Gian truân cũng một cái nghề
17:30', 16/12/ 2005 (GMT+7)

"Nghĩa tử nghĩa tận", người Việt Nam nói riêng, người phương Đông nói chung rất coi trọng việc ma chay hiếu hạnh đối với người đã khuất. Ở Việt Nam hiện nay, biểu hiện rõ nhất của việc hiếu hạnh là tổ chức đám tang. Và, trong một đám tang truyền thống không thể thiếu người dẫn quan. Có thể nói đây là linh hồn của đám tang. Giữa đám tang đông đảo người ra kẻ vào, có một người mặc lễ phục hơi rườm rà với hai thanh gõ trên tay chỉ huy toán âm công, đó chính là người dẫn quan. Có thể nói, dẫn quan là một cái "nghề" mà rất ít người muốn làm và dám làm. Số người làm nghề này chỉ đếm trên đầu ngón tay, bởi tính chất gian truân, vất vả và một phần rất khó học và khó làm.

* Từ câu chuyện của một người trong nghề...

Tôi đến xóm Phụng Hòa thuộc thôn Phụng Du, xã Hoài Hảo, huyện Hoài Nhơn vào một chiều đầy nắng. Ông Sáu đang cặm cụi trang trí lại một cái quan tài. Sau khi được biết mục đích tìm hiểu về nghề dẫn quan, ông rất vui vẻ tiếp chuyện. Miệng nói, tay làm, ông kể về cái nghiệp của mình.

Tên thật của ông là Huỳnh Thông, nhưng mọi người vẫn gọi ông là ông Sáu Thái (theo phong tục: Sáu tức là thứ, Thái là tên con đầu). Gần bảy mươi, ông đã là một thành viên của ban nhạc tang lễ được 52 năm, trong đó 6 năm làm nghề dẫn quan. Trong 6 năm đó ông không thể nhớ là mình đã dẫn quan cho bao nhiêu đám tang, chỉ nhớ là đã có lần ông dẫn quan ra tận Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), vào tận Quy Nhơn. Theo ông Sáu, dẫn quan rất khó học và khó làm. Để trở thành một người dẫn quan có uy tín như hôm nay, ông đã trải qua một thời gian dài chịu khó học tập và tích lũy kinh nghiệm. Một người dẫn quan giỏi phải hội tụ nhiều yếu tố, ít nhất phải có năng khiếu về âm nhạc, sân khấu; sức khỏe tốt; hiểu biết về truyền thống văn hóa.

Thật sự, nếu ai lưu tâm sẽ thấy người dẫn quan đúng là một nghệ sĩ thực thụ. Không chỉ trực tiếp sáng tác và biểu diễn, hát, ngâm các bài phúng điếu, họ còn rất linh hoạt trong cử chỉ, chân tay, nét mặt, để điều khiển toán âm công. Để đảm bảo duy trì sức làm việc liên tục, người dẫn quan phải có sức khỏe tốt, có chất giọng khỏe. Đặc biệt, người dẫn quan phải nắm kỹ và chắc những quy định có tính nguyên tắc trong quá trình cử hành tang lễ, những phong tục tập quán riêng của từng địa phương. Ông Sáu kể cho tôi nghe những quy định cơ bản như: "đông bình tây quả" (bình hoa đặt phía đông - bên phải, đĩa trái cây phía tây - bên trái); "nam tả nữ hữu" (con trai đứng bên trái, con gái đứng bên phải); trải chiếu dọc (trải cho đường lát song song với chiều ngang của bàn thờ); quy tắc cúng "khai sơn" (trước khi đào huyệt), cúng tạ thổ (khi lấp được hai phần mả), cúng vong (khi lấp đầy); quy tắc về cửa sinh, cửa tử khi dẫn quan… Đó là tập tục, là văn hóa truyền thống của dân tộc mà thế hệ trẻ ngày nay gần như mù tịt.

Khi tôi hỏi về phần bài hát mà ông vẫn thường trình bày trong khi dẫn quan, ông hào hứng hẳn lên. Thì ra, nó có nhạc lý đàng hoàng. Khi cúng linh hồn thì hát theo điệu "Nam ai", khi động quan thì theo điệu "Bát nhã", phải thật sự linh hoạt trong quá trình hát. Còn phần lời, ông tự sáng tác nhanh sao cho phù hợp với hoàn cảnh của gia chủ và theo hoàn cảnh của thời đại xã hội, những sáng tác này chủ yếu dựa theo thể thơ lục bát và song thất lục bát. Ông Sáu cất giọng hát cho tôi nghe mấy câu:

Nếu là người mẹ mất, ông hát:

Bà về nơi chốn tuyền đài

Con bà ở lại hôm mai đau lòng.

Và thay lời con:

Công ơn của mẹ biết bao

Con chưa trả hết mẹ sao vội về.

Khi người cha mất, lời của con:

Ơn dưỡng dục sanh thành tạo hóa

Nay cha thác rồi con nương náu với mẹ hiền.

