Phụ nữ nước ta chiếm hơn một nửa dân số. Dưới chế độ cũ, ngoài hai tầng áp bức của đế quốc và phong kiến, phụ nữ còn chịu nhiều thiệt thòi về bình đẳng giới, không được gánh vác việc nước như nam giới. Sau Cách mạng Tháng Tám, dưới chế độ dân chủ nhân dân, phụ nữ nước ta hoàn toàn được giải phóng khỏi ách nô lệ và được hưởng quyền nam nữ bình đẳng. Trong kháng chiến chống Pháp, đặc biệt là trong chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ Việt Nam đã có nhiều cống hiến to lớn trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khen tặng phụ nữ nước ta 8 chữ vàng: Anh hùng, Bất khuất, Trung hậu, Đảm đang. Đó là sự đánh giá cao của Đảng, của Bác và nhân dân ta đối với bản chất và truyền thống cách mạng của phụ nữ nước ta nói chung và phụ nữ Bình Định nói riêng.
Dưới thời nhà Tây Sơn, phụ nữ Bình Định nổi tiếng về tinh thần thượng võ, tinh thần quật khởi chống bất công, áp bức với nhiều danh tướng "Ngũ phụng thư" là: Đô đốc Bùi Thị Xuân, các Phó tướng Bùi Thị Nhạn, Trần Thị Lan, Nguyễn Thị Dung, Huỳnh Thị Cúc...
|
Phụ nữ Bình Định xuống đường tham gia đấu tranh chính trị năm 1972. Ảnh: T.L
|
Trong 9 năm chống Pháp, phụ nữ là lực lượng chủ yếu trong sản xuất lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ nhân dân và chiến trường Khu V, đi dân công phục vụ tiền tuyến. Đặc biệt, trong thực hiện chính sách hậu phương quân đội, nuôi dưỡng, chăm sóc thương binh, bệnh binh, phụ nữ có vai trò rất quan trọng trong các phong trào "Mẹ chiến sĩ", "Áo ấm mùa đông binh sĩ", "Hũ gạo nuôi quân"...
Thời chống Mỹ, cứu nước, vai trò phụ nữ được phát huy cao độ. Phụ nữ đã nêu những tấm gương sáng ngời về lòng tin tưởng tuyệt đối vào Đảng, Bác Hồ, vào thắng lợi của cách mạng; nêu cao tinh thần bất khuất, kiên trung trước những đòn tra tấn cực kỳ dã man của quân thù; nêu cao lòng thủy chung với cách mạng, với chồng tập kết ra Bắc hay bị địch bắt tù đày. Là những cán bộ, đảng viên, cơ sở hoạt động hợp pháp trong vùng địch, phụ nữ là sợi dây liên lạc giữa các cấp ủy Đảng với quần chúng nhân dân, là người chuyển tải và tổ chức thực hiện các quyết sách cách mạng trong vùng địch kiểm soát, là chỗ dựa tinh thần của quần chúng cách mạng. Đặc biệt, trong phong trào đấu tranh chính trị, binh vận, diệt ác, phá kềm, phụ nữ là lực lượng xung kích. Đã xuất hiện biết bao tấm gương sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng, hàng chục nữ anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, hàng nghìn Bà mẹ Việt Nam anh hùng, trong đó có những mẹ có chồng và 4-5 con là liệt sĩ.
Truyền thống yêu nước và cách mạng của phụ nữ Bình Định như tấm pha lê trong suốt, là tài sản văn hóa, tinh thần vô giá mà các thế hệ con cháu phải ra sức giữ gìn, thừa kế và phát huy.
