Kon Tum nỗ lực giảm nghèo
13:37', 8/8/ 2011 (GMT+7)

Bằng những nỗ lực không ngừng của các cấp Đảng bộ, chính quyền và sự đồng lòng của người dân trong việc xóa đói giảm nghèo, những năm gần đây, đời sống của người dân tỉnh Kon Tum đã dần thay da đổi thịt, cái đói, cái nghèo cơ bản đã được đẩy lùi.

 

Cán bộ Phòng NN-PTNT huyện Ngọc Hồi hỗ trợ cây giống cho đồng bào dân tộc Ka Dong.

 

Gương sáng vượt nghèo

Chúng tôi có dịp trở lại làng Giang Lố 1, xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum), nơi cư trú của hàng trăm hộ đồng bào Ka Dong vào một ngày cuối tháng 7. Thời điểm này, Tây Nguyên đang vào cao điểm mùa mưa. Nhớ những mùa mưa nhiều năm trước, để vào được làng Giang Lố 1, lữ khách phải vượt qua nhiều chặng đường lầy lội, đầy rẫy những ổ voi, ổ gà và những ngôi nhà tranh vách đất. Giờ đây đường vào làng đã được san phẳng và mở rộng hơn, nhiều đoạn được trải nhựa bóng láng. Dọc đường, những ngôi nhà xây, mái ngói mọc lên san sát.

Cũng như bao gia đình dân tộc thiểu số khác ở vùng biên này, những năm trước, cuộc sống của gia đình bà Y Đoan rất khó khăn, cơm ăn không no, áo không đủ mặc. Năm 1998, được sự hỗ trợ của địa phương, bà mạnh dạn vay vốn ngân hàng đầu tư trồng 1ha cà phê. 4 năm sau, cà phê bắt đầu cho thu hoạch, gia đình bà thu được một khoản tiền lớn “chưa bao giờ có”. Lấy ngắn, nuôi dài, xen canh tăng vụ, chi tiêu tiết kiệm và được sự hỗ trợ về kỹ thuật, vốn của địa phương, đến nay gia đình bà đã có hơn 2,5ha cà phê, 8 ha cao su, 5ha khoai mì, 0,5ha bời lời… cho thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng.

Bà Y Đoan cho biết: “Trước đây, mỗi năm nhà tôi thiếu ăn đến vài tháng. Chuyện học hành của con cái không lo được. Từ khi kinh tế khá lên, tôi có đủ điều kiện để lo cho con cái ăn học đến nơi đến chốn”. Không chỉ gia đình bà Y Đoan, hôm nay, cuộc sống của các hộ dân làng Giang Lố 1 đều đã dần ổn định, bà con không còn phải lo đói nữa.

Trong vườn cây ăn quả rộng mênh mông, lủng lẳng những trái sầu riêng to tròn thơm nức, anh Sầm Văn Phá (dân tộc Nùng) kể cho chúng tôi nghe về “hành trình” vượt nghèo của gia đình mình. Năm 1992, gia đình anh dắt díu nhau rời miền quê nghèo núi đá tai mèo xã Nội Thôn, huyện Hà Quảng (tỉnh Cao Bằng) vào thị trấn Đăk Rve, huyện Kon Rẫy (tỉnh Kon Tum) lập nghiệp.

Những ngày đầu, cuộc sống cả gia đình rất khó khăn, vợ chồng anh phải ở nhờ nhà người bà con rồi làm thuê, làm mướn kiếm sống. Tích cóp, vợ chồng anh khai hoang vỡ đất, mua lúa giống, bắp lai… về trồng tỉa. Đánh vật với nắng mưa, đất không phụ công người, dần dà gia đình anh có của ăn của để, các con anh đều được đến trường. Nhìn cuộc sống của bà con trong làng còn thiếu thốn, vợ chồng anh bàn bạc, đóng góp cùng các ban ngành, đoàn thể trong thị trấn giúp đỡ vốn liếng, kinh nghiệm làm ăn. Nhờ vậy, nhiều hộ gia đình đã thoát được nghèo.

Những con số ấn tượng

Kon Tum là tỉnh miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 54%, cơ sở vật chất còn chưa đồng bộ, đời sống của phần lớn người dân còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Do đó, giảm nghèo là một trong những chương trình ưu tiên hàng đầu trong phát triển KT-XH của tỉnh.

Những năm qua, bằng các giải pháp quyết liệt của tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã giảm nhanh từ 38,63% (năm 2006) xuống còn 16,34% (năm 2010). Chương trình xóa đói, giảm nghèo được lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia như: Chương trình 135, 168, 134, chương trình cho hộ nghèo vay vốn sản xuất, chính sách hỗ trợ y tế cho người nghèo…

Cùng đó, tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phân công cán bộ, đảng viên giúp đỡ các hộ nghèo trên địa bàn; tổ chức tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các hộ gia đình giàu và khá giúp đỡ hộ nghèo dân tộc thiểu số phát triển kinh tế.

Tuy kết quả giảm nghèo đã chuyển biến tích cực, song thực tế vẫn còn một số hạn chế như: tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh nhưng chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo cao vì điều kiện tự nhiên không thuận lợi, thiên tai thường xuyên đe dọa, ảnh hưởng sản xuất của người dân. Bên cạnh đó, nhiều hộ nghèo chưa biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; một bộ phận hộ nghèo có tâm lý thụ động, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước…

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, cho rằng, công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương vùng cực Bắc Tây Nguyên này là vấn đề lớn, lâu dài, cần tập trung đầu tư nhiều hơn nữa về mọi mặt. Đòi hỏi sự nỗ lực của các cấp, các ngành, sự ủng hộ của tất cả tầng lớp nhân dân, mới có thể đạt được kết quả bền vững. 

. Theo SGGP

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nguồn nước sinh hoạt tại Tây Nguyên bị ô nhiễm nặng  (07/08/2011)
Gần 2.000 tỷ đồng xây nút giao thông trọng điểm miền Trung  (24/07/2011)
Liên kết để phát triển  (14/07/2011)
Di tích Thành nhà Hồ là di sản văn hóa thế giới  (28/06/2011)
Độc đáo gốm Chăm  (20/06/2011)
Siêu khuyển ở Trường Sa  (17/06/2011)
Bình minh ngày mới trên vùng đất Đức Phổ…  (16/06/2011)
Gia Lai: Thủy điện An Khê-Ka Nak hòa lưới quốc gia  (14/06/2011)
Làm giàu từ đất cằn  (07/06/2011)
Hơn 500 học sinh tham dự cuộc thi vẽ “Môi trường và cuộc sống”  (06/06/2011)
Tuy Hòa, Tuy Hòa...  (04/06/2011)
Bảo tàng Điêu khắc Chăm (Đà Nẵng) tham gia Festival Biển Nha Trang 2011  (02/06/2011)
Phú Yên thí điểm trồng cỏ chống xâm thực  (01/06/2011)
Điểm du lịch hấp dẫn trong tương lai   (31/05/2011)
Khám phá Tây Nguyên qua ảnh  (27/05/2011)