Hãy tha lỗi cho con !
19:19', 2/11/ 2005 (GMT+7)

. Truyện ngắn của Nguyễn Thị Lệ Thu

Mưa mỗi lúc một nặng hạt. Chiếc áo mưa mỏng tang, ngắn tới đầu gối co rúm, dính chặt vào người, đôi chân bé nhỏ của tôi vẫn từng bước dò dẫm trong màn đêm sũng nước. Trời cứ mưa và tôi cứ đi. Những lo lắng dày vò nhiều hơn gấp mấy lần so với nỗi khiếp sợ, khi tôi vòng qua khu nghĩa trang nằm vô tư trên mô đất cao sau những dãy bạch đàn xào xạc lá. Phải chăng dì ốm nặng là vì tôi! ÝÙ nghĩ ấy như một lời cảnh báo khiến lòng tôi xốn xang. Những bước chân càng trở nên gấp gáp. Lần đầu tiên kể từ ngày có dì, tôi biết sống cho dì với tất cả sự yêu thương.

Lẽ ra tôi đã làm công việc này từ lúc chiều nếu như người ốm nằm trên giường kia không phải là dì. Tôi ghét dì! Đó là điều tôi chẳng hề ngại ngùng giấu giếm. Theo tôi, dì xuất hiện đã làm đảo lộn sự bình yên của gia đình. Thế mà ba lại bảo cưới dì là vì thương tôi. Ba chuyển sang làm ở hạt kiểm lâm, thường xuyên công tác dài ngày. Dì sẽ là người thay mẹ chăm chút tôi bữa ăn, giấc ngủ. "Con không tin" - tôi đã hét toáng lên rồi vùng khỏi tay ba khi nghe ba âu yếm, tỉ tê. Làm sao tôi có thể tin trên đời này lại có người thứ hai thay thế mẹ được. Xưa mẹ là một giáo viên dịu hiền và nhân hậu. Mẹ dạy giỏi lại hát hay. Tâm hồn tôi đã phổng phao vì thấm đẫm những lời ru ngọt ngào của mẹ. Thế nhưng mẹ đột ngột ra đi, mang theo cả niềm hạnh phúc ấu thơ tràn đầy trong tầm tay của tôi. Đau xót đến tím lòng. Hai cha con ngã quỵ bên thi thể mẹ. Hôm ấy trời chiều lạnh buốt xương và cũng mưa gió tơi bời như thế này đây.

Ba năm sau, tôi đã quen sống trong nỗi nhớ thương với cảnh nhà heo hút, cơm nấu bữa giờ ăn bữa mai chẳng cần phải bày mâm. Buồn, khổ nhưng không có sự tủi hờn bởi hình ảnh mẹ lúc nào cũng hiển hiện lung linh trong trái tim tôi.

Thế nhưng dì vẫn cứ về. Hôm ba tổ chức mâm cơm mời bà con họ hàng đón dì về ra mắt, tôi đã bỏ nhà đi biệt. Vùi mình trong đống rơm ẩm mốc sau vườn chè nhà bác Tư, tôi ngồi khóc rấm rứt. Giận ba quá! Giờ ba đã có dì. Ba đâu còn nhớ mẹ và yêu thương tôi. Sự mất mát lần nữa như một tảng đá quá cỡ chèn lên cổ họng tôi tức nghẹn. Tôi có cảm giác như đang rơi người vào một vùng tối nhùng nhằng những gai góc và bụi rậm. Tôi nhủ lòng hãy cố sức gồng người lên chờ đợi và sẵn sàng chống trả. Tôi không còn là một cô bé bụ bẫm, dễ dạy, dễ sai bảo ngày nào. Cái tính ương bướng, chai lì có lẽ cũng bắt đầu từ ấy.

Dì về, cuộc sống của hai cha con tôi có nhiều thay đổi. Nhà cửa lúc nào cũng sạch sẽ, tinh tươm. Ngõ trước vườn sau nhẵn bóng. Đã có lác đác một vài nụ hồng khoe sắc đưa hương nơi gần bậu cửa trước hiên nhà. Tôi thấy ba lúc nào cũng vui vẻ tươi cười. Khuôn mặt ngời ngời hạnh phúc. Bữa ăn do dì nấu ba khen là thịnh soạn, rất hợp khẩu vị của ba và tự thưởng cho mình thêm một lần xúc nữa. Ngày trước, ba cũng thường xuyên khen mẹ bằng những câu tương tự thế này đây. Nỗi nhớ thương mẹ bỗng ầm ập đến cồn cào trong lòng tôi. Tôi buông đũa trút tất cả những giận hờn vào cái nhìn xám xịt về phía dì. Rồi khóc!

