Tây Nguyên khô hạn, nông dân lao đao
15:1', 13/4/ 2011 (GMT+7)

Người dân Tây Nguyên tận dụng nguồn nước để cứu cây cà phê

Hàng trăm ngàn ha cà phê và các cây trồng khác ở Tây Nguyên đang co quắp lá chờ nước tưới, thế nhưng nguồn nước đang cạn kiệt.

Khốc liệt mùa khô

Tỉnh Gia Lai hiện có gần 80.000ha cà phê được phân bổ tập trung ở các huyện phía Tây và Đông Trường Sơn. Tình hình hạn hán trong mùa khô năm 2010-2011 đến sớm và ngày càng khốc liệt hơn; nguồn nước tưới cho cây cà phê từ các mương, suối, ao, hồ… đã cạn kiệt. Dù đã có vài trận mưa ở một số nơi trên vùng khô hạn này hồi giữa tháng 3 nhưng lượng mưa không đáng kể, buộc nông dân trồng cà phê phải “tưới đuổi” để đủ độ ẩm cho cây đơm hoa kết trái.

Tại vùng cà phê xã Ia Sao, huyện Ia Grai (vùng chuyên canh lớn nhất tỉnh Gia Lai), trong đợt tưới đầu tiên, nhiều hộ dân phải chở nước từ các sông, suối lớn về tưới vườn cho cây kịp ra hoa. Một số hộ phải mua nước về cứu vườn cà phê héo úa với chi phí khoảng 10.000 đồng/cây. Hiện nay, hồ nước rộng hàng chục ha cung cấp nước cho vùng cà phê thuộc đội 1 và đội 9 ở xã này đã khô đến đáy, trong khi nông dân đang chuẩn bị cho đợt tưới thứ 2…

Tại xã Đăk La, huyện Đăk Hà (tỉnh Kon Tum), đập thủy lợi Cà Sâm, một đập thủy lợi lớn hiếm thấy cạn nước, nay đã trơ đáy. Lãnh đạo đơn vị quản lý đập, Công ty CP Khai thác và xây dựng thủy lợi Kon Tum, cho biết, năng lực tưới theo thiết kế của đập Cà Sâm là 100ha. Đến trung tuần tháng 4, rừng đầu nguồn không còn, công trình lại không có các khe nước chảy ổn định vào lòng hồ nên bị cạn. Nếu trong những ngày tới, trời không mưa, ruộng lúa đang làm đòng dưới đập có thể chết khát. 

Ở tỉnh Đắc Lắc, mạch nước ngầm tại TP Buôn Ma Thuột gần như cạn kiệt, nhiều gia đình phải ròng ống bơm hơn 2 km tìm nguồn nước cho vườn cà phê. Cây cà phê đang bước vào thời kỳ cho quả non, tỷ lệ đậu quả cao. Tuy nhiên, nếu thời tiết tiếp tục khô hạn đến hết tháng 4, tỷ lệ mất mùa trong niên vụ 2011 sẽ vượt 15% của niên vụ trước. Anh Trần Văn Đức, một nông dân trồng cà phê ở thị xã Buôn Hồ (tỉnh Đắc Lắc) cho biết: “Nếu từ giờ đến hết tháng 4 có mưa, tỷ lệ mất mùa chỉ khoảng 5%- 7%, nếu không, có thể lên tới 30%”.

Khô hạn cũng đang hoành hành khắp huyện biên giới Đức Cơ của tỉnh Gia Lai. Con suối lớn chảy qua địa bàn xã Ia K’rêl đã khô kiệt ngay từ đầu tháng Giêng âm lịch; các khe, mương ở đây chỉ còn lại một lớp bùn khô nứt vết chân chim.

