|
Sự cố vỡ tường thượng lưu thủy điện Đắc Mét 3. |
Phát triển thủy điện quá mức ở Tây Nguyên đã trở thành gánh nặng, hệ lụy kéo dài không dễ giải quyết.
Thực tế phát triển các dự án thủy điện thời gian qua ở Tây Nguyên cho thấy, hiệu quả kinh tế mang lại cho đất nước, cho an ninh năng lượng, cho mỗi địa phương trong khu vực là không thể phủ nhận. Tuy nhiên bên cạnh đó, việc phát triển một cách ồ ạt các công trình thủy điện đã và đang để lại những hệ lụy về dân sinh, môi trường.
Sau khi tiến hành rà soát lại toàn bộ quy hoạch hệ thống thủy điện tại địa phương, ngày 26.2 vừa qua, UBND tỉnh Kon Tum đã có thông báo chính thức loại bỏ 21 vị trí thủy điện vừa và nhỏ ra khỏi quy hoạch.
Lý do của việc loại bỏ được nêu ra là, các dự án có quy mô nhỏ, hiệu quả thấp, chiếm dụng nhiều đất rừng, khó khăn về hạ tầng giao thông, chưa có hệ thống lưới điện truyền tải, ảnh hưởng đến một số công trình quan trọng trên địa bàn…Đây là những lý do thuyết phục, và việc loại bỏ các dự án thủy điện này nhận được sự đồng tình của đa số nhân dân.
Đối với tỉnh Kon Tum, hậu quả của việc quy hoạch ồ ạt, phát triển quá nóng thủy điện vừa và nhỏ đã để lại những hệ lụy không dễ giải quyết, không dễ khắc phục đối với địa phương. Điển hình là sự cố vỡ tường thượng lưu thủy điện Đắc Mét 3 tại xã Đắc Choong, huyện Đắc Glei xảy ra cuối tháng 11 năm 2012 đã bộc lộ những lỗ hổng trong quản lý, giám sát, tiềm ẩn hiểm họa khôn lường.
Ông Nguyễn Thanh Bình, thôn 2, thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy, người rất quan tâm đến việc phát triển thủy điện vừa và nhỏ tại địa phương cho rằng, các công trình thủy điện nhỏ khi giao cho các nhà đầu tư, là doanh nghiệp tư nhân về góc độ kỹ thuật tôi thấy không đảm bảo.
“Cụ thể như vừa rồi chúng ta thấy hàng loạt sự cố rồi những vấn đề khác nữa không ai giám sát. Thứ hai nữa là trong quá trình phát triển thủy điện nhỏ ở các địa phương thì ảnh hưởng môi trường rất lớn, đó là gì, tức là lợi dụng phá rừng, rồi ảnh hưởng sản xuất nông nghiệp các vùng đồng bào” - ông Nguyễn Thanh Bình bức xúc.
Có một thực tế rất khác sau những ngôn từ tốt đẹp về tương lai của người dân được thể hiện trên những dự án thủy điện. Hơn 100 hộ dân ở xã Đắc Choong, huyện Đắc Glei, tỉnh Kon Tum thấu hiểu hơn ai hết điều này. Từ hơn 3 năm nay, cuộc sống của họ bỗng rơi vào tình cảnh khó khăn, khốn đốn. Nguyên nhân là những hộ dân ở đây có nhà cửa và đất sản xuất nằm trong vùng quy hoạch xây dựng thủy điện Đắc Mil 1, chủ đầu tư công trình là Công ty CP Quang Đức, tỉnh Gia Lai.
Để phục vụ cho việc xây dựng thủy điện, 14 hộ dân nằm trong vùng ngập lòng hồ được hứa hỗ trợ di dời nhà cửa. Gần 150 hộ dân mất trên 200 ha đất sản xuất được hứa đền bù hỗ trợ.
Ngay từ năm 2009, Công ty cổ phần Quang Đức có thông báo khuyến cáo người dân không trồng cây dài ngày và xây dựng công trình kiên cố trên diện tích đất đã đo đạc. Thế nhưng đến nay việc đền bù vẫn chưa được thực hiện, cuộc sống của người dân đang ổn định bỗng chốc rơi vào cảnh bấp bênh.
Ông A Chép, thôn trưởng làng Kon Năng, xã Đắc Choong, huyện Đắc Glei cho biết, khi có thủy điện này gia đình ông cũng như bà con không dám đi làm trong khu vực bị ngập thủy điện. Bà con làm ăn vất vả, đói, nghèo vì đất trong thủy điện không làm được. Bà con phải cố gắng đợi đến khi nào được giải quyết đền bù nhưng đợi mãi chưa thấy.
