Xây dựng những cánh đồng 50 triệu đồng/ha: Nhìn từ Phù Cát
15:17', 14/11/ 2005 (GMT+7)

Trong vài năm trở lại đây, nhờ thực hiện tốt việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng với nhiều biện pháp canh tác xen canh, luân canh, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và sử dụng các loại giống mới, năng suất cao đưa vào sản xuất, huyện Phù Cát đã bước đầu xây dựng thành công những cánh đồng cho thu nhập trên 50 triệu đồng/ha.

 

Hội thảo đầu bờ mô hình trồng ớt xuất khẩu với đậu tại thôn Cảnh An (Cát Tài). Ảnh: Đình Thụy

 

* Từ những mô hình điểm

Từ vùng đất bạc màu, cằn cỗi, tưởng chừng như việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng sẽ rất khó khăn, nhưng giờ đây Phù Cát đã trở thành địa phương đi đầu trong việc thực hiện thành công những cánh đồng cho thu nhập cao. Ông Phan Hùng, Phó phòng NN-PTNT huyện Phù Cát cho biết: Qua 5 năm thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng (2001 - 2005), xây dựng những cánh đồng cho thu nhập trên 50 triệu đồng/ha/năm, Phù Cát đã thực hiện chuyển đổi hơn 1.000 ha đất sản xuất lúa năng suất thấp, bấp bênh, và các loại cây trồng kém hiệu quả sang sản xuất các loại cây trồng cạn, đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần. Từ đó, từng bước hình thành các mô hình chuyên canh như: bắp lai, mì cao sản, đậu phụng, đậu nành, mè, thuốc lá, hành củ… theo từng mùa vụ, cho thu nhập khá cao. Bên cạnh đó, địa phương đã từng bước mở rộng các vùng sản xuất tập trung chuyên canh, đẩy nhanh áp dụng tiến bộ kỹ thuật, tăng cường thâm canh, luân canh, xen canh, gối vụ… Qua đó đã tăng được lợi nhuận, giúp nông dân mở rộng sản xuất với quy mô ngày càng lớn, đạt mức thu nhập trên 50 triệu đồng/ha/năm. Điển hình như: mô hình trồng ớt xen đậu phụng + bắp lai ở các xã Cát Tài, Cát Hanh, Cát Minh… doanh thu trên 72 triệu đồng/ha/năm. Mô hình trồng thuốc lá sợi vàng (vụ xuân), dưa (vụ hè), bắp lai vụ mùa ở các xã Cát Sơn, Cát Lâm, Cát Hanh, Cát Hiệp, Cát Trinh… doanh thu trên 90 triệu đồng/ha/năm. Một số vùng thực hiện theo công thức: vụ đông xuân trồng đậu phụng, đậu nành, sau đó dưa vụ hè và bắp lai vụ mùa; hoặc bông vải xen đậu phụng, mì xen đậu phụng… (đông xuân), 2 vụ hành (vụ hè) và bắp (vụ đông) cũng đem lại lợi nhuận cao. Hoặc như mô hình trồng đậu phụng vụ đông xuân, mè vụ hè, bắp lai vụ mùa tại các vùng đất nghèo dinh dưỡng, bạc màu, cho thu nhập gần 60 triệu đồng/ha/năm.

Ông Lê Văn Long, Chủ tịch UBND xã Cát Tài, cho biết: "Nếu có đủ nước tưới thì nhiều cánh đồng trên địa bàn xã còn có thể đạt từ 100-150 triệu đồng/ha/năm. Nằm dọc theo sông La Tinh, toàn bộ thôn Cảnh An (50ha) thay vì trồng đậu phụng thuần, trồng bắp và trồng lúa…, người dân địa phương đã đưa cây ớt xuất khẩu trồng xen với đậu phụng (vụ xuân) sau đó trồng lúa (vụ thu). Chỉ tính riêng cây ớt, với năng suất bình quân 2,5 - 3 tấn ớt tươi/sào có giá 2.000đ - 2.500đ/kg đã cho giá trị từ 100-150 triệu đồng/ha; sau khi trừ chi phí, nông dân lãi ròng 60-70 triệu đồng/ha…".

