Xây dựng trường chuẩn quốc gia: Sẽ về đích sớm
15:3', 14/11/ 2005 (GMT+7)

Trong phương hướng, mục tiêu của nhiệm kỳ 2006-2010, Dự thảo báo cáo Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII có nêu: "Phấn đấu đến năm 2010, có 50% số trường tiểu học và 40% số trường THCS đạt chuẩn quốc gia (ĐCQG); mỗi huyện, thành phố có từ 1-2 trường THPT ĐCQG...". Với nỗ lực đầu tư nâng cao chất lượng dạy và học, xây dựng trường chuẩn của ngành GD-ĐT hiện nay, mục tiêu này là có cơ sở thực hiện được.

 

              Học sinh lớp 5B trường Tiểu học Kim Đồng.

 

* Một mẫu trường chuẩn

Không nằm trong cái khó thiếu đất như các trường tiểu học khác của TP Quy Nhơn, trường Tiểu học Kim Đồng, phường Ghềnh Ráng lại bát ngát đất đai. Khuôn viên trường chính ở đường Tống Phước Phổ có diện tích đến 8.600m2, bình quân 19m2 đất/học sinh (HS) (theo yêu cầu đạt chuẩn là 6m2/HS). Không chỉ thừa về đất, trường Kim Đồng còn có 100% số giáo viên (GV) đạt chuẩn, trong đó 76% GV trên chuẩn với trình độ đào tạo cao đẳng, đại học. Trong số 30 GV của trường có 1 GV đạt danh hiệu GV dạy giỏi cấp quốc gia, 3 GV dạy giỏi cấp tỉnh, 4 GV dạy giỏi cấp thành phố và 3 GV giỏi cấp cơ sở... Nhiều năm liền trường không có HS bỏ học, 100% HS đúng 6 tuổi trong phường đã được huy động vào lớp một; tỉ lệ HS giỏi đạt 33,2%, HS khá đạt 42%, trường có 1 HS giỏi cấp tỉnh, 3 HS giỏi cấp thành phố... Với những thành tích và điều kiện đáp ứng yêu cầu như trên, từ năm học 2002-2003, trường Tiểu học Kim Đồng đã được công nhận là trường ĐCQG.

Ông Lý Chiêu Hòa, chuyên viên phòng Giáo dục TP Quy Nhơn cho biết: "Hiện nay, toàn thành phố đã có 7/22 trường tiểu học, 2/18 trường THCS ĐCQG, phấn đấu trong năm học này sẽ có thêm 3 trường tiểu học và 3 trường THCS ĐCQG nữa; và mục tiêu đến năm 2009, TP Quy Nhơn sẽ có 100% số trường tiểu học và THCS ĐCQG".

Để đạt được mục tiêu 100% số trường ĐCQG, các tiêu chuẩn về GV, HS, cơ sở vật chất, trang thiết bị... đối với giáo dục TP Quy Nhơn là có thể thực hiện được, khó khăn nhất hiện nay của TP là vấn đề diện tích đất/HS. Bởi vậy, hầu hết các trường đã đạt chuẩn của TP đều là những trường ở ngoại thành như các trường tiểu học Ngô Quyền, Nguyễn Khuyến, số 1 Nhơn Bình, số 1 Nhơn Phú... Để có đủ diện tích đất/HS cho các trường nội thành, nhất là những trường đã có thành tích cao về chất lượng dạy và học, chủ trương của TP là thực hiện tách trường để giảm bớt quy mô HS, tiến đến tăng cường dạy học 2 buổi/ ngày.

* 40% và 50%... có thể thực hiện được

Theo Sở GD-ĐT, hiện nay toàn tỉnh đã có 50/247 trường tiểu học, 16/117 trường THCS được Bộ GD-ĐT công nhận ĐCQG và 3 trường THPT đang chuẩn bị để công nhận ĐCQG. Ông Nguyễn Trọng, Trưởng phòng Tiểu học - Mầm non Sở GD-ĐT cho biết: "Với phong trào đầu tư nâng cao chất lượng dạy và học, quyết tâm xây dựng trường chuẩn của các địa phương hiện nay, phấn đấu đến năm 2010, toàn tỉnh sẽ có 50% số trường tiểu học ĐCQG là một mục tiêu có thể đạt được...".

