Tìm về cội nguồn sản xuất rượu vang
19:14', 2/11/ 2005 (GMT+7)

Từ khi quan sát thấy lũ chim say túy lúy với món trái cây lên men thì cũng là lúc con người biết tìm đến với thứ nước uống thơm ngon chế biến từ nho lên men.

Kết hợp khảo cổ học với phân tích phân tử và hóa học, Mc Govern - nhà nghiên cứu nguồn gốc rượu nho cổ, chuyên gia hàng đầu về khảo cổ học phân tử sinh học thuộc Đại học Pennsylvania (Philadelphia, Mỹ) - đã khảo sát miền đông Thổ Nhĩ Kỳ để tìm về nguồn gốc của rượu vang. Ông đã tổng hợp kết quả phân tích để chứng minh rằng lịch sử của rượu nho có từ thời kỳ Đồ đá muộn (8.500 - 4.000 trước CN) và cuộc sống văn minh đầu tiên.

Loại nho hoang Âu-Á (Vitis vinifera sylvestris) xuất hiện trên một dải đất từ Tây Ban Nha đến Trung Á. Các loại nho trồng chiếm gần một nửa số rượu nho sản xuất ngày nay. Mc Govern đã nỗ lực xác định nguồn gốc của ngành trồng nho thời Đồ đá muộn, nơi "phát tích" của nho trồng và "công nghệ" làm rượu vang bằng cách so sánh ADN của nho hoang với ADN của nho trồng hiện nay.

Một trong những địa điểm thu thập nho của các nhà nghiên cứu là khe núi sâu bên dưới địa danh Nemrut Daghi. Thế kỷ I trước CN, vị vua Antiochus I Epiphanes đã cho khắc hàng loạt bức tượng của mình như một vị thần trên độ cao 2.130m của đỉnh núi đá vôi này. Nơi đây có cả một di chỉ Đồ đá muộn. Tại đây và các khu khảo cổ khác, Mc Govern đã thu thập được các mảnh vỡ bằng đá và gốm rồi đưa đi kiểm tra vật liệu hữu cơ cổ với hy vọng tìm được cặn rượu nho địa phương. Mc Govern cho rằng các chất hữu cơ cao cấp như rượu nho có thể để lại dấu vết hóa học trong các đồ vật khảo cổ. Năm 1988, một cộng sự tên là Virginia Badler đã mang cho ông một số mảnh bình vỡ có niên đại vào khoảng năm 3000 trước CN, tìm thấy ở làng Godin Tepe thuộc dãy Zagros ở miền tây Iran. Sau nhiều cuộc thử nghiệm, Mc Govern đã chứng minh được rằng lớp cặn màu hơi đỏ bám trên mặt mảnh vỡ là cặn rượu nho. Hình dáng và cái cổ có nút của chiếc bình tìm được cho thấy người tạo ra nó cố tình làm vậy để xả bớt oxy ra ngoài (oxy biến rượu vang thành giấm). Ngoài ra, các nhà nghiên cứu còn tìm thấy dấu vết nhựa của một loại cây ở Trung Đông cùng họ với cây điều có tên là terebinth. Theo Mc Govern, thời cổ đại nhựa cây có hương thơm thường được dùng để bảo quản rượu vang. Rượu nhựa cây rất phổ biến thời đó. Cho đến nay, ở Hy Lạp vẫn còn một loại rượu nhựa cây là loại rượu vang có hương nhựa thông tên là retsina. Ông cho rằng có khả năng là chiếc bình chứa một loại rượu vang cổ.

Công trình của Mc Govern đã chứng minh được ngành sản xuất rượu vang xuất hiện cách đây 5.000 năm, lâu hơn nhiều so với những kết quả trước đó. Mấy năm sau, kết quả phân tích hóa học đồ gốm khai quật tại di chỉ Hajii Firuz (cũng tại núi Zagros) đã "đẩy" bằng chứng về rượu vang xa thêm 2.000-2.400 năm nữa về tận thời kỳ Đồ đá muộn.

Mc Govern cho rằng việc thuần hóa nho và làm rượu nho bắt đầu ở miền đông Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó mới lan rộng ra khắp thế giới cổ đại. Ông gọi đây là "Giả thuyết Noah", bởi vì giả thuyết này cho rằng giống nho cổ chỉ có một nguồn gốc duy nhất, khi tan cơn Đại hồng thủy, Noah cập thuyền vào sườn núi Ararat (ngày nay là miền đông Thổ Nhĩ Kỳ) và bắt tay vào trồng nho, làm rượu vang.

Dường như vùng đất miền đông và đông nam Thổ Nhĩ Kỳ đủ phì nhiêu để có thể trở thành cái nôi của nông nghiệp. Mc Govern giải thích: "Có thể lúa mì Einkorn cũng được thuần hóa ở đây vào thời kỳ Đồ đá muộn, một trong những loài cây trồng đầu tiên giúp dân địa phương định cư và xây dựng xóm làng. Vì vậy, nho cũng đã được trồng lần đầu tiên ở đây".

Mc Govern tiếp tục thực hiện loạt thử nghiệm của mình đối với các mảnh gốm và đá thu thập được khi khảo sát khu vực này. Đồng thời, ông cũng tiến hành thử nghiệm phân tích hồng ngoại, phép ghi sắc chất lỏng để khẳng định sự hiện diện của acid tartaric (chất đặc trưng đối với nho vùng Trung Đông).

Cuộc nghiên cứu tìm kiếm nguồn gốc rượu nho sẽ mở ra cánh cửa nhận thức của chúng ta về các nền văn minh cổ. Ngay cả loại rượu vang nổi tiếng như Merlot hoặc Shiraz ngày nay cũng có thể tái tạo lịch sử. Mc Govern nói: "Khi thưởng thức món đồ uống này, anh có cảm giác như đang được trở lại quá khứ. Đấy là khía cạnh thú vị của cuộc nghiên cứu này".

  • T.P (biên soạn)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Mặc áo dài đẹp  (02/11/2005)
Tóc trong văn hóa dân gian  (02/11/2005)
Những mặt trái của kỳ quan kinh tế Nhật Bản  (02/11/2005)
Trung thu còn lại nỗi buồn  (02/11/2005)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (02/11/2005)
Góp một tay xúc tiến đầu tư  (28/09/2005)
"Bà đỡ" của nghề cá Hoài Nhơn  (28/09/2005)
Hành trình đưa cây lúa nước lên đỉnh núi Vĩnh Sơn  (28/09/2005)
Nghề đan tre ở Quan Quang  (28/09/2005)
"Văn hóa đọc" ở làng tôi xưa  (28/09/2005)
Hình tượng con voi trong điêu khắc Chăm  (28/09/2005)
Làm gì để tu bổ, bảo tồn nhà lá mái Bình Định?  (28/09/2005)
Thơ  (28/09/2005)
Nỗi buồn làng vắng  (28/09/2005)
Đêm Trung thu  (28/09/2005)