Nắng và gió Tây Nguyên
18:50', 26/3/ 2011 (GMT+7)

Một góc Tây Nguyên nắng gió...

Những ngày lạnh giá u ám ở Hà Nội khiến người ta có cảm giác thèm một ngày nắng ráo, được sưởi ấm, các cô gái thì mặc những bộ váy hoa mát mẻ, rực rỡ tung bay ở nơi nào đó ấm áp. Một chuyến du lịch balô lên miền Tây Nguyên nắng gió vào thời điểm này  hoàn toàn là ý tưởng hoàn hảo.

Miền của nắng và gió

Cái hay của Tây Nguyên là đã đặt chân đến một thành phố thì không thể không đi đến những nơi khác dọc miền cao nguyên đầy nắng và gió này. Nếu đã ở TP.Kon Tum thì không khó khăn gì để “nhảy” ôtô vài chục cây để vào Pleiku (Gia Lai).

Mà đã ở Pleiku rồi thì lại càng khoái chí muốn vào thăm “thủ phủ” Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc). Đã vậy, thành phố này chỉ cách Đà Lạt gần 200km thôi, nên chẳng dại gì mà không “nấn ná” thêm dăm hôm để được đặt chân đến thành phố đầy chất thơ này!

Chính bởi lẽ đó nên những ai có ý định khám phá Tây Nguyên thì hãy chuẩn bị sức khỏe và cả thời gian vi vu ít nhất là một tuần lễ, thì mới kịp ngó nghiêng miền đất hoang dã thú vị này.
Đường sá tại đây rất dễ lưu thông, tất nhiên là vùng núi nên có nhiều cung đường hơi gập ghềnh, có phần quanh co, nên khá thi vị. Nếu ai đó có ý định du lịch bằng xe máy, thì không hề lo ngại gì, bởi so với những cung đường Tây Bắc thì đường tại đây “ngon lành” hơn rất nhiều.

Quốc lộ 14 chính là huyết mạch chạy xuyên các tỉnh Tây Nguyên. Nếu chạy xe máy rong ruổi suốt cung đường này, hẳn sẽ có một cảm giác rất tuyệt vời. Trời Tây Nguyên mùa này nắng ráo, hơi khô hanh, song gió từ đại ngàn thổi về rất mạnh. Vì vậy dù nắng nóng, nhưng không hề thấy bức bối tí nào. Sáng sớm và về đêm trời hơi se lạnh nên càng khiến cho du khách dễ chịu hơn. Chạy dọc quốc lộ là những cánh rừng caosu thẳng tắp, những vườn hồ tiêu xanh rì trĩu quả và cả những vườn càphê đang mùa trổ hoa trắng muốt dọc đường đi.

Vừa chạy xe vừa hít hà cái không khí khoáng đạt lồng lộng gió này mới thấy thoát ra khỏi chốn đô thị ngột ngạt để hoà mình vào thiên nhiên hoang dã trong lành nơi đây thú vị như thế nào. Cung đường từ Pleiku sang Buôn Ma Thuột dài khoảng 200km, dọc đường có thể dừng chân tại rất nhiều địa điểm lý thú như Chư Sê, Ea Hleo... với phần đông là người dân tộc Ê Đê, Ba Na và cả những bà con các dân tộc thiểu số từ miền Bắc vào di dân như Thái, Dao, Mông...

Đi đâu cũng gặp nụ cười hiền hoà, gương mặt ngăm đen rắn rỏi của đồng bào nơi đây. Nếu muốn khám phá cuộc sống của bà con nơi đây thì chắc chắn một điều là sẽ khiến du khách hoà nhập rất nhanh bởi sự nhiệt tình hiếm có của người dân vùng cao nguyên lộng gió này.

Hương vị của rừng

Trên những chặng đường rong ruổi qua miền nắng gió Tây Nguyên, sẽ có nhiều điểm dừng chân lý tưởng. Buôn Ma Thuột được xem là sự lựa chọn số một. Quả không hổ danh thủ phủ Tây Nguyên, thành phố này rất khang trang và tấp nập dân cư. Một điểm dễ nhận thấy ngay từ khi bước chân vào cửa ngõ thành phố là sự sạch sẽ, trong lành với những tán cây rộng mát chạy dọc những phố chính.

Buôn Ma Thuột không quá rộng lớn và sầm uất, nhưng vẫn có đủ mọi nhu cầu cao cho du khách. Khu vực ngoại thành còn quy hoạch bởi những dãy biệt thự nguy nga theo kiến trúc cổ xưa, tạo nên điểm nhấn.

