Đừng vội người ơi !
11:9', 14/11/ 2005 (GMT+7)

* Truyện ngắn của Nguyễn Trọng Hoạt

1. Đang lúi húi quét mớ bông giấy vương vãi nơi ngõ, lão nghe tiếng gọi có vẻ vừa rụt rè vừa thân thiện từ phía sau "Anh ơi! ". Lão quay lại, gặp ngay nụ cười cầu lợi nhưng dúm dó như bông hoa héo. Lão đứng sững nhìn hai gã trẻ măng, hệt cặp voi còi đè trên chiếc sáu bảy xẹp cả lốp vừa trờ tới. Lão khó chịu khi đột ngột bị kẻ đáng tuổi con mình hạ cấp xuống "anh", định kết bạn vong niên chắc?! Hẳn thấy đôi mắt mang hình dấu hỏi cùng vẻ mặt mất lửa của lão, gã ngồi trước chủ động chuyển tông: "Sếp ơi, sếp mua khoan bê tông không? Chánh hiệu USA đấy". Như để minh chứng cho lời nói, gã vọt xuống xe, lấm lét nhìn quanh rồi mở bịch ni lông màu đen lôi ra chiếc khoan còn mới. Gã đưa tay miết nhẹ lên mặt thép lạnh tanh, ngước nhìn đối tác, giọng thuyết khách dẻo quẹo: "Tụi em là công nhân xây dựng, khoản này tiết kiệm được nên giá hữu nghị thôi, sếp ạ". Lão lom khom nhìn hai thanh niên; cũng quần áo xanh lem nhem vôi vữa, cả giày bảo hộ - rõ là công nhân rồi. Nhớ lại những lần đóng tường treo giá sách, móc quần áo hay mắc thêm cái bóng đèn mà phải bỏ cả mớ đinh quẹo đầu do không có khoan, lão muốn xuôi theo lời tiếp thị "có cánh" kia. Vẫn giữ vẻ hững hờ cần có của một "thượng đế", giọng lão vênh lên: "Hữu nghị là bao nhiêu? ". Đoán chừng thần kinh cảnh giác của đối tác đã bị gây mê, đứa ngồi sau cất giọng: "Báo cáo sếp, đúng giá là bốn trăm nhưng bọn em khuyến mãi, xin sếp ba trăm rưỡi". Cò kè một lát, lão móc túi xìa ra ba trăm ngàn đồng; lập tức chiếc khoan được đổi chủ. Nhìn chiếc xe vù đi, thoắt cái trông đã nhỏ như bàn tay, chỉ kịp quăng lại câu chào vội lẫn trong khói bụi, lão sinh nghi. Lão xuýt xoa rồi tự xỉ vả giây phút nông nổi của mình, khi lấy khoan dùng thử sau đó. Chẳng phải bê tông, ngay tường gạch mà khoan cũng chẳng chịu đi. Lão ra chợ, chỉ vào cái khoan giống hệt cái đã mua, hỏi giá. Một trăm năm chục ngàn đồng - câu trả lời của bà chủ gian hàng đồ sắt khiến lão ngửa mặt, kêu "Trời!".

2. Một sáng chủ nhật, đúng lúc lão cảm thấy dễ chịu sau cữ cà phê cùng âm thanh du dương của "Hạ trắng", "Diễm xưa" thì người đẹp xuất hiện. Nghe tiếng đẩy cổng rèn rẹt, lão hạ tờ báo xuống khỏi tầm mắt, gỡ kính, nhìn ra. Nụ cười của mỹ nhân tự nhận là nhân viên tiếp thị của hãng dầu gội TITANIC khiến lão không thể hững hờ. Không giống bao kẻ tiếp thị cứ nài nỉ, chèo kéo gần như cưỡng bức, cô gái đang đối diện với lão rất kiệm lời; không phung phí những mỹ từ khi nói về sản phẩm của mình, chỉ có nụ cười. Ôi, nhìn nụ cười, lão ước ao mình trẻ lại hai mươi tuổi. Nhưng sao dầu gội lại kèm đồng hồ treo tường? Đơn giản là khuyến mãi, có nghĩa một trăm ngàn đồng chỉ tính riêng cho chai dầu gội đặc biệt to như chai nước xả compho kia. Lão không biết đồng hồ đâu còn cao giá như thuở người ta đo thời gian bằng tiếng gà hoặc bóng nắng, nên cứ gật gù, ra vẻ thông suốt với giải thích của cô gái. Nếu chỉ mất trăm ngàn đồng thì chuyện nhỏ nhưng chuyện lão sắp bị hói đầu thì nhỏ sao được! Khi vợ đi làm về, chưa kịp khoe mua một được hai, lão vội nhờ vợ xem đầu sao mà ngứa quá đỗi. Vợ lão lật từng mớ tóc đã lấm tấm bạc, đưa mũi hít hít rồi nhăn mặt: "Anh gội dầu gì? ". Lão chưa dứt lời, vợ lão bực tức đùng đùng chạy vào buồng tắm lôi ra chai dầu cùng tên gọi với con tàu đoản mệnh từ đầu thế kỷ trước. Sau một hồi ngửi, đổ ra để nhìn, cho một tí lên lòng bàn tay xoa xoa, vợ lão buông lời rên rỉ: "Của giả!". Lão những hai lần muốn phát khùng trước lời cay độc như đám mũi nhọn của vợ: "Nếu gội hết chai dầu này lại hóa hay vì chẳng phải tốn tiền cắt tóc - Máu Hoạn Thư nổi lên khiến giọng thị the thé, chỉ toàn âm gió - Thấy gái đẹp là mắt tít lại, biết gì nữa". Người cứ như sôi lên nhưng lão cứng họng, không cất nên lời.

