Kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh, Liệt sỹ (27.7.1947 – 27.7.2012)
Khúc tráng ca trên đỉnh Chư Tan Kra
11:17', 25/7/ 2012 (GMT+7)

Lãnh đạo thành phố Hà Nội và tỉnh Kon Tum cắt băng khánh thành Khu tưởng niệm các liệt sỹ Hà Nội tại Kon Tum.

Cách đây hơn 44 năm, tại đỉnh Chư Tan Kra, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, hơn 200 người lính, là những chàng trai Hà Nội thuộc Trung đoàn 209, Sư đoàn 312, đã chiến đấu và anh dũng hy sinh trong cuộc chiến tranh chống Mỹ.

Ghi nhớ công lao của các liệt sỹ, bên cạnh việc nỗ lực tìm mộ, trước Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27.7 năm nay, Khu tượng đài các liệt sỹ Hà Nội được dựng lên ngay tại chân núi Chư Tan Kra của Tây Nguyên hùng vĩ. Công trình văn hóa tâm linh này là món quà ý nghĩa thể hiện tấm lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội tri ân những người con Thủ đô đã hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc.

“Lính mũ sắt Hà Nội"

Đến Nghĩa trang liệt sỹ huyện Sa Thầy, tỉnh Kom Tum, nơi yên nghỉ của các liệt sỹ tham gia trận đánh vào điểm cao 995, 996 tại Chư Tan Kra đêm 26.3.1968, tôi được gặp đoàn cựu chiến binh của Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 209, Sư đoàn 312 về viếng nghĩa trang và dự lễ khánh thành Khu tưởng niệm các liệt sỹ Hà Nội hy sinh tại Mặt trận Bắc Kom Tum, được nghe nhiều câu chuyện xúc động từ những người cựu binh. Hành trình dài trên 1.000km bằng ô tô, trong khi tuổi đã cao còn kinh phí thì tự nguyện, trong số họ không nhiều người có lương hưu, song với tâm niệm: "Trở lại Tây Nguyên để tri ân đồng đội", chặng đường ấy dường như được thu ngắn rất nhiều. Với những người lính "hai linh chín" năm xưa, hình ảnh những cánh rừng mùa mưa sũng ướt, những cung đường đầy rẫy bom mìn với cái chết được báo trước… sau hơn bốn chục năm bỗng chốc ùa về, rõ ràng, gần gặn như có thể chạm vào được. Tiếng chân, nhịp thở đồng đội đều đặn, âm thầm trong những đêm hành quân xa lắc lại như văng vẳng bên tai…

Cựu chiến binh Nguyễn Xuân Lành, Trưởng ban liên lạc Cựu chiến binh Tiểu đoàn 7, hồi tưởng: "Trận đánh vào đêm 25.3.1968 tại Chư Tan Kra là trận đánh đầu đời của lính mũ sắt Hà Nội. Đây là trung đoàn bộ binh đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam được trang bị mũ sắt cùng với các vũ khí, khí tài hiện đại như súng hỏa lực B40, B41; súng phun lửa, đại liên kiểu mới, mặt nạ phòng độc hóa học… cũng như được huấn luyện khá nhuần nhuyễn về kỹ chiến thuật hiện đại thời đó. Vừa đặt chân lên đất Kon Tum, chúng tôi được giao nhiệm vụ đánh sân bay Kleng, nằm ở phía đông dãy núi Chư Tan Kra. Chưa kịp thực hiện thì quân Mỹ đã đổ một đại đội xuống cao điểm 995 để đóng chốt, khống chế quân ta và chắn giữ mặt tây bắc căn cứ Kleng. Tình hình chiến sự thay đổi, cấp trên điều động Tiểu đoàn 7 vào đánh cao điểm này. 2h sáng ngày 25.3, khi lệnh tấn công được phát ra, quân ta nhất loạt xung phong trong tiếng đạn pháo vang trời…".

Trận đánh kết thúc vào chiều hôm sau, nhưng hơn 200 chiến sĩ Hà Nội cùng đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại đỉnh đồi, nhiều người trong đó bị quân xâm lược Mỹ chôn vùi vào những hố tập thể…

Mỗi một người lính ra trận đều để lại một hậu phương đang ngày giờ trông ngóng thế nên mỗi sự hy sinh đều dẫn đến bao câu chuyện gây thổn thức nỗi lòng. Trong đoàn người vào viếng Nghĩa trang Sa Thầy hôm đó, giữa bốn bề tĩnh lặng mênh mông hương khói, khó ai có thể cầm lòng khi nghe thấy tiếng khóc nghẹn ngào của con gái liệt sỹ Lê Văn Song (quê Gia Lâm, Hà Nội): "Bố ơi, bố hứa giải phóng sẽ về với con, sao bố không về?". Câu hỏi ấy sẽ chẳng bao giờ có được câu trả lời! Chiến tranh là vậy, không chỉ riêng gia đình liệt sỹ Lê Văn Song mãi còn cảm giác đớn đau mất mát. Trong đoàn quân những chiến sĩ tuổi đôi mươi ngày ấy, chắc chắn còn nhiều lời hẹn ước mãi mãi không thành hiện thực. Thế nên, sự "trở về" của các anh tại nghĩa trang này là nguồn động viên tinh thần vô cùng to lớn cho người thân và đồng đội.

