|
Đồng bào Gia Lai biểu diễn cồng chiêng |
Đã từ lâu, cồng chiêng Tây Nguyên và vùng núi phía Tây dãy Trường Sơn đã gắn liền với đời sống văn hóa tinh thần, mang đậm dấu ấn bản sắc vùng miền của những người dân tộc thiểu số. Nền văn hóa đặc sắc, tồn tại từ bao đời, không hề bị ảnh hưởng lớn bởi nền văn hóa Ấn Độ và Trung Hoa...
Lớn lên từ tiếng cồng chiêng
Đối với đời sống tinh thần của các tộc người thiểu số, cồng chiêng gắn liền với cuộc đời của con người từ thuở lọt lòng cho đến khi trở về với cát bụi. Tiếng chiêng không chỉ ngân lên trong những thời khắc trời đất giao hòa, những thời điểm quan trọng trong cuộc đời mỗi con người, mà còn thúc giục trai tráng xung trận, chiến đấu bảo vệ buôn làng và sau đó lại hòa cùng các điệu múa dân gian trong lễ hội đâm trâu mừng ngày chiến thắng.
Tiếng cồng chiêng cũng có lúc dặt dìu, trầm lắng theo lời kể say sưa của già làng, trưởng bản quanh những câu chuyện đậm màu huyền thoại trong kho tàng sử thi vô cùng quý báu tự ngàn xưa của tiên tổ...
Cồng chiêng không đơn thuần là thứ nhạc cụ truyền thống của các tộc người mà còn là biểu tượng, là linh hồn và sức mạnh tinh thần của con người cả trong chiến tranh và hòa bình.
Nằm ở phía Tây dãy Trường Sơn, một số địa phương như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi... đã thường xuyên tổ chức lễ hội các dân tộc thiểu số. Dàn cồng chiêng của tộc người Xê đăng, Cơ tu, Cor, Ca dong...lại được dịp trình diễn những điệu múa dân gian truyền thống trong tiếng cồng chiêng dặt dìu. Dù không quy mô như không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, nhưng lại mang bản sắc riêng.
Cần được bảo tồn, gìn giữ và phát triển
Giá trị văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên - Tây Trường Sơn có thể được coi là độc nhất vô nhị nhưng trong xu thế hội nhập, không gian văn hóa này đang đứng trước những khó khăn, thử thách. Theo ý kiến của các nhà nghiên cứu văn hóa cồng chiêng, thì sự tác động về yếu tố văn hóa đa phương, đa tộc cùng không gian truyền thống “Làng gắn với rừng” bị phá vỡ do quá trình định canh, định cư theo mô hình kinh tế hộ gia đình, do các công trình thủy điện... dẫn tới nhiều buôn, làng, nhà gươi biến mất, không gian dành cho cồng chiêng bị thu hẹp.
Tình trạng “chảy máu” cồng chiêng ngày càng gia tăng. Thậm chí có vùng dân tộc không còn nhà gươi để tổ chức các lễ hội truyền thống và lễ nghi tín ngưỡng; có địa phương kinh doanh thu lợi từ việc lấy cồng chiêng phục vụ nhu cầu vật chất bằng cách đem cồng chiêng nung chảy thành đồng khối, hay một số hộ gia đình vì lý do nghèo khó cũng đem cồng chiêng trao đổi, mua bán lấy tiền cho cuộc mưu sinh hàng ngày.
Có thể thấy rằng, hiện nay, công tác giáo dục truyền thống và bảo tồn các giá trị văn hóa còn hạn chế, trong khi cuộc sống ngày càng hiện đại, giới trẻ thích sử dụng những loại nhạc cụ hiện đại, thì việc thờ ơ với nhạc cụ cổ truyền là điều khó tránh khỏi...
Để góp phần giữ gìn nghệ thuật cồng chiêng mãi mãi là di sản văn hóa độc đáo mang bản sắc riêng có trong xu thế hội nhập, nên chăng chúng ta cần thường xuyên tổ chức các cuộc liên hoan, hội thảo về văn hóa cồng chiêng trên phạm vi toàn quốc, để lắng nghe, tuyên truyền và cập nhật nhiều thông tin hơn nữa trong qua trình bảo tồn, phát huy di sản văn hóa quý giá này.
Muốn vậy, việc làm đầu tiên, có lẽ các địa phương cần tuyên truyền để người dân hiểu những giá trị quý báu của cồng chiêng trong đời sống tinh thần. Đồng thời lên án mạnh mẽ mọi hoạt động liên quan đến việc buôn bán, thương mại hóa cồng chiêng.
. Theo QĐND Online |