Hoài Sơn "tiễn đưa" chương trình 135
13:49', 14/11/ 2005 (GMT+7)

"Mỗi năm có một công trình mới được xây dựng; nhà cửa, đường giao thông, trường học, trạm xá ngày càng khang trang, đẹp hơn. Bây giờ bà con chúng tôi tính chuyện làm giàu, chứ không lo cái đói giáp hạt như trước đây...." - ông Nguyễn Văn Báo- một lão thành cách mạng ở thôn An Hội, xã Hoài Sơn (Hoài Nhơn) phấn khởi trước sự đổi thay tích cực của quê hương, đã tâm sự với chúng tôi như vậy.

 

Đường giao thông đã được bê tông hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân xã Hoài Sơn đi lại, trao đổi hàng hóa.

 

* Một thời khó khăn, gian khổ

Trò chuyện với chúng tôi về những thành tựu kinh tế-xã hội ở Hoài Sơn trong thời gian qua, ông Nguyễn Đình Bản- Chủ tịch UBND xã - không khỏi bùi ngùi khi nhớ lại quãng thời gian dài đầy khó khăn, vất vả của vùng đất nghèo quê mình: "Mỗi lần có dịp đi ngang qua thị trấn Tam Quan, là địa phương cùng huyện với xã nhà, nhìn thấy những ngôi nhà cao tầng, các cửa hàng, thương mại dịch vụ mọc san sát dọc theo hai bên tuyến quốc lộ 1 A, trông thật sướng con mắt. Còn ở quê tôi cái gì cũng thiếu, bà con nông dân đầu tắt mặt tối suốt ngày mà vẫn không đủ ăn, trên 50% số hộ thuộc diện nghèo đói, trẻ em đến tuổi 15-16 đã vội "xếp bút nghiên" để đi làm thuê cuốc mướn trợ giúp gia đình. Đọc những con số thống kê về tỉ lệ nghèo đói, số học sinh bỏ học...hàng năm mà lòng tôi đau như muối xát...".

Quả thật như vậy, chỉ cách đây dăm năm, từ năm 2000 trở về trước, xã Hoài Sơn được "mệnh danh" là xã "5 không": không đường giao thông, không có điện, không trường học, không chợ búa và không có hệ thống thủy lợi. Toàn xã có 2.800 hộ gia đình, gần 100% số hộ làm nông nghiệp. Thu nhập chính của người dân chủ yếu từ cây lúa 2 vụ/năm. Vụ đông xuân nhờ thời tiết thuận lợi, nên cây trồng phát triển tốt; vụ hè thu hoàn toàn phụ thuộc vào nước trời, năm nào có mưa thì có thu hoạch, nếu gặp thời tiết nắng hạn ruộng đồng phải bỏ hoang. Nông dân muốn bán nông sản phải gồng gánh vượt hơn chục km đường đất toàn là "ổ voi" xuống chợ Bồng Sơn mới có người mua, nhưng tiền bán nông sản có khi không đủ chi phí dọc đường. Vì vậy, đời sống của người dân Hoài Sơn chủ yếu chỉ quanh quẩn với những mặt hàng nông sản tự cung tự cấp ở phạm vi địa phương mình. Nhà cửa của dân chủ yếu là nhà tranh vách đất, mùa mưa bão lo sợ nhà sập, kèm theo nỗi lo nước lũ đầu nguồn theo các dòng suối đổ ào xuống đồng ruộng gây sa bồi thủy phá... Kinh tế gia đình khó khăn, việc chăm lo cho con học hành cũng không đến nơi đến chốn, nhiều năm xã Hoài Sơn không có con em theo học các trường cao đẳng, đại học. Người già, trẻ em có bệnh không đi khám vì không có tiền và đường xa cách trở..., cuộc sống khó khăn trăm bề. Cho đến năm 2001, Hoài Sơn vẫn là địa phương thuộc diện xã đặc biệt khó khăn, tỉnh và huyện phải cứu trợ lương thực thường xuyên.

* Quyết tâm thoát nghèo

Để giúp Hoài Sơn xóa đói giảm nghèo, từ năm 2001, Nhà nước đã hỗ trợ cho địa phương đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi và cơ sở hạ tầng nông thôn, tạo điều kiện cho bà con nông dân phát triển kinh tế. Đầu tiên là công trình hồ chứa nước Đồng Tranh được xây dựng, tiếp đến là hồ An Đổ, rồi đến các đập dâng Ông Pha, Ký Sơn với tổng kinh phí trên 10 tỉ đồng, phục vụ tưới cho gần 1.000 ha lúa trên địa bàn xã. UBND tỉnh hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi và chỉ đạo cho ngành nông nghiệp xây dựng các mô hình trình diễn để bà con nông dân được "mắt thấy, tai nghe" về cung cách làm ăn mới gắn liền với việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất chăn nuôi. Có nước tưới, UBND xã Hoài Sơn đã quy hoạch lại diện tích sản xuất, bố trí lại lịch thời vụ, cử cán bộ khuyến nông đi đào tạo kỹ thuật trở về hướng dẫn cho nhân dân sản xuất theo cách "cầm tay chỉ việc". UBND xã giao cho HTXNN Hoài Sơn và HTXNN Hoài Sơn I mỗi HTX 2 ha đất chuyên sản xuất lúa giống để cung ứng cho nhân dân. Các hội đoàn thể ở xã đã tích cực vận động bà con nông dân thực hiện chủ trương cấp 1 hóa giống lúa, chuyển dịch cơ cấu cây trồng - vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tiễn ở địa phương.