Trường học ĐCQG là yêu cầu và cũng là mục tiêu tối thiểu cần phải đạt được của một nền giáo dục để nâng cao chất lượng giáo dục, hướng tới 100% số HS được học 2 buổi/ ngày. Thực hiện việc xây dựng trường chuẩn quốc gia cũng chính là cơ hội để xây dựng "trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò". Do đó, nhận thức của các cấp trong xây dựng trường chuẩn khá tốt và đang tạo ra khí thế thi đua giữa các địa phương và các nhà trường. Trường học ĐCQG cũng chính là uy tín của trường, của địa phương với phụ huynh HS và xã hội. Do đó, đã có nhiều địa phương làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục, hỗ trợ các nhà trường trong xây dựng trường chuẩn. Điển hình như các huyện Hoài Ân, Vĩnh Thạnh, Hoài Nhơn, Tuy Phước, An Nhơn,... và thành phố Quy Nhơn. Ông Văn Hóa, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân cho biết: "Để xây dựng trường chuẩn quốc gia, huyện đã có chính sách giải tỏa và đổi đất cho hàng trăm hộ dân có nhà, đất gần các trường học để mở rộng khuôn viên trường...".

Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 410.000 HS từ mầm non đến THCN. Số lượng giáo viên các cấp học, ngành học có 14.000 người. Giáo viên đạt chuẩn ở các bậc học khá cao: mầm non là 82%, tiểu học 91%, THCS 98,3%, THPT là 99,8%. Cơ sở vật chất của ngành ngày một được tăng cường. Trong 6 năm qua, đã có 3.106 phòng học được xây dựng mới và sửa chữa với tổng kinh phí 276 tỉ đồng, trong đó, nhân dân đóng góp 80 tỉ đồng. Nhờ đó, toàn tỉnh đã không còn tình trạng HS phải học ca ba. Tất cả các trường học đều được ngói hóa, trên 50% số trường được xây dựng kiên cố, cao tầng; 33,5% số trường có thư viện ĐCQG... Đó là những nền tảng cơ bản để ngành GD-ĐT xây dựng và đạt được các mục tiêu về xây dựng trường chuẩn vào năm 2010.

  • Minh Quang
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Người chiến sĩ diệt dốt được Bác Hồ tặng kỷ vật  (14/11/2005)
Phát triển mạng lưới đô thị: Mở hướng đi lên  (14/11/2005)
Hoài Sơn "tiễn đưa" chương trình 135  (14/11/2005)
Cú tăng tốc ngoạn mục của Bình Định điện tử  (14/11/2005)
Những chiến công trên lĩnh vực an ninh kinh tế  (14/11/2005)
Đừng vội người ơi !  (14/11/2005)
Giao mùa !  (14/11/2005)
Những vòng tay kết nối những vòng tay đồng bào  (02/11/2005)
Phụ nữ Bình Định với tám chữ vàng: Anh hùng, Bất khuất, Trung hậu, Đảm đang  (02/11/2005)
Phong trào phụ nữ TP Quy Nhơn: Bức tranh nhiều sắc màu  (02/11/2005)
Đôi điều về "sân chơi" cho Khu kinh tế Nhơn Hội  (02/11/2005)
Kinh tế thủy sản: Những khó khăn và giải pháp để ổn định và phát triển  (02/11/2005)
Muốn làm ăn với người Nhật thì phải hiểu người Nhật  (02/11/2005)
Nâng cấp di tích vụ thảm sát Bình An  (02/11/2005)
Về những cổ vật Chăm phát hiện ở tháp Đôi  (02/11/2005)