|
Không khí giã gạo làm bánh và chẻ lồ ô, phơi lá chuối gói bánh chưng chộn rộn khắp núi rừng. |
Trong những ngày đầu Xuân Tân Mão 2011, chúng tôi rời thành phố Nha Trang đến xã Yang Ly (huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa) để được một lần đắm mình trong núi rừng trùng điệp và thưởng thức cái không khí đón Tết của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây là tộc người T'rin, một nhánh rẽ của người K'ho.
Trong cái lạnh se sắt của những ngày đầu xuân nơi thâm sơn, bên ánh lửa bập bùng và men rượu cần được ủ từ lúa rẫy thơm lựng, già Hà Đa, ở thôn Gia Rít, chia vui: "Hồi trước năm 1975, do bị thằng giặc rình rập bắt bớ, giết hại nên người T'rin mình sống khổ lắm, bà con không biết Tết là gì đâu. Bây giờ thì sướng rồi, Tết năm nào bà con cũng được Nhà nước quan tâm hỗ trợ, tặng quà. Năm nay hộ nào cũng được Nhà nước tặng quà cùng số tiền 250.000 đồng nên ai cũng được ấm cái bụng, vui cái lòng, ăn Tết vui vẻ lắm!".
Năm nay 76 mùa rẫy, già Hà Đa tâm tình trước năm 1975, Yang Ly là vùng đất gần như tách biệt với thế giới bên ngoài, nằm giữa núi non trùng điệp, phủ mù sương, điện - đường - trường - trạm không có, lại thêm bị con thú dữ rình rập, bị thằng giặc lùng sục bắt bớ nên hành trình sinh tồn của bà con cực khổ vô cùng. Chỉ riêng chuyện được ăn no mặc ấm bà con còn không dám nghĩ tới, nói chi Tết. Sau năm 1975, núi rừng Yang Ly không còn bóng giặc, cuộc sống của đồng bào T'rin đỡ hơn nhưng cảnh sống bữa đói bữa no vẫn còn theo chân nhiều gia đình. "Từ năm 1990 trở lại đây, được sự quan tâm của Nhà nước cho triển khai làm đường, xây trường học, hỗ trợ cây con giống… nên bà con có điều kiện phát triển kinh tế, đời sống khá lên từng ngày, Tết ngày càng no ấm".
Xã Yang Ly có 280 hộ với 98% số hộ là người đồng bào, số hộ còn lại thuộc các dân tộc Kinh, Raglai, Ê Đê. Năm nay cũng như mọi năm, tuy thanh đạm nhưng hầu như nhà nào cũng đón Tết với bánh tét, thịt heo, gà, vịt và không thiếu những chóe rượu cần thơm lựng được các bà các mẹ cất công ủ từ nhiều tháng trước để dành vui Tết. Tại khu du lịch sinh thái Tiếng Đá, già làng Mà Dá A, nguyên Chủ tịch UBND xã Yang Ly, thủ lĩnh tinh thần của tộc người T'rin trong kháng chiến chống Mỹ, người tiên phong trong cuộc chiến chống đói nghèo ở địa phương, đón chúng tôi bằng nụ cười rạng rỡ với câu chuyện so sánh giữa xưa và nay.
"Ngày trước cuộc sống của người T'rin mình phụ thuộc vào săn bắn, hái lượm, vào mùa vụ bấp bênh của cây lúa rẫy mỗi năm một vụ và phụ thuộc vào nguồn lương thực cứu đói của Nhà nước những khi giáp hạt. Từ năm 2000 trở lại đây, người T'rin đã biết trồng lúa nước mỗi năm 2 vụ, biết chăn nuôi, biết cách thức canh tác thâm canh chứ không đốt rừng làm rẫy…". Già Mà Dá A, khẳng định: "Hộ nghèo ở Yang Ly vẫn còn nhưng cái nghèo bây giờ khác ngày trước lắm. Ngày trước người nghèo do không có điều kiện vươn lên. Nay nếu họ chí thú làm ăn, không sinh đẻ vô kế hoạch, không suốt ngày rượu chè sẽ được bà con trong làng và chính quyền địa phương hỗ trợ hết sức để vươn lên cuộc sống khấm khá".
Theo các già làng, người T'rin không có Tết riêng mà ăn Tết như đồng bào người Kinh. Tuy cùng vui chơi, ăn uống linh đình trong 3 ngày đầu năm nhưng người T'rin cũng có những nét đón Tết rất riêng. Những ngày cuối năm trời trở lạnh nên mỗi nhà tùy điều kiện mà ủ vài hoặc hàng chục hũ rượu cần để dành uống giữ ấm và thết đãi bạn bè, dân làng.
"Rượu dùng uống dịp Tết đặc biệt hơn rượu uống ngày thường" - anh Xà Ma, ở hạ nguồn con suối Lách, cho biết: "Ngày thường việc ủ rượu rất đơn giản, có gì ủ nấy, không kén không chọn. Nhưng rượu uống Tết phải chọn củ mì, trái bắp, hạt lúa đều hạt, chắc và ủ cẩn thận. Rượu Tết là dịp để những phụ nữ ở làng thể hiện tài ủ rượu, sự khéo léo". Chị Cà Thị Linh, vợ Xà Ma bật mí rằng khác người ở phố khi giao thừa thường đổ ra ngoài đường, do ở nơi núi rừng lạnh vắng nên khi đến đêm giao thừa, nếu không quần tụ bên bếp lửa gia đình thì tùy mỗi làng mà mọi người quần tụ bên đống lửa lớn cùng uống rượu cần ăn bánh tét, gõ mã la "đông vui lắm!".
Tết với người T'rin là dịp để những người già say sưa thả hồn với những điệu hát dân ca cổ truyền, hay những câu chuyện kể được truyền miệng qua bao đời có nội dung giáo dục con cháu biết sống kính trên nhường dưới, biết quý con thú, quý cái cây ngọn cỏ bởi mọi vật đều có sự sống và nhất là khi sự sống ấy phục vụ cho sự tồn tại, phát triển của tộc người. Già làng Mà Dá A, sẻ chia: "Năm hết Tết đến còn là thời điểm mà cộng đồng người T'rin động viên, nhắc nhở nhau phải biết quý trọng cuộc sống ấm no như hôm nay và phấn đấu, nỗ lực lao động hơn nữa để ngày càng khấm khá hơn.
"Hôm nay người bệnh ở làng không còn chết oan vì tin lời thầy cúng cúng con ma bệnh cho đến chết. Hủ tục đẻ rừng, cắt cuống rốn bằng cật tre khiến nhiều thai phụ phải chết oan, nhiều đứa trẻ mồ côi mẹ… từ lâu rồi không còn hiện diện ở làng. Cuộc sống mới văn hóa, văn minh đã đến với cộng đồng người T'rin mình từ lâu. Tất cả nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước nên người T'rin mình luôn bảo nhau phải sống sao cho xứng đáng với sự quan tâm ấy" - anh Hà Thái, nguyên Trưởng ban Văn hóa xã Yang Ly, khẳng định.
Rời núi rừng T'tin, chúng tôi mang theo những điệu nhảy sôi động, mạnh mẽ, những nụ cười sáng ngời, tự tin của những chàng trai, cô gái người T'rin tràn đầy sức sống bên ánh lửa bập bùng. Cả ánh mắt chứa chan niềm tin và sự kỳ vọng của những già làng vào thế hệ trẻ
. Theo CANDO |