Nâng cấp di tích vụ thảm sát Bình An
19:51', 2/11/ 2005 (GMT+7)

Trước đây, Bình An là tên của một xã thuộc huyện Tây Sơn, ngày nay Bình An tách ra thành ba xã Tây Bình, Tây An và Tây Vinh. Bình An nằm về phía đông thị trấn Phú Phong, cách trung tâm huyện lỵ 12 km. Đây là một làng quê giống như bao làng quê khác ở vùng nông thôn Việt Nam, ở đó tình người, lòng yêu thương và lòng quý trọng con người được đặt lên trên tất cả. Họ yêu công bằng và chỉ muốn sống trong hòa bình hạnh phúc.

 

Bia tưởng niệm vụ thảm sát Bình An tại Gò Dài, thôn An Vinh.

 

Thế nhưng, những ước mơ nhỏ nhoi đó của họ đã không thực hiện được. Từ trong máu lửa của chiến tranh, Bình An - mảnh đất nơi đầu sóng, ngọn gió - đã phải gánh chịu biết bao trận mưa bom bão đạn của kẻ thù, những trận càn khốc liệt của địch chà đi xát lại ở vùng này biến Bình An thành vành đai trắng. Có lẽ người dân nơi đây không bao giờ quên được những cuộc tàn sát đẫm máu của những kẻ mất hết tính người, bắn giết không thương tiếc vào những người dân vô tội ở Bình An. Trong muôn vàn tội ác mà Mỹ - ngụy và chư hầu của Mỹ đã gây ra đối với nhân dân Bình Định, có lẽ Bình An là một vụ thảm sát có quy mô lớn mà ngày nay vẫn được nhiều người nhắc đến.

Các nhân chứng kể lại rằng, một ngày cuối tháng 2 năm 1966, theo thường lệ, người dân ở Bình An dậy sớm và đang chuẩn bị mọi việc để bước vào một ngày lao động mới. Có một số gia đình còn đang tụ tập bên mâm cơm, lẻ tẻ một vài người đã vác cuốc ra đồng hoặc đi chợ sớm. Mùa xuân, tiếng chim hót ríu rít trên những nhành cây, đôi tiếng gà gáy muộn màng cùng tiếng í ới gọi nhau ra đồng. Cây xanh trong lành còn phớt một chút sương mai, vài tia nắng buổi sớm đằng đông tạo nên khung cảnh thiên nhiên của một làng quê thật đáng yêu.

Nhưng cái khoảnh khắc bình yên đó trong chốc lát đã bị phá vỡ đột ngột. Vào khoảng 5 giờ sáng, các tràng đạn pháo đủ các cỡ từ Truông Bà Đờn, Gò Quánh, Bình Nghi nhất loạt vang lên kéo theo tiếng xe gầm rú phá tan sự yên tĩnh; mặt đất bỗng rung lên. Cùng với tiếng đạn pháo gầm rít là tiếng cây gãy, nhà đổ, tiếng người kêu khóc thất thanh. Mọi vật đã hoàn toàn trở nên hỗn độn, có một số người bị chết và bị thương vì không kịp chạy vào hầm trú ẩn. Mãi đến khoảng 10 giờ trưa, tiếng pháo thưa dần, một khoảng lặng yên nặng nề trôi qua. Nhưng tai họa đâu có dừng lại ở đấy, từ các hướng, bọn lính Nam Triều Tiên dàn hàng ngang tiến vào Bình An. Những người dân lành đang ẩn nấp trong các hầm tránh pháo hoặc đang ở ngoài đồng, ai cũng tưởng đây chỉ là cuộc càn quét bình thường. Không ai biết rằng mình và những người trong làng đang ở trước một kết cục bi thảm.

Trong các ngõ thôn, bọn lính Nam Triều Tiên chia thành nhiều tốp, sục đến từng nhà, tìm từng căn hầm, bắt bớ dân lành. Điểm đầu tiên trong đợt tàn sát này là 2 thôn Mỹ Đức, Nhơn Thuận. Bọn lính đã dồn mọi người tập trung về một điểm, sau đó xả súng bắn hàng loạt, chỉ trong khoảnh khắc, hơn 100 người đã bị sát hại. Tại một số điểm khác, như Lỗ Sỏi, Bỉnh Đức, Sông Cạn, chỉ trong một ngày bọn chúng đã sát hại 200 người. Tại một số điểm như An Khánh, An Lộc… chúng cũng giết hàng trăm người như thế. Nhưng dã man nhất, khủng khiếp nhất là cuộc tàn sát diễn ra tại Gò Dài thuộc thôn An Vinh vào ngày 26 tháng 2 năm 1966 - chỉ trong vòng hơn một tiếng đồng hồ, bằng mọi phương tiện giết người sẵn có trong tay, bọn chúng đã tiến hành tàn sát 380 người dân, những xác chết ngổn ngang đè lên nhau, máu đỏ loang cả một vùng gò. Vẫn chưa hết, sau khi tàn sát, bọn chúng còn chia nhau đi khắp các ngỏ hẻm, đến các hầm trú ẩn quăng lựu đạn, ném pháo cay xuống hầm. Tàn sát chưa thỏa thích, bọn chúng còn lôi các chị em phụ nữ thay nhau hãm hiếp cho đến chết. Đê hèn hơn, tàn nhẫn hơn là chúng trói các cụ già sáu bảy mươi tuổi vào gốc cây rồi dùng lưỡi lê đâm, các cháu bé cũng bị chúng quăng vào lửa cho chết cháy…

