượng nguồn Vu Gia sang Thu Bồn, thuỷ điện sông Ba chuyển từ sông Ba sang sông Kôn... huỷ hoại môi trường khu vực hạ du mà không bị xử lý.
Thiệt hại do các công trình thủy điện vừa và nhỏ ở miền Trung gây ra trong thời gian qua là quá rõ rệt. Cái lý do mà nhiều địa phương lý giải là do thiếu thông tin, do khu vực này còn quá thiếu các trạm quan trắc. Hiện tại, cả khu vực này mới có khoảng trên 100 trạm, trong khi thực tế đòi hỏi phải có tới 500 trạm mới có thể đảm bảo thông tin đầy đủ.
Xin được nhắc lại ý kiến của Giáo sư Tiến sỹ Ngô Đình Tuấn, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Tài nguyên nước và môi trường Đông Nam Á: "Toàn bộ hồ chứa thủy điện ở miền Trung không đủ dung tích phòng lũ, không có nhiệm vụ chống lũ cho hạ du mà chủ yếu để phát điện".
Các địa phương, các chủ đầu tư xây dựng công trình thủy điện chỉ vì lợi ích cục bộ, trước mắt - cuối cùng hậu quả là “lũ liên tục chồng lên lũ” gây thiệt hại nặng nề thì người dân phải gánh chịu. Những cái chết thương tâm trong cơn lũ dữ là những nỗi đau xé lòng, nhưng làm thế nào để khắc phục tình trạng này? Đây là một bài toán cần giải quyết dứt điểm, không nên trì hoãn nữa.
. Theo VOV |