Hơn 1 tháng qua, trên các cánh đồng nhiều tỉnh miền Trung chuột cắn phá lúa một cách khủng khiếp. Từ trong tết đến nay, tại các tỉnh này, diện tích lúa bị chuột cắn lên đến cả ngàn hécta.
|
Quá nhiều chuột cắn phá lúa, người dân miền Trung đã dùng bao nylon, cờ, rơm để làm “trơi” và bù nhìn đuổi chuột.
|
Quá nhiều chuột
Trên các cánh đồng ở Quảng Nam và Đà Nẵng đâu đâu người dân cũng ta thán về nạn chuột cắn phá lúa. Những đám lúa khoảng 1 tháng tuổi đang thời kỳ đẻ nhánh lổm chổm mảng xanh, mảng vàng do chuột cắn phá.
Dạo qua các cánh đồng nằm dọc QL14B trải dài từ các xã Hòa Nhơn, Hòa Khương, Hòa Phong (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) cho đến Đại Hiệp, Đại Quang, Đại Nghĩa, Đại Lãnh… (huyện Đại Lộc, Quảng Nam) đâu đâu cũng thấy cảnh người dân vội vã vác cuốc ra đồng diệt chuột. Không những thế, nông dân dùng áo mưa, vải, cờ, rơm… làm trơi và bù nhìn để đuổi chuột nên những cánh đồng ngập tràn nhiều màu sắc.
Đang loay hoay cắm trơi và bù nhìn đuổi chuột, ông Lê Phú Hạnh (50 tuổi, thôn Cẩm Toại Trung, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) chỉ tay về đám ruộng lỗ chỗ do chuột cắn, than: “Khổ quá chú ơi, nhà tui làm 8 sào lúa ở 4 cánh đồng Chiên Thượng, Chiên Hạ, đồng Mẫu và Gò Da thì chuột phá hết cả 8. Hơn tháng rồi, tui phải huy động tất cả mọi người trong nhà ra đồng diệt chuột nhưng diệt không hết vì chúng quá nhiều. Không biết do đâu mà chúng xuất hiện nhiều quá, kiểu ni đến khi lúa trổ bông chắc không còn hạt để mà gặt. Tui sống mấy chục năm ở đây, chưa thấy có năm nào chuột nhiều như năm nay”.
Đang vác cuốc ra đồng đào hang chuột, lão nông Nguyễn Trường (75 tuổi, trú Đội 7, thôn Cẩm Toại Trung, xã Hòa Phong) lắc đầu ngao ngán: “Gia đình tui làm 2,4 sào nhưng mấy ngày qua chuột phá hết. Ngày xưa có chuột treo trơi, bù nhìn nó sợ, bây giờ cắm trơi, bù nhìn khắp nơi nó vẫn cứ phá. Giờ không biết làm sao cho hết chuột đây? Kiểu này thì mùa màng mất trắng. Lo nhất bây giờ lúa non chuột đã phá như thế, đến khi lúa làm đòng, thân lúa ngọt hơn chắc chuột phá hết”.
Trong khi đó, hơn tuần qua, nông dân huyện Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam) như ngồi trên lửa và bất lực nhìn chuột cắn phá lúa. Tại các xã Đại Lãnh, Đại Hưng, Đại Phong, Đại Cường (huyện Đại Lộc), đặc biệt ở các cánh đồng xã Đại Hiệp, diện tích lúa bị chuột cắn phá tăng lên ngày một. Trong khi tại các cánh đồng ở Điện Bàn, nhất là cánh đồng La Trung (Điện Thọ), nông dân lo lắng hơn bao giờ hết khi chuột đang tràn về cắn phá lúa.
Năng suất sẽ giảm mạnh
Theo ông Nguyễn Tấn Phát, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Bình Định, toàn tỉnh có hàng trăm hécta lúa đông - xuân bị chuột gây hại với mức độ thiệt hại trung bình từ 5%-10%. Trong đó, nặng nhất là các huyện Tuy Phước (96 ha), Hoài Ân (20ha), Hoài Nhơn (15ha), Phù Cát (17ha)… Theo nông dân, năm 2010 do mưa lũ không lớn nên chuột ít bị chết và các biện pháp tiêu diệt chuột như dùng bạt nylon, đánh bả thuốc, dùng dầu nhớt bôi quanh bờ ruộng… không hiệu quả. Trong khi đó, các ngành chức năng, đơn vị chuyên môn vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu nào giúp nhân dân diệt chuột mà chỉ dừng lại ở các cuộc… phát động.
Trao đổi với PV SGGP, ông Hồ Ngọc Mẫn, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đại Lộc (Quảng Nam), cho biết: Toàn huyện có 4.367ha lúa thì chuột đã phá hết 165ha. Năm nay do lụt nhỏ nên chuột sinh sôi rất nhiều. Trước khi vào vụ mùa, huyện đã vận động nhân dân đồng loạt ra quân đào diệt hơn 16.500 con chuột nhưng đến nay chuột vẫn cắn phá trên diện rộng. Huyện cũng đã cung ứng 4 tấn bả chuột cho nhân dân diệt chuột.
Bà Phạm Thị Xuân Hạnh, Trưởng phòng kỹ thuật – Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật TP Đà Nẵng, cho biết: Trong và sau tết đến nay, chuột phá lúa trên diện rộng ở tất cả các cánh đồng trên địa bàn thành phố với tỷ lệ hư hại từ 1%-4%. Theo thống kê, toàn thành phố có 335ha/3.500ha bị chuột phá hại (chiếm 10%).
Để diệt chuột bảo vệ mùa màng, từ đầu vụ đến nay, chi cục đã phát trên 8.750 gói hóa chất diệt chuột và đã diệt được 13.831 con nhưng lượng chuột phá hoại vẫn không giảm. Bà Hạnh cảnh báo, nếu như người dân và chính quyền địa phương không chủ động diệt chuột, nguy cơ năng suất vụ đông - xuân năm nay ở Đà Nẵng giảm mạnh.
Ông Nguyễn Tấn Phát, Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh Bình Định, cho biết: “Cách diệt chuột trong thời gian qua vẫn chưa mang lại hiệu quả cao vì hầu như các hộ nông dân mạnh ai nấy làm, thiếu tính cộng đồng và thường xuyên. Phương pháp diệt chuột còn khá sơ sài, không diệt được tận gốc ổ chuột. Chẳng hạn, bẫy cây trồng là phương pháp có nhiều ưu điểm, Chi cục BVTV đã xây dựng các mô hình chứng minh và phổ biến, nhưng các địa phương và nông dân ít áp dụng. Việc đào bắt tận ổ chuột sinh sản là phương pháp thủ công hữu hiệu nhưng ít được nông dân thực hiện. Họ chỉ đơn thuần đánh bả hoặc cắm cờ để xua đuổi chuột nên kết quả không cao”. |
. Theo SGGP |