Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên: Di sản Văn hóa phi vật thể thế giới
17:47', 16/12/ 2005 (GMT+7)

Vào những ngày tháng 3, tháng 4 đến với Tây Nguyên, mọi người được sống trong không khí nhiều lễ hội của đồng bào dân tộc ít người. Âm vang cồng chiêng lúc rộn ràng, lúc trầm lắng ngân nga vang vọng núi rừng. Cồng chiêng là ngôn ngữ âm nhạc, một loại hình văn hóa nghệ thuật đậm đà bản sắc dân gian. Tiếng cồng, tiếng chiêng gắn bó với cả đời người, là niềm kiêu hãnh về sự giàu có và sức mạnh của một buôn làng. Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được Tổ chức Giáo dục - Khoa học - Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể thế giới.

 

                         Lễ hội cồng chiêng Tây Nguyên.

 

Theo các nhà nghiên cứu thì cồng chiêng xuất hiện rất sớm, có thể cùng thời kỳ Trống Đồng hoặc trước cả Trống Đồng vì trên hoa văn Trống Đồng có khắc họa hình cồng chiêng! Từ bao đời nay, cồng chiêng hiện diện khắp nơi, từ đồng bằng, trung du cho đến miền núi; từ Bắc bộ, Trung bộ, Đông Nam bộ và nhiều nhất là ở Tây Nguyên. Nhạc cụ cồng chiêng được lưu giữ từ đời này qua đời khác và luôn là âm thanh chủ đạo trong các lễ hội, từ lễ Thổi tai của đứa bé vừa chào đời, lễ hội Bỏ mả (Pơthi) đưa linh hồn người chết đến nơi an nghỉ cuối cùng, cho đến các lễ hội vui chơi của các dân tộc Tây Nguyên. Trong các lễ hội, bên ché rượu cần, dàn cồng chiêng tấu lên những bản nhạc độc đáo là phương tiện duy nhất để con người giao hòa với trời đất, với các đấng thần linh gần gũi với người Êđê, người Gia Rai… ở Tây Nguyên. Có điều chắc chắn rằng, cồng chiêng sẽ mãi mãi tồn tại và không có gì có thể thay thế cồng chiêng bằng bất cứ một nhạc cụ nào khác!

Nhạc cụ cồng chiêng có hai loại: cồng và chiêng. Cồng là cái có núm, chiêng là cái không có núm. Cũng có loại chiêng có núm (chiêng núm) và không núm (chiêng bằng). Cả hai loại đều đúc bằng đồng thau và cả bằng kim loại, có hình tròn, đường kính từ 20cm đến 65cm. Một bộ chiêng có 6 chiếc từ nhỏ đến lớn với tên gọi là Thê, Thơ, Thoàng, Dờn, Rdơm, Vàng. Tiếng chiêng giữ phần giai điệu, cồng giữ phần nhịp và đệm. Trong một dàn cồng chiêng, số lượng chiêng bao giờ cũng nhiều hơn. Dàn cồng chiêng chia làm ba nhóm, mỗi nhóm chia nhiệm vụ từng chiếc khác nhau, từ âm thanh cao nhất đến âm thanh trầm nhất. Những chiêng đôi, chiêng chót thánh thót, sôi nổi đan xen với nhau, tiết tấu dồn dập, biến hóa liên tục. Cỡ chiêng càng lớn, âm thanh càng ấm hơn, dịu hơn, thưa hơn, trầm hùng, chắc khỏe. Đánh cồng chiêng là một nghệ thuật. Thường đánh vào bụng chiêng, nếu muốn nhấn âm thì đánh vào lưng chiêng.

Tùy theo từng dân tộc, từng hoàn cảnh, từng lễ hội mà nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng có khác nhau. Đón xuân, mừng năm mới, đêm 30 Tết, mọi nhà đều nổi cồng chiêng sang xuân; lúc Giao thừa, tiếng cồng chiêng cả bản làng được tấu lên rộn rã để đón mùa xuân mới. Tiếng chiêng ngân vang, vọng đến các xóm làng, thúc giục mọi người trong gia đình mặc quần áo mới, thắp nén hương lên bàn thờ tổ tiên. Con cháu nghe tiếng cồng, lần lượt chúc thọ ông bà, cha mẹ. Mọi người căn dặn nhau những việc tốt đẹp nên làm. Trong lễ hội Đâm trâu, Mừng lúa mới, đồng bào dân tộc ít người sử dụng điệu chiêng vui nhộn, sôi nổi. Dân tộc Cơ Tu (Quảng Nam) có điệu Đ-hương có tiết tấu nhanh, linh hoạt. Dân tộc Tây Nguyên sử dụng bộ chiêng M’nhum được coi là bộ chiêng của niềm vui. Bộ chiêng gồm 6 hoặc 8 chiếc, nhiều kích cỡ khác nhau được phân ra các cặp để diễn tấu phần giai điệu và các bè. Kèm theo nhạc chiêng trong lễ hội có điệu múa truyền thống "tung-tung", "da-dá" đặc sắc trong vũ điệu dân gian Cơ Tu.

