Tóc trong văn hóa dân gian
19:5', 2/11/ 2005 (GMT+7)

Nói đến phụ nữ là nói đến cái Đẹp, trong đó có mái tóc - "Cái răng, cái tóc là vóc con người". Phụ nữ thời mẹ tôi, ai cũng để tóc dài, xếp trong khăn đen, quấn quanh đầu, gội tóc bằng bồ kết. Khi lao động cuốc đất trồng rau, nhổ mạ, gieo cấy, gặt hái thì búi tóc gọn sau gáy, bồ kết vẫn giữ mùi thơm đến nhẹ người. Lúc mẹ tôi ngã bệnh, bà không cho cắt tóc. Chẳng hiểu vì sao mẹ tôi lại quý tóc như vậy ?

Thời kháng chiến chống Pháp, phụ nữ được tổ chức thành Hội, gọi là Đội quân tóc dài: làm du kích dân quân, tiếp tế lương thực đạn dược ra tiền tuyến, vận động nhân dân ủng hộ tiền, gạo nuôi quân đánh giặc. Bước vào kháng chiến chống Mỹ, Đội quân tóc dài tiếp tục phát huy khí phách anh hùng, làm nòng cốt trong phong trào đấu tranh chính trị, chống địch càn quét, bắn giết người dân vô tội… phá ấp chiến lược của địch, đào hầm bí mật nuôi giấu cán bộ hoạt động cách mạng. Nhiều phụ nữ bị địch bắt tù đày, tra tấn đến rụng tóc. Biết bao mẹ, bao chị, bao cô gái đã anh dũng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Tên tuổi nhiều phụ nữ sáng ngời trong lịch sử dân tộc… Phụ nữ Việt Nam được Bác Hồ phong tặng ba chữ vàng: "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang".

Thời kỳ đổi mới, phụ nữ thay đổi cách nghĩ, cách làm, tự lực tự cường vươn lên xóa đói, giảm nghèo, góp công sức và trí tuệ xây dựng, bảo vệ đất nước. Quả là: "Dù ta đặt người phụ nữ vào vị trí nào đi nữa, họ cũng làm đẹp cho xã hội, cũng là kho báu của cuộc đời".

Hình tượng người phụ nữ đã đi vào văn thơ, báo chí, khắc họa rõ nét những vẻ đẹp… nào thắt đáy lưng ong, khuôn mặt trái xoan, mắt đen hạt nhãn, cái nhìn lúng liếng, hàm răng trắng ngọt hoa cau, đôi má hồng hồng, ngón tay búp măng, gót chân son...

Riêng mái tóc thì quyến rũ:

Tóc đến lưng vừa chừng em hỡi

Để chi dài bối rối dạ anh.

Tóc đến lưng là vừa tuổi lên xe hoa, để dài chi hơn nữa cho lòng người vấn vương… Thuở "Chồng cày vợ cấy, con trâu đi bừa", lam lũ nắng mưa, chân lấm tay bùn, người phụ nữ phải gánh chịu nhiều nhất. Đến mùa gặt hái, bộn bề công việc, bời bời rơm rạ ngoài đồng, con gánh, vợ đội về cho chồng xây đống, dự trữ thức ăn cho trâu bò. Rơm rác dính đầy đầu tóc, đã ngọt ngào câu ca dao:

Trên đầu những rác cùng rơm

Chồng yêu chồng bảo hoa thơm cài đầu.

Tình yêu thương chân chất mặn nồng, cần gì má phấn môi son, xịt nước hoa vào đầu tóc! Nhà nghèo, chỉ có mảnh sân nho nhỏ, cũng cắm mấy cành tre khô, tạm gọi là giàn. Hết mùa bầu bí leo chung, trồng cây thiên lý lấy hoa làm rau ăn. Dây thiên lý leo giàn, đơm bông, thoảng mùi thơm, mà rằng:

Ngắm hoa thiên lý leo giàn

Hoa kia thơm một, tóc nàng thơm ba.

