Hưởng ứng lời kêu gọi của Liên hiệp quốc "Xây dựng một thế giới phù hợp với trẻ em" và các mục tiêu chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2001-2010, xã Ân Mỹ, huyện Hoài Ân đã triển khai chương trình xây dựng "Mô hình xã, phường phù hợp với trẻ em" trong địa bàn xã. Qua một thời gian thực hiện, chương trình này đã bắt đầu phát huy được hiệu quả trong việc nâng cao chất lượng sống cho trẻ em và được xem là một trong những xã tích cực thực hiện chương trình hành động vì trẻ em của tỉnh.
* Xa quê kiếm sống, trẻ em bỏ học!
Ở xã Ân Mỹ, huyện Hoài Ân vài năm nay rộ lên phong trào ly hương kiếm sống. Vài chục chủ hộ nông dân do thiếu đất canh tác, thiếu việc làm, thu nhập thấp… đã vào TP Hồ Chí Minh làm thuê, bán vé số, bán báo… để kiếm tiền gởi về nuôi gia đình. Có gia đình cha mẹ đi làm ăn xa, để lại cả đàn con nheo nhóc ở quê nhà, tự bươn chải cuộc sống hàng ngày. Cũng có những gia đình, cha mẹ vẫn ở quê nhưng cho con cái (dù chưa thành niên) một mình vào TP Hồ Chí Minh kiếm sống.
|
Theo sự chỉ đạo của UBND xã, phụ huynh ở Ân Mỹ đã vào Sở LĐTB và XH TP Hồ Chí Minh đưa con em sống lang thang về quê. Ảnh: N.D |
Chị Nguyễn Thị Liệu- 42 tuổi - là phụ nữ đơn thân có 3 con nhỏ. Do hoàn cảnh quá khó khăn thiếu thốn, từ năm 2001 chị để 3 con nhỏ ở nhà, vào TP Hồ Chí Minh bán vé số để kiếm tiền gởi về cho con. Ba đứa trẻ, lúc đó đứa lớn nhất mới 12 tuổi, đứa nhỏ nhất mới 4 tuổi đã phải tự chăm sóc lẫn nhau mà không có bàn tay của người mẹ. Năm 2003 cả ba cháu bỏ quê theo mẹ đi bán vé số ở TP Hồ Chí Minh. Em Lê Thị Kiều My, con gái thứ 2 của chị Liệu đã từng bị kẻ xấu lừa lấy vé số khi đi bán cùng mẹ. Em N. V. Th. 16 tuổi, ở thôn Long Quang, Ân Mỹ bỏ học từ năm 2002, vào TP Hồ Chí Minh đánh giày, kiêm bán vé số. Mỗi tháng Th. chỉ dành dụm được hơn trăm nghìn đồng, nhưng bản thân Th. phải sống rất khổ. Thuê chung nhà trọ với những trẻ lang thang khác lớn tuổi hơn, bị chúng bắt nạt và bắt phục dịch như: đấm lưng, giặt quần áo…, thỉnh thoảng bị trấn lột tiền. Hàng chục trẻ em, thậm chí cả người lớn ở Ân Mỹ tha hương cầu thực đều gặp phải những hoàn cảnh này. Có nhiều gia đình lo làm ăn để phát triển kinh tế hộ mà không quan tâm đến việc chăm sóc, giáo dục và bảo vệ con cái. Tình hình trẻ em ở Ân Mỹ trước đây suy dinh dưỡng tỉ lệ còn cao, chiếm 22,9%, bởi thiếu sự chăm sóc của người lớn. Nhu cầu vui chơi, giải trí của trẻ ít được phụ huynh quan tâm. Việc trẻ em bỏ học ở cuối cấp 2, hoặc hết cấp 2 để kiếm kế sinh nhai được nhiều phụ huynh xem là điều bình thường: Trước mắt phải đủ ăn, đủ mặc đã!
* Một chương trình hành động thiết thực vì trẻ em
Năm 2004 tỉnh Bình Định đồng loạt triển khai chương trình "Mô hình xã, phường phù hợp với trẻ em" tới toàn bộ các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Xã Ân Mỹ tiếp thu và triển khai chương trình này trong một điều kiện hết sức đặc biệt. Năm học 2003-2004 là thời điểm Ân Mỹ có số trẻ em lang thang vào TP Hồ Chí Minh kiếm sống nhiều nhất huyện, được phát hiện 17 em. Số học sinh bỏ học trong năm học này tại Trường trung học phổ thông Võ Giữ- Ân Mỹ cũng ở mức kỷ lục, 222 em trong tổng số gần 2.000 học sinh của trường. Cho nên "Mô hình xã, phường phù hợp với trẻ em" được cấp ủy và UBND xã chú trọng và vận động các thôn, xóm tích cực hưởng ứng. Cấp ủy Đảng xã đã có nghị quyết chuyên đề về công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em, UBND xã cũng đề ra chương trình hành động vì trẻ em.
