Trùng tu, tôn tạo di tích Tháp Dương Long
17:39', 16/12/ 2005 (GMT+7)

Tháp Dương Long là khu di tích Chăm, có 3 tháp lớn nhất, bề thế nhất còn sót lại trên đất Bình Định. Di tích đã được Bộ Văn hóa Thông tin (VHTT) xếp hạng là "Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia".

 

                    Tháp Dương Long (ảnh: Đào Tiến Đạt)

 

Khu tháp Dương Long gồm 3 tháp được xây thẳng hàng, đều quay về hướng đông và nằm trên gò đồi đất có tục danh là Gò Dương Long, nên từ xưa cả 3 tháp đều được mang tên là Tháp Dương Long. Hiện nay, tháp giữa và tháp bắc của cụm tháp Dương Long thuộc địa phận xã Bình Hòa và một tháp phía nam thuộc thôn An Chánh, xã Tây Bình, huyện Tây Sơn. Với chiều cao của tháp giữa là 36m, hai tháp hai bên là 29m. Trong 3 ngôi tháp, ta thấy ở mỗi tháp đều có một nét riêng, không lặp lại trong cách tạo các mô típ điêu khắc, mỗi bức chạm khắc đều có một sự sáng tạo tinh tế. Đến thăm Khu di tích Dương Long chúng ta không những tận mắt chiêm ngưỡng những tác phẩm điêu khắc độc đáo, mà còn được nhìn ngắm những đề tài trang trí bằng đá thật sinh động, đa dạng. Ở các vòm cửa, các quái vật Kala khạc ra rắn 7 đầu, những bộ diềm mái được các nghệ nhân Chàm khắc họa nhiều hoa văn và nhiều cảnh trí khác nhau, những bức phù điêu thể hiện người và những con vật huyền thoại đang múa… Được ngắm nhìn tháp Dương Long, ta như được chiêm ngưỡng bản nhạc về điêu khắc đá. Chính vì thế đã tạo cho Khu di tích Dương Long một giá trị nghệ thuật có một không hai trong kiến trúc Chàm ở vùng này.

Về hình dáng, cấu trúc, họa tiết trang trí của tháp Dương Long trông giống như ba chiếc búp măng khổng lồ và thuộc kiểu Khơme, giới nghiên cứu cho rằng kiến trúc Dương Long thuộc niên đại thế kỷ XII. Niên đại cũng như đặc trưng kiến trúc của các tháp Dương Long phù hợp với bối cảnh lịch sử của Chămpa trong giai đoạn này. Suốt từ năm 1177 đến 1220 Chămpa và Campuchia có nhiều mối quan hệ vừa rất thân thiết vừa thù địch; đã có một thời gian từ 1203 đến 1220 Chămpa là một tỉnh của đế chế Ăngco… Do đó những ảnh hưởng của nghệ thuật Khơme (thời kỳ Ăngco) trong kiến trúc cổ Chămpa thế kỷ 12-13.

Về mặt tín ngưỡng tôn giáo, tháp Dương Long là khu đền thờ, thờ ba vị thần tối cao của Ấn Độ giáo (Hinđu): Brahma, Visnu và Siva. Những hình điêu khắc hiếm thấy ở đây khiến các nhà nghiên cứu đã nghĩ đến tầm quan trọng của Dương Long đối với đời sống tôn giáo của triều đình Chămpa thời đó. Có tài liệu còn cho rằng: đây còn là chỗ hỏa táng của quốc vương và vương hậu Chiêm Thành.

Trải qua hàng nghìn năm, do những biến động của thiên nhiên, cây cối xâm thực và nhất là sự tác động vô thức của con người, di tích tháp Dương Long ngày càng bị xuống cấp trầm trọng. Hiện nay các vòm cửa chính, các cửa giả và các chân riềm cửa của các ngôi tháp phần lớn đã bị sụp đổ hoàn toàn. Theo lời kể của các cụ già trong làng, thời Mỹ - ngụy, chính quyền Sài Gòn còn dùng máy bay trực thăng đặt mìn trên đỉnh các tháp Dương Long để phá lấy những tấm điêu khắc đá đem bán. Những người dân quanh vùng thì đào gạch về làm các công trình phụ hoặc lấy đá về đẽo cối để bán… Ngay từ những năm đầu của thế kỷ XX, nhà nghiên cứu H.Parmentier khi đến đây nghiên cứu, ông còn tìm thấy khá nhiều phế tích của các kiến trúc phụ xung quanh ba ngôi tháp, ông cho rằng: ba ngôi tháp ở Dương Long vốn nằm trong một tổng thể kiến trúc đồ sộ. Và tại đây ông đã thu lượm được gần một nghìn mảnh đá lớn nhỏ có hình chạm khắc.

