Làm giàu từ đất cằn
15:37', 7/6/ 2011 (GMT+7)

Nếu không tận mắt chứng kiến thành quả của một nông dân dám nghĩ, dám làm, đã cải tạo mảnh đất khô cằn, toàn đá bàn và hầm hố lồi lõm thì khó có thể tin được trên mảnh đất cằn cỗi ấy đã giúp gia đình ông Nguyễn Văn Cường - thôn Thiện Bình (xã Thiện Nghiệp, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) thu nhập trên 100 triệu đồng trong năm qua từ việc trồng thanh long.

Từ đầm nước lầy lội và 3 bụi hành   

Trên vườn thanh long đang trong mùa kết trái, người đàn ông 56 tuổi, da sạm đen vì nắng, ông Nguyễn Văn Cường kể cho tôi nghe về cuộc hành trình mưu sinh của mình: Rời quân ngũ năm 1981, tôi trở về cuộc sống đời thường và lập gia đình ở xã Hàm Tiến, TP Phan Thiết. Bản thân dành dụm được ít vốn mà cha mẹ cho, mua được một khoảnh đất 3.600m2, nhưng thực chất đó chỉ là một đầm nước lầy lội. Lúc ấy đang trong thời kỳ bao cấp bà con ai cũng thiếu lương thực nên tôi quyết định chọn nơi nào cao trồng củ, nơi trũng trồng lúa. Sau 3 năm vật lộn, khi có được cái ăn tạm đủ, tôi tìm cách tăng thêm thu nhập một cách bền vững.

Thế nên, tôi chọn cây hành để trồng vì cho rằng hành là gia vị cần thiết trong mỗi bữa ăn, vốn đầu tư ít. Thời điểm đó không có tiền, chỉ mua được 3 bụi hành với giá 10 đồng, sau một năm mày mò tìm kiếm, học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước, từ năm 1984 đến năm 1991 tôi đã trồng, nhân giống thành công cây hành và cho thu nhập đáng kể. Cùng lúc này, tôi  trồng thử nghiệm và đưa được giống xoài ghép đầu tiên về đất Hàm Tiến. Sau 3 năm chăm sóc, giống xoài này cho kết quả khả quan. Từ đó, tôi tìm được hướng đi mới là ghép từ giống xoài cát với cây xoài mủ ở địa phương cho năng suất cao và thích nghi với vùng nắng gió Bình Thuận. Hiện nay, tôi đã phát tán giống xoài này ra nhiều địa phương, nhiều hộ đang canh tác và cho năng suất tốt.

Đến bạt ngàn thanh long

Rong ruổi từ Hàm Thuận Nam lên Hàm Thuận Bắc rồi về Hàm Minh (Hàm Thuận Nam), 8 năm thâm nhập tìm hiểu, tôi học hỏi nhiều kinh nghiệm của bà con nhưng vốn ít, nhân lực không có, tháng 12/2006, tôi quyết định rời Hàm Minh về Thiện Nghiệp tiếp tục con đường vươn lên trong nông nghiệp. Cầm số vốn tích cóp lâu nay, tôi mua được 1ha đất nông nghiệp, nhưng do không có nước nên sản xuất bất lợi. Sau nhiều lần kỳ công khảo sát vùng đất núi đá này, phát hiện có mạch nước ngầm cách rẫy tôi canh tác hơn 1.000m, cao 40m nhưng nhiều hầm hố lồi lõm và đá bàn tiếp giáp nhau. Để đưa nước về rẫy, tôi phải đào thủ công và luồn một đường ống dài hơn 1.000m trên độ cao 40m. Đây là công trình đòi hỏi sự kiên trì, phải mất 3 tháng tôi mới hoàn thành. Thành công trong việc dẫn nước về rẫy, năm 2007 tôi đã trồng được 500 trụ thanh long đầu tiên. Năm 2009, gia đình tôi thu được 8 tấn trái từ 500 trụ này. Nhận thấy thanh long phát triển tốt, tôi tiếp tục đầu tư trồng thêm hàng trăm trụ thanh long. Đến nay,  tôi đã có 1.250 trụ thanh long đang phát triển tốt và cho năng suất cao, trong đó có 250 trụ thanh long ruột đỏ. Ông Cường cho biết thêm, để giảm bớt chi phí và giữ ẩm cho cây thanh long thay vì dùng rơm và phân hóa học, ông dùng xác mía và phân chuồng để bón cho thanh long. Vụ mùa năm 2010, ông thu được hơn 12 tấn trái, bán với giá 18.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí gia đình ông thu lãi hơn 100 triệu đồng.

Từ thành công của ông Cường, có thể nói trên hàng ngàn ha đất cằn cỗi kia, nếu biết khắc phục khó khăn, đem sức lao động và lòng nhiệt huyết của con người ra cải tạo, chắc chắn trên những mảnh đất tưởng chừng như đã bỏ đi đó vẫn có thỏi bạc quý mà người đời vẫn đang kiếm tìm…

. Theo Báo Bình Thuận

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hơn 500 học sinh tham dự cuộc thi vẽ “Môi trường và cuộc sống”  (06/06/2011)
Tuy Hòa, Tuy Hòa...  (04/06/2011)
Bảo tàng Điêu khắc Chăm (Đà Nẵng) tham gia Festival Biển Nha Trang 2011  (02/06/2011)
Phú Yên thí điểm trồng cỏ chống xâm thực  (01/06/2011)
Điểm du lịch hấp dẫn trong tương lai   (31/05/2011)
Khám phá Tây Nguyên qua ảnh  (27/05/2011)
Thi diều ở Cửa Đại  (23/05/2011)
Nguồn lực mới từ thủy điện  (20/05/2011)
Đà Lạt: tôn tạo 3 di tích quốc gia  (19/05/2011)
Hội thảo khoa học về khai thác tiềm năng biển, đảo  (12/05/2011)
Đà Nẵng lại sốt đất  (26/04/2011)
Tổ chức SODI giúp Thừa Thiên-Huế rà phá bom mìn  (21/04/2011)
Nâng cao hơn mức sống cho đồng bào các dân tộc  (18/04/2011)
Để cồng chiêng mãi là di sản văn hóa độc đáo  (17/04/2011)
Đà Nẵng sẵn sàng cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế  (15/04/2011)