Trong buổi đầu xây dựng đất nước độc lập, tự chủ, chế độ phong kiến tập quyền thời Lý bắt đầu định đô ở Thăng Long, đánh dấu bước tiến của lịch sử Việt Nam.
Nhà Lý đã cho soạn bộ Luật Hình thư là bộ luật hoàn chỉnh sớm nhất nước ta, đánh dấu sự khởi đầu của chế độ phong kiến tập quyền với cơ chế hành chính, pháp luật vững chắc. Đi đôi với Hình thư, vừa là hình luật, vừa bảo vệ kinh tế nông nghiệp chặt chẽ sát sao, nhằm bảo vệ, phát triển nền văn minh lúa nước; việc tổ chức thực thi pháp luật cũng được quan tâm chú trọng. Vua Lý Anh Tông cho đặt hòm bằng đồng để thu nhận thư oan, tố giác quan lại tham nhũng, ức hiếp nhân dân. Qua đơn thư tố giác của nhân dân, nhà vua đã đích thân trực tiếp xét xử công minh, thẳng thắn, mang lại niềm tin cho nhân dân vào chế độ mới.
Năm 1067, Chiêm Thành xâm lấn nước ta, vua Lý Thánh Tông nổi giận đích thân cầm quân dẹp giặc và giao lại quyền nhiếp chính cho Nguyên phi Ỷ Lan. Vụ chiêm năm ấy mất mùa, nạn đói xảy ra nghiêm trọng. Dân nghèo phải giết cả trâu bò và ăn cả thịt rắn, thịt chuột. Đứng trước tình hình trên, Nguyên phi Ỷ Lan đã đưa ra một kế sách cứu nguy: nơi nào dân chúng lâm vào nạn đói phải gấp xuất ngay quốc khố cứu nguy. Nhiều quan lại trong triều can ngăn, nhưng Nhiếp chính Ỷ Lan cho rằng "Cứu đói là cứu hỏa, không thể trì hoãn, bỏ mặc dân đói là lối cư xử của bọn phản dân đê hèn, đâu phải của kẻ tự nhận mình là cha mẹ dân".
Ỷ Lan để tâm theo dõi việc cứu đói cho dân đến quên ăn mất ngủ. Lệnh truyền xong, Ỷ Lan phái một số quan lại có năng lực đi thanh tra, giám sát đôn đốc việc thực hiện ở các địa phương, nhất là các vùng có nạn đói trầm trọng. Ở châu Định Nguyên thuộc Yên Bái ngày nay, cướp bóc nổi lên dữ dội mà quan châu không thể dẹp nổi. Sau khi tìm hiểu, biết quan châu bất tài lại tham lam, nhũng nhiễu, đích thân Nhiếp chính Ỷ Lan giả trang cùng một số tùy tùng đi thị sát.
Qua các chặng đường, Ỷ Lan luôn tìm cách tiếp xúc với nhân dân để hiểu lòng dân với triều đình, các quan bản xứ, nhất là để xem lệnh cứu đói mà mình đã ban bố thực hiện đến đâu. Dừng lại ở Hạ Hòa (nay là Vĩnh Phúc), qua tìm hiểu các nguồn tin, biết được một số thương lái chở thóc từ châu Định Nguyên về xuôi, trong khi dân Định Nguyên đói rách và sinh loạn.
Một buổi sáng tháng mười, tại tư dinh của quan châu Định Nguyên đã đón tiếp một đoàn thương lái là những phụ nữ nhan sắc tuyệt vời, quan chỉ hơi khó chịu khi thấy ngoài ba cô gái xinh đẹp ra còn có cả những chàng trai lực lưỡng đi theo, nhưng khi thấy họ chỉ lơ đãng ngồi ngoài hiên nên quan châu cũng yên dạ. Sau khi nghe cô gái xinh nhất hỏi mua tất cả số thóc trong kho với giá gấp rưỡi vẫn bán cho bọn lái buôn cũ, quan châu cười híp cả mắt, hồ hởi:
- Thật diễm phúc cho tôi được hầu tiếp người hiểu được mình. Nhưng thật lạ, các cô đi buôn mà lại coi rẻ đồng tiền, song có hề gì, tôi có ngót hai chục kho thóc chọn cả ngày không thấy hạt lép, nhưng tôi đã bán đi một nửa. Nghĩ lại mà tiếc, thời buổi thóc cao, gạo kém này bán cho các cô giá ấy cũng coi như là biếu các cô một nửa.
Cô gái ngắt lời cười nhạt:
- Lòng tham của ông thật không đáy. Thóc này ông lấy ở kho quân lương, lệnh của triều đình đem chia cho dân đói, ông nhân cơ hội chiếm làm của riêng. Bán được giá cao ngần ấy mà ông còn tiếc.
Tên quan châu chặc lưỡi:
- Các cô tính, nhân lúc Hoàng đế xung trận, Nhiếp chính Ỷ Lan là đàn bà. Nghĩ vậy tôi cũng trộm phép triều đình mà bạo gan toan tính một lần. Các cô không thấy kế bảo toàn của bản chức sao ? Một khi triều đình quở trách thì ta sẽ tâu có xuất quân đi dẹp bọn giặc cướp, chứng cứ là châu lỵ vẫn yên ổn. Vậy là bọn cướp và bản chức phân chia cương vực để yên hưởng phú quý, cùng hưởng lộc trời cho.
Cô gái đẹp bỗng vỗ án đứng dậy quát:
- Thế là rõ ! Kẻ làm loạn chính là mi. Võ sĩ đâu. Hãy bắt tên sâu dân mọt nước này trói lại chờ lệnh ta !
Tên quan châu chưa kịp hiểu ra thì toán người ngồi ngoài hành lang xông vào trói ngay y lại. Hiểu nỗi nguy khốn y hoảng hốt la lớn:
- Cướp ! Bay đâu bắt cướp.
Một võ sĩ rút kiếm trong đòn ống thét vang như sấm:
- Các người không được vô lễ với Nhiếp chính Ỷ Lan, trái lệnh ta chém.
Ỷ Lan đường bệ tuyên bố:
- Thay mặt Hoàng đế, ta hạ lệnh cách chức và hạ ngục quan châu Nguyễn Văn Bảo, tịch thu toàn bộ gia sản đem chia cho dân đói.
Ngay sau đó, Ỷ Lan xuống chiếu bổ nhiệm quan châu mới và hạ lệnh bãi các cuộc truy lùng bọn cướp.
Thời gian đã trôi qua hàng nghìn năm, lịch sử đã bao lần biến thiên nhưng nhìn lại vẫn thấy Nguyên phi Ỷ Lan đã làm thật tốt các quan niệm mà ngày nay vẫn thường nói: Lãnh đạo mà không có thanh tra, kiểm tra coi như không có lãnh đạo. Phương pháp vi hành, thâm nhập điều tra tìm hiểu nguồn gốc sự việc của Nhiếp chính Ỷ Lan quả là độc đáo và triệt để, đã góp phần xây dựng và thực thi luật pháp trong buổi sơ khai. Thiết nghĩ, đó chính là thể hiện năng lực và trình độ thực sự của người lãnh đạo và người làm công tác thanh tra.
Như vậy, có thể nói Nguyên phi Ỷ Lan chính là người đầu tiên đặt nền móng cho công tác thanh tra, kiểm tra của nước ta.
|