|
Hệ lụy mất đất canh tác sau xây thủy điện. |
Đã 7 năm trôi qua, người dân trong vùng An Khê – Ka Nak vẫn đang mòn mỏi chờ đợi phía nhà đầu tư thực hiện lời hứa.
Tỉnh Gia Lai đã nhiều lần có ý kiến đến các Bộ, ngành, Đài TNVN cùng nhiều cơ quan báo chí cũng đã liên tục phản ánh những hệ lụy dai dẳng của thủy điện An Khê - Ka Nak tới đời sống người dân trong vùng. Tuy nhiên, sau hơn 7 năm, những vấn đề của công trình thủy điện này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Hơn 2.500 hộ dân đang bị ảnh hưởng trực tiếp, hàng vạn hộ dân bị ảnh hưởng gián tiếp.
Làng tái định cư Groi (thị trấn Kbang) có khoảng 80 hộ gia đình với gần 600 khẩu, trong đó 65 hộ là đồng bào dân tộc tại chỗ. Trước đây, cả làng có hơn 200 ha đất để trồng lúa và hoa màu. Gần như toàn bộ diện tích này đã bị thu hồi để phục vụ thủy điện An Khê – Ka Nak. Khi mới thu hồi đất của dân, Ban Quản lý thủy điện 7 có thông báo sẽ đổi đất để bà con ổn định sản xuất, đời sống. Tuy nhiên, đã 7 năm trôi qua, những gì mà người dân làng Groi thấy được chỉ là khoảng 80ha đất đã bạc màu, nhiều sỏi đá và khó canh tác, trong đó có gần 20 ha đã bị người dân vùng khác đến xâm canh. Dân làng đi làm thuê kiếm sống chứ nhất quyết không nhận diện tích đất đền bù thiếu trách nhiệm này. Ông Đinh Văn Kép, một người dân ở làng Groi nói: “Làng Groi đây trước cũng có đất làm mà bây giờ khó khăn về đường đi, vì thủy điện gây ra, bây giờ đất làm không có, không biết đi làm ăn chỗ nào”.
Khi thực hiện dự án thủy điện An Khê - Ka Nak tổng diện tích đất Ban quản lý thủy điện 7 thu hồi tại huyện K’bang và thị xã An Khê là trên 3.100 ha, bao gồm cả đất tự nhiên, đất sản xuất và đất ở của người dân. Ngoài ra, việc tích nước thủy điện còn làm ngập hàng trăm ha đất sản xuất của nhân dân khai hoang và ổn định sản xuất từ những năm 1989-2000 quanh lòng hồ thủy điện. Công tác đền bù, tái định cư và khắc phục những hậu quả của thủy điện chỉ được thực hiện một cách nửa vời đã khiến hơn 2.500 hộ dân của huyện Kbang và thị xã An Khê bị ảnh hưởng trực tiếp, lâm vào cảnh khốn khổ. Hiện nhà máy đã phát điện, nhà đầu tư hưởng lợi còn địa phương đang phải oằn mình khắc phục hậu quả. Ông Võ Văn Phán, Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang, nói: “Về những hộ khó khăn, thiếu đói, huyện hàng năm, hàng tháng đều giải quyết theo chính sách xã hội, tức là hỗ trợ lương thực cho đồng bào, không có kinh phí của Ban 7 thì huyện vẫn phải làm. Cuộc sống của đồng bào nói chung đa số là khổ, thủy điện giải quyết không kịp thời đất sản xuất đương nhiên người ta còn khổ hơn. Nói thờ ơ thì người ta cũng chưa đến mức nhưng mà giải quyết chậm, trách nhiệm chưa cao trong vấn đề giải quyết đất sản xuất cho dân”.
Hiện tại lưu lượng nước xả sau đập An Khê - Ka Nak là 4m3/s, lượng nước này không đủ cho các nhu cầu nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp vùng hạ lưu trong mùa khô. Hàng vạn hộ dân ở phía hạ nguồn chịu ảnh hưởng không nhỏ từ việc thiếu nước. Tỉnh Gia Lai đã đề xuất các Bộ, ngành xem xét công bố dòng chảy tối thiểu trên dòng Sông Ba; thành lập Hội đồng lưu vực sông để cùng địa phương giải quyết những khó khăn trong vấn đề điều tiết nước. Đồng thời, tỉnh cũng đã đề nghị Chính phủ sớm ban hành quy chế vận hành liên hồ chứa vào mùa khô trên lưu vực sông Ba để giải quyết nhu cầu nước ở vùng hạ du. Tuy nhiên, đến nay những tồn tại trên vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Tại buổi làm việc của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Gia Lai trong tháng 12.2012, những hệ lụy của việc phát triển thủy điện, đặc biệt là thủy điện An Khê – Ka Nak tiếp tục được tỉnh báo cáo là một trong những vấn đề bức xúc hàng đầu của tỉnh hiện nay. Ông Phạm Đình Thu, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai nói: “Do quy hoạch làm không bài bản, không khoa học, trên cho làm thủy điện, hạ du cho làm thủy điện. Ngoài ra thủy điện An Khê – Ka Nak này làm cho 4 huyện phía sau ảnh hưởng trên 400.000 dân chứ không phải chỉ 2 huyện Kbang và An Khê. Chúng tôi đã làm việc rất nhiều lần với Ban thủy điện 7 và EVN nhưng các đồng chí cứ vào, ra thế thôi. Hiện nay phát điện được rồi thì mời các đồng chí đến là rất khó. Đây là vấn đề rất là bức xúc”.
Đã 7 năm trôi qua, người dân trong vùng An Khê – Ka Nak vẫn đang mòn mỏi chờ đợi phía nhà đầu tư thực hiện lời hứa.
. Theo VOV
|