Đưa công nghiệp về nông thôn: Những kết quả tích cực
15:42', 14/11/ 2005 (GMT+7)

Trong nhiều năm qua, Bình Định đã quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sự nghiệp phát triển công nghiệp (CN) ở khu vực nông thôn. Điều này đã tạo động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn tỉnh theo hướng tích cực, góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn...

 

Nhà máy may Phù Mỹ giải quyết việc làm cho nhiều lao động nữ ở nông thôn. Ảnh: N.T

 

* Tạo điều kiện "ly nông bất ly hương"

Theo số liệu thống kê, hiện nay lực lượng lao động ở khu vực nông thôn Bình Định chiếm khoảng 80% tổng số lao động trong toàn tỉnh. Trong khi đó, diện tích đất canh tác ở nhiều nơi ngày càng bị thu hẹp, sản xuất nông nghiệp phần lớn được cơ giới hóa, nên tình trạng lao động thất nghiệp ở khu vực nông thôn ngày càng gia tăng. Nếu không có các chương trình, kế hoạch tạo việc làm cho lao động nông thôn thì tình trạng nông dân phải tha phương kiếm việc làm là khó tránh khỏi. Vì vậy, từ năm 1995 đến nay, Bình Định đã đầu tư hơn 500 tỉ đồng cho chương trình đưa CN về nông thôn, xây dựng ngày càng nhiều cơ sở, nhà máy sản xuất CN trên địa bàn các huyện, xã trong tỉnh. Trong đó, nhiều dự án có vốn đầu tư lên đến hàng chục tỉ đồng, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động, như nhà máy đường, nhà máy sản xuất gạch tuy nen, các xí nghiệp may An Nhơn, Hoài Nhơn, Phù Mỹ, các xí nghiệp chế biến nông sản, hải sản… Bên cạnh đó, Bình Định cũng đã tiến hành quy hoạch tổng thể các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. Hiện đã có 2 KCN và 7 CCN đi vào hoạt động, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở, nhà máy sản xuất CN ra đời và phát triển. Theo thống kê của Sở Công nghiệp tỉnh, đến nay, số cơ sở sản xuất CN, TTCN ở khu vực nông thôn của Bình Định là 17.000 cơ sở, giải quyết việc làm cho trên 40.000 lao động, tăng gần 6.000 cơ sở và 12.000 lao động so với 10 năm trước. Nhiều cơ sở sản xuất đã mạnh dạn đầu tư thêm máy móc, trang thiết bị, mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm tăng tính cạnh tranh trên thị trường, nên đã góp phần nâng giá trị sản xuất công nghiệp (SXCN) trên địa bàn tỉnh từ 1.688 tỉ đồng vào năm 2000 lên 3.500 tỉ đồng năm 2005. Trong đó, giá trị SXCN ở khu vực nông thôn chiếm tỉ trọng ngày càng cao trong tổng giá trị SXCN toàn tỉnh, từ 39,5% vào năm 2000 tăng lên 57,4% năm 2005.

* Nhiều vùng nông thôn đã "thay da đổi thịt"

Ở những địa phương có nhiều nhà máy, xí nghiệp SXCN, vấn đề giải quyết lao động dư thừa, tăng thu nhập cho người dân khá hiệu quả. Chẳng hạn xã Nhơn Hòa (An Nhơn), khi các xí nghiệp, công ty đóng trên địa bàn xã phát triển, thu hút nhiều lao động thì tình trạng nông dân ly hương kiếm việc làm nơi khác đã giảm hẳn và đời sống của người dân cũng ngày càng được nâng cao. Ông Lê Văn Thinh - Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Hòa - cho biết: "Trước năm 2000, đối với Nhơn Hòa, nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế chủ lực với tỉ trọng trên 90%. Thế nhưng mọi chuyện thay đổi nhanh chóng từ khi nơi đây có các nhà máy, xí nghiệp xây dựng và đi vào hoạt động. Với 32 Doanh nghiệp (DN), nhà máy xây dựng trên địa bàn xã, đã từng bước khơi nguồn giúp cho địa phương phát triển. Cụ thể là đã giải quyết việc làm cho gần 3.000 lao động, trong đó có khoảng 1.500 lao động địa phương, thu nhập bình quân từ 600.000- 700.000 đồng/người/tháng. Nhờ đó, cơ cấu kinh tế của địa phương cũng từng bước chuyển dịch theo hướng tích cực. Hiện nay, tỉ trọng CN đã chiếm trên 40% GDP của xã". Nhờ CN phát triển, nên thời gian qua ở Nhơn Hòa có nhiều gia đình có điều kiện làm ăn phát triển kinh tế. Gia đình ông Nguyễn Hữu Tình ở Huỳnh Kim là một điển hình. Trước đây, nhà ông Tình chỉ trông chờ vào vài sào lúa ruộng. Cuộc sống thiếu trước hụt sau. Giờ đây, 2 người con của ông đều vào công ty, xí nghiệp làm việc, có thu nhập khá ổn định. Nhờ vậy, hiện gia đình ông đã thoát nghèo và từng bước vươn lên khá giả. Không riêng gì gia đình ông Tình, nhiều hộ dân khác ở xã Nhơn Hòa cũng đã từng bước thay đổi cuộc sống từ khi các công ty, xí nghiệp mọc lên ở địa phương.