Ông Nguyễn Văn Thu, cán bộ khuyến nông xã Hoài Sơn cho biết: "Ngày đó, anh em chúng tôi luôn có mặt trên đồng ruộng để hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cho bà con, vận động nông dân sử dụng giống lúa cấp 1 để sản xuất và gieo sạ đúng lịch thời vụ. Trên những diện tích đất không chủ động được nước tưới và đất hoa màu, chúng tôi đã hướng dẫn cho bà con sản xuất các loại cây trồng cạn như: bắp lai, đậu phụng.... Dần dần, nông dân đã thấy được hiệu quả kinh tế của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ và thực hiện mạnh mẽ chủ trương này".

 

             Nông dân xã Hoài Sơn sản xuất 3 vụ lúa/ năm.

 

Đến nay, xã Hoài Sơn đã ổn định diện tích sản xuất lúa 1.600 ha, 100% diện tích sử dụng giống lúa lai và giống lúa cấp 1, đạt tỉ lệ cao nhất huyện. Ngoài ra, toàn xã có 200 ha đậu phụng; 200 ha bắp lai; 213 ha sản xuất rau màu các loại. Nghề chăn nuôi phát triển khá mạnh, nhất là nuôi bò lai, bò vỗ béo, với tổng đàn bò 4.900 con, trong đó bò lai chiếm trên 55%; đàn heo 10.200 con; 63.000 con gia cầm và 700 con dê. Ông Trần Kim Hà- nông dân ở thôn An Hội cho biết: "Gia đình tôi có 8 sào ruộng khoán. Năm 2005 tôi đã áp dụng phương pháp canh tác luân canh: vụ đông xuân sản xuất lúa, vụ hè trồng khổ qua, vụ thu trồng bắp lai, cho thu nhập trên 50 triệu đồng/ha. Ngoài ra, tôi còn thường xuyên nuôi 15 con heo thịt, 2 heo nái trong chuồng, thu nhập từ chăn nuôi gần 20 triệu đồng/năm". Hiện nay, số người khá giả như ông Hà ở xã Hoài Sơn nhiều vô kể.

Cùng với việc xây dựng các công trình thủy lợi, nhà nước đã hỗ trợ địa phương xây dựng 1 trường THCS và 2 trường tiểu học, trạm y tế, nhiều km đường điện hạ thế... Kinh tế phát triển, việc học, chăm sóc sức khỏe đã được người dân quan tâm. Năm 2005, xã Hoài Sơn đã phổ cập THCS và đạt trường chuẩn quốc gia, số lượng học sinh theo học cấp III ở xã Hoài Sơn là 660 em, cao nhất khu vực phía bắc huyện; số học sinh đậu đại học, cao đẳng ngày càng nhiều. Thực hiện phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, xã đã bê tông hóa được 9 km đường giao thông nông thôn. Ngoài ra, nhân dân còn đóng góp 350 triệu đồng xây dựng chợ.

Từ một xã "5 không", đến nay Hoài Sơn đã có đầy đủ đường giao thông, hệ thống thủy lợi, trường, trạm, chợ... đã có đủ. Tỉ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới giảm còn 25%, 100% số hộ đã xây dựng được nhà ngói, có 90% số hộ sử dụng điện, 70% số hộ có xe máy, có phương tiện nghe nhìn, nhiều hộ đã mua được xe vận tải. Toàn xã có 12 thôn thì đã có 9 thôn đăng ký xây dựng làng văn hóa, trong đó có 2 thôn được UBND huyện công nhận là làng văn hóa cấp huyện.

Năm 2005, Hoài Sơn là một trong 3 xã đầu tiên trong tỉnh đã hoàn thành chương trình 135 dành cho các xã đặc biệt khó khăn. Trong giai đoạn từ 2005-2010, xã Hoài Sơn sẽ tiếp tục thực hiện mạnh mẽ chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng mùa vụ, xây dựng cánh đồng 50 triệu đồng/ha; phát triển các ngành nghề: chăn nuôi gia súc, kinh tế vườn rừng, du lịch và dịch vụ, phấn đấu đến năm 2010 giảm tỉ lệ hộ nghèo xuống còn 8%. "Khó khăn, thách thức đang còn ở phía trước, nhưng tôi tin nhân dân Hoài Sơn sẽ vượt qua."- ông Nguyễn Đình Bản khẳng định với chúng tôi như vậy!

  • Phạm Tiến Sỹ
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Cú tăng tốc ngoạn mục của Bình Định điện tử  (14/11/2005)
Những chiến công trên lĩnh vực an ninh kinh tế  (14/11/2005)
Đừng vội người ơi !  (14/11/2005)
Giao mùa !  (14/11/2005)
Những vòng tay kết nối những vòng tay đồng bào  (02/11/2005)
Phụ nữ Bình Định với tám chữ vàng: Anh hùng, Bất khuất, Trung hậu, Đảm đang  (02/11/2005)
Phong trào phụ nữ TP Quy Nhơn: Bức tranh nhiều sắc màu  (02/11/2005)
Đôi điều về "sân chơi" cho Khu kinh tế Nhơn Hội  (02/11/2005)
Kinh tế thủy sản: Những khó khăn và giải pháp để ổn định và phát triển  (02/11/2005)
Muốn làm ăn với người Nhật thì phải hiểu người Nhật  (02/11/2005)
Nâng cấp di tích vụ thảm sát Bình An  (02/11/2005)
Về những cổ vật Chăm phát hiện ở tháp Đôi  (02/11/2005)
Thơ  (02/11/2005)
Người đầu tiên đặt nền móng cho lịch sử ngành Thanh tra Việt Nam  (02/11/2005)
BHYT học sinh, sinh viên: Nhà trường vẫn chưa thông !  (02/11/2005)