Con đường từ Kon Tum lên Sa Thầy, điểm cao 995, 996 bây giờ phẳng phiu như một dải lụa mềm, uốn lượn ngoạn mục quanh những ngọn đồi cà phê xanh thẳm cùng rừng cao su ngút ngàn tầm mắt. Dẫu vậy, với những người từng tham gia trận đánh năm xưa, trái tim họ chưa lúc nào thôi trăn trở, bởi rất nhiều đồng đội khác vẫn còn đang nằm lại đâu đó trên mảnh đất cao nguyên này. Hơn 200 chiến sĩ đã hy sinh, nhưng mới chỉ có hơn 100 người được quy tập về nghĩa trang liệt sỹ, có nghĩa là vẫn còn chừng ấy gia đình liệt sỹ chưa thể yên lòng. Nhớ lại những ngày hào hùng và nhiều mất mát ấy, Thượng tướng Nguyễn Thế Trị, cựu chiến binh Trung đoàn 209, nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng, rưng rưng: "Tâm nguyện lớn nhất của tôi và đồng đội thuộc Trung đoàn 209 là sẽ sớm đưa được tất cả các liệt sỹ về "đoàn tụ" với gia đình".

Các anh sống mãi với Thủ đô và Tây Nguyên

Trận đánh năm 1968 của những chàng trai Hà Nội tuổi đôi mươi với tinh thần "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" là niềm tự hào sâu sắc của người Hà Nội. Dù không có mặt trong ngày đất nước toàn thắng nhưng những hy sinh của các anh cho ngày hạnh phúc ấy sẽ sống mãi trong lòng mỗi người dân Thủ đô. Để tri ân các liệt sỹ, thành phố Hà Nội đã trích gần 30 tỷ đồng để xây khu tượng niệm với nhiều hạng mục như: Nhà tưởng niệm, quy tập mộ liệt sỹ, khu nghĩa trang, phù điêu, nhà bia, nhà đón tiếp… Từ tháng 5.2011 đến tháng 7 năm nay, vượt mọi khó khăn, gian khổ của vùng đất Tây Nguyên nắng gió, các cán bộ, chiến sĩ Xí nghiệp Xây dựng 45 (Công ty TNHH một thành viên Hà Thành - Bộ Tư lệnh Thủ đô) - đơn vị thi công công trình, đã không ngừng cố gắng để hoàn thành đúng tiến độ. Thiếu tá Nguyễn Đức Hoàn, Giám đốc Công ty Hà Thành cho biết: "Với trách nhiệm của người lính đi xây dựng những công trình đặc biệt, hơn một năm nay, tôi cùng các đồng đội lập lán trại, ăn ngủ tại chỗ để bảo đảm hoàn thành công trình đúng tiến độ, phục vụ việc thăm viếng của TP Hà Nội và thân nhân liệt sĩ nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ". Được sự giúp đỡ tận tình của UBND tỉnh Kon Tum, UBND huyện Sa Thầy, UBND xã Ya Xier và sự đồng thuận của đồng bào các dân tộc khu vực thi công, Khu tưởng niệm các liệt sỹ Hà Nội hy sinh tại Mặt trận Bắc Kon Tum đã hoàn thành đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng. Đây là nghĩa cử, là tấm lòng tri ân của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô nhằm tôn vinh, ghi nhớ công ơn các liệt sỹ, cũng là địa chỉ, cầu nối giáo dục truyền thống yêu nước cho hôm nay và các thế hệ mai sau.

. Theo HNM

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đưa vào sử dụng bệnh viện lớn nhất miền Trung  (20/07/2012)
Gia Lai phát triển khu đô thị biên giới Việt-Lào-CPC  (14/07/2012)
Nhà máy lọc dầu Dung Quất hoạt động trở lại với 100% công suất  (10/07/2012)
Kon Tum: Định cư cho gần 2.000 hộ ở xã biên giới   (30/06/2012)
Về buôn Típ để quanh năm chỉ ăn cơm nếp  (28/06/2012)
Xây dựng Tây Nguyên thành vùng kinh tế trọng điểm   (19/06/2012)
Đắk Nông: Hơn 3.000 tỷ đồng cho du lịch sinh thái  (17/06/2012)
Miền Trung - Đầu tư thiếu trọng điểm  (14/06/2012)
Binh đoàn 15: Ra quân trồng mời 6.300 ha cao su  (12/06/2012)
Nghệ An đưa du lịch biển đảo thành kinh tế chủ lực  (10/06/2012)
Phát huy tiếng nói và chữ viết của đồng bào Êđê  (06/06/2012)
Nền tảng của sự phát triển bền vững  (30/12/2011)
Chống thương tích trẻ em miền Trung-Tây Nguyên  (18/12/2011)
Đà Nẵng từ chối 2 dự án 4 tỉ USD  (06/12/2011)
Khảo sát Khu di tích mộ bác sĩ A.Yersin  (23/11/2011)