Phát triển mạng lưới đô thị: Mở hướng đi lên
14:21', 14/11/ 2005 (GMT+7)

Dự thảo Báo cáo chính trị Đảng bộ tỉnh khóa XVI trình Đại hội XVII xác định mục tiêu đưa Quy Nhơn lên đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh. Ngoài ra, Bình Định cũng đang tiến hành quy hoạch hệ thống các đô thị theo hướng xây dựng các thị trấn Bình Định (An Nhơn), Bồng Sơn (Hoài Nhơn) và Phú Phong (Tây Sơn) trở thành đô thị loại 4. Những mục tiêu này, thể hiện một quyết tâm: xây dựng những trung tâm động lực, mở hướng cho sự bứt phá mạnh mẽ hơn của tỉnh thời gian tới.

 

                          Quy Nhơn hôm nay. Ảnh: Đào Tiến Đạt

 

* Tầm nhìn 2010

Với việc thành lập Khu kinh tế (KKT) Nhơn Hội, không gian thành phố Quy Nhơn sẽ được mở rộng về phía đông bắc. 12.000 ha thuộc bán đảo Phương Mai khi ấy sẽ được "nối" vào thành phố để Quy Nhơn có tổng diện tích 28.586 ha. Điều quan trọng hơn, KKT Nhơn Hội với cảng nước sâu, khu công nghiệp gắn liền với cảng, khu phi thuế quan… sẽ tạo điều kiện cho Bình Định bứt phá, phát triển mạnh về công nghiệp - dịch vụ và du lịch. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có quyết định đưa Bình Định vào vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, trong đó thành phố Quy Nhơn được xem là trung tâm phía Nam của vùng kinh tế trọng điểm.

Sức lan tỏa của Quy Nhơn khi ấy đã không còn dừng ở tầm bán kính 25-30km như những đô thị tỉnh lỵ khác, mà được mở rộng ra phía Bắc và lên phía Tây. Nhìn trong tổng thể miền Trung, thì Đà Nẵng và Khánh Hòa tuy vùng ảnh hưởng lớn hơn Quy Nhơn nhưng cũng khó bao quát lãnh thổ khoảng trống ở giữa, bao gồm lãnh thổ cả vùng Tây Nguyên, của Nam Lào và Đông Bắc Campuchia nếu không có Quy Nhơn.

 

  Cửa Đông thành Bình Định (An Nhơn). Ảnh: Phạm Văn Chai

 

Nhưng nếu chỉ Quy Nhơn vươn lên thì sức hút sẽ không đủ kéo theo sự đổi thay diện mạo kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là mạn Hoài Nhơn, An Lão, Hoài Ân vốn xa trung tâm hay mạn phía Tây như vùng Tây Sơn, Vĩnh Thạnh. Hơn thế, nếu không có những đô thị vệ tinh làm "hậu vệ", Quy Nhơn khó có sức bứt phá mạnh. Nếu không có Khu công nghiệp Nhơn Hòa làm trung chuyển, hẳn KKT Nhơn Hội cũng bị hạn chế phần nào trong sự phát triển. Rồi Quy Nhơn, vốn mỏng về nhân lực có tay nghề, nếu không có những đô thị vệ tinh tiếp nguồn lao động, thì rõ ràng cũng bị hạn chế trong hướng phát triển bền vững. Bởi thế, trong định hướng đến năm 2010, Bình Định xác định bên cạnh đưa Quy Nhơn thành đô thị loại 1 thuộc tỉnh, còn phải quy hoạch các thị trấn như Bình Định, Bồng Sơn và Phú Phong theo hướng phát triển thành thị xã, thành đô thị loại 4. Những đô thị vệ tinh này vừa sẽ là những trung tâm của các vùng phía Bắc, phía Tây tỉnh như Bồng Sơn, Phú Phong hoặc sẽ thành những đô thị "trợ lực" cho Quy Nhơn trên đường phát triển như Bình Định. "Một mạng lưới đô thị nhỏ và trung bình phân bố hợp lý và tương đối đồng đều trên khắp lãnh thổ tốt hơn nhiều cho sự phát triển cân bằng của vùng hơn là ra sức cấu tạo một cực lớn" - GS Lê Bá Thảo chẳng đã từng nhấn mạnh như vậy khi đánh giá về định hướng đô thị vùng Nam Trung bộ.

* Dọn đường cho sự chuyển mình

Bình Định có thể nói là một thị trấn có nhiều lợi thế hơn cả trong hướng vươn lên để trở thành một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh. Không chỉ vì thị trấn này nằm cách trung tâm thành phố Quy Nhơn chỉ hơn 25 km, mà đây còn là giao điểm giữa Quốc lộ 1A thông thương từ Nam chí Bắc và Quốc lộ 19 rộng đường lên Tây Nguyên, lại có tuyến đường sắt Bắc - Nam ngang qua, rồi liền kề với Sân bay Phù Cát…

Bước chuyển mình của thị trấn Bình Định có thể thấy từng ngày. Ấn tượng trước tiên vẫn là những con đường đã được trải nhựa phẳng lì ở các thị trấn, thị tứ nằm trong vùng quy hoạch thị xã tương lai gồm hai thị trấn Bình Định và Đập Đá, hai xã Nhơn Hưng và Nhơn Hòa. Rồi Khu đô thị mới Thanh Niên đã được quy hoạch tương đối đồng bộ. Thời gian qua, với phương châm "đổi đất lấy cơ sở hạ tầng", huyện cũng ưu tiên nguồn vốn cho các công trình giao thông, thủy lợi, trường học, trạm xá...