Trong sinh hoạt văn hóa gia đình, cưới hỏi, giải quyết bất hòa, dân tộc Cơ Tu có bài nhạc chiêng Cơ-lới, tiết tấu khá nhanh đầy chất lạc quan, sôi nổi như để kéo con người xích lại gần nhau, thông cảm nhau…

Nghệ thuật cồng chiêng Tây Nguyên có quy định bài đánh cho từng lễ hội. Ví dụ bài Đón khách không được dùng trong lễ Đâm trâu; bài Trao vòng hay Bỏ mả không được dùng trong lễ Cưới, Mừng nhà rông, Mừng lúa mới. Dân tộc Cơ Tu đón khách với tiếng chiêng, tiếng cồng theo điệu Đ-hương và Đ-hấp là tín hiệu riêng gửi đến người khách, các bạn của dân làng, của gia đình. Những lúc phải xa lìa người thân, mất mát người yêu thì tiếng chiêng theo điệu Cơ-lau, Cơ-lếch được đánh bên ngoài mặt lưng chiêng. Âm thanh buồn thảm vang lên trong khung cảnh hoàng hôn, tiết tấu chậm buồn, ngân nga, tràn đầy thương tiếc !

Khi thưởng thức nghệ thuật cồng chiêng, người nghe phải tìm hiểu, phải hình dung rồi mới suy xét, theo dõi cụ thể mới thấu hiểu, mới cảm nhận được cái hay của nó. Âm nhạc cồng chiêng là âm nhạc để nghe, những người hòa tấu cồng chiêng đều có đồng cảm xúc, vừa hòa cho mọi người nghe và đồng thời cũng là cho chính mình say đắm. Người tinh ý, nghe xa có thể đoán biết người đang chơi ở độ tuổi nào. Với người trẻ tuổi, tiếng cồng chiêng nghe chưa tròn, rời rạc; với các cặp nam thanh nữ tú nào đó có tình ý với nhau, tiếng cồng chiêng nghe như lời mời chào ướm hỏi, say đắm; với những người lớn tuổi đã có phận riêng thì khi cồng chiêng cất lên xao xuyến, chắc nịch, âm thanh quyện với nhau như lời tiếc nuối một thời trai trẻ đầy sức xuân.

Ngoài các loại chiêng được sử dụng phổ biến trong các dịp lễ hội, các dân tộc Tây Nguyên còn có những bộ chiêng được gìn giữ rất cẩn thận, cha truyền con nối, xem như thứ gia bảo của dòng họ. Những gia đình giàu có ngày xưa có nhiều bộ chiêng quý, có những chiêng cỡ lớn hai người khiêng, to bằng cái nia phơi thóc. Theo số liệu thống kê của ngành văn hóa, số lượng cồng chiêng Tây Nguyên hiện nay không còn nhiều. Ở Đắk Lắk còn gần 4.000 bộ chiêng với hơn 27 ngàn chiếc chiêng, ở Gia Lai có hơn 5.000 bộ với hơn 35 ngàn chiếc.

Tiếng cồng chiêng trong đời sống đồng bào các dân tộc ít người quan trọng là thế, thiết thân là thế! Các nghệ nhân là những người "thổi hồn" cho nghệ thuật cồng chiêng rung ngân những bản nhạc lúc tươi vui, lúc rộn ràng, lúc trầm bổng, bồng bềnh theo gió mây của núi rừng Tây Nguyên, làm rung động lòng người! Đó là hơi thở, là nguồn cảm hứng về tinh thần cho các dân tộc Tây Nguyên.

Những năm gần đây, Nhà nước ta đã quan tâm đến công tác sưu tầm, bảo tồn và phát triển văn hóa phi vật thể của mọi miền đất nước. Bộ Văn hóa - Thông tin và Ủy ban Quốc gia về Di sản Văn hóa Phi vật thể Việt Nam đã trình lên UNESCO những loại hình văn hóa phi vật thể nổi tiếng của nước ta như: Nhã nhạc cung đình Huế, Múa rối nước, Quan họ Bắc Ninh, Nghệ thuật cồng chiêng Tây Nguyên, Răm bo Nam Bộ, đề nghị công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể thế giới. Qua hai lần xét duyệt, Nhã nhạc cung đình Huế là loại hình văn hóa phi vật thể đầu tiên trong các di sản nêu trên đã được công nhận (2003) và ngày 26-11-2005 vừa qua, UNESCO đã công nhận văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là Di sản Văn hóa phi vật thể thế giới.

  • Quang Hùng
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Trùng tu, tôn tạo di tích Tháp Dương Long  (16/12/2005)
Xóm lưới ba màn  (16/12/2005)
Gian truân cũng một cái nghề  (16/12/2005)
"Muốn ăn bánh ít lá gai..."  (16/12/2005)
Chuyện ở binh trạm  (16/12/2005)
Ấm áp mùa đông  (16/12/2005)
Ngược dòng mà thành công  (16/12/2005)
Xã Mỹ Phong: Một đêm, hai vụ cướp  (16/12/2005)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (16/12/2005)
Những chỉ tiêu chủ yếu  (14/11/2005)
Gửi trọn niềm tin  (14/11/2005)
Kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục tăng trưởng và phát triển !  (14/11/2005)
Để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của TCCSĐ  (14/11/2005)
Cấp ủy trẻ nhiều, nữ lắm  (14/11/2005)
Đưa công nghiệp về nông thôn: Những kết quả tích cực  (14/11/2005)