Hơn hai ngày đêm vượt muôn trùng dương, muôn ngàn mây, muôn ánh sao đêm giữa thinh không vũ trụ, chuyến bay đưa tôi từ bang California (Mỹ) đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất của Việt Nam.
Hơn 30 năm sống xa “xứ nẫu”, tôi nhớ da diết nơi chôn nhau cắt rốn, nhớ người thân, nhớ quê hương, nhớ tiếng “nẫu” thân thương! Vậy nên dù mới trải qua chuyến đi dài khá mệt mỏi, tôi vẫn “book” ngay vé máy bay từ TP Hồ Chí Minh về Tuy Hòa. Trong lúc chờ đợi, tôi mua một số tờ báo và may mắn đọc được mẩu tin “Đã chọn được biểu trưng tỉnh Phú Yên” nhằm kỷ niệm 400 tỉnh Phú Yên (1/4/2011) và Năm Du lịch quốc gia Duyên hải Nam Trung Bộ - Phú Yên 2011. Nhìn biểu trưng Phú Yên để chuẩn bị cho đại lễ 400 năm với đặc điểm thắng cảnh là núi Đá Bia, sông Ba và đồng lúa Tuy Hòa, lòng tôi trỗi dậy niềm tự hào về bề dày lịch sử hình thành và phát triển Phú Yên; càng chộn rộn, nôn nao, háo hức muốn có mặt ngay ở quê nhà để nhận diện “Con đường hàng tỉnh tôi đi/Ba mươi năm ấy có gì đổi thay!”...
Máy bay cất cánh. Bầu trời thẳm xanh. Sài thành hoa lệ dần lùi xa. Tôi thong thả tựa lưng vào ghế, trầm ngâm nghĩ ngợi về nơi cội nguồn. Hồi học cấp III, khi đọc sách Địa dư tỉnh Phú Yên của Nguyễn Đình Cẩm và Trần Sĩ xuất bản năm 1938, tôi nhớ ở trang 31 có đoạn viết: “Tuy Hòa không phải là thành phố có đã lâu (hồi đó các đô thị nhỏ cũng quen gọi là thành phố). Độ hai mươi năm về trước, Tuy Hòa là bãi tha ma, rải rác đôi túp lều tranh vài ba cái phố ngói…”. Vào đầu thập niên 20 của thế kỷ XX, Tuy Hòa là thế. Qua đầu thập niên 30, Tuy Hòa bắt đầu chỉnh trang về đường sá, phát triển thương mại. Cũng theo sách này, sau khi hoàng đế Bảo Đại vặn con ốc cuối cùng trên thiết lộ xuyên Đông Dương nối liền Nam - Bắc tại km1222 về phía nam ga Hảo Sơn, chuyến tàu hỏa đầu tiên tiến vào ga Tuy Hòa vào ngày 1/10/1936. Tuy Hòa nằm sát biển, nên cũng thuận lợi cho vận chuyển biển, nhiều thuyền buồm lớn từ cửa Đà Diễn cũng ra khơi, đã đến các cảng Sài Gòn, Hải Phòng và cả Hồng Kông... Sau ngày Tổng khởi nghĩa, Cách mạng Tháng Tám 1945, nhân dân Tuy Hòa hăm hở đón mừng ngày độc lập. Nhưng chỉ ít lâu sau, người Pháp âm mưu trở lại Đông Dương. Hồ Chủ tịch ra “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”. Tuy Hòa phải chịu chung số phận của cả nước, nhưng khắc nghiệt hơn nhiều nơi khác vì Tuy Hòa là địa đầu của giới tuyến... Và trải qua bao biến cố lịch sử, qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ cứu nước, cùng với cả nước, TX Tuy Hòa và tỉnh Phú Yên được hoàn toàn giải phóng tháng 4/1975. Từ đó, TX Tuy Hòa được đầu tư phát triển nhanh hơn...
