Ông Shigeru Takajama, Cố vấn đầu tư cao cấp của Tổ chức Thúc đẩy Ngoại thương Nhật Bản:
Muốn làm ăn với người Nhật thì phải hiểu người Nhật
19:59', 2/11/ 2005 (GMT+7)

Những năm gần đây, mặt hàng gỗ của Việt Nam đã từng bước có chỗ đứng tại thị trường Nhật Bản. Tuy nhiên, làm thế nào để các sản phẩm đồ gỗ, nhất là đồ gỗ nội thất của Việt Nam nói chung và Bình Định nói riêng có thể thâm nhập vào thị trường Nhật? Câu hỏi trên sẽ được ông Shigeru Takajama, Cố vấn đầu tư cao cấp của Tổ chức Thúc đẩy Ngoại thương Nhật Bản (JETRO), giải đáp qua cuộc trao đổi với phóng viên Báo Bình Định.

 

Nhà máy sản xuất hàng mộc xuất khẩu Trường Sơn (Công ty cổ phần Xây lắp điện Tuy Phước) vừa được đầu tư nâng cấp mở rộng quy mô hoạt động để tăng kim ngạch xuất khẩu. Ảnh: Cát Hùng

 

* Xin ông cho biết một số nhận xét về vai trò của ngành gỗ Việt Nam đối với thị trường Nhật Bản ?

- Có thể nói, các doanh nghiệp (DN) ngành gỗ Việt Nam nói chung và Bình Định nói riêng có vai trò khá quan trọng đối với thị trường đồ gỗ Nhật Bản. Những năm gần đây, trong số các loại vật liệu mà xu hướng nhập khẩu của thị trường Nhật cần nhất chính là gỗ. Có thể ví dụ vài con số sau: Năm 2001, số lượng gỗ nhập khẩu của Nhật là trên 598 tấn, đạt giá trị gần 190,5 triệu Yên (tiền Nhật); đến năm 2004 lượng gỗ nhập khẩu vào Nhật Bản đã tăng lên gần 713,8 tấn, đạt giá trị 190,8 triệu Yên. Trong số những quốc gia xuất khẩu (XK) gỗ vào thị trường Nhật Bản, Việt Nam đứng hàng thứ 3 (sau Trung Quốc và Thái Lan). Điều đó cho thấy, nhu cầu nhập khẩu gỗ của Nhật Bản là rất lớn. Điều đáng nói, trong khi giá trị XK gỗ sang Nhật của Thái Lan có chiều hướng giảm thì giá trị của các DN Việt Nam lại có bước tăng trưởng. Cụ thể, năm 2002 giá trị XK gỗ của Thái Lan vào Nhật Bản chiếm 17,2%, năm 2003 giảm còn 15,3% và năm 2004 chỉ còn 14,5%. Trong khi đó, tỉ lệ của Việt Nam ngày càng tăng: năm 2002 là 7,2%, năm 2003 tăng lên 7,7% và năm 2004 tăng lên 8,5%. Hoặc như 2 quốc gia cùng thuộc khu vực Đông Nam Á là Indonesia và Malaysia trước đây chiếm tỉ lệ cao hơn Việt Nam thì hiện cũng có chiều hướng giảm hơn. Theo đó, năm 2002, tỉ lệ của Indonesia là 8,4%, Malaysia là 9,4%; năm 2003: Indonesia giảm còn 7,7%, Malaysia giảm còn 8%; năm 2004: Indonesia giảm còn 6,8%, Malaysia giảm còn 7,7%.

* Thưa ông, một số DN của Bình Định vẫn phân vân không biết thị trường Nhật Bản cần các loại sản phẩm đồ gỗ nội thất hay ngoài trời?

- Khác với người Mỹ, người Nhật chúng tôi không chuộng các sản phẩm đồ gỗ ngoài trời, mà chỉ ưa dùng các sản phẩm gỗ nội thất. Vì sao ư ? Bởi lẽ, người Nhật thường tạo các cảnh quan về vườn, nhưng trong vườn chủ yếu là các khoảng màu xanh, chứ không có chỗ để trưng bày những sản phẩm đồ gỗ. Đáng lưu ý, đất nước chúng tôi có mùa đông rất khắc nghiệt, nên tất nhiên, vào mùa đông cũng không ai có đủ can đảm ra ngoài vườn để mà…. hóng mát (cười vui).

* Ông đánh giá thế nào về các DN sản xuất hàng gỗ nội thất của Việt Nam?