Bên cạnh lợi ích mang lại, việc phát triển ồ ạt các dự án thủy điện ở khu vực Tây Nguyên trong những năm qua đã để lại những hệ lụy dai dẳng đối với các địa phương. Điều đáng nói là ngay cả ở những dự án thủy điện lớn, được triển khai thực hiện một cách bài bản, quan điểm đặt lên hàng đầu, là “nơi ở mới của người dân phải bằng và hơn nơi ở cũ” cũng đã xảy ra những “hậu Yaly”, “hậu Plei K’rông”, “hậu An Khê- Knak” với những khiếu kiện, bất ổn kéo dài trong một bộ phận người dân phải di dời.
Ông Phạm Văn Hương, tổ dân phố 6, thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi cho rằng: “Chúng tôi thấy rằng là mỗi khi làm thủy điện bảo di dân nơi ở mới hơn nơi ở cũ thì tôi thấy cái này cũng chưa thấy được đồng đều. Có những nơi rất là tốt nhưng có những nơi do quản lý không đến nơi đến chốn thì dẫn đến là người di dân ở nơi ở mới họ không mặn mà”.
Tiềm năng và cái lợi của việc phát triển thủy điện ở Tây Nguyên đã rõ. Song chỉ nghĩ đến cái lợi trước mắt mà làm bằng được, chắc chắn sẽ dẫn đến cái hại lâu dài.
Gần đây nhất là thủy điện An Khê - Knak do Ban quản lý dự án thủy điện 7 làm chủ đầu tư, được xây dựng tại thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai có công suất 173 MW đã khiến cuộc sống của hàng nghìn hộ dân rơi vào cảnh khó khăn. Tệ hại hơn khi thủy điện đi vào hoạt động, sông Ba kiệt nước, để lại hậu qủa nặng nề không thể khắc phục cho vùng hạ lưu.
Tương tự như thủy điện An Khê - Knak, thủy điện Thượng Kon Tum công suất 220MW hiện đang xây dựng, với việc chuyển nước từ sông Đắc Snghé - Kon Tum sang sông Trà Khúc - Quảng Ngãi dự báo sẽ khiến các sông: Đắc Snghé, Đắc Bla, Sê San bị cạn kiệt nguồn nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sinh kế của hàng vạn hộ dân 3 huyện, thành phố của tỉnh Kon Tum là Kon Plông, Kon Rẫy và thành phố Kon Tum.
Nếu như tỉnh Kon Tum đã loại 21 vị trí thủy điện vừa và nhỏ ra khỏi quy hoạch, thì tỉnh Gia Lai trước đó cũng đã tiến xa hơn bằng việc đề nghị Chính phủ cho dừng không tiếp tục phát triển thêm các dự án thủy điện tại địa phương.
Trong buổi làm việc với Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 10/12/2012, lãnh đạo tỉnh Gia Lai đã chính thức có ý kiến về vấn đề này. Tại buổi làm việc, ông Phạm Thế Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: “Theo tôi thủy điện nên dừng ở đây. Mất rừng cũng nhiều, người dân phá rừng, lâm tặc làm suy giảm nguồn rừng. Những công trình lớn phá rừng cả ngàn ha. Vấn đề môi trường rất là lớn. Ngay trên địa bàn của Gia Lai cái thủy điện nhỏ nào đang làm thì cho làm. Cái nào quá thời hạn cho thu hồi hoặc và cái mới thì không cho xây nữa!”.
Dù cũng đã muốn dừng, dù đã loại bỏ thì trong quy hoạch, hiện tại tỉnh Kon Tum vẫn còn tới 48 dự án thủy điện vừa và nhỏ; tỉnh Gia Lai có tới gần 100 dự án. Nếu chỉ nhìn vào hàng trăm MW điện được thể hiện trên các dự án dễ dàng thấy nguồn lợi lớn.
Song với việc quy hoạch, phát triển ồ ạt thủy điện nhưng lại yếu trong khâu quản lý, giám sát như hiện nay, thủy điện vẫn tiếp tục là nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất rừng, mất đất sản xuất, ảnh hưởng xấu đến môi trường, gây nên những bất ổn đối với cuộc sống của người dân, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn hồ chứa bất kể đó là những dự án thủy điện lớn hay có quy mô vừa và nhỏ.
Thủy điện không chỉ là đầu tư - ngăn nước - thu tiền, mà thủy điện còn là gánh nặng, là những hệ lụy kéo dài không dễ giải quyết đối với các tỉnh Tây Nguyên.
. Theo VOV |