Siêu khuyển ở Trường Sa
17:39', 17/6/ 2011 (GMT+7)

Các chiến sĩ cùng chó nghiệp vụ tuần tra trên bờ biển Trường Sa

Ở Trường Sa, bảo vệ biển đảo Tổ quốc không chỉ có những con người Việt Nam kiên gan, mà còn có những chú “siêu khuyển” – chó nghiệp vụ. Không ít những “chiến sĩ đặc biệt” này từng giành được chiến công…

Trước khi Mika, Kakốp và Manlơ ra Trường Sa theo sự điều động của cấp trên cùng thượng úy Vũ Khắc Biên, Đội trưởng Đội Huấn luyện chó nghiệp vụ (Trường Trung cấp Huấn luyện chó nghiệp vụ, Học viện Biên phòng), tại vùng biên giới Sơn La, cả ba đã lập bao chiến công trong cuộc chiến chống buôn lậu ma túy. Đàn “siêu khuyển” Trường Sa đã kinh qua tác chiến trên bộ bằng chiến công với trị giá tang vật cả chục tỉ đồng. Đến Trường Sa, hằng ngày, đàn chó phải rèn luyện nâng cao thể lực, tập phương án chống người nhái, biệt kích xâm nhập. Tiêu chuẩn dinh dưỡng dành cho chúng thậm chí cao hơn cả lính bộ binh.

Từ rừng ra biển

Thượng úy Vũ Khắc Biên có vóc người rắn rỏi, da sạm nắng. Trên quần đảo Trường Sa, nhiệm vụ của anh hằng ngày gắn liền với những đồng đội rất đặc biệt. Đó là ba “chiến sĩ bốn chân” Mika, Kakốp và Manlơ - tên những chú chó nghiệp vụ tinh khôn, đã lập nhiều chiến công trên đất liền. Không giấu vẻ tự hào, thượng úy Biên say sưa nói về chiến công của những chú chó cưng ở vùng núi phía Bắc:

Sơn La là địa bàn “nóng” về ma túy từ nhiều năm nay; các nhóm vận chuyển ma túy từ Lào vào nội địa đều rất thâm hiểm và manh động. Có sẵn vũ khí, sẵn sàng nhả đạn chống lại lực lượng chức năng nên bọn trùm ma túy ngang nhiên hoạt động, coi vùng giáp biên như lãnh địa riêng. Địa hình khu vực quá phức tạp, đầy khe, vực, vách đá cheo leo nên rất nhiều cuộc tấn công vây bắt của lực lượng chống ma túy không hiệu quả. Việc khó khăn nhất là làm sao phải vừa bắt được các toán nhóm buôn bán ma túy có vũ trang vừa đảm bảo tuyệt đối an toàn cho nhân dân và lực lượng tham gia phá án.

Cuối tháng 10/2009, đội chó nghiệp vụ nhận lệnh mật phục trong khu rừng Ma (bản Lắc Phương, xã Chiềng Sơn), đón lõng những kẻ gieo rắc “cái chết trắng”. Chập choạng tối một ngày đầu tháng 11/2009, một nhóm đối tượng trang bị súng AK và súng ngắn, lưng lặc lè balô chứa ma túy xuất hiện, lọt vào trận địa. Phát hiện bị mai phục, các đối tượng đã nổ súng xối xả về phía lực lượng truy bắt. Chúng vừa bắn vừa tháo chạy. Do thông thuộc địa hình, nhóm tội phạm nhanh chóng lẩn mất sau các tảng đá to. Tiếng phát lệnh ngắn gọn “Mika, Kakốp, Manlơ, tấn công!...” đanh thép vang lên từ thượng úy Biên. Lập tức, đàn chó nghiệp vụ đang nằm mọp trong bụi rậm lao tới, tấn công mục tiêu. Tức khắc, hai đối tượng với hai khẩu súng, đạn đã lên nòng cùng hai balô tang vật bị tóm ngay tại hiện trường. Lực lượng truy bắt cũng thu giữ 24 bánh heroin và 400 viên ma túy tổng hợp trị giá hơn 4 tỉ đồng được nhét căng phồng trong hai chiếc balô. Hai tên bị bắt là Vàng A Pó và Vàng A Di (trú tại tỉnh Hủa Phăn, Lào) đều là những đối tượng cộm cán trong giới buôn ma túy, một tên bị tấn công ở bắp chân, một tên bị chó tấn công ở đầu phải đưa vào Bệnh viện huyện Mộc Châu cấp cứu, rồi bàn giao cho Công an tỉnh Sơn La. Trong vụ này, một đối tượng khác bị chó nghiệp vụ tấn công đã điên cuồng chống trả nhưng vẫn bị cắn trọng thương, phải liều mạng lao xuống vực...

Ít ngày sau, Mika, Kakốp, Manlơ lại tham gia một vụ án về ma túy khác ở khu vực cửa khẩu Loóng Sập (tỉnh Sơn La), giáp ranh với nước bạn Lào. Đội chó nghiệp vụ đã tấn công một nhóm buôn ma túy khác, giúp lực lượng chức năng thu 25 bánh heroin và hàng trăm viên ma túy tổng hợp trị giá gần 5 tỉ đồng, làm rúng động cả “thánh địa ma túy” nơi biên giới.

Những “chiến sĩ” đặc biệt

Đang trên bờ taluy, bất ngờ bầy chó tuần tra lao nhanh xuống biển. Mặt cát bị bới tung lên, nhóm “biệt kích” vừa đang vùi mình ẩn nấp kiểu ninja lồm cồm bật dậy thì bị đàn chó quật ngã. Đó là một buổi diễn tập chống tập kích bất ngờ của đàn chó nghiệp vụ trên đảo Trường Sa, mà chúng tôi được may mắn “mục kích”.