Ở vùng đất cát bạc màu, nghèo dinh dưỡng của thôn Phú Kim, xã Cát Trinh, lâu nay ít ai có thể nghĩ có thể thực hiện thành công cánh đồng cho thu nhập 50 triệu đồng/ha, nhưng điều đó đã trở thành hiện thực trong vụ sản xuất vừa qua. Đầu năm 2005, Phòng NN-PTNT huyện Phù Cát đã triển khai xây dựng cánh đồng cho thu nhập 50 triệu đồng/ha tại địa phương này với công thức: đậu phụng vụ đông xuân - mè (giống V6) vụ hè - bắp lai vụ 3 trên diện tích 2 ha với 5 hộ tham gia mô hình. Kết quả thành công ngoài mong đợi với mức thu nhập đạt gần 60 triệu đồng/ha. Ông Nguyễn Văn Sáu - nông dân ở xã Cát Trinh, cho biết: "Trước đây, vùng đất này rất nghèo dinh dưỡng, khó có thể trồng loại cây gì có thể mang lại hiệu quả. Với mô hình đậu phụng - mè - bắp lai trong niên vụ vừa qua, cây đậu phụng đạt năng suất 40 tạ/ha (thu nhập 24 triệu đồng), mè đạt 16 tạ/ha (thu nhập 19,2 triệu đồng), bắp lai 54 tạ/ha (thu nhập 16,2 triệu đồng), tổng thu 59,4 triệu đồng, trừ mọi chi phí còn lãi 40,2 triệu đồng. So với trước đây, nếu chỉ sản xuất 1 vụ đậu phụng và mè (giống địa phương) thì hiệu quả chưa đạt phân nửa".

 

Cát Tiến đầu tư nạo vét kênh mương tiêu giúp thoát nước nội đồng nhanh. Ảnh: Đình Lai

 

Ông Phan Sĩ Hùng, Phó phòng NN-PTNT Phù Cát cho biết thêm: "Từ những kết quả thực hiện được trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong vụ sản xuất tới địa phương sẽ chọn tiếp 2 xã Cát Hải và Cát Tài để xây dựng xã có cánh đồng 50 triệu đồng/ha/năm; và từ những điểm cụ thể sẽ nhân rộng các mô hình ra địa bàn toàn huyện".

* Những khó khăn

Có thể nói, bước đầu hình thành những cánh đồng 50 triệu đồng/ha/năm là sự nỗ lực trong công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi ở Phù Cát, giúp tăng thu nhập, nâng cao đời sống nông dân, đổi mới bộ mặt nông thôn. Tuy nhiên, vấn đề người nông dân Phù Cát lo ngại nhất hiện nay là việc giải quyết đầu ra cho nông sản. Ngoài một số cây trồng được các doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu theo tinh thần Nghị định 80 của Thủ tướng Chính phủ, vẫn còn nhiều sản phẩm sản xuất ra không tiêu thụ được, hoặc phải bán giá rẻ. Với một số sản phẩm, khi mở rộng sản xuất thì lại bị khủng hoảng thừa…

Một khó khăn khác trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Phù Cát là các xã nằm ở phía đông huyện như: Cát Thắng, Cát Hưng, Cát Khánh vẫn còn phải độc canh cây lúa do thiếu nguồn nước tưới. Và, khó khăn nhất hiện nay là Phù Cát đang thiếu đội ngũ cán bộ kỹ thuật nông nghiệp, nhân tố quyết định để giúp nông dân sản xuất có hiệu quả từ năng suất, chất lượng và hạ giá thành sản phẩm trong sản xuất hàng hóa nông sản.

Trao đổi với chúng tôi về hướng phát triển sắp tới, ông Đặng Ngọc An - Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, cho biết: "Hàng năm huyện và các xã sẽ tiến hành sơ kết đánh giá rút kinh nghiệm để kịp thời chỉ đạo phát huy nhân rộng những điển hình tiên tiến về xây dựng cánh đồng 50 triệu đồng/ha. Huyện sẽ tiếp tục tìm các giải pháp khắc phục khó khăn về đầu ra sản phẩm, tăng cường đào tạo cán bộ kỹ thuật nông nghiệp… để có thể thực hiện đạt yêu cầu các mục tiêu đề ra, nhằm từng bước đổi mới bộ mặt nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn".

  • N.Hân
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Xứng đáng là bạn đồng hành của nhà nông  (14/11/2005)
Xây dựng trường chuẩn quốc gia: Sẽ về đích sớm  (14/11/2005)
Người chiến sĩ diệt dốt được Bác Hồ tặng kỷ vật  (14/11/2005)
Phát triển mạng lưới đô thị: Mở hướng đi lên  (14/11/2005)
Hoài Sơn "tiễn đưa" chương trình 135  (14/11/2005)
Cú tăng tốc ngoạn mục của Bình Định điện tử  (14/11/2005)
Những chiến công trên lĩnh vực an ninh kinh tế  (14/11/2005)
Đừng vội người ơi !  (14/11/2005)
Giao mùa !  (14/11/2005)
Những vòng tay kết nối những vòng tay đồng bào  (02/11/2005)
Phụ nữ Bình Định với tám chữ vàng: Anh hùng, Bất khuất, Trung hậu, Đảm đang  (02/11/2005)
Phong trào phụ nữ TP Quy Nhơn: Bức tranh nhiều sắc màu  (02/11/2005)
Đôi điều về "sân chơi" cho Khu kinh tế Nhơn Hội  (02/11/2005)
Kinh tế thủy sản: Những khó khăn và giải pháp để ổn định và phát triển  (02/11/2005)
Muốn làm ăn với người Nhật thì phải hiểu người Nhật  (02/11/2005)