Ký ức tuổi thơ gắn với dòng sông Ba, con đò, với con đường, trường học thân yêu... chợt ùa về trong tâm trí tôi. Tôi sinh ra và lớn lên ở làng cá Phú Câu nằm sát hạ lưu con sông Ba êm ả và thơ mộng. Trước mặt nhà tôi, ông ngoại trồng mấy bụi tre, quanh năm xõa bóng xuống dòng sông. Ba tôi bỏ đi biền biệt, còn mẹ buôn gánh bán bưng. Ngày ngày, ngoài giờ học, ba anh em tôi lại ra bụi tre lấy chiếc sõng đi giăng lưới bắt cá. Hồi ấy, ở cửa sông Ba, cá nhiều vô kể. Dân xóm tôi chủ yếu làm nghề biển. Dù tàu thuyền nhỏ nhưng đánh bắt được nhiều cá, nhất là cá chuồn đổ thành từng đống to như những đụn rơm, bán rẻ như cho. Dân xóm tôi quanh năm đối mặt với cát bay cát nhảy, bởi gió biển thông thốc qua những “vú” cát ở dọc dài bờ biển. Dân ở nội thị sống quần cư theo các con đường chính Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, đường số 6 (nay là đường Nguyễn Huệ)... Cơ sở hạ tầng, công sở, trường học... xây dựng chưa nhiều. Có một nhà máy nhiệt điện đủ cung cấp ánh sáng cho toàn nội thị. Trường học thu hút nhiều học sinh nhất là Trường THPT Nguyễn Huệ. Những năm 1977, 1978, khi học cấp III (lớp 10 D7, lớp 11 D4) ở trường này, tôi làm lớp trưởng, còn bạn Phạm Hiếu Vinh làm lớp phó học tập. Vinh với tôi thân nhau như anh em ruột, cùng chụm đầu giải toán, cùng nhà trường đi khai quang phục hóa ở Sơn Thành, Lỗ Rong, trồng cây chắn gió biển... Mấy năm trước, Vinh lần tìm được địa chỉ của tôi rồi liên lạc bảo rằng, bạn làm bác sĩ và đã lên chức Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Phú Yên. Cái thằng Vinh “bé hạt tiêu”, tinh nghịch nhưng học giỏi ngày ấy, bây giờ đã thành đạt trong cuộc sống! Còn tôi, sau năm học chung lớp 11 với Vinh, định mệnh cuộc đời bỗng chốc chuyển sang ngả rẽ khác, cuối cùng định cư ở bang California (Mỹ) cho đến ngày hôm nay...
Đang miên man nhớ về tuổi thơ, thì cô tiếp viên hàng không thông báo máy bay sắp hạ cánh xuống sân bay Tuy Hòa. Tôi nhìn đồng hồ. Chỉ hơn một giờ bay từ TP Hồ Chí Minh về Tuy Hòa, nhanh quá, thuận lợi quá!
Mẹ đã mất, cậu ruột tôi – ông Phan Quy Sách – ra sân bay đón tôi về ở nhà số 27/19 Nguyễn Công Trứ, phường 4, TP Tuy Hòa. Sau bữa cơm mừng đoàn tụ, cậu Sách giới thiệu đứa con rể làm nhà báo nắm bắt được nhiều chuyện “thời sự” để chuyện trò thâu đêm. Những ngày sau đó, tôi “bắt cóc” người làm báo để làm “hướng dẫn viên” bất đắc dĩ cho tôi đi qua từng góc phố để thăm thú, nhận diện thành phố trẻ quê mình. Tôi ngỡ ngàng, không tin vào mắt mình trước một Tuy Hòa vốn nhỏ “như lòng bàn tay”, bây giờ được chỉnh trang to đẹp. So với ngày tôi xa quê, phố phường quá khác lạ, những khu nhà xập xệ, nhàu nhĩ nơi tôi ở không còn nữa; đồi cát gần biển, nghĩa địa... giờ lên phố.