Đôi khi gặp gia cảnh oái ăm, ông Sáu phải cực kỳ linh hoạt mới viết lên những lời ca phù hợp. Mỗi lần dự một đám tang, nghe những câu ca ai oán, thống thiết chứa chan tình cảm, ai mà chẳng động lòng. Khi nghe ông Sáu hát lại những câu ấy, tôi chợt rùng mình, bất giác nghĩ đến "Văn tế Trương Quỳnh Như" của Phạm Thái. Lời lẽ mang tính thời đại luôn đổi thay, văn chương bác học và dân gian có dị biệt nhưng tình nghĩa thì vẫn nguyên vẹn từ ngàn xưa.

Khi tôi ngỏ ý muốn biết những kỷ niệm sâu sắc nhất trong khi hành nghề, ông Sáu chợt ngậm ngùi. Thì ra đó cũng chính là những khó khăn khách quan mà ông đã gặp phải.

Cách đây khá lâu ông có nhận dẫn quan cho một đám tang ở thôn Thiện Chánh thuộc xã Tam Quan Bắc. Ngôi nhà ấy có 3 gian cửa, cửa bên phải (cửa tử) rất hẹp, quan tài không thể khiêng qua được, trong khi đó cửa giữa (cửa sinh) lại rộng. Ông phải hội ý chớp nhoáng với chủ nhà và chủ tang lễ để xin phép đưa quan tài ra bằng cửa sinh. Mọi người đã thống nhất, nhưng khi "quan" vừa tới cửa thì từ đâu một người khách đi phúng điếu nhảy ra, xồng xộc đi tới nói lớn: "Ông có biết dẫn quan không hả, sao lại đưa quan ra bằng cửa sinh?". Ông phải thật sự kiềm chế, bình tĩnh mời vị khách có chút kiến thức về "nghề" kia ra ngoài và hỏi nhỏ: "Thế cửa tử hẹp thế làm sao đưa "quan" ra được? Chẳng lẽ phá nhà người ta?". Vị khách đớ người ra. Thế là "quan" vẫn được đưa ra ngoài bằng cửa sinh. Đám tang vẫn tiếp tục cử hành.

Lần khác, ông phải dẫn quan cho một đám tang mà huyệt mộ nằm khá xa nhà. Trên đường đi, đến gần chỗ rẽ, ông đã ra "lệnh" cho "binh sĩ" rẽ vào nhưng mãi mà xe vẫn không rẽ được. Một cô gái mặc tang phục sấn tới: "Bác dẫn quan gì kỳ vậy? Bộ không biết đường sao?". Ông bình tĩnh giải thích cho cô gái trẻ. Thì ra xe tang là xe thô sơ, không có động cơ phải có người đẩy, bánh xe trước bị hỏng, người lái cố rẽ mà bánh xe cứ đi thẳng. Mọi người phải quay bánh xe lại mới giúp xe đi tiếp được.

Đó là hai câu chuyện, hai trong số những tình huống nghề nghiệp mà ông Sáu đã gặp phải trong suốt sáu năm trong nghề.

* ...Đến những trăn trở về cái nghiệp

Ông Sáu cho biết, riêng trên địa bàn huyện Hoài Nhơn hiện nay còn khoảng 5 - 6 người làm nghề này. Hầu hết họ đều là những người cao tuổi, có kinh nghiệm và vốn sống, và quan trọng là phải có đời sống gương mẫu, có uy tín trong cộng đồng dân cư. Có như vậy mới thực hiện tốt được một công việc mang tính thiêng liêng rất cao này.

Khi tôi hỏi về thu nhập, ông chỉ cười nhẹ. Tuy ông không nói, nhưng tôi biết thu nhập của nghề này được tính bằng tình nghĩa; vào nghề ai cũng có cái tâm, một cái tâm thật sáng. Và tôi cũng biết, thường sau mỗi đám tang, gia chủ thường "tạ" cho người dẫn quan, ít nhiều tùy theo gia cảnh; nhưng dù ít hay nhiều, người dẫn quan  vẫn "cúng" lại theo đúng lệ. Cái được lớn nhất của người làm nghề không phải là tiền bạc mà là sự kính trọng của người đời đối với họ. Mỗi khi "tạ" người dẫn quan, nếu gia chủ còn ít tuổi phải nhờ người lớn có uy tín mang chén rượu ra "tạ" cung kính, lễ phép.

Dẫn quan là nghề không có quy định về thời gian và thức đêm là chuyện bình thường. Vất vả là thế nhưng thu nhập chẳng là bao. Ông Sáu tâm sự rằng, cũng muốn truyền nghề cho con để giữ gìn truyền thống, nhưng "không biết chúng có làm được không…". Đằng sau câu nói của ông Sáu ẩn chứa bao điều trăn trở về cái nghiệp mà ông nguyện theo đuổi cho đến cuối đời. Thời buổi kinh tế thị trường, nhiều người đem đồng tiền ra làm thước đo cho mọi giá trị của cuộc sống, biết có còn ai theo học và làm cái nghề gian truân ấy nữa không?...