Nghe nói ngày còn đi học, mẹ và dì rất thân thiết nhau. Tôi không hiểu vì sao mẹ xinh đẹp, thông minh lại làm bạn với một người ít hiểu biết như dì? Không phải là mẹ, thế mà dì có quyền nhắc nhở tôi học bài, mặc áo ấm và quàng khăn trước khi đến lớp cơ đấy! Dì không biết là tôi rất thích làm trái ý dì và thật thỏa mãn khi bắt gặp dì buồn hiu hắt, đăm chiêu. Tôi sẵng sàng xới tung chỗ quần áo, sách vở dì mới dọn dẹp xong. Hoặc sẵn sàng ngủ luôn trong phòng học khi biết dì đã trải nệm, mắc màn và chu đáo bắt từng con muỗi.

Tôi nhất định không thèm tin vào những cử chỉ yêu thương thân thiện của dì. Ác cảm về một người dì độc ác trong những câu chuyện kể đã gieo vào lòng tôi suy nghĩ khắt khe, cố chấp. Tôi thấy mình lạc lõng, lẻ loi trong sự chăm lo rất mực của dì. Bữa nọ vì quá vội vàng, đến trường tôi mới hay chiếc khăn quàng đã bỏ quên trên giá sách. Không thể để lớp bị trừ điểm thi đua vì vi phạm tác phong, tôi hối hả quay về. Trên đường đi tôi gặp dì với chiếc khăn quàng trên tay. Tôi giật lấy rồi quay ngoắt. Mặc kệ cho dì đứng tần ngần như một dấu lặng liêu xiêu.

Thật lòng tôi biết rõ dì ốm từ sau hôm ba đi công tác. Tôi thấy dì ăn uống hững hờ, mặt mày đỏ lựng, trong đêm nhặt dần những tiếng ho khan. Điều đó thì có ý nghĩa gì với tôi? Sáng nay dì vẫn còn đi sạ ruộng, lại còn nhờ tôi mang giùm chỗ giống thừa. Tại sao tôi phải làm việc ấy. Ngày mẹ còn sống nhà có làm ruộng bao giờ. Những công việc đại loại như thế này đâu phải là của tôi. Nghĩ thế nên tôi cứ ậm ừ rồi chạy biến. Vậy là dì phải quay về nhà lần nữa để rồi bị dầm mưa. Thấy dì nằm bẹp dí trên giường với nhùng nhằng những chăn mền nhưng vẫn cứ run lên bần bật, tôi tưởng đã có thể vô tư như mọi lần. Nhưng rồi tôi chợt khựng lại khi nghe thật sâu trong lòng len lỏi một điều không yên ổn. Nhớ lại hôm nào ba bị ốm dì đã bươn bả trong đêm tìm hái lá hương nhu rồi lấy gạo tẻ hầm nhừ thành bột hầm cháo cho ba ăn giải cảm. Cả đêm ngồi canh giấc cho ba, dì vẫn vui, ngọt ngào với tôi... Ừ, thì tôi không thương dì! Nhưng chí ít dì cũng là người đem niềm vui đến cho ba, giúp ba chóng khỏe. Vậy sao tôi không sớm hiểu ra điều đó nhỉ? Cứ thế tôi tự xỉ vả mình sao mà ích kỷ, vô tâm và quá bất công trong cách cư xử với dì.

Nhẹ nhàng đến bên giường, tôi lần tay lên trán dì. Dì ơi! Dì sốt cao quá. Tôi quáng quàng chạy ra bậu cửa gọi với sang nhà bà Tư nhờ giúp, rồi vơ vội chiếc áo mưa lao ra ngoài đường vắng. Trong lòng tôi thổn thức: "Con thật nông nổi và dại dột. Dì ơi, hãy tha lỗi cho con!".

  • N.T.L.T
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tìm về cội nguồn sản xuất rượu vang  (02/11/2005)
Mặc áo dài đẹp  (02/11/2005)
Tóc trong văn hóa dân gian  (02/11/2005)
Những mặt trái của kỳ quan kinh tế Nhật Bản  (02/11/2005)
Trung thu còn lại nỗi buồn  (02/11/2005)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (02/11/2005)
Góp một tay xúc tiến đầu tư  (28/09/2005)
"Bà đỡ" của nghề cá Hoài Nhơn  (28/09/2005)
Hành trình đưa cây lúa nước lên đỉnh núi Vĩnh Sơn  (28/09/2005)
Nghề đan tre ở Quan Quang  (28/09/2005)
"Văn hóa đọc" ở làng tôi xưa  (28/09/2005)
Hình tượng con voi trong điêu khắc Chăm  (28/09/2005)
Làm gì để tu bổ, bảo tồn nhà lá mái Bình Định?  (28/09/2005)
Thơ  (28/09/2005)
Nỗi buồn làng vắng  (28/09/2005)