Và dĩ nhiên, không thể không nhắc đến đặc sản của nơi đây, đó là càphê. Chính nhờ thứ thức uống đặc trưng này mà không chỉ ở Buôn Ma Thuột, những thành phố khác như Pleiku, Kon Tum hay Đà Lạt... đều tập trung đầu tư những quán càphê có kiến trúc tuyệt đẹp, mãn mục du khách. Nếu ở Pleiku, những ai yêu thích càphê đều hài lòng với “Làng càphê Trung Nguyên” ngay trung tâm thành phố thì tại  Buôn Ma Thuột, điểm nhấn của phong cách uống càphê chính là ở khu vực ngoại thành.

Nhiều quán càphê tại đây biết tận dụng không gian thoáng mát của cao nguyên bằng cách thiết kế những sân vườn rộng rãi. Và càphê thì không chê vào đâu được! Phin càphê đặc sánh, thơm nồng vị càphê robusta đặc trưng sẽ hoàn toàn chinh phục cho những tín đồ càphê khó tính nhất. Nhiều quán càphê không dùng những càphê có thương hiệu lớn để pha mà ngược lại, họ tận dụng những sản phẩm của các nông hộ nhỏ lẻ, tự làm càphê bằng kiểu thủ công. Nhiều chủ hàng càphê “tiết lộ”, chính những sản phẩm càphê “không tên” này mới là càphê ngon và hợp khẩu vị với những ai “ghiền” càphê.

Đến Buôn Ma Thuột, hầu hết khách du lịch đều dành thời gian ghé qua Buôn Đôn cưỡi voi, tắm suối. Sau một ngày vui chơi trong không gian của buôn làng, những món ăn đặc chất Tây Nguyên sẽ khiến nhiều người hài lòng. Tôi đã từng ăn một lúc hết hai đĩa rau rừng xanh mướt chấm với khô quẹt – một loại nước chấm chưng lên từ tôm khô và thịt bằm. Thứ rau rừng ngọt lừ kết hợp với nước chấm mặn ngọt quả là không thể nào quên được.

Suốt những ngày ở thành phố núi xinh đẹp này, tôi còn có dịp được thưởng thức món bún đỏ, thịt lợn rừng hấp, cá lăng sông Sêrêpốk... với hương vị đặc trưng của miền Trung là đậm đà và khá cay. Nghỉ ngơi và thư dãn bằng không gian khoáng đạt, lồng lộng nắng gió, bằng tách càphê thơm nồng và những món ăn đậm đà nơi đây... đã khiến tôi có ý định không thể không trở lại Tây Nguyên vào một ngày gần nhất. Có lẽ là sẽ chờ đến mùa dã quỳ nở vàng rực trên những cánh rừng già vào những ngày cuối mùa mưa tới... 

. Theo LĐO

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
CDIA hỗ trợ Đà Nẵng 400.000 USD xử lý nước thải  (23/03/2011)
Xây dựng thương hiệu hoa địa lan Đà Lạt  (18/03/2011)
Liên hoan Ngày hội văn hóa thể thao tuổi trẻ các dân tộc tỉnh Kon Tum lần thứ 10  (15/03/2011)
Thu hồi dự án có vốn đầu tư hơn 11 tỉ USD  (14/03/2011)
Cà phê Tây Nguyên: Từ vườn ra “biển lớn”  (13/03/2011)
Đà Nẵng: Xây dựng trạm cảnh báo sóng thần đầu tiên tại Việt Nam  (11/03/2011)
Chương trình Khai mạc Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ III sẽ cực kì hoành tráng  (09/03/2011)
Đà Nẵng: thi tuyển hàng loạt vị trí cán bộ lãnh đạo, quản lý trong năm 2011  (04/03/2011)
Đề nghị dừng siêu dự án 250 tỷ USD  (25/02/2011)
Miền Trung đã có khu công viên phần mềm đầu tiên  (24/02/2011)
Phát hiện dưới lòng hồ nhiều hiện vật trên 4000 năm tuổi  (22/02/2011)
Đồng lúa miền Trung tiêu điều vì chuột  (21/02/2011)
Bắn pháo hoa 9 điểm chào mừng 400 năm và khai mạc Năm du lịch quốc gia 2011  (16/02/2011)
National Geographic ca ngợi vẻ đẹp hang Sơn Đoòng  (13/02/2011)
“Đà Nẵng có môi trường đầu tư tốt nhất Việt Nam”  (11/02/2011)