Bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên (BHYT HS) là một chính sách xã hội, mang đến nhiều lợi ích thiết thực cho HS. Thế nhưng, trên thực tế, nhiều trường học vẫn chưa thật sự "mặn mà" với chính sách này.
* Sẻ chia
Chị Đoàn Thị Thùy Trang, cán bộ phòng Bảo hiểm tự nguyện thuộc cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh, cho biết: "BHYT HS không chỉ mang đến lợi ích thiết thực cho bản thân các em mà còn góp phần sẻ chia với nhiều trường hợp không may khác. Trong hơn 10 năm qua, BHYT đã chi trả cho nhiều HS, nhất là những em có hoàn cảnh gia đình khó khăn".
|
HS trường Tiểu học Lê Lợi (TP Quy Nhơn) được chăm sóc sức khỏe.
|
Khi vừa bước vào khai giảng năm học mới, Huỳnh Thị Cơ Yến, HS lớp 4D, trường Tiểu học Đống Đa (TP Quy Nhơn) phải nằm viện vì căn bệnh ung thư máu. Cha mẹ Cơ Yến đều là giáo viên, lương "ba cọc ba đồng". Nằm ở BVĐK tỉnh một thời gian, Cơ Yến được chuyển vào điều trị ở TP. HCM. Ròng rã cả tháng trời, chi phí điều trị ngày một nhiều lên. Kết thúc đợt điều trị của Yến, số tiền cơ quan BHXH phải chi trả lên đến hàng chục triệu đồng.
Hay như trường hợp HS Trần Nhất Trung, trường Tiểu học số 2 Nhơn Phú (TP Quy Nhơn). Đến bây giờ, dù đã vài tháng trôi qua nhưng chị Nguyễn Ngọc Cần (đội 4, tổ 6, phường Nhơn Phú, TP Quy Nhơn) vẫn không quên được vụ tai nạn của con trai. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, anh chị lại có đến 8 người con. Con đông, vợ chồng anh chị chỉ có mỗi nghề làm nông. Mọi khoản chi tiêu trong gia đình đều trông cậy hết vào mảnh vườn nhỏ và 5 sào ruộng. Vì thế, trong nhà đông con nhưng không đứa nào học hành đến nơi đến chốn. Hiện, nhà chỉ có 3 đứa con đầu làm công nhân đủ lo cho bản thân, còn lại đều sống dựa vào mảnh vườn nhỏ và 5 sào ruộng. Trung là con trai thứ 7. Trong một lần đi chơi, Trung bị tai nạn xe máy, chấn thương sọ não, phải mổ gấp. Tiền chi phí cho một ca mổ sọ không phải ít. Chị Cần lo cuống cuồng. Miếng ăn còn không đủ, lấy tiền đâu để điều trị cho con. Vậy mà điều may mắn đã đến. Chị Cần không giấu nổi xúc động: "Nhà nghèo khó, nên mấy năm học trước, vợ chồng tui chỉ đóng bảo hiểm thân thể cho con. Năm vừa rồi, nghe cô giáo chủ nhiệm tuyên truyền về quyền lợi của BHYT nên vợ chồng tui buộc bụng đóng BHYT cho con. Hôm bị tai nạn, cháu nằm viện cả tháng trời, chi phí thuốc men hơn chục triệu đồng, gia đình tôi đều không mất tiền. May quá!".
Những trường hợp gia đình khó khăn rơi vào cảnh không may được BHYT chi trả như gia đình chị Cần còn rất nhiều. Có trường hợp, số tiền BHYT chi trả lên cả chục triệu đồng. Đơn cử trường hợp gần đây nhất là Võ Oanh Kiều, HS trường Tiểu học số 1 Mỹ Hiệp (Phù Mỹ) điều trị áp xe não và tủy sống, được chi trả 42 triệu đồng, tương đương mức đóng góp BHYT của 1.675 HS. Chỉ tính trong quý I-2005, riêng địa bàn TP Quy Nhơn đã có 12 HS điều trị nội trú với chi phí cao từ một triệu đồng trở lên với tổng chi phí chi trả khoảng 44 triệu đồng, tương đương mức đóng góp BHYT của… 1 triệu HS.
Theo thống kê của BHXH tỉnh, trong 10 năm thực hiện chính sách BHYT HS, quỹ khám - chữa bệnh (KCB) thường xuyên rơi vào tình trạng bị... âm quỹ. Năm học 2000-2001, BHXH thu vào 1,8 tỉ đồng nhưng đã chi trả 2,3 tỉ đồng, âm quỹ hơn 500 triệu đồng. Năm học 2001-2002, BHXH thu 2,1 tỉ đồng, chi trả 3,1 tỉ đồng, âm quỹ 1 tỉ đồng. Năm học 2002-2003, BHXH thu 2,6 tỉ đồng, chi trả 3,2 tỉ đồng, âm quỹ 580 triệu đồng. Năm học 2004-2005, BHXH thu 4,4 tỉ đồng, chi trả 6,4 tỉ đồng (thống kê chưa đầy đủ), âm quỹ 2,6 tỉ đồng.
* Nhà trường vẫn chưa thông!
Thời gian qua, Bình Định được đánh giá là một trong những địa phương thực hiện khá tốt chính sách BHYT HS. Thế nhưng, khi bước vào năm học mới, việc triển khai chính sách BHYT HS vẫn đứng trước nhiều khó khăn.