 

   Một góc CCN Gò Đá Trắng - An Nhơn. Ảnh: Đào Tiến Đạt

 

Ngoài xã Nhơn Hòa, nhiều địa phương khác ở Bình Định cũng đã "thay da đổi thịt" từ khi các nhà máy, xí nghiệp sản xuất CN được xây dựng trên quê hương mình. Chẳng hạn, khi Nhà máy may Phù Mỹ đi vào hoạt động, đã giải quyết việc làm cho hơn 500 lao động ở địa phương, với thu nhập khoảng 600.000 đồng/người/tháng. Ở An Nhơn khi CCN Gò Đá Trắng (An Nhơn) ra đời, đã góp phần rất lớn trong việc tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế và giải quyết lao động cho người dân ở đây và những địa phương lân cận. Với diện tích 17 ha, cơ sở hạ tầng tương đối hoàn chỉnh, hiện nay CCN này đã thu hút 49 DN đăng ký đầu tư, trong đó có hơn 30 DN đã đi vào sản xuất ổn định, giá trị SXCN đạt gần 50 tỉ đồng/năm, giải quyết việc làm cho hơn 1.200 lao động, với thu nhập bình quân 700.000 đồng/người/tháng…

* Triển vọng tương lai

Hiện nay, Bình Định đang đẩy mạnh phát triển CN ở khu vực nông thôn, tiến hành quy hoạch chi tiết KCN Nhơn Hòa và 7 CCN nữa ở các huyện. Nói về triển vọng của KCN Nhơn Hòa, ông Nguyễn Văn Thắng - Phó Giám đốc Sở Công nghiệp - cho biết: "KCN Nhơn Hòa có đủ các điều kiện để trở thành một KCN hiện đại, thuận lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội trước mắt cũng như lâu dài của huyện An Nhơn và của tỉnh Bình Định. Mặc dù chỉ mới thông qua đồ án quy hoạch, nhưng hiện nay KCN này đã có nhiều nhà đầu tư xúc tiến việc đăng ký xây dựng cơ sở sản xuất kinh doanh".

Chính quyền các địa phương cũng đã "đi tắt đón đầu", chủ động áp dụng các hình thức khuyến khích nhằm huy động vốn nhàn rỗi trong dân để xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm đẩy mạnh phát triển CN và tăng cường công tác xúc tiến kêu gọi đầu tư. Ông Trần Đình Tâm - Chủ tịch UBND huyện An Nhơn - cho biết: "Phát triển CN sẽ tạo điều kiện thúc đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, góp phần giải quyết một lực lượng lớn lao động tại địa phương; tạo bước đột phá, biến những vùng nông thôn nghèo khó thành vùng kinh tế phát triển. Bởi vậy, trong thời gian qua huyện luôn chủ động trong việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cải cách thủ tục hành chính để thu hút đầu tư phát triển CN ở khu vực nông thôn trên địa bàn huyện".

Rõ ràng, trong thời gian qua kinh tế CN đã góp phần làm chuyển biến bộ mặt nông thôn của tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều vấn đề cần phải sớm giải quyết. Phần lớn khu vực nông thôn được quan tâm đầu tư đưa CN về đều là khu vực thuần nông, nên khi kinh tế CN phát triển, không ít người dân tỏ ra lúng túng trong việc chọn ngành, chọn nghề sản xuất - kinh doanh. Ngoài ra, những địa phương có nhiều nhà máy, xí nghiệp sản xuất CN, các vấn đề xã hội khác cũng bắt đầu phát sinh, cần phải có hướng giải quyết, như việc quản lý dân nhập cư, vấn đề vui chơi giải trí cho người lao động… Bởi vậy, trong quá trình đưa CN về nông thôn, chính quyền địa phương và các ngành chức năng cần phối hợp với chủ DN trong việc giải quyết căn cơ những vấn đề xã hội phát sinh và cần quan tâm đến đời sống tinh thần lành mạnh của người lao động… Có như vậy, khi CN về nông thôn mới thật sự phát huy hiệu quả tích cực.

  • Ngọc Thái
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thơ  (14/11/2005)
Mũi đột phá quan trọng để Bình Định phát triển  (14/11/2005)
Xây dựng những cánh đồng 50 triệu đồng/ha: Nhìn từ Phù Cát  (14/11/2005)
Xứng đáng là bạn đồng hành của nhà nông  (14/11/2005)
Xây dựng trường chuẩn quốc gia: Sẽ về đích sớm  (14/11/2005)
Người chiến sĩ diệt dốt được Bác Hồ tặng kỷ vật  (14/11/2005)
Phát triển mạng lưới đô thị: Mở hướng đi lên  (14/11/2005)
Hoài Sơn "tiễn đưa" chương trình 135  (14/11/2005)
Cú tăng tốc ngoạn mục của Bình Định điện tử  (14/11/2005)
Những chiến công trên lĩnh vực an ninh kinh tế  (14/11/2005)
Đừng vội người ơi !  (14/11/2005)
Giao mùa !  (14/11/2005)
Những vòng tay kết nối những vòng tay đồng bào  (02/11/2005)
Phụ nữ Bình Định với tám chữ vàng: Anh hùng, Bất khuất, Trung hậu, Đảm đang  (02/11/2005)
Phong trào phụ nữ TP Quy Nhơn: Bức tranh nhiều sắc màu  (02/11/2005)