Thời
tiết khắc nghiệt, ngày nắng nóng cháy sạm da,
đêm rét căm buốt thịt. Đất rộng người thưa, giao thông khó khăn, trình độ dân
trí thấp, đời sống đồng bào Bana ở xã An Toàn (An Lão) hết sức vất vả vì chỉ
sống bằng nghề nông. Thế nhưng, đó chỉ là chuyện của ngày hôm
qua.
* Cuộc sống ở
vùng cao
Nằm ở vùng cao
gần 1.000m so với mặt nước biển, diện tích đất chiếm 26.044ha nhưng dân số cả 3
thôn của xã An Toàn không đến 590 người. Đoạn đường từ trung tâm huyện lỵ An Lão
đến xã An Toàn chưa đầy 50km nhưng chiếc xe U-oát - loại xe có thể chạy trên mọi
địa hình - phải vật vã, ì ạch gần 3 tiếng đồng hồ lội suối, băng rừng mới đến
nơi. Chúng tôi đã không bõ công khi chứng kiến bức tranh núi rừng hùng vĩ dần
hiện ra, từng cụm nhà sàn san sát nối nhau trên bậc thang dốc núi hiện lưng
chừng giữa quầng sương trắng xóa. Trên quãng đường dài vất vả để đến được An
Toàn, tôi cứ nghĩ mình sắp đến vùng núi heo hút, lác đác vài bóng người với nỗi
vất vả, nhọc nhằn để kiếm sống. Thế mà thôn 1 - cụm dân cư đầu tiên chúng tôi
đặt chân đến - hiện ra trước tiên khiến chúng tôi hết sức ngạc nhiên: hơn 30 nóc
nhà sàn được dựng kiên cố nằm san sát dọc con đường thôn như một cụm dân cư được
quy hoạch ở nơi thành thị.
|
Một
góc thôn 2 xã An Toàn với những nhà sàn mang dấu ấn thời gian.
|
Xe vẫn tiếp tục lăn bánh qua con dốc cao, lội thêm vài con suối
nhỏ mới đến được UBND xã An Toàn nằm ở thôn 2. Thôn 2 vẫn giữ được vẻ mộc mạc,
với những ngôi nhà sàn mang dấu ấn thời gian. Ông Đinh Văn Lớ - Chủ tịch UBND xã
An Toàn - sau cái bắt tay đầu tiên, đã vui vẻ khoe với chúng tôi những gì mà
người dân An Toàn đã làm được trong những năm qua. Theo ông, xã An Toàn hiện có
trên 1.200 con gia súc, nghề nuôi cá nước ngọt phát triển, diện tích trồng lúa,
mì cao sản, bắp không ngừng tăng. Tiêu biểu có gia đình anh Đinh Văn Trai (thôn
1) có thu nhập từ 90 - 100 triệu đồng/năm từ việc chăn nuôi gia súc, trồng rừng,
nuôi cá nước ngọt... Người dân ở xã An Toàn vẫn đang tiếp tục bảo vệ rừng khoanh
nuôi 1.000ha, nhận chăm sóc trồng rừng tập trung thuộc chương trình 661 là 61 ha
và rừng phân tán các năm trước 48 ha. Ngoài sản xuất nông - lâm nghiệp, đời sống
của người dân cũng được cải thiện rõ rệt nhờ nguồn lâm sản dồi dào tại địa
phương như thu hái song mây, nấm linh chi, khai thác mật ong,... trung bình thu
nhập của mỗi người dân ở xã An Toàn là 300.000đ/tháng.
Mục tiêu hàng
đầu của xã An Toàn không chỉ ở lĩnh vực kinh tế mà còn đẩy mạnh công tác xây
dựng cơ bản, giáo dục, y tế... UBND xã đã tiến hành xây dựng cầu tràn Chari, nhà
công vụ cho giáo viên với tổng kinh phí trên 600 triệu đồng thuộc nguồn vốn 135.
Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) ở xã từng bước hoạt động hiệu
quả. Cán bộ xã thường xuyên triển khai chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản,
KHHGĐ nên toàn xã có 249/279 phụ nữ dùng các biện pháp tránh thai. Tiêu biểu như
toàn thôn 3 không có gia đình nào sinh con thứ 3... Từ năm 2004, toàn xã đã hoàn
thành phổ cập giáo dục tiểu học cho 86 em học sinh, 3 em được cử đi học Trung
học y tế để về phục vụ cho địa phương... Đó là sự tiến bộ lớn của xã An Toàn vì
trước đây các em chỉ học qua quýt cho biết cái chữ, con số là mừng lắm rồi.
* Tự hào với
truyền thống cách mạng
Người dân ở xã
An Toàn luôn tự hào địa phương mình là chiếc nôi cách mạng với truyền thống nuôi
giấu cán bộ từ thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Anh Đinh Văn Ron (thôn 3)
đã tự hào kể lại quãng thời gian gia đình anh nuôi giấu các chiến sĩ cách mạng
như thế nào. Anh đã rưng rưng nước mắt đưa cho chúng tôi xem hai tấm bằng liệt
sĩ của người thân trong gia đình. Với số dân không đến 590 người nhưng toàn xã
An Toàn có đến 3 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 7 gia đình liệt sĩ, 6 thương binh; 70%
số gia đình trong xã có Huy chương Kháng chiến qua các thời kỳ. Đảng bộ xã An
Toàn hiện có 4 chi bộ với 41 đảng viên, 5 năm liền đạt danh hiệu Trong sạch -
Vững mạnh.
Đến với An Toàn
trong những ngày này, cảm giác đầu tiên của bạn là cuộc sống nơi đây khá bình
yên. Bạn có thể cảm nhận được cái lạnh thấu xương với niềm vui sum vầy bên bếp
lửa để nướng khoai và tìm chút hơi ấm gia đình. Những ché rượu cần với mùi hương
đặc trưng truyền thống của người Bana, những trò chơi dân gian của những đứa trẻ
sẽ làm bạn thích thú. Song, ở An Toàn bạn sẽ không bị tách rời cuộc sống miền
xuôi với tiếng nổ của xe máy, tiếng gọi nhau mua hàng. An Toàn đã bắt đầu thay
da đổi thịt, các thôn đều có sân chơi thể thao như đánh bóng chuyền tại khuôn
viên của nhà rông. Khi ánh nắng cuối cùng của một ngày chợt tắt, bạn sẽ hòa mình
cùng người dân nơi đây kéo nhau đến nhà trưởng thôn, già làng để xem ti vi. Toàn
xã An Toàn có 61 chiếc xe gắn máy của người dân và 9 tivi (được phân bổ đều cho
3 thôn).
Vấn đề
bức xúc và trăn trở nhất của cán bộ trong xã vẫn là việc giao thông đi lại. Vào
mùa mưa thì dường như xã bị cô lập vì con đường duy nhất từ xã đến trung tâm
huyện lỵ trở nên lầy lội, có khi bị bít lối vì núi lở, cây ngã. Mỗi lần đi họp ở
huyện, cán bộ xã phải lặn lội mất cả ngày đường đi bộ. Để An Toàn có thể phát
triển hơn về kinh tế - xã hội, nâng cao mức sống cho đồng bào nơi đây thì có lẽ
việc bức thiết nhất là cần có một con đường giao thông tốt.
|