Ngày nay, trong thời kỳ đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, vai trò của phụ nữ càng hết sức quan trọng. Những năm qua, phụ nữ Bình Định đã có nhiều đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đã dấy lên mạnh mẽ các phong trào hành động cách mạng đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội đáng khích lệ như phong trào phụ nữ giúp nhau làm kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, vươn lên giàu có; phong trào cưu mang đùm bọc nuôi dạy những em có hoàn cảnh đặc biệt, giáo dưỡng những em hư hỏng, phạm pháp; phong trào nữ công giỏi việc nước, đảm việc nhà, phụ nữ văn minh, thanh lịch, v.v... Đã có hàng trăm cán bộ nữ, hội viên phụ nữ được tặng thưởng Huân chương Lao động, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng và Huy hiệu Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, được công nhận Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, cấp cơ sở, Nhà giáo ưu tú, Thầy thuốc ưu tú, Nghệ sĩ ưu tú...
Vậy thời gian đến, phụ nữ Bình Định phải làm thế nào để xứng đáng hơn nữa với 8 chữ vàng: Anh hùng, Bất khuất, Trung hậu, Đảm đang?
Thời nào phụ nữ cũng có hai thiên chức: người vợ, người mẹ trong gia đình; người công dân trong xã hội. Dưới chế độ thực dân, phong kiến, phụ nữ không có quyền được thực hiện thiên chức làm chủ nước nhà, bàn thảo, gánh vác đại sự quốc gia. Ngày nay, với chính sách của Đảng và Nhà nước coi trọng phát huy vai trò phụ nữ, tạo điều kiện cho phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà, đòi hỏi phụ nữ phải thực hiện hai thiên chức nói trên với một tầm cao trí tuệ và văn hóa ngang tầm dân tộc và thời đại kinh tế tri thức.
Về nhiệm vụ tề gia, đi đôi với nhiệm vụ xây dựng gia đình văn minh, hòa thuận, ấm no, hạnh phúc, phụ nữ phải đặt lên hàng đầu trách nhiệm nuôi dạy con cái nên người, học hành đến nơi đến chốn, lập thân, lập nghiệp thành đạt. Để cho con cái hư hỏng, sống buông thả, rơi xuống vũng bùn tệ nạn xã hội, phạm pháp... là có tội với Tổ quốc, với nhân dân, là làm trái với hoài bão của Đảng và Bác Hồ luôn kỳ vọng vào thế hệ trẻ. Về nghĩa vụ công dân, giỏi việc nước, phụ nữ phải cố gắng vươn lên thực hiện bằng được bình đẳng giới, không ngừng nâng cao ý thức và năng lực làm chủ xã hội, phấn đấu tiến tới đảm nhận những trọng trách như nam giới, đứng đầu các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức kinh tế, văn hóa, xã hội; không an phận dừng lại ở chỗ chỉ chiếm đa số trong các ngành giáo dục, y tế, thương mại...
Để phụ nữ có thể làm được những việc chủ yếu nêu trên, trước hết đòi hỏi Đảng và chính quyền các cấp phải có sự quan tâm thực hiện đầy đủ các chính sách đối với phụ nữ; các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ, các tổ chức Nữ công cần đặc biệt quan tâm tạo điều kiện nâng cao dân trí cho phụ nữ có mặt bằng tri thức như nam giới; phát triển mạnh mẽ đến tận cơ sở xã-thôn, làng-bản, khu phố phong trào Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, vươn lên giàu có; phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Đạo đức là gốc, nhưng nếu trình độ khoa học - công nghệ, trình độ tay nghề của phụ nữ còn thấp so với mặt bằng chung và phụ nữ còn phải đầu tắt mặt tối trong cuộc sống gia đình thì họ không thể nào có thể thật sự bình đẳng với nam giới trên bình diện xã hội. Mặt khác hết sức quan trọng, cũng có thể nói là mang tính quyết định, là bản thân phụ nữ phải có ý chí phấn đấu, có chí tiến thủ, có tinh thần tự tôn, tự cường, không tự ty, không an phận thủ thường, khi cần cũng phải có sự đấu tranh mạnh mẽ để thực hiện các quyền bình đẳng giới.
|