Khi bọn lính Nam Triều Tiên rút đi, cả Bình An hầu như không còn sự sống. Xóm làng chìm trong lửa khói chết chóc, lửa tràn thôn xóm, khói cuộn mù trời, máu ngập đỏ dòng mương, lai láng trên ruộng lúa, đường làng. Xác người ngổn ngang ngoài ngõ xóm, trên nền nhà cháy trụi, bên miệng hầm lở sập…

Trong một khoảng thời gian ngắn từ 23 tháng 1 đến 26 tháng 2 năm 1966, có 1.004 người dân Bình An và các xã lân cận bị sát hại, 1.535 ngôi nhà, 835.580 kg lúa gạo bị đốt cháy, 649 trâu bò bị giết.

*

*     *

Đến với Bình An hôm nay, chúng ta sẽ tận mắt thấy được sự đổi thay vượt bậc, một màu xanh trỗi dậy, cuộc sống đang hồi sinh. Nhưng nỗi đau xưa không bao giờ phai trong ký ức người dân Bình An. Một di tích khu mộ tập thể nơi 380 nạn nhân bị sát hại đã được tôn tạo với tấm lòng tiếc thương, thành kính. Hàng năm, cứ đến ngày 26 tháng 2, tại di tích, Lễ dâng hương tưởng niệm được tiến hành với nghi thức trọng thể. Quần thể di tích Bình An đã và đang là một minh chứng về một trong muôn vàn tội ác mà đế quốc Mỹ và bọn tay sai của chúng đã gây ra trong chiến tranh xâm lược Việt Nam. Di tích đã được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử và văn hóa cấp quốc gia.

Để tiến tới kỷ niệm 40 năm vụ thảm sát Bình An (26-2-1966 - 26-2-2006), tại điểm di tích Gò Dài - xã Tây Vinh, nơi lính Nam Triều Tiên sát hại 380 người dân vô tội, Sở Văn hóa - Thông tin đã phối hợp với các ngành hữu quan và UBND huyện Tây Sơn, tiến hành đầu tư xây dựng các hạng mục như: Nhà bia, tường rào cổng ngõ và khuôn viên khu di tích, với tổng diện tích xây dựng khoảng 3.500m2. Kinh phí đầu tư xây dựng trên 500 triệu đồng. Đây là những công trình mới bên cạnh hạng mục công trình Mộ tập thể xây bằng đá Granite, được xây dựng nhân kỷ niệm 30 năm của vụ thảm sát, tạo nên một quần thể di tích trang trọng và phong phú. Đặc biệt, trong hạng mục Nhà bia tưởng niệm, có xây dựng một bức tranh bằng gốm miêu tả toàn cảnh của vụ thảm sát, như cảnh pháo các loại và máy bay trực thăng HU 1A của Mỹ bắn phá làng mạc làm nhà cháy, trâu bò chết, ruộng vườn tan hoang; cảnh lính Nam Triều Tiên dồn người già, phụ nữ, trẻ em lại một góc vườn, góc ruộng rồi xả súng đại liên, tiểu liên để giết họ; cảnh người chết nằm ngổn ngang đè lên nhau; cảnh bọn lính hiếp đáp phụ nữ, trói ông già vào bia mộ phơi nắng suốt cả ngày cho đến chết…

Qua những hạng mục xây dựng lần này giúp cho nhân dân trong và ngoài tỉnh cũng như khách thập phương có dịp ôn lại những chặng đường lịch sử đầy cam go và thử thách trong quá trình dựng nước và giữ nước của cha ông chúng ta. Đây là địa điểm tưởng niệm đầy ý nghĩa trang trọng và nghĩa cử cao đẹp của thế hệ hôm nay đối với những người đã hy sinh vì nền độc lập dân tộc.

  • Hồ Thùy Trang
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Về những cổ vật Chăm phát hiện ở tháp Đôi  (02/11/2005)
Thơ  (02/11/2005)
Người đầu tiên đặt nền móng cho lịch sử ngành Thanh tra Việt Nam  (02/11/2005)
BHYT học sinh, sinh viên: Nhà trường vẫn chưa thông !  (02/11/2005)
Xã Ân Mỹ với "Mô hình xã, phường phù hợp với trẻ em"  (02/11/2005)
Người phụ nữ kiên cường  (02/11/2005)
Hãy tha lỗi cho con !  (02/11/2005)
Tìm về cội nguồn sản xuất rượu vang  (02/11/2005)
Mặc áo dài đẹp  (02/11/2005)
Tóc trong văn hóa dân gian  (02/11/2005)
Những mặt trái của kỳ quan kinh tế Nhật Bản  (02/11/2005)
Trung thu còn lại nỗi buồn  (02/11/2005)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (02/11/2005)
Góp một tay xúc tiến đầu tư  (28/09/2005)
"Bà đỡ" của nghề cá Hoài Nhơn  (28/09/2005)