Theo kết quả phân tích của Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, hàng trăm mẫu nước từ nước giếng ngầm, giếng đào đến nước bề mặt của các tỉnh Đak Lak, Gia Lai, Kon Tum đều có kết quả trên 83% mẫu không đạt tiêu chuẩn vệ sinh.
Chất lượng các loại nước giếng khoan, giếng khơi, nước bề mặt đối với cả hai tiêu chuẩn vi sinh và hóa học cũng đều không đạt vì có nhiều vi khuẩn E.coli, độ pH thấp, độ đục cao, hàm lượng sắt vượt quá tiêu chuẩn cho phép.
Nguyên nhân chính gây nên tình trạng ô nhiễm nguồn nước của các tỉnh Tây Nguyên là do phân gia súc, chất thải hữu cơ dùng trong sinh hoạt chưa có biện pháp xử lý hợp lý, sử dụng các loại hóa chất, phân bón cho các loại cây trồng bừa bãi, nhiều vùng chưa quan tâm đến công tác giữ gìn vệ sinh môi trường.
Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên khuyến cáo các tỉnh Tây Nguyên cần làm tốt hơn nữa công tác quản lý, bảo vệ môi trường; quản lý, xử lý hợp lý, khoa học các chất thải, nguồn phân gia súc, gia cầm.
Các tỉnh cũng cần chú ý hơn nữa đến việc tuyên truyền, hướng dẫn đồng bào các dân tộc đào giếng xa các công trình vệ sinh, chuồng trại gia súc, gia cầm, tuyệt đối không được đổ chất thải, vứt xác động vật xuống các sông, suối, ao, hồ tự nhiên, hạn chế sử dụng các loại hóa chất bảo vệ thực vật có độ thẩm thấu cao, dễ phát tán vào nước gây ô nhiễm nguồn nước và hệ sinh thái.
. Theo TTXVN |