|
Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong “treo” đang gây những hệ lụy cho đời sống dân sinh. |
Tại các tỉnh miền Trung, hàng loạt khu kinh tế (KKT) sau khi được thành lập nhưng vì nhiều năm vốn đầu tư cho hạ tầng vẫn chưa đáp ứng nên hiệu quả thu hút đầu tư rất thấp. Nhơn Hội (Bình Định), Vân Phong (Khánh Hòa), Chân Mây - Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế)… là những KKT sau một thời gian dài “sôi động” bởi những hứa hẹn đầu tư nay lại trở về trầm lắng với những mặt bằng rộng mênh mông.
Nan giải đầu tư hạ tầng
So với nhu cầu thực tế cho kết cấu hạ tầng (KCHT) giai đoạn 2006-2015, KKT Vân Phong (Khánh Hòa) cần khoảng 10.055 tỷ đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, đã 6 năm trôi qua, mới chỉ có 761 tỷ đồng (trong đó ngân sách trung ương 630 tỷ đồng và địa phương 131 tỷ đồng) được đầu tư vào đây (130 tỷ đồng/năm và số vốn tập trung nhiều cho đền bù giải tỏa, rà phá bom mìn). Để giải quyết vấn đề KCHT, Khánh Hòa đã kêu gọi các nhà đầu tư (NĐT) có dự án cùng chung sức với tỉnh để đầu tư xây dựng, tiền đầu tư KCHT sẽ được trừ vào tiền thuê đất. Tuy nhiên, giải pháp này cũng chỉ là tình thế, không thu hút được gì đáng kể, vì sức các NĐT có hạn. Ngoài ra, hiện một số dự án đã xây dựng KCHT theo hình thức chỉ định NĐT (BOT - xây dựng - khai thác - chuyển giao) nhưng vẫn không kêu gọi được NĐT. Đến nay, các dự án kiểu BOT đang chuyển sang đầu tư kiểu BT (xây dựng - chuyển giao) nhưng trên thực tế vẫn chưa có dự án nào khởi động và vẫn còn chờ. Hệ quả các công trình KCHT đầu tư chậm và thiếu đồng bộ.
Không khá hơn so với Vân Phong, KKT Nhơn Hội (Bình Định) dù được thành lập trước, nhưng đến nay hệ thống hạ tầng vẫn chưa đáp ứng được NĐT dù theo báo cáo của Ban Quản lý (BQL) KKT Bình Định thì đã cơ bản hoàn thành công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết các khu chức năng; tổ chức thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng theo quy hoạch. Các khu công nghiệp (KCN) trong KKT đã được xây dựng cơ bản, đáp ứng thu hút các dự án đầu tư vào sản xuất. KCN Nhơn Hội A đã san nền được gần 520ha, xây dựng trên 67% đường giao thông nội bộ và cho thuê lại đất khoảng 35,5ha. KCN Nhơn Hội B đã san nền được khoảng 260ha, cho thuê lại đất khoảng 27,38ha… Tuy nhiên, mục tiêu thu hút các NĐT triển khai dự án nhằm tạo ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, tạo công ăn việc làm… thì chưa có kết quả đáng kể. Nguyên nhân, do không có vốn để triển khai xây dựng hạ tầng khiến ít NĐT quan tâm, trong khi các doanh nghiệp đầu tư vào thì sản xuất kinh doanh khó khăn. Ông Man Ngọc Lý, Trưởng BQL KKT tỉnh Bình Định cho biết: muốn cải thiện được hình ảnh của Nhơn Hội, trong thời gian đến, tỉnh phải tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là cảng tổng hợp Nhơn Hội để đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư. Trong đó, các chủ đầu tư KCN A, B, C và khu phi thuế quan kết hợp với việc san lấp mặt bằng, đầu tư xây dựng hạ tầng phải khẩn trương thực hiện nhiều biện pháp chống cát bay, giảm thiểu các ảnh hưởng đến môi trường… Nhưng mấu chốt vẫn là kinh phí thì chưa biết tìm đâu ra, bởi ngân sách thu từ KKT này chẳng đáng kể mà ngân sách tỉnh bỏ ra thì lại càng khó khăn.
Vân Phong, Nhơn Hội là vậy, KKT Chân Mây - Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế) dù đã qua 6 năm thành lập, đến năm 2012, tỉnh Thừa Thiên - Huế vẫn đang đặt mục tiêu: hoàn thành việc đầu tư xây dựng các trục giao thông chính quan trọng như đường ra cảng Chân Mây, đường trung tâm đô thị Chân Mây. Lập đề án kêu gọi vốn ODA, vốn trái phiếu Chính phủ cho một số dự án hạ tầng kỹ thuật trọng điểm trên địa bàn KKT… Bởi đến thời điểm này, mới chỉ khoảng 1.000 tỷ đồng được đầu tư vào hạ tầng của Chân Mây - Lăng Cô, trong khi diện tích cả KKT này rộng trên 27.000ha.