Đồng thời, ngay từ năm 2000, An Nhơn cũng đã hoạch định một chiến lược phát triển cho khu vực trung tâm và phụ cận. Một trong những hướng đó là đẩy nhanh tiến độ chuyển dịch, tăng tỉ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế. Huyện cũng đã tập trung quy hoạch, xây dựng các cụm, điểm công nghiệp nhằm huy động mọi nguồn vốn để đầu tư phát triển công nghiệp. Trong đó, hai cụm công nghiệp Gò Đá Trắng (thị trấn Đập Đá) và Nhơn Hòa đã phát huy hiệu quả. Tốc độ phát triển thương mại - dịch vụ cũng tương đối nhanh. Trong cơ cấu kinh tế của huyện hiện tại, tỉ trọng công nghiệp đã chiếm 33,45%, thương mại - dịch vụ chiếm 13,6%. An Nhơn là huyện đi đầu của tỉnh trong việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các cụm, điểm công nghiệp.

Hiện nay, An Nhơn tiếp tục xúc tiến việc đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và chỉnh trang đô thị, xây dựng thêm các cụm công nghiệp thị trấn Bình Định, Đông Phương Danh, Bá Canh (thị trấn Đập Đá) và quy hoạch thêm các khu đô thị mới Bắc Ngô Gia Tự, Vĩnh Liêm, Tây Trần Phú (thị trấn Bình Định). Vậy là thị trấn Bình Định và vùng phụ cận đã hội tụ điều kiện để trở thành "thị xã trong tầm tay".

 

Thị trấn Bồng Sơn (Hoài Nhơn) hôm nay. Ảnh: Nguyễn Ngọc Tuấn

 

Không có nhiều lợi điểm như thị trấn Bình Định, Bồng Sơn lại có một vai trò quan trọng là nằm ở một trong các vùng động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, vừa là đầu mối giao thông, vừa là điểm trung chuyển hàng hóa cho các tiểu vùng phía Bắc tỉnh. Bồng Sơn phát triển, sẽ không chỉ có ý nghĩa động lực với riêng Hoài Nhơn mà còn tạo lực đẩy cho các huyện phía Bắc tỉnh. Trong cái nhìn như vậy, Hoài Nhơn đã quyết tâm đưa Bồng Sơn lên thành đô thị loại 4 trước năm 2010 và xây dựng thị trấn Tam Quan thành trung tâm huyện lỵ.

Những năm qua, Bồng Sơn đã có nhiều chuyển động, nhất là trong thương mại - dịch vụ. Ngành kinh tế này hiện chiếm khoảng 72% trong cơ cấu kinh tế của thị trấn. Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Xuân Thọ, Bí thư Đảng ủy thị trấn Bồng Sơn cho biết: "Cái khó nhất của Bồng Sơn hiện tại là cơ sở hạ tầng trong những năm qua tuy đã có sự đầu tư nhưng tiến độ chậm. Tổng kinh phí đầu tư trong 5 năm chỉ đạt gần 30 tỉ đồng. Cơ sở hạ tầng như vậy là còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực địa phương. Đồng thời, cơ cấu kinh tế như hiện tại, công nghiệp - xây dựng mới chỉ chiếm khoảng 13% là chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của thị trấn".

So với các tiêu chí đô thị loại 4, Bồng Sơn trong vài năm tới, có thể phấn đấu sẽ đạt. Tuy nhiên, thời gian tới, Hoài Nhơn đang chuẩn bị đầu tư xây dựng ở thị trấn Bồng Sơn Cụm công nghiệp Đồi 28 với diện tích 14,7ha và tiến tới hình thành cụm công nghiệp Tây Bắc Bồng Sơn diện tích hơn 200 ha. Ngoài ra, trong năm 2006 này, sẽ có nhiều công trình mới xuất hiện ở Bồng Sơn như Trường Công nhân Kỹ thuật, Bến xe khách. Các dự án mở rộng Bệnh viện Đa khoa khu vực Bồng Sơn, mở rộng Sân vận động Bồng Sơn… rồi dự án cấp nước cho thị trấn Bồng Sơn cũng sẽ khởi động. "Chúng tôi ý thức rằng trong mục tiêu đưa Bồng Sơn lên thành thị xã, thị trấn Bồng Sơn có vai trò chủ lực và đây sẽ thành khu vực nội thị của thị xã nhưng bên cạnh đó, cũng rất cần sự hợp lực, đồng lòng của các xã Hoài Đức, Hoài Xuân, Hoài Tân vốn cùng nằm trong quy hoạch của thị xã trong tương lai"- ông Thọ khẳng định.