* ...Và đôi điều về ban nhạc tang lễ...

Gia đình ông Sáu có đến 3 thế hệ làm nhạc công trong ban nhạc tang lễ. Chú Năm Thái, con đầu của ông là thợ mộc, trước kia làm nhà, đóng tủ, giờ gần như chuyển hẳn sang đóng hòm (quan tài). Cạnh nhà ông Sáu có một trại đóng và chứa hòm. Chú Năm cười: "Hồi mới làm, nửa đêm thức dậy, tụi nhỏ thấy giật mình, sau riết rồi ai cũng quen". Chú Năm nói cái cơ sở nho nhỏ này của ông Sáu cung cấp đầy đủ các dụng cụ mai táng, từ hòm đến quần áo tang, khăn tang.

Chú Năm trước đây là một tay đàn ghi ta rất cừ. Anh em nhà chú còn có cả một ban nhạc phục vụ lễ cưới. Con trai đầu của chú (học lớp 11) đang theo học lớp đờn cò với hi vọng không chỉ là một nhạc công giỏi mà còn là một nghệ sĩ biểu diễn nhạc cụ dân tộc thực thụ. Tôi cũng cầu mong cho ước mơ của em sớm thành hiện thực.

Chú Năm dẫn tôi đi tham quan xưởng, các nhạc cụ. Cái chinh đánh lên khi cúng, cái thanh la dùng để báo tang, rồi sáu nhạc cụ trong ban nhạc: trống, kèn, đờn nhị (đờn cò), bồng, bộ bạt, gõ (sừng trâu). Nhạc cụ nào cũng quan trọng, nhưng dẫn dắt cả dàn nhạc có hai nhạc cụ chính: trống và bồng. Chú Năm cho biết, theo truyền thống ban nhạc tang lễ ngày nay, gánh nhạc cổ truyền ngày xưa bắt nguồn từ Phường bát âm với đầy đủ 8 loại nhạc cụ thuộc các bộ: thạch-thổ-kim-mộc-trúc-bào-ti-cách. Theo thời gian, giờ đây trong ban nhạc chỉ còn 6 loại.

Thường trong ban nhạc có tay chính, tay ngang (phụ). Hầu hết những nhạc công đều là người có nghề chính như thợ mộc, thợ hồ, có người làm nông…, họ sống rất rải rác, chỉ khi nào có đám mời, chủ đoàn đi gọi, họ mới tập trung lại và đi làm, trở thành nhạc công. Họ rất đa tài, mỗi nhạc công có thể chơi đủ các nhạc cụ để thay thế cho nhau, có như vậy mới lâu mệt mỏi. Chú Năm tâm sự, nghề này cũng không kém phần vất vả. Có khi vừa đi đám về chưa kịp nghỉ ngơi đã có đám khác mời, lại phải đi ngay. Thức đêm là chuyện bình thường, chỉ tranh thủ lúc vơi khách phúng điếu là nghỉ ngơi được một tí. Đặc biệt, có đám khách viếng quá đông, người phúng điếu không ngớt, các nhạc công mệt rã rời. Chú đã từng làm nhạc công cho một đám ở Hoài Hương kéo dài tới 2 đêm, 3 ngày, phải có sức khỏe dẻo dai mới chịu đựng nổi.

Khi tôi hỏi về thu nhập, chú thiệt thà nói: cứ một đám tang bình thường, tức diễn ra trong ngày, cả dẫn quan, liệm, ban nhạc, gia chủ "tạ" khoảng 500.000 đồng. Nhưng cũng tùy theo gia chủ nữa và mức "tạ" cũng còn tùy thuộc vào thời gian phục vụ của ban nhạc.

Điều đáng nói trong khi hành nghề là luôn phải chứng kiến cảnh chia ly đau buồn, luôn nghe tiếng khóc than ủ rũ. Là người trong nghề cũng đã lâu, nhưng đã làm người ai mà không động lòng, nên nhiều lúc ăn cơm của người ta mà chẳng biết ngon lành là gì…

  • Nguyễn Văn Trang
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
"Muốn ăn bánh ít lá gai..."  (16/12/2005)
Chuyện ở binh trạm  (16/12/2005)
Ấm áp mùa đông  (16/12/2005)
Ngược dòng mà thành công  (16/12/2005)
Xã Mỹ Phong: Một đêm, hai vụ cướp  (16/12/2005)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (16/12/2005)
Những chỉ tiêu chủ yếu  (14/11/2005)
Gửi trọn niềm tin  (14/11/2005)
Kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục tăng trưởng và phát triển !  (14/11/2005)
Để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của TCCSĐ  (14/11/2005)
Cấp ủy trẻ nhiều, nữ lắm  (14/11/2005)
Đưa công nghiệp về nông thôn: Những kết quả tích cực  (14/11/2005)
Thơ  (14/11/2005)
Mũi đột phá quan trọng để Bình Định phát triển  (14/11/2005)
Xây dựng những cánh đồng 50 triệu đồng/ha: Nhìn từ Phù Cát  (14/11/2005)