* Tây Nguyên: Sạt lở nhiều công trình thủy lợi và giao thông
* 2 người bị lũ cuốn
|
Đập thủy điện Buôn Kuốp (Đắk Lắk) xả lũ chiều 7.10 (Ảnh: TTO) |
Bão số 7 đã thành áp thấp và đang gây mưa ở hầu hết các tỉnh miền Trung. Chiều 7.10, ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB-TKCN) tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, nước lũ trên sông Hương, sông Bồ, đều xấp xỉ báo động 1.
Riêng sông Ô Lâu ở huyện Phong Điền, lũ đã trên mức báo động 3, làm ngập một số đoạn đường ở quốc lộ 49 qua xã Phong Bình, huyện Phong Điền, khiến giao thông đi lại khó khăn. Tuy vậy các khu dân cư ở đây vẫn an toàn. Cơ quan này tiếp tục theo dõi diễn biến và kịp thời xử lý tình hình sạt lở bờ biển, nhất là khu vực bờ biển xã Phú Thuận, thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang) và xã Hải Dương, thị xã Hương Trà, sẵn sàng di dời hàng ngàn hộ dân sống ở vùng thấp trũng, nguy cơ sạt lở đất. UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế yêu cầu các hồ thủy điện khi xả lũ phải thông báo rõ ràng đến từng cấp để thông báo cho người dân biết trước 30 giờ để kịp ứng phó. Từ 9 giờ sáng 7.10, Ban chỉ huy PCLB huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế) đã chỉ đạo xả nước ở đập thủy điện A Lưới với lưu lượng bình quân 200m3/giây nhằm tránh ảnh hưởng đến những hộ dân đang sinh sống quanh vùng lòng hồ và phía hạ du.
Đến cuối ngày 7.10, lũ trên hầu hết các sông ở Quảng Trị đều đang lên rất nhanh, các sông Ô Lâu, Thác Ma đã vượt mức báo động 2, có nguy cơ gây ngập lụt ở vùng thấp và lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi.
Ngày 7.10, Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Quảng Nam cho biết, lúc 14 giờ ngày 6.10, ông Đoàn Phước Huệ (SN 1982, trú tại thôn 7, xã Tam Thành, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) là công nhân làm việc tại Công ty TNHH Danh Trà (đóng tại xã Trà Mai, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) khi đi qua sông Nước Là thuộc địa phận thôn 1 (xã Trà Mai) bị nước lũ cuốn mất tích. Cho đến ngày 7.10, gia đình và các cơ quan chức năng vẫn chưa tìm thấy thi thể của nạn nhân.
Ngày 7.10, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có mưa vừa mưa to. Sông Trà Khúc, mực nước đã lên báo động 2, nước lũ trên thượng nguồn đổ về đục ngầu. Sáng 7.10, nhiều phương tiện ghe của người dân đã bất chấp nguy hiểm lao ra sông để vớt củi.
Trước nguy cơ lũ dâng cao cao, tỉnh Quảng Ngãi đã xác định các khu vực trọng điểm lũ, lụt: 84 khu vực; lũ ống, lũ quét: 31 khu vực; triều cường: 19 khu vực; sạt ở đất, nứt núi: 41 khu vực. Trong khi đó, các huyện miền núi cũng đang đã chuẩn bị đối phó với lũ quét, sạt lở. Huyện Trà Bồng đã chuẩn bị lực lượng, phương tiện, 20 cơ số thuốc, 80 triệu đồng và dự trữ khoảng 20 tấn gạo; sẵn sàng phương án di dời sơ tán 1.556 hộ ở các khu vực có nguy cơ cao, trong đó có 210 hộ vùng có nguy cơ cao bị sạt lở núi thuộc diện di dời tạm; điều động lực lượng quân sự huyện giúp nhân dân tại các vị trí có nguy cơ sạt lở núi thuộc các xã: Trà Lâm, Trà Hiệp, Trà Sơn, Trà Bùi dựng lán trại, nhà bạt tại nơi ở tạm.
* Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 7, trên địa bàn tỉnh Kon Tum có mưa nhiều nơi. Khu vực huyện Kon Plong mưa rất to từ 96-150mm. Mực nước trên các sông, suối tăng dần và có lũ. Trên sông Đắk Bla, mực nước lúc 5 giờ ngày 7.10 tại huyện Kon Rẫy là 593,64m, cao hơn mức báo động cấp 2 là 0,20m; tại thành phố Kon Tum 518,13m, cao hơn mức báo động 1 là 0,13m.
Theo báo cáo của các huyện, thành phố và các sở, ngành liên quan, do ảnh hưởng của cơn bão số 7, một số hạng mục công trình giao thông, thủy lợi trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã bị sạt lở, hư hại. Trên quốc lộ 2, tại khu vực đèo Măng Đen huyện Kon Plôn, cây đổ chắn ngang gây ách tắc giao thông. Ngoài ra, các huyện lộ đi về các thôn trên địa bàn thành phố Kon Tum, huyện Kon Plong, Tu Mơ Rông bị sạt lở và hư hỏng đã được UBND huyện, thành phố chỉ đạo cắm các biển cảnh báo cho người dân tham gia giao thông biết để phòng tránh.
Ngoài ra, công trình thủy lợi Đắk Sia 1 xã Rơ Kơi (huyện Sa Thầy) bị sạt lở, vùi lấp một phần hai tràn xả lũ. UBND huyện Sa Thầy trực tiếp chỉ đạo lực lượng thi công nạo vét số đất đá sạt lở xuống tràn xả lũ. Công trình hồ Đắk Uy (huyện Đăk Hà) khoang tràn số 6,7 và đuôi tràn bị sạt lở đã được huyện phối hợp với Ban Quản lý khai thác các công trình thủy lợi tỉnh tổ chức chỉ đạo khắc phục đảm bảo an toàn ngay trong ngày. Ước thiệt hại của cơn bão số 7 gây ra trên địa bàn tỉnh Kon Tum khoảng 7 tỷ đồng.
Theo báo cáo nhanh chiều 7.10 của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Đắk Lắk, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 7, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk liên tục có mưa lớn trên diện rộng, gây lũ cục bộ và ngập lụt ở một số địa phương. Tại huyện Ea H’leo, lũ lớn đã cuốn trôi một người dân. Nạn nhân là chị Nguyễn Thị Ánh Trầm, 18 tuổi, trú tại tổ dân phố 4 thị trấn Ea Drăng. Đến sáng 7.10, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy xác nạn nhân.
Đại diện Đồn biên phòng Ra Ma (Trọng Hóa, Minh Hóa, Quảng Bình) cho biết, mưa kéo dài nhiều ngày qua khiến đường tuần tra biên giới vùng Lòm dài hơn 30km, giáp Lào bị sạt lở nghiêm trọng. Nước dâng cao khiến các ngầm lớn của đường tuần tra biên giới vùng Lòm gồm Dộ, Si, Hà Nông bị cô lập hoàn toàn. Tại huyện Lệ Thủy, mưa lớn cũng khiến tỉnh lộ 16 từ quốc lộ 1A đi Lào bị chia cắt nhiều đoạn như Bang, An Bai, Vít Thù Lù khiến đồng bào Vân Kiều ở miền tây Lệ Thủy dọc đường 16 hiện bị cô lập do mưa lũ. |
. Theo SGGPO |