3. Có phải do đúng dịp Vu Lan thắng hội hay không mà lòng trắc ẩn trỗi dậy và một lần nữa lão cười như mếu khi tưởng thế mà không phải thế. Họ gồm hai người, tuyền màu nâu từ chiếc mũ len đội đầu đến quần áo, cả chiếc túi vải khoác trên vai đựng đầy hương cúng. Họ chắp tay mô phật rồi bằng giọng giống như đọc kinh, khơi gợi tình thương đồng loại của lão. Họ xòe ra một tập ảnh về các hoạt động của nhà chùa, cả tờ giấy có dấu đỏ lem nhem do nhà chùa giới thiệu họ đi bán nhang để quyên góp quỹ từ thiện. Tốn năm chục ngàn đồng để có năm thẻ nhang đáng giá năm ngàn nếu mua ở chợ, nhưng lòng lão ấm lại bởi ý nghĩa tốt đẹp của việc mua bán này. Nhìn hai người nhà Phật lầm lũi trong nắng bụi trên con đường tấp nập người qua lại, lão trào lên niềm thương không nói hết bằng lời.

Lão chơi vơi, hẫng hụt hệt như đang bay trên chín tầng mây bỗng rơi xuống vực sâu, khi chiều đó đi vào quán lẩu dê Bảy Hoàng. Lão trố mắt nhìn hai người nhà Phật lúc sáng đang ngoác mồm ngấu nghiến những cục xương to như nắm đấm cùng những miếng thịt nướng thơm nức mũi. Họ liên tục "dô, dô" khiến lão nhìn cũng đủ say. Lão choáng, căng mắt; những mong nhầm nhưng buồn thay lão không nhầm. Có khác chăng, mũ và quần áo nâu đã được tẩu tán, thay vào đó là bộ cánh sặc sỡ, diêm dúa hệt như y phục của diễn viên hề trên sân khấu. Nhìn kỹ, lão phát hiện túi vải nâu đựng nhang được bỏ vào trong cái bao lát trắng để ngay dưới gầm bàn. Định bước tới trừng mắt, nhìn thẳng mặt hai đứa lừa đảo nhưng chợt nghĩ chẳng để làm gì, lão đứng thẳng đuột như nuốt phải cây thước sắt vào bụng.

4. Cạch tới già, không bao giờ dây vào bọn tiểu yêu đường phố. Nghĩ thế và lão làm đúng thế. Lão lắc đầu quầy quậy, xua tay lia lịa trước những lời mời chào, nỉ non của ông mài dao kéo đến đứa bé bán vé số, của kẻ ăn mày đến bà mua ve chai. Ai không khôn hồn biến ngay mà chèo kéo, cố đấm ăn xôi là lão chẳng khách sáo. Cả mấy cô cậu với đồng phục trông thật bắt mắt đi tiếp thị bột ngọt, dầu gội, bột giặt, lão cũng đuổi thẳng. Có cô tròn mắt nhìn lão như nhìn dị nhân khi bị quát do cố nhét gói bột giặt bé tí vào khe cổng nhà lão.