Gần 10 năm trời, số HS ở huyện Phù Mỹ tham gia BHYT năm nào cũng chưa quá 15%. Đến hai năm học gần đây, Phù Mỹ mới có "sem sém" một nửa số HS tham gia. Ông Phan Xuân Chớ, Giám đốc BHXH huyện, cho biết: "Năm học 2003-2004, khi BHYT được sáp nhập với BHXH, chúng tôi đến từng trường vận động nhưng họ không mấy quan tâm. Năm học vừa rồi, các trường mới tích cực tuyên truyền HS tham gia. Hiện nay, có một cản ngại rất lớn là hiệu trưởng các trường lại so sánh giữa loại hình BHYT với các loại hình bảo hiểm khác. Họ bảo BHYT là tự nguyện, mua cũng được mà không mua cũng được chứ không quan tâm lắm đến lợi ích do nó mang lại. Nhà trường còn chưa thông thì làm sao phụ huynh hiểu được!".
Thực tế ở huyện Phù Mỹ hầu như trường nào cũng vận động để HS tham gia cùng một lúc nhiều loại hình bảo hiểm. Ông Dương Văn Minh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Mỹ Phong, không ngần ngại thừa nhận: Từ năm 1992, khi tách trường Tiểu học ra khỏi Trường THCS, nhà trường thường chỉ chú ý hướng dẫn phụ huynh HS tham gia bảo hiểm nhân thọ với số HS tham gia 50-70%. Trong khi đó, mãi đến năm học 2002-2003, nhà trường mới triển khai BHYT. Nhưng cuối cùng, kết quả chỉ có... 5/1.300 HS tham gia. Đến thời điểm hiện tại, bảo hiểm nhân thọ vẫn tiếp tục được duy trì ở mức 70%, còn BHYT thì chỉ có 29% số HS tham gia.
Trường tiểu học Lê Lợi (TP Quy Nhơn) là một trong số ít trường có HS tham gia BHYT gần như đạt 100%. Ngoài BHYT, phụ huynh HS cũng được tư vấn mua bảo hiểm nhân thọ. Năm học này, bên cạnh BHYT, Bảo Việt, Bảo Minh, trường còn ký kết hợp đồng "thử nghiệm" với Công ty Bảo hiểm Pjico và Viễn Đông. Ông Hà Văn Tuyên, Hiệu trưởng nhà trường, lý giải: "Phụ huynh HS ít khi quan tâm mua loại hình bảo hiểm nào mà thường giao cho nhà trường, miễn sao đảm bảo quyền lợi cho HS. Hiện nay, nhà trường vẫn ưu tiên BHYT nhưng việc chúng tôi lựa chọn loại hình nào là phụ thuộc vào... cung cách phục vụ".
Khung mức đóng BHYT HS theo Thông tư số 22 ban hành ngày 24-8-2005:
Thành thị: 40.000-70.000 đồng/học sinh/năm.
Nông thôn: 30.000-50.000 đồng/học sinh/năm. |
Điều này lý giải vì sao trong nhiều năm liền, từ năm 1994 đến 2003, số HS tham gia BHYT vẫn không vượt quá 50%. Và, cũng chỉ trong 2 năm gần đây, tỉ lệ này mới nhích lên 60%. Ông Huỳnh Quang Trắc, Giám đốc BHXH tỉnh, cho biết: "BHYT nói chung và BHYT dành cho đối tượng HS, SV nói riêng là một chính sách xã hội, hướng đến cộng đồng. Tính đến thời điểm này, tại Bình Định có khá nhiều loại hình bảo hiểm thương mại với mức đóng góp bằng một nửa BHYT. Người dân vẫn "lầm tưởng" giữa BHYT và các loại hình này. Tuy nhiên, với các loại hình bảo hiểm thương mại, quyền lợi của người tham gia sẽ tương đương với mức đóng góp. Hiện nay, cái khổ nhất của chúng tôi là Nhà nước giao cho cơ quan BHXH thực hiện chế độ BHYT, trong khi đó, việc KCB lại thuộc ngành Y tế. Do đó, trong thời gian qua, có nhiều thông tin người dân phản ứng với cơ sở y tế nhưng lại quy hết trách nhiệm cho cơ quan BHXH. Những điều này ngay cả các trường cũng còn chưa thông chứ nói chi đến phụ huynh HS!".
Trước những "lực cản" này, khi nói về việc thực hiện BHYT HS trong năm học 2005-2006, ông Trắc cũng cho rằng: dù cố gắng lắm thì cũng chỉ có khoảng 80% số HS tham gia.
* Mở rộng quyền lợi HS tham gia BHYT
Từ năm học 2005-2006, với Nghị định 63 và Thông tư liên tịch số 22/2005 liên Bộ Y tế và Tài chính hướng dẫn thực hiện BHYT tự nguyện, quyền lợi của HS tham gia BHYT đã được mở rộng rất nhiều. Theo đó, HS tham gia BHYT được khám bệnh, chẩn đoán, điều trị và phục hồi chức năng theo danh mục quy định của Bộ Y tế, được thực hiện tất cả các dịch vụ y tế khác. Ngoài ra, quan trọng hơn là được thanh toán các chi phí khi sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao theo quy định.
"Tôi tin chắc rằng, trong vài năm tới, nếu người dân, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn, đứng ngoài BHYT thì rất khó tiếp cận với các dịch vụ y tế kỹ thuật cao. Chúng tôi biết, vì nhiều nguyên nhân, các trường chưa "mặn mà" với BHYT HS. Tuy nhiên, chúng ta hãy nghĩ về những lợi ích thiết thực của BHYT đối với HS" - ông Trắc nhấn mạnh.
|