Tìm mạch nước nuôi cây

Hàng ngàn nông dân trồng cà phê ở Tây Nguyên chờ nước cho đợt tưới thứ 2 đang thắc thỏm như ngồi trên lửa. Không còn cách nào khác buộc nông dân phải “thắt lưng buộc bụng”, bỏ ra hàng chục triệu đồng để “âm” vào lòng đất tìm mạch nước chống hạn. Anh Hồ Văn Thọ ở xã Ia Băng, huyện Đăk Đoa (tỉnh Gia Lai) cho biết: “Tất cả những hộ dân trồng cà phê đều phải đào giếng để lấy nước tưới cho cây trồng. Tôi đã đào một giếng ở rẫy bên kia hết khoảng 30 triệu đồng, giờ lại tiếp tục đào thêm giếng để tưới cho rẫy này”. Nằm trên đỉnh đồi xã Ia Băng, hàng chục giếng nước đã được đào ngay giữa rẫy cà phê trong một tháng qua. Mỗi giếng nước sâu 20- 30m, đáy được đào rộng ra với đường kính khoảng 5m, rồi dùng khoan thủy lực khoan xuyên 4 mũi vào lòng đất đến vài chục mét để tìm mạch nước.

Tại địa bàn huyện Krông Pách (tỉnh Đắc Lắc), hàng trăm hộ dân đang sốt ruột đào, khoan giếng tìm nguồn nước. Ngay hôm chúng tôi đến, anh Nguyễn Văn Lắm, xã Ea Phê, đang thuê người đưa máy khoan thủy lực vào lòng đất tìm mạch nước. Những giếng cũ năm nay cạn nước nên dân tiếp tục đào sâu và khoan thêm nhiều mũi khoan mới.

Những hộ dân có rẫy cà phê gần các đồng ruộng, hồ nước, sông, suối cũng phải múc hồ để tìm thêm mạch nước ngầm trong lòng đất. Con suối lớn ở xã Ia K’rêl, huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) đã khô kiệt không còn nước. Người dân trồng cà phê dọc hai bên đã múc hàng chục hồ nước ngay giữa suối với độ sâu hơn 5m nhưng mạch nước ngầm vẫn rất yếu. Nông dân Nguyễn Văn Sương than thở: “Mọi năm, dòng suối này vẫn đủ nước tưới. Năm nay suối cạn, đào hồ giữa suối nhưng vẫn không tìm thấy mạch nước. Tôi đào hồ này hết 17 triệu đồng nhưng mỗi ngày chỉ tưới được khoảng 30 gốc cà phê là hết nước”.

. Theo SGGP

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Phát hiện trống đồng hơn 2.000 năm tuổi ở Đắk Lắk  (08/04/2011)
Tín ngưỡng đa thần và phong tục tập quán của người M’nông  (07/04/2011)
Đưa nhà ga mới sân bay Đà Nẵng vào hoạt động  (03/04/2011)
Kỷ niệm 400 năm thành lập tỉnh Phú Yên  (01/04/2011)
Phú Yên: Khánh thành Khu di tích thành An Thổ  (01/04/2011)
Hoàn thành Khu di tích lịch sử Tàu không số Vũng Rô  (28/03/2011)
Nắng và gió Tây Nguyên  (26/03/2011)
CDIA hỗ trợ Đà Nẵng 400.000 USD xử lý nước thải  (23/03/2011)
Xây dựng thương hiệu hoa địa lan Đà Lạt  (18/03/2011)
Liên hoan Ngày hội văn hóa thể thao tuổi trẻ các dân tộc tỉnh Kon Tum lần thứ 10  (15/03/2011)
Thu hồi dự án có vốn đầu tư hơn 11 tỉ USD  (14/03/2011)
Cà phê Tây Nguyên: Từ vườn ra “biển lớn”  (13/03/2011)
Đà Nẵng: Xây dựng trạm cảnh báo sóng thần đầu tiên tại Việt Nam  (11/03/2011)
Chương trình Khai mạc Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ III sẽ cực kì hoành tráng  (09/03/2011)
Đà Nẵng: thi tuyển hàng loạt vị trí cán bộ lãnh đạo, quản lý trong năm 2011  (04/03/2011)