Mới rồi có một cậu choai choai tới gõ cửa nhà lão cầu cứu. Thoạt nhìn lão biết ngay cậu ta ra đi từ đồng ruộng. Với giọng khu Bốn trọ trẹ, đầy những thổ âm, cậu cố diễn đạt để người đối diện hiểu rằng cậu đang trên đường đi thi đại học và bị mất cắp. Ngửa tay xin người dưng, ấy là cách để cậu có tiền ở lại thành phố này ba ngày để dự thi. Lão đóng sầm cửa khiến khuôn mặt trẻ ngơ ngác. Nhưng lòng tốt của những người cùng hẻm, phố với lão đã cho chàng trai khốn khổ được toại nguyện. Ông Đạt, tổ trưởng dân phố còn tiếp sức mùa thi bằng cách cho cậu ta ở trong nhà và cho mượn xe đạp đi thi.

Khi mọi người dường như đã quên chàng trai nhà quê đen như gỗ mun nọ thì cậu đột ngột xuất hiện. Với nét mặt phơi phới thay cho vẻ buồn như đưa đám cách đây hai tháng, cậu ta báo tin mình đã đậu đại học. Lần vào nhập học này, cậu đến thăm lại những ân nhân chưa kịp biết tên và biếu mỗi nhà vài ký đậu phụng, gọi là có chút quà quê. Hẻm phố bỗng nhiên vui, mọi người cười nói, hồ hởi mừng cho kết quả có hậu của chàng trai lạ mà quen. Thấy cậu đi ngang cổng nhà mình nhưng không dừng, lão khe khẽ khép cửa. Chuỗi âm thanh vui tươi từ bên ngoài vọng tới, khiến lão đứng lặng, lòng tràn đầy tủi hổ.

5. Vẫn là mất nhưng lần này chưa hẳn đã mất. Sau một chầu nhậu bát ngát cùng mấy "cây uống ưu tú" ở quán Bảy Hoàng, lão khật khưỡng ra về, bỏ lại quán chiếc điện thoại di động. Sáng hôm sau, khi đã rời khỏi cõi mê, lão mới sực nhớ, hết lục túi áo đến túi quần rồi buông hai tay, chép miệng. Định quay lại hỏi chủ quán nhưng lão nghĩ chắc "cục gạch" đã "bốc hơi" rồi nên thôi.

Cũng tại quán đó, chừng một tháng sau đó, khi lão ra về thì nghe tiếng gọi gấp gáp từ phía sau "Bác ơi, bác ơi!". Lão ngoái lại, thấy thằng bé bán báo đang hộc tốc chạy tới, giơ tay vẫy vẫy. "Nhìn đường còn loáng choáng thì đọc báo bằng gì!?" - lão lầu bầu trong họng, vọt lên xe, nổ máy. "Đừng vội bác ơi!" - thằng bé chạy tới chặn trước xe lão, há mồm thở. Nó thò tay vào túi quần, rút ra chiếc điện thoại di động, toét miệng cười: "Của bác đúng không?". Lão trố mắt, cầm chiếc điện thoại bấm thử, giọng như reo: "Đúng rồi! Nhưng ở đâu thế? "Bữa trước, cháu thấy nơi ghế bác ngồi - nó nhanh nhẩu - cháu gửi lại bác đó".

Lão bối rối nhìn thằng bé, thấy quen quen. Vâng, chính là thằng bé từng nài nỉ lão mua báo, bị lão nạt cho chạy rớt dép.

  • N.T.H
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Giao mùa !  (14/11/2005)
Những vòng tay kết nối những vòng tay đồng bào  (02/11/2005)
Phụ nữ Bình Định với tám chữ vàng: Anh hùng, Bất khuất, Trung hậu, Đảm đang  (02/11/2005)
Phong trào phụ nữ TP Quy Nhơn: Bức tranh nhiều sắc màu  (02/11/2005)
Đôi điều về "sân chơi" cho Khu kinh tế Nhơn Hội  (02/11/2005)
Kinh tế thủy sản: Những khó khăn và giải pháp để ổn định và phát triển  (02/11/2005)
Muốn làm ăn với người Nhật thì phải hiểu người Nhật  (02/11/2005)
Nâng cấp di tích vụ thảm sát Bình An  (02/11/2005)
Về những cổ vật Chăm phát hiện ở tháp Đôi  (02/11/2005)
Thơ  (02/11/2005)
Người đầu tiên đặt nền móng cho lịch sử ngành Thanh tra Việt Nam  (02/11/2005)
BHYT học sinh, sinh viên: Nhà trường vẫn chưa thông !  (02/11/2005)
Xã Ân Mỹ với "Mô hình xã, phường phù hợp với trẻ em"  (02/11/2005)
Người phụ nữ kiên cường  (02/11/2005)
Hãy tha lỗi cho con !  (02/11/2005)