Miền Trung: Khu công nghiệp hay “bách hóa tổng hợp”?
15:33', 3/8/ 2012 (GMT+7)

Một đoạn đường nội bộ đang được sửa chữa trong KCN Sài Gòn - Dung Quất (Quảng Ngãi).

Ngày 2.8, tại TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), Hội thảo khoa học kinh nghiệm thu hút đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng khu công nghiệp (KCN) các tỉnh duyên hải miền Trung do Ban điều phối Vùng và UBND tỉnh Bình Định phối hợp tổ chức đã có những tranh luận “nảy lửa” từ các chuyên gia, lãnh đạo các địa phương về cơ chế, chính sách, cạnh tranh thu hút đầu tư.

Đầu tư trùng lắp

TS Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM, Trưởng nhóm tư vấn Vùng nhìn nhận, với số lượng các KCN cho thấy việc xây dựng các KCN khá dàn trải dẫn đến phân tán vốn đầu tư; thiếu đồng bộ trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng. Ngay cả các KCN hoàn thiện cơ sở hạ tầng thì tỷ lệ lấp đầy vẫn còn thấp, chưa thể hiện được vai trò động lực phát triển kinh tế địa phương.

Theo ông Trần Du Lịch, toàn Vùng mới chỉ 24/42 KCN đi vào hoạt động chiếm 13,33%, trên tổng số số lượng các KCN đã đi vào vận hành của cả nước, đạt 10,72% số dự án đã đầu tư, 14,43% vốn đầu tư trong nước và đặc biệt vốn đầu tư của các dự án nước ngoài chỉ chiếm 2,33% tổng số vốn FDI đầu tư vào các KCN so cả nước là thấp. Tất cả các địa phương trong vùng đều có ba loại hình phát triển công nghiệp tập trung: Các khu chức năng công nghiệp trong các KKT; KCN và các cụm công nghiệp. Ngoài ra, có sự phát triển các xí nghiệp sản xuất công nghiệp tự phát nằm ven các trục quốc lộ, tỉnh lộ, giao thông nông thôn… đã tạo nên sự cạnh tranh thu hút các nhà đầu tư ngay trong nội bộ của mỗi tỉnh, ảnh hưởng đến chính sách và mục tiêu quy hoạch phát triển công nghiệp của địa phương và gây lãng phí nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, do các tỉnh, thành phố trong Vùng đều có điều kiện phát triển tương tự nhau nên đã dẫn đến tình trạng thu hút đầu tư các ngành nghề khá trùng lắp giữa các tỉnh, thành phố, giữa các KCN trong cùng một địa phương.

Theo PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng viện nghiên cứu kinh tế Việt Nam, cho đến nay, mô thức phát triển KCN của Vùng cũng giống như tuyệt đại đa số các KCN trên cả nước là xây dựng các KCN theo kiểu “bách hóa tổng hợp”. Đó là KCN hội đủ lò vôi, lò gạch, lò rèn, xưởng mộc, xưởng may, xưởng cơ khí. Tình trạng không kết nối, không liên kết và không thể lan tỏa phát triển còn phản ảnh rõ nét trong quan hệ hoạt động giữa các KCN trong vùng. Điều đó làm giả khảm sức cạnh tranh, không thể kêu gọi đầu tư hoặc kết nối hoạt động chuỗi với các doanh nghiệp lớn của thế giới. Đây là điều đáng lo ngại nhất, thậm chí không thể phát triển công nghiệp hỗ trợ vốn là loại ngành trong điều kiện hiện đại chủ yếu là công nghệ cao và phát triển theo nguyên tắc “chuỗi”.

Vẫn thiếu vai trò điều phối

Theo PGS-TS Trần Đình Thiên, để phát triển các KCN, Vùng không chạy theo số lượng KCN và diện tích đất cho thuê; định hướng phát triển KCN theo nguyên tắc “cụm công nghiệp” theo nghĩa quốc tế hiện đại chứ không phải theo nghĩa Việt Nam là (KCN cấp huyện). Tập trung nâng cấp thể chế để có thể tạo sức cạnh tranh quốc tế cho các KCN thay vì cạnh tranh theo kiểu chèn ép như hiện nay.

Ông Lê Hữu Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, thừa nhận phát triển công nghiệp ở miền Trung rất khó khăn. Vì vậy, đối với các địa phương có gì làm nấy, có khi nào làm khi đó, có dự án phù hợp thì tiếp nhận, cho dù đó có thể là doanh nghiệp nhỏ.

Theo ông Lộc, muốn các KCN góp phần mạnh hơn nữa và kinh tế địa phương, cả nước thì phải ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng. Nhưng không phải thu hút đầu tư bằng mọi giá, mà phải có cơ chế ràng buộc, tránh dự án treo, lãng phí đất, đồng bộ cơ chế, chính sách cho tất cả các tỉnh miền Trung thuộc Vùng.

