Du lịch văn hóa Bình Định: Một tiềm năng
17:55', 16/12/ 2005 (GMT+7)

Bình Định - một vùng đất in đậm dấu ấn lịch sử xuyên suốt từ thời tiền sử, sơ sử đến cổ trung đại và cận hiện đại. Theo số liệu thống kê của Bảo tàng tổng hợp Bình Định, hiện nay toàn tỉnh có 231 di tích được đưa vào danh sách kiểm kê, hơn 60 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh, trong số đó có nhiều di sản văn hóa có giá trị cao. Thế nhưng, du lịch văn hóa Bình Định vẫn là một tiềm năng.

 

Tháp Bánh Ít (Phước Hiệp - Tuy Phước) đã được trùng tu hoàn tất năm 2004.

 

* Di sản văn hóa

Qua kết quả điều tra và khai quật khảo cổ, hàng loạt di chỉ văn hóa Sa Huỳnh đã được phát hiện trải dài trên những cồn cát ven biển từ Tam Quan đến Quy Nhơn. Một số di tích tiền Sa Huỳnh như Truông Xe, Gò Lồi (Phù Mỹ); di tích Sa Huỳnh như Hội Lộc, Núi Ngang (Quy Nhơn), Thuận Đạo, Chánh Trạch (Phù Mỹ), Động Cườm, Gò Tháp, Ca Công, Động Bàu Năng, Phú Nhuận, Công Lương (Hoài Nhơn). Trên cơ sở ấy, các nhà khoa học đã đánh giá Bình Định là một trong ba trung tâm của văn hóa Sa Huỳnh (2 trung tâm khác là Quảng Nam và Quảng Ngãi) và Động Cườm là một kho chum gốm tiềm tàng của nền văn hóa Sa Huỳnh hiện nay.

Trong năm thế kỷ định đô trên vùng đất Bình Định (TK X-XV), người Chăm đã để lại nhiều công trình kiến trúc đền tháp, thành quách cùng những tác phẩm điêu khắc bằng đá, đất nung khá đặc trưng. Theo thư tịch xưa cho biết, ở Bình Định có dấu vết khá nhiều thành cổ như thành Đồ Bàn, thành Cha, thành Sức, thành Uất Trì, thành Thị Nại đều do người Chăm xây đắp. Kết quả điều tra nghiên cứu những năm gần đây, trong số 9 thành cổ Chămpa hiện còn dấu vết ở miền Trung thì Bình Định có đến ba thành; và trong 20 cụm đền tháp với 41 kiến trúc hiện còn thì Bình Định có 8 cụm với 14 kiến trúc. Một số nhà nghiên cứu đã nhận xét: di tích Chămpa Bình Định phong phú về số lượng, đa dạng về loại hình và hoành tráng về kiến trúc.

Đối với di tích thời Tây Sơn, ngoài khu di tích Điện thờ - Bảo tàng Quang Trung đã được nhiều người biết đến, còn có một kiến trúc cung đình đó là kinh đô Hoàng đế Nguyễn Nhạc. Thành Hoàng Đế là công trình kiến trúc duy nhất thời Tây Sơn còn lại, di tích được xây dựng đan xen qua nhiều giai đoạn lịch sử, hiện nay vẫn còn nhiều di vật tồn tại trên mặt đất và trong lòng thành. Qua hai lần khai quật khảo cổ năm 2004 và 2005, một phần diện mạo kiến trúc thành Hoàng Đế được phát lộ.

Một số danh nhân văn hóa và danh nhân lịch sử được công nhận và xây dựng đền thờ, lăng mộ như: Trần Đức Hòa, Đào Duy Từ, Đào Tấn, Mai Xuân Thưởng, Tăng Bạt Hổ. Về kiến trúc cổ dân gian truyền thống, nhà lá mái Bình Định là một đặc trưng văn hóa tiêu biểu của miền Trung, được thể hiện qua không gian quy hoạch - kiến trúc, được Cục Di sản văn hóa phối hợp với Trường Đại học Nữ Chiêu Hòa (Nhật Bản) và Bảo tàng tổng hợp Bình Định khảo sát điều tra đợt 2 năm 2004 đã chọn ra 35 ngôi nhà tiêu biểu (trong số 350 ngôi nhà điều tra khảo sát đợt 1), lập hồ sơ chi tiết.

