|
Người dân thị trấn Lang Chánh chỉ kịp thoát thân, toàn bộ tài sản đều bị ngập trong nước. |
Mưa lũ đã làm 6 người chết và mất tích, nhiều xã bị cô lập hoàn toàn trong khi lũ ở các sông từ Thanh Hoá đến Hà Tĩnh đang lên cao.
* Tại Thanh Hóa: Từ ngày 4-6.9, trên địa bàn tỉnh đã có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 130-300mm. Tại huyện Thường Xuân có 3 người đã bị lũ cuốn mất tích, tổng thiệt hại về tài sản ước tính trên 3 tỷ đồng.
Mưa lớn cũng làm nhiều tuyến đường giao thông liên xã tại huyện Thường Xuân bị chia cắt, tuyến đường từ xã Xuân Cẩm đi Nam Xuân bị sạt lở gây ách tắc. Huyện Lang Chánh có gần 500 hộ chủ yếu ở lưu vực sông Âm bị úng ngập, nhiều nhà tranh tre bị nước lũ cuốn trôi.
Ông Mạc Tuấn Anh - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Lang Chánh, cho biết: Trong hai ngày từ 5 – 6.9, do trời mưa lớn và liên tục, các sông, suối trên địa bàn huyện này đã đổ dồn về gây ngập cục bộ ở các xã như Lâm Phú, Tam Văn, Trí Nang, Quang Hiến, Giao An, Giao Thiện, Đồng Lương, Tân Phúc. Đặc biệt, thị trấn Lang Chánh bị ngập hoàn toàn, nước đã lên đến nóc nhà dân, giao thông bị cô lập với bên ngoài.
Theo tổng hợp sơ bộ đến thời điểm hiện tại, toàn huyện Lang Chánh đã bị ngập 1.400ha lúa mùa của người dân. Theo nhận định, nếu trong vài ngày tới, trời vẫn mưa to, thì chắc chắn số diện tích lúa nêu trên của huyện này sẽ mất trắng hoàn toàn, vì hiện nay lúa đang trỗ bông, làm đòng, có nơi đã chắc hạt.
Hiện, chưa có thiệt hại về người nhưng đã có nhiều nhà cửa, trâu bò, lợn gà và hoa màu của đồng bào bị cuốn trôi.
Được biết, toàn huyện Lang Chánh vẫn còn 181 hộ dân sống trong vùng có nguy cơ cao về sạt lở đất, lũ quét, lũ ống vẫn chưa được chuyển đến nơi ở an toàn.
Trước đó, từ ngày 28.8 – 2.9, hiện tượng mưa kéo dài cũng diễn ra kèm theo lốc xoáy cục bộ đã làm 1 số xã thuộc huyện Quan Hóa bị sạt lở, 66 nhà cửa bị tốc mái, hơn 40 ha lúa, ngô, sắn và 2,1 tấn cá bị cuốn trôi, 30 ha luồng bị thiệt hại.... Tổng thiệt hại về sản xuất ước tính hơn 3,3 tỷ đồng.
* Những ngày mưa to vừa qua đã làm nhiều xã của huyện miền núi Hương Khê (Hà Tĩnh) bị cô lập, trong đó có 1.500 hộ dân bị ngập nặng. Đến chiều 6.9, toàn xã Phương Mỹ đã bị nước lũ cô lập. Chính quyền đã sơ tán người già và trẻ em bằng thuyền nan và thuyền bè; gần 550 học sinh cũng phải nghỉ học để tránh lũ.
Báo cáo nhanh của huyện Hương Khê cho biết, đã có 6 người bị thương trong khi di chuyển đồ đạc tránh lũ. Tối 5.9, thượng úy Đinh Thế Anh (Phòng An ninh Kinh tế, Công an Hà Tĩnh) đi từ thị trấn Hương Khê về cơ quan ở thành phố Hà Tĩnh bị nước lũ cuốn trôi và may mắn được người dân cứu sống.
* Tại Nghệ An, mưa lớn cũng đã làm 3 người chết và 5 người bị thương. Các nạn nhân bị nước lũ cuốn trôi và đã tử vong gồm em Nguyễn Văn Nam (4 tuổi, ở xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Lưu), Phạm Văn Giáp (18 tuổi, xã Nghĩa Bình, huyện Tân Kỳ) và anh Lang Văn Bắc (21 tuổi, xã Cẩm Sơn, huyện Anh Sơn).
Nhiều tuyến quốc lộ 7, quốc lộ 15 và một số tỉnh lộ bị sạt lở, ngập nước khiến giao thông bị tê liệt. Nhiều xã của huyện vùng cao Tương Dương, Con Cuông đến chiều 6.9 đã bị nước lũ cô lập. Các tuyến đường vào các bản vùng sâu thuộc các xã Yên Na, Yên Tĩnh, Nhôn Mai, Mai Sơn của huyện Tương Dương bị ách tắc ở nhiều đoạn do đất lở.
Theo báo cáo tính đến chiều tối 6.9, đã có 1 nhà dân bị lũ cuốn trôi, 1.235 nhà bị ngập nước, trên 9.800 ha lúa bị nước nhấn chìm, 11 cây cầu tạm bị nước cuốn trôi, một số công trình thủy lợi bị hư hỏng nặng.
* Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương dự báo, lũ trên các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh tiếp tục lên nhanh.
Đến sáng và trưa 7.9, mực nước tại sông Bưởi tại Kim Tân lên mức 11,0, ở mức báo động 2; sông Chu tại Bái Thượng lên mức 17,5m, dưới báo động 3: 0,5m; sông Mã tại Giàng lên mức 4,5m, trên báo động 1 là 0,5m; sông Yên tại Chuối lên mức 3,8m, trên báo động 3: 0,3m; sông Cả tại Dừa lên mức 21,5m, trên báo động 1: 1m, dưới báo động 2: 0,2m; sông La tại Linh Cảm lên mức 4,5m, ở mức báo động 1.
Sau đó lũ trên các sông còn tiếp tục lên. Cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất xảy ra ở vùng núi, ngập lụt sâu ở vùng trũng, đồng bằng các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh.
. Theo VOVonline |