Đăng ký nhiều, triển khai ít
Thập niên trước, KKT Dung Quất được biết đến như một địa chỉ đỏ đầu tư, là mô hình KKT ven biển thành công nhất cả nước. Hàng loạt dự án quy mô thuộc các lĩnh vực công nghiệp nặng, lọc - hóa dầu; du lịch, dịch vụ được cấp phép ồ ạt đã nâng tầm của KKT này lên. Vậy nhưng, sau gần 15 năm thành lập, cả một KKT rộng mênh mông nhưng chỉ một số dự án hiện hữu như Nhà máy lọc dầu, Công ty Doosan, Nhà máy đóng tàu Dung Quất… hoạt động. Còn lại, “treo”, chậm triển khai, chiếm đất. Ông Lê Văn Dũng, Phó BQL KKT Dung Quất thừa nhận: “Những vấn đề trên đã ảnh hưởng lớn đến việc thu hút đầu tư những năm gần đây. Thế nên, hai năm vừa rồi khoảng 15 dự án được cấp phép, thì cũng ngần ấy dự án bị thu hồi”. Cuối năm 2011, sau khi giám sát tiến độ các dự án trên địa bàn, HĐND tỉnh Quảng Ngãi cho biết tại KKT Dung Quất có 31 dự án được giao đất. Trong số này có 19 dự án chậm tiến độ dưới 24 tháng, 5 dự án chậm tiến độ hơn 24 tháng và 7 dự án được giao đất trên 24 tháng nhưng chưa triển khai đầu tư xây dựng… nên đơn vị này đã kiến nghị BQL KKT Dung Quất thu hồi thêm 3 dự án. Còn theo báo cáo của BQL KKT Vân Phong thì 109 dự án đã đầu tư vào đây với vốn đăng ký 14,24 tỷ USD. Nhưng vốn thực hiện đến nay chỉ 460 triệu USD, chiếm 3,2%. Những dự án được coi là động lực khác như tổ hợp lọc hóa dầu, khu căn cứ dịch vụ công nghiệp dầu khí, trung tâm điện lực, khu đô thị Tu Bông, khu du thuyền cao cấp... đến nay chỉ vào giai đoạn thực hiện các thủ tục xây dựng...
Khiêm tốn hơn, KKT Nhơn Hội mới chỉ có 36 dự án đầu tư với trên 36.000 tỷ đồng, trong đó chỉ mới có 8 dự án đi vào hoạt động nhưng đa số là những dự án nhỏ. Trong khi đó, các dự án lớn hầu như đều chậm tiến độ, như: Khu du lịch nghỉ dưỡng Vĩnh Hội (tại xã Cát Hải, huyện Phù Cát) do Công ty Du lịch và Khách sạn Việt Mỹ (100% vốn nước ngoài) làm chủ đầu tư, được cấp phép từ tháng 12-2006, dự án này có diện tích 325ha, vốn đầu tư giai đoạn 1 là 250 triệu USD sẽ được đưa vào sử dụng từ năm 2014. Tuy nhiên, không triển khai được do vướng giải phóng mặt bằng. Cũng “hứa hẹn” là một khu du lịch khách sạn, resort có đẳng cấp quốc tế nhưng sau hơn 2 năm khởi công, đến giữa năm 2012, Dự án Khu du lịch Hải Giang (xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn) với vốn đầu tư 3.424 tỷ đồng, nhưng đến nay dự án này mới triển khai được hơn 23 tỷ đồng cho một hạng mục là tuyến đường dẫn vào khu vực dự án… Ông Nguyễn Ngọc Toàn, Phó trưởng BQL KKT Nhơn Hội, cho biết, hầu hết các dự án du lịch trong KKT Nhơn Hội đều thực hiện rất chậm so với tiến độ do vướng khâu giải phóng mặt bằng hoặc thiếu vốn đầu tư. Ông Toàn khẳng định: “Đối với những NĐT có tiềm lực tài chính mạnh như Công ty cổ phần Hải Giang, Công ty Du lịch và khách sạn Việt Mỹ thì vốn đầu tư không phải là vấn đề nhưng lại bị tắc ở khâu giải phóng mặt bằng. Những dự án còn lại thì do bị ảnh hưởng của lạm phát, lãi suất ngân hàng tăng cao, chính sách thắt chặt tiền tệ của Nhà nước… nên chủ đầu tư không thể vay vốn để triển khai dự án”.
. Theo SGGP |