- Điểm mạnh của các DN sản xuất hàng đồ gỗ nội thất Việt Nam là có lực lượng lao động giỏi, giá nhân công rẻ, chi phí nguyên liệu nhập khẩu thấp. Đây là những yếu tố có thể cạnh tranh với Trung Quốc. Bên cạnh đó, các DN Việt Nam đang có những cơ hội lớn. Đó là, hàng Việt Nam đã và đang gây ấn tượng tốt đối với khách hàng Nhật. Các bạn có thị trường trong nước và XK nhiều tiềm năng. Hệ thống vận chuyển quốc tế giờ đây ngày càng thuận lợi. Đáng lưu ý, theo chính sách thuế quan của nước chúng tôi, hàng nội thất là hàng thành phẩm, khi nhập khẩu vào Nhật thì được miễn thuế. Tuy nhiên, các DN sản xuất hàng nội thất của Việt Nam, trong đó có Bình Định, vẫn còn tồn tại những hạn chế, yếu điểm. Đó là, khoảng 80% lượng nguyên liệu của các bạn phải nhập từ nước ngoài. Thị trường trong nước còn nhỏ. Nhiều DN thiếu vốn kinh doanh; không có mẫu mã riêng (chủ yếu nhận gia công và làm theo đơn đặt hàng); các công cụ tiếp thị, bán hàng nghèo nàn; thiếu công nhân có tay nghề cao, giỏi kỹ thuật; chưa có hệ thống bán hàng vào Nhật Bản… Bên cạnh đó, các bạn đang phải đối mặt với "đối thủ cạnh tranh" là Trung Quốc và những thử thách, như: giá mua nguyên liệu tăng cao; sự thâm nhập thị trường của các quốc gia có giá nhân công rẻ…

* Vậy, các DN ngành gỗ Bình Định muốn có chỗ đứng tại thị trường Nhật Bản thì cần phải làm gì, thưa ông?

- Muốn thâm nhập, có chỗ đứng tại thị trường Nhật Bản, các DN gỗ Việt Nam nói chung và Bình Định nói riêng cần phải tìm hiểu, nắm bắt được những nguyên tắc khi nhập khẩu vào thị trường Nhật; các quy định và thủ tục khi bán hàng tại thị trường này. Đồng thời, các DN phải xây dựng được chiến lược XK của DN mình và phải biết được những kỹ năng, phương pháp xâm nhập thị trường Nhật… Chẳng hạn, muốn nhập khẩu và bán hàng tại thị trường Nhật Bản, các bạn phải hiểu nguyên tắc của nước chúng tôi đối với việc nhập khẩu hàng nội thất là không có rào cản. Tuy nhiên, đối với hàng có sử dụng một phần nguyên liệu là động vật hoang dã thì phải chấp hành theo Hiệp ước Washington. Về các quy định và thủ tục khi bán hàng tại Nhật Bản, các bạn cần nắm rõ Luật về tem nhãn chất lượng hàng gia dụng; Luật về an toàn sản phẩm dùng trong sinh hoạt. Theo đó, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD), đối với bàn ghế, bàn học, tủ, luật có quy định chi tiết về cách dán nhãn hướng dẫn cách sử dụng để NTD có thể chọn lựa sản phẩm. Hoặc như đối với giường trẻ em, đây là mặt hàng được quy định là hàng đặc biệt nên phải được kiểm tra theo tiêu chuẩn an toàn về cách sử dụng, cấu tạo và bắt buộc phải dán nhãn PS để chứng minh sản phẩm đã đạt qua kiểm tra. Đặc biệt, bên cạnh việc nắm bắt những tiêu chuẩn chất lượng Nhật Bản, các DN gỗ Việt Nam cần phải hiểu rõ đặc điểm, tâm lý và yêu cầu của khách hàng Nhật. Theo đó, người Nhật chúng tôi rất khắt khe đối với việc tuân thủ về yêu cầu báo giá, gửi mẫu hàng, thực hiện đúng thời gian giao hàng, và phải có trách nhiệm đối với hàng hư hỏng, kém phẩm chất. Khi chọn DN để hợp tác, kinh doanh, người Nhật dựa trên tiêu chuẩn 5S (ngăn nắp, gọn gàng, vệ sinh, sạch sẽ, kỷ luật). Ngoài ra, người Nhật thường tránh những hợp đồng với đối tác cạnh tranh của khách… Nghĩa là, muốn làm ăn với người Nhật thì phải hiểu người Nhật. Hiểu về đất nước, con người Nhật Bản, đồng thời nắm bắt được những yêu cầu của thị trường, đặc điểm, tâm lý của các doanh nhân Nhật, hy vọng là các DN ngành gỗ Bình Định - Việt Nam sẽ có một vị trí quan trọng tại thị trường Nhật Bản.

* Xin cảm ơn ông !

  • Viết Hiền (thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nâng cấp di tích vụ thảm sát Bình An  (02/11/2005)
Về những cổ vật Chăm phát hiện ở tháp Đôi  (02/11/2005)
Thơ  (02/11/2005)
Người đầu tiên đặt nền móng cho lịch sử ngành Thanh tra Việt Nam  (02/11/2005)
BHYT học sinh, sinh viên: Nhà trường vẫn chưa thông !  (02/11/2005)
Xã Ân Mỹ với "Mô hình xã, phường phù hợp với trẻ em"  (02/11/2005)
Người phụ nữ kiên cường  (02/11/2005)
Hãy tha lỗi cho con !  (02/11/2005)
Tìm về cội nguồn sản xuất rượu vang  (02/11/2005)
Mặc áo dài đẹp  (02/11/2005)
Tóc trong văn hóa dân gian  (02/11/2005)
Những mặt trái của kỳ quan kinh tế Nhật Bản  (02/11/2005)
Trung thu còn lại nỗi buồn  (02/11/2005)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (02/11/2005)
Góp một tay xúc tiến đầu tư  (28/09/2005)