Theo lời thuyết minh của “người làm báo”, chỉ sau mấy năm sau khi từ thị xã lên thành phố (5/1/2005), Tuy Hòa bỗng “thoát xác”, những công trình xây dựng mọc lên, nhà cao tầng xuất hiện ở nhiều nơi trong phố. Nhìn Tuy Hòa thời mở cửa, thời kỳ “quy hoạch chia lô” lên ngôi, tôi như cảm nhận đã thiếu vắng hẳn những bóng cây quen thuộc. Trên đại lộ Hùng Vương đã mọc lên các khu đô thị mới FBS, Hưng Phú, khu công nghiệp An Phú, cùng hàng loạt biệt thự, khách sạn như Kaya, Hùng Vương... TP Tuy Hòa phát triển mạnh về phía đông bắc làm thay đổi cảnh sắc của một vùng quê vốn yên tĩnh. Ở phía tây thành phố, khu du lịch Thuận Thảo khá đẹp và thu hút nhiều khách. Quốc lộ 1A ngày nào giờ đã biến thành con đường nội ô luôn tươi màu sắc hoa và rực sáng khi đêm về. Thành phố đang mở rộng về phía Nam, đến tận cảng Vũng Rô, với một dự án kỳ vĩ là xây dựng khu đô thị Nam Tuy Hòa hiện đại rộng 350ha... Trước mặt nhà tôi, giờ chẳng còn bụi tre nào, thay vào đó là con đường Bạch Đằng ven sông rất thơ mộng và chiếc cầu Hùng Vương mới khánh thành trước Tết Tân Mão. Bến cảng phường 6 tàu thuyền ra vào tấp nập. Nghề câu cá ngừ xuất khẩu ở làng biển Phú Câu (phường 6) đã trở thành điển hình trong cả nước. Tỉnh đang chạy đua hoàn thiện những công trình để phục vụ Đại lễ 400 Phú Yên và Năm Du lịch quốc gia Duyên hải Nam Trung Bộ - Phú Yên 2011. Nhờ vậy, TP Tuy Hòa thêm nhộn nhịp, đêm rực rỡ ánh đèn đủ màu sắc. Tôi chợt nhận ra TP Tuy Hòa như “nàng công chúa” ngủ quên, bỗng choàng tỉnh dậy trong “chiếc áo mới” sang trọng...
Chiều nay, ngồi bên chân sóng và nhìn những hàng dương xanh ngát, lao xao bên bờ biển như nét chấm phá tôn tạo vẻ đẹp thành phố, tôi phát hiện bãi biển Tuy Hòa đẹp, nhưng còn hoang sơ quá. Từ thiên đường du lịch ở California, tôi nghĩ, ngoài chương trình kinh tế biển, Tuy Hòa nên hướng đến chiến lược quan trọng là phát triển thành phố du lịch hấp dẫn bằng cách đánh thức tiềm năng từ những cảnh quan thiên nhiên thơ mộng như: bãi biển Tuy Hòa, bãi biển Long Thủy, núi Nhạn, sông Đà Rằng... Lợi thế phát triển ngành công nghiệp “không khói” sẽ được phát huy khi tỉnh Phú Yên đang chú trọng đẩy mạnh đầu tư hạ tầng du lịch, liên kết với các tỉnh duyên hải miền Trung, TP Hồ Chí Minh để phát triển du lịch. Để tạo dấu ấn du lịch, TP Tuy Hòa phải luôn chủ động, nồng hậu đón du khách ở cả tầm vĩ mô và vi mô; làm sao để du khách đến với Tuy Hòa được thỏa mái thưởng ngoạn, thăm thú, khám phá giá trị văn hóa trong chiều sâu cội nguồn... chứ không có cảnh “một đi không trở lại”. Thêm ước vọng mong muốn khu kinh tế Nam Phú Yên và Khu kinh tế Vân Phong (Khánh Hòa) nằm cận kề nhau cùng sớm xây dựng hoàn thành, đưa vào hoạt động. Đây được xem là hạt nhân tăng trưởng kinh tế, trung tâm đô thị - công nghiệp - dịch vụ - du lịch của khu vực Nam Trung Bộ; là “điểm nhấn” tạo nên hành lang kinh tế Đông – Tây mới của nước ta, phục vụ đắc lực cho công cuộc phát triển kinh tế và quốc phòng của cả khu vực Tây Nguyên rộng lớn, mở ra cơ hội lớn cho vùng đông bắc Campuchia, Nam Lào và một phần Thái Lan gần hơn với biển.
Người dân Tuy Hòa vốn hiền hậu, chất phác, sống có lòng nhiệt huyết, có lý tưởng, có hoài bão và có tinh thần tập thể. Họ đem trí tuệ, sức sáng tạo, khát vọng đóng góp sức mình xây dựng quê hương đất nước. Quyết tâm xây dựng một đô thị Tuy Hòa đàng hoàng hơn, to đẹp hơn..., đó chính là ước mơ, là kỳ vọng của Phú Yên. Tôi sẽ trở lại California, mang theo ước vọng cháy bỏng là gặp gỡ, làm cầu nối mời gọi cộng đồng những người dân Việt Nam đang sinh sống tại đây có điều kiện về Tuy Hòa đầu tư công nghiệp, du lịch... để góp sức đánh thức năng lực tiềm ẩn của quê hương yêu dấu.
. Theo PYO |