. Ghi chép của Ngọc Thái
Trong những năm gần đây, huyện Hoài Nhơn đã có những bước tiến dài trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, với tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm trên 10%, là một trong những địa phương có nền kinh tế phát triển năng động. Hiện nay, Hoài Nhơn đang nỗ lực phấn đấu, nhằm đưa nền kinh tế huyện nhà phát triển mạnh mẽ và tạo cho mảnh đất này trở thành vùng kinh tế động lực của tỉnh trong tương lai…
|
Một góc đường Quang Trung - nơi kinh doanh sầm uất của thị trấn Bồng Sơn. Ảnh: N.T
|
* Đánh thức tiềm năng
Có lẽ, không có vùng đất nào ở Bình Định có tiềm năng kinh tế phong phú và đa dạng như Hoài Nhơn, với nhiều lĩnh vực như: nông - lâm - ngư - công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Thời gian qua, Hoài Nhơn cũng đã nỗ lực trong việc khai thác có hiệu quả những tiềm năng và thế mạnh của địa phương. Ngư dân Hoài Nhơn đã mạnh dạn đầu tư đóng mới tàu thuyền, trang bị máy móc hiện đại, vươn ra khai thác ở ngư trường xa bờ. Đến nay, đội tàu thuyền của huyện có hơn 1.900 chiếc, tổng công suất gần 100.000 CV, tăng 100 chiếc so với năm 2004. Ngoài sự phát triển về phương tiện, ngư dân Hoài Nhơn cũng đã áp dụng nhiều hình thức khai thác hải sản mới, để đưa hiệu quả kinh tế cao hơn. Anh Nguyễn Tấn Hòa, nhóm trưởng một nhóm khai thác hải sản xa bờ ở Tam Quan Bắc, say sưa kể với chúng tôi về mô hình khai thác hải sản mới của mình. Anh cho biết: "Để khắc phục khó khăn do chi phí tăng cao, bà con ngư dân chúng tôi đã xây dựng các tổ đoàn kết trong khai thác xa bờ.Trung bình mỗi tổ có từ 4-5 tàu hoạt động cùng nghề, cùng ngư trường, cùng hỗ trợ nhau trong việc dò tìm ngư trường, trong hoạn nạn và thay phiên vận chuyển sản phẩm vào bờ…. Với cách làm này, hiệu quả kinh tế đem lại cao hơn và ngư dân chúng tôi cũng an tâm hơn khi phải đối mặt với sóng nhồi, bão táp". Năm 2005, Tam Quan Bắc đã khai thác được hơn 10.000 tấn hải sản các loại, tăng hơn 2.000 tấn so với năm 2004, nâng sản lượng hải sản khai thác của huyện lên 26.530 tấn.
Hoài Nhơn sôi động lên với công tác chỉnh trang đô thị, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật… ở khu vực thị trấn Bồng Sơn và những vùng phụ cận, nhằm đáp ứng các điều kiện để trở thành thị xã trong tương lai. |
Lĩnh vực sản xuất nông - lâm nghiệp cũng đã mang lại cho Hoài Nhơn một nguồn kinh tế khá lớn. Đến nay, năng lực nước tưới tự chảy đạt 67% diện tích đất lúa, đưa năng suất lúa của huyện từ 33 tạ/ha vào năm 2000 lên 45 tạ/ha hiện nay. Các địa phương cũng đã đẩy mạnh công tác trồng và bảo vệ rừng, với trên 2.500 ha rừng được giao khoán cho người dân quản lý; 552 ha rừng được khoanh nuôi, tái sinh; 398 ha rừng nguyên liệu giấy… đã mở ra hướng sản xuất kinh doanh mới, giúp người dân vươn lên làm giàu. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có 103 trang trại với tổng số vốn đầu tư 11,6 tỉ đồng, bình quân mỗi trang trại có thu nhập 25 triệu đồng/năm, cá biệt có trang trại cho thu nhập trên 100 triệu đồng/ năm.
Tuy không phải "đất trăm nghề", nhưng nghề truyền thống cũng đã đem lại cho Hoài Nhơn những hiệu quả tích cực về kinh tế - xã hội. Các làng nghề như: dệt thảm xơ dừa, sản xuất dầu dừa, dệt chiếu, trồng dâu nuôi tằm, chế biến nước mắm, làm vi cước cá… đã giải quyết việc làm cho gần 3.000 lao động nông nhàn của địa phương, với mức thu nhập bình quân 500.000 đồng/người/tháng.