Thượng úy Vũ Khắc Biên kể, năm 2010, đội huấn luyện của anh nhận nhiệm vụ về đảo Trường Sa làm công tác huấn luyện cho đàn chó ở đây. Ba chú chó lập chiến công ở Sơn La cũng được lệnh về Trường Sa. Từ vùng sơn cước giáp biên giới Lào, đàn chó và những sĩ quan huấn luyện lên chiếc xe Zil 130 thẳng về Khánh Hòa. Từ quân cảng Cam Ranh, đàn chó nghiệp vụ tiếp tục theo tàu hải quân ra Trường Sa. Giáo án dạy chó có sự thay đổi lớn khi chuyển từ hoạt động trên bộ sang hoạt động trên đảo. Đầu tiên, đàn chó được huấn luyện làm quen với những cơn gió biển thổi cực mạnh... Việc bơi dưới sóng biển cũng được huấn luyện liên tục. Tuy nhiên, điều làm đội huấn luyện rất vui là đàn chó cưng thậm chí còn thích nghi với môi trường mới còn nhanh hơn cả các sĩ quan trong đội huấn luyện. Hiện nay, những chú chó này đều trở thành thành viên đầu đàn, “thị phạm” cho những chú chó khác sinh trưởng tại Trường Sa. “Những cơn sóng giao nhau, cao 3-5m khi vào bờ và lôi sạch những gì có trên đảo khi sóng rút. Thế nhưng, trong điều kiện này, những chú chó vẫn có thể bơi nhanh hơn người. Thực nghiệm chạy trên bãi cát, tốc độ của chó nghiệp vụ vẫn cao hơn 4 lần so với người”, thượng úy Biên cho biết.

Đến giờ, Mika, Kakốp, Manlơ đều đã trở thành những “chiến sĩ hải quân” đặc biệt ở Trường Sa. Ngoài việc rèn luyện nâng cao thể lực, cả ba còn thực hiện tốt các phương án diễn tập chống người nhái, biệt kích. Chẳng hạn, các phương án đánh chặn từ ngoài bờ kè và đánh bắt khi địch đã xâm nhập đều được từng “binh khuyển” này hoàn thành xuất sắc.

Cho “mắt thần” thêm sáng

Đưa chúng tôi đến doanh trại, các sĩ quan huấn luyện cho biết đàn chó rất nhạy hơi người lạ. Quả thật, khi chúng tôi vừa đến gần cửa hầm thì cả đàn chó xông ra. Hiệu lệnh “Nghiêm!” vang lên, cả đàn chó đồng loạt dừng ngay lại và… đứng lên bằng hai chân sau, giơ chân trước ra làm động tác chào. Nghe hiệu lệnh “Nằm xuống!”, đàn chó lại đồng loạt nằm xuống. Tất cả các hiệu lệnh phát ra đều được đàn chó thực hiện răm rắp. Các sĩ quan huấn luyện cho biết, ở Trường Sa, dù điều kiện khắc nghiệt hơn so với ở đất liền, nhưng đàn chó cũng rất xuất sắc trên thao trường khi có thể nhanh chóng phát hiện mục tiêu dù là vùi trong cát hay ẩn dưới mặt biển…

Chó nghiệp vụ khắp nơi đều là chó lai, khẩu phần ăn chủ yếu là thịt tươi. Tuy nhiên điều đáng mừng nữa là đội chó nghiệp vụ của Trường Sa lại rất dễ tính khi có thể thích nghi tốt với điều kiện hải đảo: ăn thịt hộp, cá biển và ăn cả cơm, rau. Nhưng để đảm bảo cho công tác huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu, tiêu chuẩn dinh dưỡng dành cho đàn chó thường “nhỉnh” hơn lính bộ binh.

Thượng tá Nguyễn Hồng Quân, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 164 Vùng 4 Hải quân, cho biết mỗi điểm đảo trên quần đảo Trường Sa đều như “mắt thần” trên biển Đông. Các chú chó nghiệp vụ đang ngày đêm hoạt động trên đảo cũng là góp phần làm “mắt thần” thêm sáng để giữ gìn toàn vẹn biển đảo quê hương…

. Theo Báo Phú Yên

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bình minh ngày mới trên vùng đất Đức Phổ…  (16/06/2011)
Gia Lai: Thủy điện An Khê-Ka Nak hòa lưới quốc gia  (14/06/2011)
Làm giàu từ đất cằn  (07/06/2011)
Hơn 500 học sinh tham dự cuộc thi vẽ “Môi trường và cuộc sống”  (06/06/2011)
Tuy Hòa, Tuy Hòa...  (04/06/2011)
Bảo tàng Điêu khắc Chăm (Đà Nẵng) tham gia Festival Biển Nha Trang 2011  (02/06/2011)
Phú Yên thí điểm trồng cỏ chống xâm thực  (01/06/2011)
Điểm du lịch hấp dẫn trong tương lai   (31/05/2011)
Khám phá Tây Nguyên qua ảnh  (27/05/2011)
Thi diều ở Cửa Đại  (23/05/2011)
Nguồn lực mới từ thủy điện  (20/05/2011)
Đà Lạt: tôn tạo 3 di tích quốc gia  (19/05/2011)
Hội thảo khoa học về khai thác tiềm năng biển, đảo  (12/05/2011)
Đà Nẵng lại sốt đất  (26/04/2011)
Tổ chức SODI giúp Thừa Thiên-Huế rà phá bom mìn  (21/04/2011)