Tóc phụ nữ còn thơm hơn và thơm mãi suốt cuộc đời của tình yêu đôi lúc đến ngày tóc bạc răng long. Ông bà ta cũng thường nói: "Cái răng cái tóc là vóc con người". Hai cái ấy, nếu được gìn giữ, sẽ tạo cho dáng vóc con người đoan trang, duyên dáng. Thấy cái đẹp ai cũng ngắm nhìn, có khi còn đắm say! Thì ra, bây giờ đã tuổi cổ lai hy, tôi mới ngẫm ra Mẹ tôi đã ngã bệnh mà bà không cho cắt tóc là hàm ý sâu xa vậy !

Thời kinh tế thị trường, một bộ phận nhân dân đã chuyển đổi lối sống. Nhiều phụ nữ thay đổi mốt thời trang, theo kiểu Tây Âu, làm mất đi cái vẻ đẹp tự nhiên đáng quý. Mái tóc mượt mà dài ngang lưng và còn dài hơn nữa, thì nhiều phụ nữ lại cắt bấm đi cho bằng đuôi, trông khô như mái rạ. Đa phần chị em cắt tóc để chấm vai có người thì cắt cụt gọn như đàn ông… Một dạo, trên màn ảnh ti vi xuất hiện một số nữ ca sĩ, nữ diễn viên cắt tóc ngắn ngang tai, hoặc để tóc chải răng lược trên trán, múa hát thì hay nhưng lại mặc váy đầm cộc cỡn, áo hở hang, trông mất thẩm mỹ, mất đi vẻ đẹp thuộc bản sắc văn hóa dân tộc.

Bà cô tôi 70 tuổi, cuộc đời trải lắm gian truân trong kháng chiến, bom đạn giặc Mỹ đã cướp mất người chồng và đứa con trai độc nhất. Người mẹ, người vợ ấy nay còn để mái tóc dài đến thắt lưng. Ngày lễ hội, đám tiệc, cô tôi mặc áo dài, khi thì màu tím hoa sim, khi thì màu sữa càphê, quần đen láng bóng, đội nón lá Gò Găng trông vừa đẹp vừa sang, lại có phong độ đoan trang, nói năng dịu dàng, thể hiện người có văn hóa, lắm người ngó dòm. Có người hỏi: "Thời buổi bây giờ, bà còn để tóc dài đến vậy à?". Cô tôi cười, bảo: "Tóc dài, khi lao động thì bới ra sau gáy cho gọn, để tóc dài mới ra dáng đàn bà, phụ nữ".

Trong ngày lễ kỷ niệm Quốc tế phụ nữ 8-3 năm nay, nhiều chị, nhiều mẹ, nhiều cô mặc áo dài, tóc xõa đến cuối lưng. Ông bạn tôi cảm hứng, sáng tác bài thơ tặng, trong đó có câu:

…Tóc bay trong gió dập dờn

Nghe thơm hương tóc theo nàng sang sông…

Cô thanh nữ có cái nhìn lúng liếng, đứng lên đáp lại:

Anh thương… em đã có chồng

Em xin gửi lại nụ hồng kiếp sau.

Thật là lưu luyến mái tóc dài… Cả hội trường vỗ tay không ngớt…

  • Vân Sơn
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Những mặt trái của kỳ quan kinh tế Nhật Bản  (02/11/2005)
Trung thu còn lại nỗi buồn  (02/11/2005)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (02/11/2005)
Góp một tay xúc tiến đầu tư  (28/09/2005)
"Bà đỡ" của nghề cá Hoài Nhơn  (28/09/2005)
Hành trình đưa cây lúa nước lên đỉnh núi Vĩnh Sơn  (28/09/2005)
Nghề đan tre ở Quan Quang  (28/09/2005)
"Văn hóa đọc" ở làng tôi xưa  (28/09/2005)
Hình tượng con voi trong điêu khắc Chăm  (28/09/2005)
Làm gì để tu bổ, bảo tồn nhà lá mái Bình Định?  (28/09/2005)
Thơ  (28/09/2005)
Nỗi buồn làng vắng  (28/09/2005)
Đêm Trung thu  (28/09/2005)
Đập Đá: Đập xi măng đầu tiên xây ở Trung Kỳ  (28/09/2005)
Chân cứng đá mềm  (28/09/2005)