Nội dung chương trình hành động của xã Ân Mỹ ghi rất cụ thể: "Chăm sóc sức khỏe cho trẻ em là vấn đề đầu tiên mà Ân Mỹ đặt ra trong kế hoạch thực hiện "Mô hình xã, phường phù hợp với trẻ em". 100% số trẻ em trong độ tuổi được tham gia chương trình tiêm chủng mở rộng và chương trình y tế quốc gia. Hàng tháng trẻ em dưới 5 tuổi được cân theo dõi biểu đồ dinh dưỡng; tiêm chủng, bổ sung vi chất dinh dưỡng. Tất cả trẻ em được tạo điều kiện tốt để đến trường, nếu gia đình rất khó khăn thì các em được tạo điều kiện tiếp tục học nghề, không để các em tham gia lao động sớm, nhất là lao động nặng nhọc. Tạo sân chơi an toàn cho trẻ em, xây dựng những công trình phục vụ vui chơi giải trí lành mạnh cho các em. Xây dựng quy ước thôn xóm, gia đình không có trẻ em phạm pháp hình sự và trẻ em bị xâm hại…".
* Cán bộ tích cực, nhân dân đồng lòng hưởng ứng
Một số yêu cầu của "Mô hình xã, phường phù hợp với trẻ em" bắt đầu được đáp ứng. Xã đã quy hoạch một số vị trí thích hợp để làm sân chơi cho trẻ em. Tuy mới ở mức độ bố trí mặt bằng, nhưng những sân chơi này phần nào đã giải quyết được nhu cầu vui chơi của trẻ em trong xã. Bưu điện văn hóa xã cũng mở rộng 2 dịch vụ đọc sách báo và truy cập Internet để phục vụ trẻ em. Dịch vụ mới này đã thu hút đông đảo trẻ em tham gia và có tác dụng tích cực trong việc giúp trẻ tiếp cận với những kênh thông tin giải trí bổ ích, lành mạnh. Em Nguyễn Võ Hoài Nam 14 tuổi, học sinh Trường Trung học phổ thông Võ Giữ nói: "Từ ngày bưu điện xã mở tủ sách, ngày nào em cũng đến đây đọc sách, báo, nhiều bạn khác thì đến để truy cập vào mạng thông tin điện tử, đây là những dịch vụ rất bổ ích và cần thiết đối với chúng em. Tuy chúng em không có nhiều điều kiện như các bạn ở thành phố, nhưng nhu cầu vui chơi, giải trí và bồi bổ kiến thức thì không thể thiếu được".
|
Hát múa mừng Trung thu của các em thiếu nhi huyện Hoài Ân. Ảnh: La Ánh
|
Với nội dung xây dựng môi trường gia đình vì trẻ em, từ tháng 8-2005 Ân Mỹ đã trở thành xã đầu tiên trong tỉnh thành lập Câu lạc bộ "Gia đình an toàn cho trẻ em" với sự tham gia của gần 30 gia đình trong xã. Gia đình anh Lê Văn Chu và chị Nguyễn Thị Thanh năm nay đều 41 tuổi, là thành viên Câu lạc bộ "Gia đình an toàn cho trẻ em" của xã. Anh chị có 4 đứa con đều đang ở độ tuổi đi học. Dù gia đình rất khó khăn nhưng cả hai vợ chồng kiên quyết không cho con nghỉ học, lao động sớm. Anh Chu nói: "Gia đình tôi dù rất khó khăn, nhưng vợ chồng tôi ráng cặm cụi làm ăn, cố nuôi cho các cháu học được chừng nào hay chừng ấy. Con trẻ có được chút chữ mới mong thoát khỏi cảnh nghèo như cha mẹ nó, vợ chồng tôi quyết không để con cái phải lang thang tự kiếm ăn".
Trước tình hình học sinh bỏ học sớm, UBND xã Ân Mỹ đã cử người đến vận động các hộ gia đình đưa các con trở về quê hương, đồng thời tạo điều kiện cho vay vốn để tạo việc làm, sản xuất kinh doanh. Bây giờ thì bé Kiều My con chị Liệu và nhiều bạn bè bỏ học khác đã đến trường, vừa qua Kiều My đã hoàn thành xong chương trình lớp 6, với kết quả trung bình và được lên lớp 7 cùng với các bạn khác. Kiều My chỉ là một trong rất nhiều trường hợp học sinh bỏ học được đưa trở lại trường.
Qua một thời gian ngắn triển khai xây dựng "Mô hình xã, phường phù hợp với trẻ em", môi trường sống của trẻ em Ân Mỹ đã có nhiều bước đổi thay. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở Ân Mỹ đến nay chỉ còn 21,4%, giảm 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái; số trẻ em bỏ học, trẻ em lang thang đã giảm khá nhiều, đặc biệt là không có trẻ em phạm pháp hình sự. Các công trình phúc lợi phục vụ trẻ em cũng được đầu tư nhiều hơn, ngày càng có thêm nhiều gia đình tham gia Câu lạc bộ "Gia đình an toàn cho trẻ em". Tất cả những điều đó nói lên một thực tế: trẻ em Ân Mỹ càng ngày càng có môi trường sống tốt đẹp và phù hợp hơn. Những tín hiệu vui ở Ân Mỹ đã khẳng định: "Mô hình xã, phường phù hợp với trẻ em" là một mô hình hữu ích cần được hoàn thiện và phát triển khắp nơi, nhằm tạo ra phong trào vì trẻ em với sự tham gia thường xuyên của cộng đồng.
|