Người phụ nữ kiên cường
19:27', 2/11/ 2005 (GMT+7)

Đó là chị Đinh Thị Vỹ, người con của quê hương Cát Tài, Phù Cát anh hùng. Trong hoạt động cách mạng, bà con, đồng chí thân mật gọi chị là chị Hương, chị Tám, chị Sáu. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tại Đại hội Hội Phụ nữ giải phóng tỉnh Bình Định lần thứ II năm 1966, chị được bầu làm Hội trưởng Hội Phụ nữ giải phóng tỉnh. Là Hội trưởng, chị vẫn hoạt động trong đường dây hợp pháp của tỉnh cùng với các chị cán bộ Hội, cán bộ Thị ủy Quy Nhơn kiên trung.

 

             Chị Đinh Thị Vỹ (trái) và tác giả. Ảnh: Văn Lưu

 

Chị Đinh Thị Vỹ tham gia cách mạng từ rất sớm. Trong thời kỳ chống Pháp chị đã là Ủy viên Ban Thường vụ, Bí thư Đảng đoàn Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tỉnh Bình Định.

Năm 1954, sau Hiệp định Genève về lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết, đất nước ta tạm chia làm hai miền: miền Bắc hoàn toàn giải phóng, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội; miền Nam còn là vùng tạm chiếm của địch, sau hai năm sẽ tổ chức Tổng tuyển cử thống nhất nước nhà. Thế nhưng, địch đã âm mưu phá hoại hiệp định, hòng chia cắt lâu dài nước ta, biến miền Nam thành thuộc địa của đế quốc Mỹ. Theo tiếng gọi của Đảng, chị Vỹ đã tình nguyện trong đoàn quân "ở lại" miền Nam cùng đồng bào tiếp tục đấu tranh giải phóng dân tộc.

Ở miền Nam, bọn Mỹ - Diệm đã tàn sát đẫm máu đồng bào ta, chúng thực hiện chính sách "tố cộng diệt cộng", lê máy chém đi khắp miền Nam để tiêu diệt cộng sản và những người kháng chiến cũ. Cùng với nhiều đồng chí chiến sĩ cách mạng kiên cường của Đảng, cuối năm 1955, chị Vỹ đã bị địch bắt tù đày, tra tấn dã man trong các nhà tù của chúng như nhà lao Quy Nhơn, nhà tù Phú Lợi, nhà tù Côn Đảo...

Ở nhà lao Quy Nhơn - số 9 đường Đào Duy Từ - chị bị chúng nhốt chung với nhiều đồng chí nam trong xà lim số 1. Xà lim này chỉ rộng 4,85 m2 nhưng có lúc chúng nhốt đến 38 người. Mọi người gọi đây là "địa ngục trần gian", "là lò thiêu người". Tại đây, ai cũng bị chúng tra tấn, đánh đập dã man, mình đầy thương tích. Nóng quá, mọi người phải cởi hết quần áo. Khi có người bị chết mới được báo cho chúng đưa ra ngoài; nhưng nếu thi thể người chết chưa bị cứng đờ, chúng sẽ đánh lại những người báo.

Khi vào xà lim, người chị Vỹ bê bết máu, tóc cứng đờ, hôi hám, chị đề nghị cạo đầu, nhưng chúng không cho. Ở đây chị gặp anh Trần Độc. Trong đêm tối, anh hỏi chị: "Chị có phải là chị Hương không?" - và chị nghe anh khóc, nghẹn ngào: "Tôi thấy chị là phụ nữ mà bị chúng giam cầm, tra tấn dã man như thế này, tôi thương tôi khóc, chứ không phải tôi yếu đuối đâu...".

Những người địch chủ trương giết, chúng mới nhốt vào xà lim này. Chị cùng với anh Trần Độc và các anh em khác đều kiên quyết không khuất phục trước sự tàn bạo của kẻ thù; thà chết vinh chứ không thể sống nhục.

Lúc chị Vỹ chết ngất trong xà lim, bọn địch đưa chị xuống trạm xá của nhà tù. Nhờ thuốc của chị em cơ sở bí mật đưa vào, chị tỉnh lại và sau đó đi lại được. Chúng đưa chị vào trạm xá có lớp cải huấn của tù nhân, nhốt hàng trăm người. Ở đây, chúng bắt tù nhân phải hô "đả đảo cộng sản", phải chào cờ địch... Nhưng với trái tim của người cộng sản, chị kiên quyết giữ vững khí tiết, không làm theo chúng. Mua chuộc chị Vỹ không được, bọn địch tra tấn chị rất dã man, có lắm lần chúng đánh chị trào máu mồm, máu mũi, nhưng vẫn không lay chuyển được ý chí của người nữ chiến sĩ cách mạng kiên trung. Chúng nhốt chị trở lại vào xà lim số 1, sau đó đày chị ra nhà tù Côn Đảo.

Ở Côn Đảo, chị bị chúng nhốt trong lao 1, có tên là "lao cộng sản", cùng với hàng mấy chục nữ tù nhân khác. Ở đây, chị Vỹ đã cùng chị em đấu tranh kiên cường chống chủ trương của địch buộc các chị ly khai Đảng, kiên quyết không mặc áo có khẩu hiệu chống Đảng Cộng sản, không hô khẩu hiệu chống Đảng, không ca ngợi chúng... Sau đó chúng nhốt chị và số chị em chống ly khai vào hầm đá chỉ rộng có 4m2; tra tấn các chị trong cái nóng, chật chội, hôi thúi... Sau đó chúng đưa các chị sang lao 2 cho ăn uống kỹ, cho tắm giặt, khám bệnh, uống thuốc... để mua chuộc. Nhưng chúng không khuất phục được các chị. Tháng 4-1958, bọn địch đưa chị cùng 97 nữ tù về đất liền, giam trong nhà lao Phú Lợi. Lúc đó nhà lao này đã có 4.000 tù nhân. Tại nhà lao Phú Lợi, chị Vỹ lại tiếp tục vận động anh chị em tù nhân chống ly khai Đảng, chống chế độ độc tài Ngô Đình Diệm... Lo sợ tinh thần đấu tranh của chị em tù chính trị ảnh hưởng đến các tù nhân khác nên chúng lại chuyển các chị sang nhà lao Thủ Đức. Ở đây chị em vẫn tiếp tục đấu tranh.

