Trong những năm qua, ngành kinh tế Thủy sản Bình Định tuy có chuyển biến nhưng chưa thật sự mạnh mẽ. Các doanh nghiệp (DN) chế biến thủy sản xuất khẩu tuy đã có sự đầu tư nhất định cho hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng phần lớn tập trung phát triển về chiều rộng, chưa chú trọng đến chiều sâu. Hoạt động đánh bắt, nuôi trồng còn nhiều bất cập...
|
Chế biến thủy sản xuất khẩu tại Công ty cổ phần Thủy sản Bình Định.
|
* Thủy sản không còn là thế mạnh
Bình Định được đánh giá là một trong những tỉnh có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế thủy sản. Tuy nhiên, trong thời gian qua, các hoạt động đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy sản của tỉnh còn nhiều tồn tại. Toàn tỉnh hiện có 6.200 tàu thuyền khai thác hải sản, nhưng gần phân nửa trong số đó là tàu có công suất nhỏ, hoạt động những ngành nghề truyền thống đơn điệu, không đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đã vậy, trong thời gian gần đây, chi phí cho việc khai thác, nhất là xăng dầu, ngày một tăng, trong khi ngư trường không còn "lắm tôm, nhiều cá", giá hải sản vẫn "nằm"... đã thật sự trở thành áp lực lớn cho bà con ngư dân, nhất là với các loại nghề đánh bắt xa bờ. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 1.500 tàu nằm bờ vì không xoay xở được chi phí để ra khơi; một số chỉ khai thác gần bờ và sản xuất cầm chừng… Mặt khác, do sản phẩm khai thác được không được bảo quản tốt, nên nguyên liệu đáp ứng cho chế biến xuất khẩu vẫn còn thấp.
Trong nuôi trồng, nhiều vùng nuôi tôm phát triển tự phát, không theo quy hoạch, đã làm cho môi trường nuôi ngày một ô nhiễm nặng. Trong thời gian qua, ở Bình Định tình hình tôm nuôi bị dịch bệnh xảy ra liên tục và có chiều hướng ngày một tăng cao, nên nguồn nguyên liệu không đủ cung cấp cho các DN chế biến thủy sản xuất khẩu ở Bình Định hoạt động. Hầu hết các DN đều tổ chức mạng lưới thu mua nguyên liệu khắp nơi trong cả nước, nhưng nguồn nguyên liệu cũng chỉ đáp ứng được khoảng 50% công suất của các nhà máy.
Đối với lĩnh vực chế biến, ngoài những DN đủ điều kiện đầu tư trang thiết bị mới phù hợp với thị trường hiện nay như rửa nguyên liệu, phân cỡ, luộc, cấp đông rời qua băng chuyền tự động, tủ đông thế hệ mới, máy dò kim loại, máy đóng gói qua hút chân không…, hầu hết các DN vẫn còn sử dụng thiết bị cũ kỹ đan xen để chế biến những sản phẩm cấp đông thô, kích thước lớn… Sản phẩm thủy sản xuất khẩu chủ yếu do khách hàng đặt và hướng dẫn về công nghệ, DN chưa chủ động sáng tạo ra các mặt hàng mới để chào bán. Bởi vậy, sản phẩm hàng hóa thủy sản của Bình Định hiếm có mặt hàng độc đáo, mang đặc trưng riêng, mà chủ yếu là các sản phẩm truyền thống như: tôm sú đông lạnh, mực đông lạnh, cá ngừ đại dương đông lạnh, cá ngừ đại dương xông khói, cá phi lê…. Đây là những sản phẩm có giá trị xuất khẩu thấp, thực chất chỉ là nguyên liệu sạch cho các nhà máy chế biến thực phẩm của nước ngoài.
Những tồn tại trên đã dẫn đến một kết cục là ngành Thủy sản từ một ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, với kim ngạch xuất khẩu chiếm 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh vào năm 2000 (với khoảng 35 triệu USD/năm), đến nay chỉ còn 1/10 so với tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh (25 triệu USD/năm).
* Giải pháp nào ?
Để đưa ngành kinh tế Thủy sản của tỉnh phát triển ổn định và bền vững, cần thiết phải có giải pháp căn cơ từ khâu nguyên liệu cho đến đầu ra sản phẩm xuất khẩu. Ngay từ bây giờ, ngành Thủy sản cần phải rà soát lại những mặt làm được và chưa được, đồng thời tiến hành điều chỉnh lại quy hoạch phát triển toàn ngành. Trong khai thác, trước nguy cơ suy kiệt về nguồn lợi thủy sản, đòi hỏi nghề đánh bắt hải sản phải đầu tư vào chiều sâu, tập trung nâng cao công nghệ khai thác và bảo quản sản phẩm sau thu hoạch mới đem lại hiệu quả cao được. Ngoài ra, các chủ tàu cũng cần phải thực hiện tốt khâu tổ chức quản lý, chỉ đạo sản xuất và thường xuyên trao đổi, học tập kinh nghiệm cũng như áp dụng các kỹ thuật khai thác mới. Hiện nay, Bình Định đã có một số mô hình liên kết khai thác hải sản đem lại hiệu quả tích cực ở các địa phương Hoài Nhơn, Quy Nhơn, ngành Thủy sản cần sớm có kế hoạch để nhân rộng những mô hình này.
Trong nuôi trồng, cần khuyến khích các DN, cá nhân áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển giao công nghệ mới vào sản xuất. Mặt khác, cần tăng cường công tác bảo vệ môi trường như trồng rừng ngập mặn, rạn san hô, nuôi tôm thân thiện với môi trường. Ngoài ra, các DN cần chung vai đấu cật với ngư dân về việc đầu tư và ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm, để đảm bảo tính ổn định trong sản xuất, kinh doanh, tránh tình trạng mạnh ai nấy lo như từ trước tới nay.
Đối với hoạt động chế biến, hiện nay, bên cạnh sự cạnh tranh gay gắt của các đơn vị trong và ngoài nước, rào cản về nguyên liệu và công nghệ đang là thách thức mới cho các DN xuất khẩu thủy sản. Bởi vậy, song song với việc nâng cao năng lực, đổi mới công nghệ, lắp đặt thiết bị hiện đại, các công ty, xí nghiệp cần quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, đào tạo công nhân lành nghề… Nhiệm vụ trọng tâm trước mắt là chuyển hướng sang chế biến tinh, ưu tiên đầu tư cho chế biến đông lạnh và thực phẩm ăn liền theo công nghệ tiên tiến. Thực hiện tiêu chuẩn hóa chặt chẽ nhằm nâng cao chất lượng và uy tín sản phẩm, từng bước xây dựng và củng cố thương hiệu hàng thủy sản Bình Định… Những vấn đề này đã được Công ty Cổ phần Thủy sản Bình Định triển khai thực hiện chừng một năm nay và hiệu quả đem lại rất cao. Từ một DN gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh, hiện nay đơn vị đã trở thành DN có kim ngạch xuất khẩu lớn của tỉnh, với giá trị kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2005 là 4,3 triệu USD, tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2004.
Xác định được những mặt mạnh, mặt yếu và giải quyết tốt những tồn tại, đồng nghĩa với việc mở ra một lộ trình mới cho ngành Thủy sản Bình Định phát triển một cách ổn định và bền vững. Hy vọng trong thời gian đến, ngành Thủy sản Bình Định sẽ có được những bước đột phá mới, phát triển mạnh mẽ hơn, xứng đáng là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
|