Còn theo ông Nguyễn Văn Cao, chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, điều cản trở các KCN phát triển theo ông Cao là chưa có vốn đầu tư cho hạ tầng. Hơn hết, phải có sự thống nhất về kêu gọi đầu tư, để xảy ra cạnh tranh là bất lợi. Ông Cao cũng đồng quan điểm với ông Lộc rằng không thể ngồi chờ dự án công nghệ cao, bởi muốn cao phải có thấp.

Trong khi đó, Bí thư tỉnh ủy Quảng Nam Nguyễn Đức Hải thì khẳng định rằng: “Nói các tỉnh miền Trung cạnh tranh không lành mạnh trong thu hút đầu tư là chưa chính xác. Bản thân tôi làm lãnh đạo tỉnh, tôi chưa thấy có kiểu cạnh tranh đó. Mà ví von KCN như một “bách hóa tổng hợp” cũng đúng. Bởi mấy chục năm trước, đó là đặc thù của nền kinh tế nước ta. Tuy nhiên, từ “bách hóa tổng hợp” đi lên “siêu thị” là xu thế tất yếu”. Cái thiếu hiện nay theo ông Hải là do thiếu sự phối hợp, phân công, điều phối lĩnh vực thu hút đầu tư mũi nhọn giữa các địa phương. Mà cái đó, cần có sự hỗ trợ của các bộ, ngành trung ương.
Theo TS Trần Du Lịch, một giải pháp giải quyết được nhiều giải pháp là hình thành tuyến đường cao tốc từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa. Tuyến đường này sẽ thay thế được sân bay, bến cảng… và kéo khúc ruột miền Trung lại với nhau. Từ đó, cũng sẽ xóa bỏ được tư duy “liệu cơm gắp mắm”.

Đồng quan điểm trên, Trưởng ban điều phối Vùng duyên hải miền Trung, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh trong phát biểu kết luận Hội thảo cho rằng, để lãnh đạo các tỉnh miền Trung ngồi lại với nhau, dù chưa thỏa mãn nhưng đã thể hiện ý chí cầu toàn, đã có tiếng nói của khu vực. Vì vậy, sắp tới, cùng nhau hoạch định chính sách đầu tư. Ông Thanh cũng không quên nhấn mạnh là đầu tư cho hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông để rút ngắn khoảng cách đi lại, liên kết được chặt chẽ hơn.

Khảo sát của nhóm tư vấn hợp tác phát triển miền Trung cho thấy hiện 7 tỉnh khu vực miền Trung từ Thừa Thiên-Huế đến Khánh Hòa có 42 khu công nghiệp (KCN) đã được thành lập, chiếm trên 17.800 ha (trong đó có 7 KCN thuộc các KKT ven biển trong vùng với diện tích quy hoạch gần 6.000ha đang triển khai xây dựng và thu hút đầu tư. Có 24 KCN với diện tích trên 5.430 ha đã xây dựng và đi vào hoạt động, thu hút được 943 dự án (trong đó 775 dự án đầu tư trong nước với số vốn trên 60.613 tỷ đồng và 168 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn trên 1,3 tỷ USD).

Hiện tỷ lệ lấp đầy diện tích đất công nghiệp cho thuê của các KCN đạt 67,57% (cả nước 65%), trong đó cao nhất là của tỉnh Bình Định đạt 88,99%, Phú Yên đạt 85,98% và Đà Nẵng đạt 85,77%. Năm 2011, giá trị SXCN của các KCN trong vùng đạt gần 36.000 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho gần 150.000 lao động, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1.237 triệu USD, nộp ngân sách Nhà nước 2.256 tỷ đồng.

. Theo SGGPO

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Quảng Bình: Phát hiện khối thạch nhũ kỳ lạ trong động Phong Nha  (31/07/2012)
Đắk Nông kỷ niệm 100 năm khởi nghĩa N'Trang Lơng   (26/07/2012)
Khúc tráng ca trên đỉnh Chư Tan Kra  (25/07/2012)
Đưa vào sử dụng bệnh viện lớn nhất miền Trung  (20/07/2012)
Gia Lai phát triển khu đô thị biên giới Việt-Lào-CPC  (14/07/2012)
Nhà máy lọc dầu Dung Quất hoạt động trở lại với 100% công suất  (10/07/2012)
Kon Tum: Định cư cho gần 2.000 hộ ở xã biên giới   (30/06/2012)
Về buôn Típ để quanh năm chỉ ăn cơm nếp  (28/06/2012)
Xây dựng Tây Nguyên thành vùng kinh tế trọng điểm   (19/06/2012)
Đắk Nông: Hơn 3.000 tỷ đồng cho du lịch sinh thái  (17/06/2012)
Miền Trung - Đầu tư thiếu trọng điểm  (14/06/2012)
Binh đoàn 15: Ra quân trồng mời 6.300 ha cao su  (12/06/2012)
Nghệ An đưa du lịch biển đảo thành kinh tế chủ lực  (10/06/2012)
Phát huy tiếng nói và chữ viết của đồng bào Êđê  (06/06/2012)
Nền tảng của sự phát triển bền vững  (30/12/2011)