Mãi đến năm 1985, trong lúc gia cố phần chân tháp để thăm dò nền móng tháp bị phong hóa và bị cạy mất gạch có nguy cơ sụp đổ, các chuyên gia tu sửa di tích của Việt Nam và Ba Lan đã tiến hành đào hố thám sát ở phía trước sát chân tháp. Ở độ sâu 1,5m đã tìm thấy hàng chục các tác phẩm điêu khắc đá, đó là những tảng chạm nổi các hình tượng vũ nữ, chim thần và các vị thần theo tín ngưỡng Ấn Độ giáo của dân tộc Chăm.

Vào đầu năm 2003 Sở VHTT Bình Định đã mời cán bộ Viện Khoa học Công nghệ - Xây dựng thuộc Bộ Xây dựng (KHCN-XD) khảo sát lập dự án trùng tu tôn tạo khu tháp Dương Long. Cuộc khảo sát đã có những phát hiện rất đáng lưu ý, góp thêm phần hiểu biết cụ thể về Dương Long. Đó là việc làm rõ bố cục mặt bằng tổng thể của di tích, tập trung vào những chỗ mà trước kia H. Parmentier đã khảo sát có nhắc đến nhưng còn mơ hồ. Ở phía nam (cụm tháp), độ sâu 1,60m đã phát hiện một mảng nền gạch cũ, nền gạch đầm và mảng tường rào. Mặt phía đông trước ngọn tháp giữa, cách xa độ 50m, có một vạt tường cao 70cm ở độ sâu 4,15m (tính từ bậu cửa mặt đông của tháp giữa) kéo dài 19m bó lấy một nền gạch đầm, trong đó còn những mảng gạch lát và còn cả móng cột bằng đá tổ ong, đó có thể là "gian nhà dài" như ước đoán của H.Parmentier. Ở phía mặt tây cụm tháp, cách khoảng 50m phát hiện vết tích của các kiến trúc nhỏ, và một mảng tường ngăn phía sau của tháp, 2 mảng nền gạch đầm ở phía đông và phía tây mảng tường đó. Mảng tường này là tường bao mặt sau (mặt tây) của Khu di tích Dương Long. Mảng nền gạch đầm phía đông bức tường có thể là lối đi dẫn đến các kiến trúc nhỏ sau tháp.

Như vậy, cuộc khảo sát của Viện KHCN-XD đã làm sáng tỏ nhiều quan sát tinh tế và đoán định hữu lý về mặt bằng tổng thể của Khu di tích Dương Long. Đến nay, công việc khảo sát, lập dự án và thiết kế dự toán trùng tu tháp Dương Long đã hoàn thành. Với quy mô trùng tu phục hồi 3 ngôi tháp; tôn tạo khuôn viên khu tháp; xây dựng phòng trưng bày hiện vật, nhà bảo vệ, nhà vệ sinh, tường rào cổng ngõ và hạ tầng kỹ thuật. Với tổng mức đầu tư gần 10 tỉ đồng, từ nguồn kinh phí trong chương trình mục tiêu của Bộ VHTT đầu tư, công trình trùng tu chính thức thực hiện kể từ tháng 12-2005 đến hết năm 2008.

Về biện pháp thi công gia cố trùng tu phục hồi các tháp Dương Long cũng sẽ thực hiện giống như việc trùng tu các tháp Đôi (Quy Nhơn) và tháp Bánh Ít (Tuy Phước) trong những năm trước. Đó là áp dụng các biện pháp như: Neo thép POK; lắp đặt chi tiết đá vào tháp bằng phương pháp thủ công; gia công mũi cắt và xây gạch Chăm…, nhưng sẽ khác ở kỹ thuật trùng tu, đó là áp dụng kỹ thuật "khối xây mài chập" bột gạch và nhựa cây bời lời hay cây ô dước - những loại cây có trong thiên nhiên. Đây là công trình đã được Viện KHCN-XD nghiên cứu và thử nghiệm thành công.

  • Đặng Hữu Thọ
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Xóm lưới ba màn  (16/12/2005)
Gian truân cũng một cái nghề  (16/12/2005)
"Muốn ăn bánh ít lá gai..."  (16/12/2005)
Chuyện ở binh trạm  (16/12/2005)
Ấm áp mùa đông  (16/12/2005)
Ngược dòng mà thành công  (16/12/2005)
Xã Mỹ Phong: Một đêm, hai vụ cướp  (16/12/2005)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (16/12/2005)
Những chỉ tiêu chủ yếu  (14/11/2005)
Gửi trọn niềm tin  (14/11/2005)
Kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục tăng trưởng và phát triển !  (14/11/2005)
Để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của TCCSĐ  (14/11/2005)
Cấp ủy trẻ nhiều, nữ lắm  (14/11/2005)
Đưa công nghiệp về nông thôn: Những kết quả tích cực  (14/11/2005)
Thơ  (14/11/2005)