Ngoài ra, Bình Định còn là thủ phủ của Liên khu V trong kháng chiến chống Pháp. Quy Nhơn là điểm 300 ngày chuyển quân tập kết ra Bắc duy nhất ở miền Nam. Trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ, Bình Định lại là địa bàn trọng điểm của chiến trường trọng điểm…

* Một tiềm năng

Trong những năm qua, ngành Văn hóa đã có nhiều cố gắng trong công tác chống xuống cấp và trùng tu di tích. Hầu hết các di tích, đặc biệt là các công trình kiến trúc nghệ thuật đều được gia cố, trùng tu, phục hồi bằng nguồn vốn của Trung ương, của địa phương và một số tổ chức, cá nhân. Di tích danh nhân, di tích cách mạng cũng được xây dựng: Nhà lưu niệm, Tượng đài, Biểu tượng, Bia di tích…

Thực tế đã cho thấy, trong hệ thống di tích ở tỉnh Bình Định, cụm di tích Điện thờ - Bảo tàng Quang Trung được đầu tư tôn tạo thường xuyên và quy mô nhất. Di tích này ngày càng được nâng cấp hoành tráng hơn, nội dung trưng bày bổ sung di tích ngày càng phong phú, các giá trị văn hóa tinh thần từng bước được phục dựng. Do vậy, di tích ngày càng thu hút đông đảo khách tham quan và phát huy tốt giá trị lịch sử. Ngoài ra, còn có hai di tích khác cũng được phát huy tốt nhờ có sự đầu tư, nâng cấp đó là di tích Danh thắng - Lịch sử Ghềnh Ráng (Quy Nhơn) và Danh thắng Hầm Hô (Tây Sơn).

Trong những năm qua, hai di tích được đầu tư kinh phí lớn và dài hơi sau cụm di tích Điện thờ - Bảo tàng Quang Trung là tháp Đôi (Quy Nhơn) và tháp Bánh Ít (Tuy Phước). Tháp Đôi được trùng tu từ năm 1991-1995 với tổng kinh phí 1,8 tỉ đồng và đã lập bản đồ quy hoạch tôn tạo khu vực di tích được UBND tỉnh phê duyệt từ năm 1996, nhưng đến nay tháp Đôi vẫn giữ nguyên hiện trạng. Tháp Bánh Ít được đầu tư trùng tu từ năm 1997-2004 với tổng kinh phí là 2,1 tỉ đồng, công việc trùng tu đã hoàn tất và lại chờ phát huy tôn tạo di tích.

Hiện nay, một số di tích đang được đầu tư xây dựng trùng tu: xây dựng thêm một số hạng mục Khu chứng tích Gò Dài (Tây Sơn), trùng tu tháp Cánh Tiên (An Nhơn) và tháp Dương Long (Tây Sơn). Khác với những cụm tháp đã trùng tu trước đây, lần này cả tháp Dương Long và tháp Cánh Tiên công việc trùng tu và tôn tạo nâng cấp di tích được tiến hành đồng bộ, ngoài tu sửa tháp còn có các hạng mục khác như xây dựng tường rào cổng ngõ, san ủi mặt bằng, xây bồn hoa cây cảnh, hệ thống đèn chiếu sáng…

Để phát triển tiềm năng kinh tế và du lịch của tỉnh Bình Định, bên cạnh lợi thế thiên nhiên ban tặng gần 200km bờ biển sẽ là những khu du lịch sinh thái, khu nghỉ mát, bãi tắm… Không thể thiếu món ăn tinh thần cho du khách đó là tham quan tìm hiểu lịch sử, tìm hiểu những di sản văn hóa. Đây là cơ hội để cho mọi người thuộc các nền văn hóa khác nhau gặp gỡ tìm hiểu. Hiện nay, du lịch văn hóa là nhu cầu hàng đầu đối với du khách, nhất là du khách nước ngoài.

Đã đến lúc các ngành liên quan cần phối hợp chặt chẽ để hoạch định một kế hoạch tôn tạo phát huy di tích, phát huy du lịch văn hóa dài hạn, ngắn hạn và trước mắt, để khai thác tiềm năng du lịch văn hóa của Bình Định, hòa vào tuyến điểm du lịch miền Trung và Tây Nguyên. Đây cũng chính là hành động thiết thực góp phần thực hiện đề án phát triển tiềm năng kinh tế và du lịch của tỉnh.

  • Nguyễn Thanh Quang
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thơ  (16/12/2005)
Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên: Di sản Văn hóa phi vật thể thế giới  (16/12/2005)
Trùng tu, tôn tạo di tích Tháp Dương Long  (16/12/2005)
Xóm lưới ba màn  (16/12/2005)
Gian truân cũng một cái nghề  (16/12/2005)
"Muốn ăn bánh ít lá gai..."  (16/12/2005)
Chuyện ở binh trạm  (16/12/2005)
Ấm áp mùa đông  (16/12/2005)
Ngược dòng mà thành công  (16/12/2005)
Xã Mỹ Phong: Một đêm, hai vụ cướp  (16/12/2005)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (16/12/2005)
Những chỉ tiêu chủ yếu  (14/11/2005)
Gửi trọn niềm tin  (14/11/2005)
Kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục tăng trưởng và phát triển !  (14/11/2005)
Để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của TCCSĐ  (14/11/2005)