Tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) là nền tảng của Đảng, là hạt nhân chính trị ở cơ sở. Bởi vì TCCSĐ là nơi tiến hành mọi hoạt động xây dựng nội bộ Đảng như giáo dục, rèn luyện, phân công công việc cho đảng viên; quản lý và kiểm tra đảng viên; kết nạp đảng viên, sàng lọc đội ngũ và đưa người không xứng đáng ra khỏi Đảng. Đó cũng là nơi thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình, phê bình và xây dựng sự đoàn kết thống nhất trong Đảng; nơi đào tạo, bồi dưỡng trong thực tiễn đội ngũ cán bộ của Đảng.
Ý thức được điều đó, trong những năm qua việc xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) được các cấp ủy xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác xây dựng Đảng. Tỉnh ủy đã xây dựng và chỉ đạo thực hiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở, gắn với Chương trình đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, sửa đổi lề lối làm việc và quan hệ với dân. Tỉnh ủy cũng đã chỉ đạo sắp xếp tổ chức của từng loại hình TCCSĐ theo quy định của Ban Bí thư; chấn chỉnh các TCCSĐ yếu kém; phân công cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh phụ trách xã, phường, thị trấn. Qua đánh giá, phân loại, số TCCSĐ trong sạch vững mạnh đạt tỉ lệ bình quân hàng năm là 71,39%, vượt chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh (60 - 70%).
|
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Dương (người đầu tiên bên phải) kiểm tra và chỉ đạo khắc phục lũ lụt ở xã Cát Thắng (Phù Cát). Ảnh: Tiến Sỹ
|
Qua việc củng cố TCCSĐ, nhiều nơi đã nhận thức và thực hiện đầy đủ hơn chức năng hạt nhân lãnh đạo chính trị ở cơ sở; lãnh đạo thực hiện tốt hơn nhiệm vụ phát triển KT-XH, khắc phục dần những biểu hiện ỷ lại, thiếu chủ động, buông lỏng vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng. Công tác phát triển đảng viên được quan tâm chỉ đạo, thực hiện và đạt kết quả tốt. Từ tháng 1-2001 đến tháng 6-2005 toàn Đảng bộ tỉnh đã kết nạp 8.844 đảng viên, góp phần tăng thêm nguồn lực cho Đảng. Hiện toàn tỉnh chỉ còn 1 thôn chưa có đảng viên và 3 thôn chưa thành lập chi bộ (năm 2000 có 19 thôn chưa có đảng viên hoặc chưa thành lập chi bộ).
Tuy nhiên, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của TCCSĐ ở nhiều nơi còn yếu, chưa đủ sức giải quyết những vấn đề phức tạp nảy sinh từ cơ sở. Sinh hoạt chi bộ còn mang tính hình thức, chậm cải tiến, hiệu quả thấp; tinh thần tự phê bình và phê bình yếu; vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên còn nhiều mặt hạn chế. Tổ chức đảng và chính quyền, các đoàn thể ở một số xã, phường, thị trấn vẫn chưa khắc phục được bệnh quan liêu, hành chính; chưa kịp thời giải quyết những quyền lợi chính đáng, hợp pháp của nhân dân. Công tác đào tạo, bồi dưỡng và quy hoạch đội ngũ cán bộ cơ sở chưa được quan tâm đúng mức; đội ngũ cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn còn bất cập, thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu.
Để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ, thực sự là hạt nhân chính trị lãnh đạo ở mỗi địa phương, đơn vị, thiết nghĩ các cấp ủy đảng cần tập trung chỉ đạo và thực hiện một số nhiệm vụ cơ bản sau:
Một là, tiếp tục thực hiện cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, coi trọng củng cố những TCCSĐ yếu kém, khắc phục những khuyết điểm tồn tại, đảm bảo sự lãnh đạo vững chắc, có hiệu quả của tổ chức đảng ở cơ sở trong mọi tình huống. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, nâng cao chất lượng xây dựng nghị quyết và tổ chức thực hiện nghị quyết có hiệu quả. Gắn việc củng cố, kiện toàn tổ chức với xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức, lối sống trong sạch, có trình độ năng lực lãnh đạo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, thực sự tiền phong gương mẫu, được quần chúng tín nhiệm. Các cấp ủy phải tăng cường giáo dục, rèn luyện, quản lý đội ngũ cán bộ, đảng viên; thực hiện nghiêm các nguyên tắc về tổ chức và sinh hoạt đảng, thường xuyên tiến hành tự phê bình và phê bình, khắc phục bệnh chủ quan, che giấu khuyết điểm. Kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, tư tưởng cá nhân, thực dụng trong cán bộ, đảng viên; xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Hai là, đổi mới phương thức lãnh đạo của tổ chức đảng, trước hết là đổi mới việc ra nghị quyết và tổ chức thực hiện nghị quyết. Cấp ủy và tổ chức đảng cần bàn sâu, có những nghị quyết chuyên đề, tập trung chỉ đạo trọng tâm, trọng điểm, tránh tràn lan kém hiệu quả. Các tổ chức trong hệ thống chính trị phải tập trung xây dựng và từng bước hoàn thiện hệ thống các quy chế, quy định; xác định rõ mối quan hệ làm việc giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị.
|
Ban tổ chức trao giải cho các cá nhân đạt điểm cao tại Hội thi Bí thư chi bộ giỏi của TP Quy Nhơn năm 2005. Ảnh: Ngọc Vân
|
Ba là, lãnh đạo xây dựng và thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, mở rộng dân chủ trong Đảng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; nêu cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, ý chí tự lực, tự cường của nhân dân; huy động đông đảo nhân dân tích cực thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, tạo nên phong trào hành động cách mạng mạnh mẽ ở cơ sở. Cấp ủy, chính quyền các cấp phải dựa vào dân, lắng nghe ý kiến của dân, kịp thời giải quyết những mâu thuẫn, vướng mắc trong nội bộ nhân dân theo đúng luật pháp, không để những vướng mắc, mâu thuẫn tích tụ, dồn nén lâu ngày và trở thành điểm nóng. Trong quá trình xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, các cấp ủy Đảng phải dựa vào dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, đóng góp ý kiến về các chủ trương, giải pháp nhằm ổn định tình hình, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Bốn là, tiếp tục đổi mới công tác cán bộ cơ sở; chăm lo đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ mọi mặt cho đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị ở cơ sở. Cán bộ chủ trì và cấp ủy cấp trên trực tiếp phải chịu trách nhiệm liên đới khi để TCCSĐ yếu kém và xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể cấp trên của cơ sở phải hướng về cơ sở và tiếp tục đổi mới phương thức chỉ đạo đối với cơ sở. Mỗi cấp phải có quy chế cụ thể về thời gian làm việc tại cơ sở, giảm bớt sự chỉ đạo bằng giấy tờ và triệu tập cán bộ cơ sở lên họp.
|