Tuy nhiên, bên cạnh nỗ lực của địa phương, muốn Bồng Sơn trở thành đô thị loại 4, cần sự đầu tư mạnh hơn của tỉnh. Chẳng hạn như Ga Bồng Sơn. Ông Nguyễn Trung Hậu, Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, có lần đã khẳng định với chúng tôi: "Muốn Hoài Nhơn khai thác hết thế mạnh thì một trong những điều chúng tôi mong muốn nhất là Trung ương đầu tư nâng cấp Ga Bồng Sơn. Có thể nói, từ năm 1975 đến nay, Ga Bồng Sơn chưa có sự đầu tư, nâng cấp. Trong khi Hoài Nhơn là trung tâm trung chuyển hàng hóa phía Bắc tỉnh, kể cả Quảng Ngãi nữa".

Cũng trong tầm nhìn như vậy, trong tương lai, nếu thị trấn Phú Phong phát triển thành thị xã không chỉ có ý nghĩa riêng với huyện Tây Sơn mà sẽ trở thành động lực phát triển cho vùng phía Tây tỉnh; đồng thời, tạo thành một điểm trung chuyển quan trọng nằm trên tuyến đường 19 vốn có vị trí quan trọng trong hành lang kinh tế Đông - Tây.

 

       Một góc thị trấn Phú Phong (Tây Sơn). Ảnh: Văn Lưu

 

* Cần sức vươn của "đầu tàu"

Trong định hướng phát triển đô thị, hẳn nhiên, đầu tàu Quy Nhơn có vai trò rất lớn. Chẳng thế mà trong bài phát biểu chỉ đạo tại Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Dương đã nhấn mạnh: "Cả tỉnh lo cho Quy Nhơn vì Quy Nhơn là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh, nhưng Quy Nhơn cũng phải tự hỏi mình đã làm gì để giúp các huyện phát triển và cần phải khẳng định kết quả Quy Nhơn tự xây dựng đạt mức nào trong thành tích vừa qua? Yếu kém của Quy Nhơn so với tiềm năng và vị trí trung tâm tác động đến sự phát triển các huyện đến mức độ nào? Đặt vấn đề như vậy để Đảng bộ Quy Nhơn phải xác định trách nhiệm và chỗ đứng của mình".

Nhìn vào lịch sử, Quy Nhơn xưa đã từng là một đô thị quan trọng ở miền Trung, một thời lại là trung tâm Quốc học của vùng Nam Trung Bộ. Vậy mà, cách đây chỉ vài năm trước, Quy Nhơn dù đã là thành phố, nhưng trong ký ức nhiều người, vẫn chỉ lu mờ như một thị xã. Vài năm gần đây, Quy Nhơn mới dần tạo được dấu ấn của mình nhưng vẫn chưa thực sự có sức lan tỏa.

Mỗi thành phố cũng như những con người, có thể vươn lên hay không trên mặt bằng chung, xét cho cùng lại chính là tổ hợp của những điều kiện về thời cuộc, tiềm năng, sự vận động của con người và cung cách quản lý. Mà tất cả những yếu tố đó, ngẫm ra, ít nhất cũng ¾ là do con người quyết định. Với Quy Nhơn hiện tại, khi cả tỉnh cùng lo cho Quy Nhơn và đặt niềm tin vào sức vươn lên của thành phố, cũng như với những lợi điểm về vị thế địa lý - kinh tế sẵn có, Quy Nhơn đang hội đủ thiên thời - địa lợi - nhân hòa để phát triển và trở thành trung tâm và động lực phát triển của cả tỉnh. Để Quy Nhơn cùng với các đô thị khác sẽ thành hình nay mai, mở hướng cho sự đi lên của tỉnh, để Bình Định thật sự "ngày càng có vai trò quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung".

  • Lê Viết Thọ
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hoài Sơn "tiễn đưa" chương trình 135  (14/11/2005)
Cú tăng tốc ngoạn mục của Bình Định điện tử  (14/11/2005)
Những chiến công trên lĩnh vực an ninh kinh tế  (14/11/2005)
Đừng vội người ơi !  (14/11/2005)
Giao mùa !  (14/11/2005)
Những vòng tay kết nối những vòng tay đồng bào  (02/11/2005)
Phụ nữ Bình Định với tám chữ vàng: Anh hùng, Bất khuất, Trung hậu, Đảm đang  (02/11/2005)
Phong trào phụ nữ TP Quy Nhơn: Bức tranh nhiều sắc màu  (02/11/2005)
Đôi điều về "sân chơi" cho Khu kinh tế Nhơn Hội  (02/11/2005)
Kinh tế thủy sản: Những khó khăn và giải pháp để ổn định và phát triển  (02/11/2005)
Muốn làm ăn với người Nhật thì phải hiểu người Nhật  (02/11/2005)
Nâng cấp di tích vụ thảm sát Bình An  (02/11/2005)
Về những cổ vật Chăm phát hiện ở tháp Đôi  (02/11/2005)
Thơ  (02/11/2005)
Người đầu tiên đặt nền móng cho lịch sử ngành Thanh tra Việt Nam  (02/11/2005)