Ông Vũ Hoàng Hà, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh:
Kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục tăng trưởng và phát triển !
16:43', 14/11/ 2005 (GMT+7)

Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ tỉnh được tổ chức từ ngày 16 đến 18-11-2005. Trước thềm Đại hội, ông Vũ Hoàng Hà, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã dành cho Báo Bình Định cuộc phỏng vấn xung quanh một số vấn đề về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

* Thưa ông, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, 5 năm qua (2001-2005), nền kinh tế - xã hội Bình Định đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, được dư luận đánh giá cao. Đề nghị ông cho biết một số kết quả cụ thể?

- Vâng! Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, 5 năm qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh, nền kinh tế - xã hội Bình Định liên tục tăng trưởng và phát triển, năm sau cao hơn năm trước; nhiều chỉ tiêu đã đạt và vượt kế hoạch. Tổng sản phẩm trên địa bàn năm 2005 đạt 5.626 tỉ đồng, gấp 1,54 lần năm 2000. Tổng sản phẩm địa phương (GDP) tăng bình quân hàng năm 9%, đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XVI đề ra (9-10%). GDP bình quân đầu người tăng từ 219,7 USD năm 2000 lên 401 USD năm 2005. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; năm 2000, nông - lâm - ngư nghiệp trong GDP chiếm 42,2%, công nghiệp - xây dựng 22,8%, dịch vụ 35%; đến 2005 tỉ trọng tương ứng là: 36,9% - 28,2% - 34,9%.

 

Ông Vũ Hoàng Hà đi thăm, tặng quà đồng bào bị lũ lụt tại xã Cát Nhơn (Phù Cát). Ảnh: Trang Xuân Chi

 

Sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp phát triển tương đối toàn diện; giá trị sản xuất tăng bình quân 5,8%/năm, trong đó sản xuất thủy sản tăng 7%/năm. Năm 2005, sản lượng lương thực có hạt đạt gần 600 nghìn tấn, khai thác thủy sản đạt trên 100 nghìn tấn, nuôi trồng thủy sản đạt 3.300 tấn. Ngành công nghiệp tăng trưởng khá; giá trị sản xuất tăng 16,1%/năm; riêng năm 2005 đạt 3.567 tỉ đồng, tăng 2,1 lần so với năm 2000. Nhiều khu- cụm công nghiệp của tỉnh và các huyện, thành phố được hình thành, thu hút nhiều DN đầu tư sản xuất. Kim ngạch xuất khẩu trong 5 năm đạt 773 triệu USD, riêng năm 2005 đạt 250 triệu USD, gấp 2,4 lần năm 2000. Hoạt động du lịch có bước phát triển mới; năm 2005 số khách du lịch lưu trú đạt 380 nghìn/lượt, tăng 4 lần so với năm 2000. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng được tăng cường; tổng vốn đầu tư xã hội trong 5 năm đạt 14.440 tỉ đồng chiếm 41% GDP và gấp 2,5 lần thời kỳ 1996 - 2000. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có bước phát triển khá. Ngành giáo dục đã hoàn thành phổ cập THCS năm 2004; từng bước mở rộng quy mô và chất lượng đào tạo. Hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục được củng cố, kiện toàn; các mục tiêu của chương trình y tế quốc gia đạt hiệu quả tốt, các dịch bệnh lớn đều được khống chế. Nhờ làm tốt chính sách xóa đói giảm nghèo, số hộ nghèo giảm 2%/năm; năm 2005 còn 19,66% (theo tiêu chí mới). Chính sách phát triển KT-XH miền núi được quan tâm; ngân sách nhà nước đã chi gần 500 tỉ đồng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, hỗ trợ xây dựng nhà ở, trợ cước, trợ giá … cho các địa phương miền núi. Công tác quốc phòng, an ninh được củng cố và giữ vững.

* Tuy nhiên, quá trình thảo luận, góp ý từ các đại hội Đảng bộ cơ sở đến các đại hội Đảng bộ huyện, thành phố và tương đương cũng như qua dư luận xã hội, thì tốc độ phát triển kinh tế của chúng ta chưa tương xứng với tiềm năng và điều kiện của tỉnh; một số lĩnh vực văn hóa - xã hội còn hạn chế, bất cập. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

- Những ý kiến đó là có cơ sở! Nền kinh tế - xã hội của chúng ta phát triển khá nhưng còn nhiều tồn tại, bất cập cần khắc phục. SX công nghiệp phát triển chưa mạnh và vững chắc; phần lớn DN của chúng ta quy mô nhỏ, thiết bị công nghệ lạc hậu nên chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Công tác quy hoạch và xây dựng cơ sở hạ tầng, giải phóng mặt bằng để giao đất cho các DN đầu tư sản xuất còn chậm, ảnh hưởng lớn đến thu hút đầu tư. Năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi chưa cao. Công tác quản lý tài nguyên còn yếu; tình trạng lấn chiếm đất đai trái phép, khai thác khoáng sản không theo quy hoạch, kế hoạch còn phổ biến. Công tác quản lý đầu tư xây dựng chưa chặt chẽ; một số công trình chất lượng và hiệu quả sử dụng chưa cao. Một số mặt hoạt động giáo dục, y tế còn hạn chế, nhất là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa. Tình trạng ô nhiễm môi trường sinh thái vẫn còn là vấn đề bức xúc; trật tự an toàn xã hội có lúc, có nơi còn diễn biến phức tạp…

* Nguyên nhân của những yếu kém đó là gì, thưa ông?