Đời sống khá lên, các dịch vụ thương mại phục vụ cho nhu cầu mua sắm và tiêu dùng của người dân cũng phát triển theo. Không chỉ phục vụ cho người dân trong huyện, Hoài Nhơn bây giờ đã là đầu mối giao lưu hàng hóa của các huyện Hoài Ân, An Lão, Phù Mỹ và các địa phương phía Nam của tỉnh Quảng Ngãi. Hoạt động mua bán ở đây diễn ra khá nhộn nhịp, đặc biệt là khu vực thị trấn Bồng Sơn. Trên địa bàn thị trấn hiện có khoảng 1.000 hộ hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ từ vừa đến lớn, trong đó có nhiều hộ kinh doanh mua bán xe máy, đồ điện tử, xăng dầu, vàng bạc đá quý, vật liệu xây dựng… Hầu hết các cửa hàng, cửa hiệu ở đây đều hoạt động hiệu quả và ngày càng mở rộng quy mô kinh doanh.
* Điểm nhấn cho tương lai
Sẽ không còn là viễn cảnh xa xôi, ngay từ bây giờ, người dân Hoài Nhơn có quyền mơ ước mảnh đất quê mình nhanh chóng thay da đổi thịt, trở thành vùng kinh tế động lực của tỉnh trong tương lai. Mục tiêu của huyện là sẽ khai thác có hiệu quả những tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương, đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Các chỉ tiêu mà huyện đề ra là: đưa giá trị sản xuất nông-lâm-ngư nghiệp tăng bình quân 7%/năm; công nghiệp tăng 17,5%/năm; thương mại, dịch vụ tăng 15%/năm; thu nhập của người lao động tăng 18%/năm... Để đạt được mục tiêu này, mỗi năm Hoài Nhơn đã dành ra bình quân 30 tỉ đồng xây dựng những công trình mang tính đột phá, như điện, đường, các công trình thủy lợi, các cụm sản xuất công nghiệp… Ngoài ra, cảng cá Tam Quan cũng đã được Trung ương chọn để đầu tư xây dựng khu neo đậu tàu thuyền tránh bão. Đến nay, giai đoạn 1 của công trình với số vốn đầu tư 11 tỉ đồng nạo vét luồng chạy tàu đã hoàn thành, đảm bảo việc neo đậu tàu thuyền trong mùa mưa bão. Giai đoạn 2 của công trình gồm: xây dựng cảng cá, bến đậu tàu thuyền với số vốn đầu tư 7 tỉ đồng đang chuẩn bị thực hiện, sẽ mở ra triển vọng mới cho nghề biển của địa phương. Ông Nguyễn Chí Xô - Phó Chủ tịch UBND huyện - cho biết: "Hoài Nhơn đang tiến hành quy hoạch khu chế biến thủy sản tập trung tại xã Tam Quan Bắc, nhằm đáp ứng nhu cầu mặt bằng cho các nhà đầu tư và di dời các cơ sở sản xuất trong khu dân cư. Đồng thời, nâng cấp mở rộng chợ Tam Quan Bắc thành chợ đầu mối về buôn bán các loại thủy hải sản...; và đang tiến hành đầu tư xây dựng 2 cụm công nghiệp là Bồng Sơn và Tam Quan. Đây là quyết tâm lớn của huyện trong việc khởi tạo tiền đề cho sự phát triển công nghiệp của địa phương". Ngoài ra, một số dự án lớn cũng đang được tỉnh chuẩn bị xây dựng tại đây, như Trường Công nhân kỹ thuật, Cung thiếu nhi, sân vận động, chợ đầu mối Bồng Sơn… sẽ góp phần đưa nền kinh tế của huyện phát triển mạnh mẽ hơn. Đó là chưa kể những danh thắng của Hoài Nhơn có thể là địa chỉ dừng chân của nhiều du khách, như Động Cườm với dấu tích văn hóa Sa Huỳnh cùng những bãi biển đẹp ẩn dưới tán dừa Tam Quan ngát xanh, Hố Giang với bức minh Chăm kỳ bí, đèo Lộ Diêu với những bức tranh đá nguyên sơ, hùng vĩ… Và, điều đặc biệt hơn, UBND tỉnh cũng đã có chủ trương phát triển khu vực thị trấn Bồng Sơn trở thành thị xã. Điều này đã mở ra một tầm chiến lược mới, Hoài Nhơn sôi động lên với công tác chỉnh trang đô thị, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật… ở khu vực thị trấn Bồng Sơn và những vùng phụ cận, nhằm đáp ứng các điều kiện để trở thành thị xã trong tương lai.
Tin rằng, rồi đây Hoài Nhơn sẽ khởi sắc, một "không khí" làm ăn mới sẽ thực sự diễn ra trên mảnh đất này. Và khi đó, đời sống của người dân sẽ từng bước được nâng cao, cả về vật chất lẫn tinh thần.
|