Do bị địch đánh đập, tra tấn dã man, sức chị Vỹ suy kiệt trầm trọng. Chị thường bị ói ra máu, lên cơn mê sảng. Chúng đưa chị sang nhà thương điên Chợ Quán 3 tháng, rồi đưa lại về nhà lao Thủ Đức. Tại đây, chị đấu tranh đòi gặp Ngô Đình Diệm nhưng chúng không cho. Chị lại cùng chị em đấu tranh buộc chúng phải cho gặp phái đoàn bộ nội vụ ngụy; chị tố cáo chính phủ độc tài Ngô Đình Diệm sát hại người dân yêu nước; tố cáo nhà tù hà khắc, tàn bạo của Mỹ - Diệm...

Bọn địch còn dùng nhiều thủ đoạn khác mua chuộc nhưng không thể lay chuyển được ý chí của chị, chúng lại hầm hè cho chị là đầu sỏ tuyên truyền vận động chống chế độ, chống ly khai. Chúng lột quần áo chị, tiếp tục dùng mọi cực hình tra tấn dã man, như tra điện, đóng đinh, đốt lửa mười đầu ngón tay... nhưng chị vẫn kiên quyết không khai báo. Thất bại trước tinh thần đấu tranh bất khuất của chị, chúng lại nhốt chị vào xà lim, còng tay, còng chân, còng miệng… Sau những lần ngất xỉu trong xà lim, tỉnh lại chị vẫn kiên quyết đấu tranh. Chị được anh chị em trong tù cùng hưởng ứng, đấu tranh mạnh mẽ đòi địch trả tự do cho chị. Không có cớ gì buộc tội chị, vì chị bị bắt không có tài liệu gì, trong hồ sơ của chị không có ghi "đảng viên"... nên tháng 3-1961, bọn địch đành phải ra quyết định "trả tự do cho can cứu chính trị Đinh Thị Hương, với lý do: thi hành lệnh của bộ nội vụ".

Ra tù, chị Đinh Thị Vỹ lại tiếp tục chiến đấu. Dù là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Hội trưởng Hội Phụ nữ giải phóng tỉnh, nhưng chị vẫn hoạt động trong đường dây hợp pháp. Trong vai một phụ nữ thành phố, trang phục áo dài thướt tha, giày cao gót, bóp đầm trong tay cùng đồ trang sức lấp lánh..., chị Vỹ vẫn ung dung hoạt động trong vùng địch. Với cách ăn nói duyên dáng, ứng xử bình tĩnh, linh hoạt, chị đã hoạt động qua mắt được kẻ thù. Trong tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, chị Vỹ nằm ngay trong nội thị Quy Nhơn, cùng với các đồng chí chỉ đạo, vận động quần chúng nổi dậy.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định sáp nhập, chị Vỹ lại được bầu giữ trọng trách Hội trưởng Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Nghĩa Bình. Hội Phụ nữ tỉnh có ý định làm hồ sơ đề nghị Nhà nước phong tặng chị danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân", nhưng chị khiêm tốn và chân thành nói: "Tôi chỉ có một thân, một mình, không chồng, không con; tôi còn sống được đến ngày nay là may mắn lắm rồi, hạnh phúc lắm rồi. Tôi không muốn gì hơn cho mình, vinh dự ấy xin dành cho chị em khác...".

Suốt cuộc đời, trải qua bao đau thương, mất mát, chiến đấu kiên cường và hết lòng vì sự nghiệp cách mạng, giờ đây, dù đã ở tuổi bát thập nhưng hàng ngày chị Sáu Vỹ vẫn lấy những trang báo và các tài liệu nghiên cứu làm niềm vui cho cuộc sống. Chị mong sao đất nước mình, tỉnh Bình Định mình ngày càng phát triển để mọi người dân, trong đó đặc biệt là chị em phụ nữ, ai cũng có việc làm nâng cao đời sống và sống yên vui trong mái ấm gia đình.

  • Xuân Mai (ghi theo lời kể của chị Đinh Thị Vỹ, nguyên Hội trưởng Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Nghĩa Bình)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hãy tha lỗi cho con !  (02/11/2005)
Tìm về cội nguồn sản xuất rượu vang  (02/11/2005)
Mặc áo dài đẹp  (02/11/2005)
Tóc trong văn hóa dân gian  (02/11/2005)
Những mặt trái của kỳ quan kinh tế Nhật Bản  (02/11/2005)
Trung thu còn lại nỗi buồn  (02/11/2005)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (02/11/2005)
Góp một tay xúc tiến đầu tư  (28/09/2005)
"Bà đỡ" của nghề cá Hoài Nhơn  (28/09/2005)
Hành trình đưa cây lúa nước lên đỉnh núi Vĩnh Sơn  (28/09/2005)
Nghề đan tre ở Quan Quang  (28/09/2005)
"Văn hóa đọc" ở làng tôi xưa  (28/09/2005)
Hình tượng con voi trong điêu khắc Chăm  (28/09/2005)
Làm gì để tu bổ, bảo tồn nhà lá mái Bình Định?  (28/09/2005)
Thơ  (28/09/2005)