- Có nhiều nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan. Về nguyên nhân chủ quan là do một số cấp ủy, chính quyền địa phương, các ngành và cơ quan thiếu chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ; chưa tập trung sức lãnh đạo, chỉ đạo đối với những công tác trọng tâm, trọng điểm. Việc chỉ đạo thực hiện một số chủ trương thiếu kiên quyết, thiếu kiểm tra đôn đốc. Một bộ phận cán bộ, công chức thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành chưa thật đồng bộ, ăn ý…

* Ông có thể cho biết những mục tiêu, giải pháp lớn về KT-XH 5 năm đến (2006-2010)?

- Trên cơ sở phân tích những thời cơ và thách thức mới, trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010, Tỉnh ủy đã đề ra những chỉ tiêu chủ yếu như sau: GDP tăng bình quân hàng năm 13% trở lên; trong đó khu vực nông - lâm - ngư nghiệp tăng 5,6%; công nghiệp - xây dựng tăng 21,8% và khu vực dịch vụ tăng bình quân khoảng 13,5%. Riêng giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 24,5%/năm. GDP bình quân đầu người năm 2010 phải đạt 950 USD, gấp 2,37 lần so với năm 2005. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế để năm 2010 tỉ trọng các ngành nông - lâm - ngư chiếm khoảng 27 - 28%; công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 37- 38% và khu vực dịch vụ chiếm khoảng 34- 35%. Phấn đấu đưa tổng kim ngạch xuất khẩu 5 năm đạt 1 tỉ 500 triệu USD. Thu ngân sách đến năm 2010 đạt 2.000 tỉ, nhằm đảm bảo các nhiệm vụ chi của tỉnh và từng bước có tích lũy. Tăng nhanh đầu tư toàn xã hội, thu hút mạnh các nguồn vốn bên ngoài; vốn đầu tư xã hội 5 năm phải đạt 53% GDP. Tỉ lệ đô thị hóa đạt 35%. Tỉ lệ lao động qua đào tạo và bồi dưỡng nghề đạt 50%. Mỗi năm giải quyết 24.000 - 25.000 chỗ làm việc mới. Giảm tỉ lệ sinh hàng năm 0,5%o - 0,6%o. Phấn đấu đạt chuẩn quốc gia về phổ cập bậc trung học. Giảm tỉ lệ hộ nghèo còn dưới 10% (theo tiêu chí mới). Năm 2010, tỉ lệ che phủ rừng phải đạt trên mức 44%; có 95% dân cư đô thị, 85% dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; 100% rác thải sinh hoạt đô thị, 100% chất thải công nghiệp nguy hại, chất thải y tế được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường.

Để thực hiện được các chỉ tiêu này, Tỉnh ủy cũng đã đề ra những định hướng phát triển có tính đột phá. Đó là phải đẩy mạnh tốc độ đầu tư xây dựng Khu kinh tế Nhơn Hội để khu kinh tế này từng bước trở thành hạt nhân, trung tâm phát triển của tỉnh và trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Xây dựng vai trò trung tâm kinh tế, thương mại và giao dịch quốc tế của thành phố Quy Nhơn để đảm nhận chức năng công nghiệp, cảng biển, dịch vụ thương mại và trung tâm du lịch của tỉnh, miền Trung và Tây Nguyên. Hoàn thành việc xây dựng các công trình lớn về kết cấu hạ tầng để gắn kết khu vực này với các vùng lân cận, góp phần thực hiện chương trình hành lang Đông - Tây của Tiểu vùng Mê Kông, mở rộng tại điểm cực Nam của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, gắn với nhiệm vụ phát triển khu tam giác biên giới ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Đầu tư phát triển các ngành kinh tế trọng điểm mà tỉnh có lợi thế là du lịch, dịch vụ vận tải, đặc biệt là dịch vụ hàng hải, thương mại xuất khẩu, dịch vụ ngân hàng, bưu chính viễn thông, dịch vụ tài chính. Đầu tư phát triển công nghiệp chế biến lâm sản - sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; chế biến nông sản; các sản phẩm chế biến thủy sản, sản xuất vật liệu xây dựng, may mặc, cơ khí, đóng mới và sửa chữa tàu biển công suất từ 50.000 tấn trở lên, lọc và hóa dầu, sản xuất nguồn điện và các ngành có hàm lượng khoa học cao. Phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao và xây dựng tiềm lực khoa học công nghệ của tỉnh.

  • Ngọc Minh (thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của TCCSĐ  (14/11/2005)
Cấp ủy trẻ nhiều, nữ lắm  (14/11/2005)
Đưa công nghiệp về nông thôn: Những kết quả tích cực  (14/11/2005)
Thơ  (14/11/2005)
Mũi đột phá quan trọng để Bình Định phát triển  (14/11/2005)
Xây dựng những cánh đồng 50 triệu đồng/ha: Nhìn từ Phù Cát  (14/11/2005)
Xứng đáng là bạn đồng hành của nhà nông  (14/11/2005)
Xây dựng trường chuẩn quốc gia: Sẽ về đích sớm  (14/11/2005)
Người chiến sĩ diệt dốt được Bác Hồ tặng kỷ vật  (14/11/2005)
Phát triển mạng lưới đô thị: Mở hướng đi lên  (14/11/2005)
Hoài Sơn "tiễn đưa" chương trình 135  (14/11/2005)
Cú tăng tốc ngoạn mục của Bình Định điện tử  (14/11/2005)
Những chiến công trên lĩnh vực an ninh kinh tế  (14/11/2005)
Đừng vội người ơi !  (14/11/2005)
Giao mùa !  (14/11/2005)