Nuôi chình bông - một hướng đi mới nhiều triển vọng ở Bình Định
18:13', 16/12/ 2005 (GMT+7)

Chình là loại thủy sản nước ngọt có nguồn gốc từ Nam Mỹ, qua rất nhiều thập kỷ di cư, hiện nay chúng phân bố ở khắp nơi. Tại Việt Nam, chình chủ yếu có mặt ở các tỉnh từ Quảng Bình đến Ninh Thuận vì tập quán sống của chúng luôn gắn liền với điều kiện sông, suối xen giữa núi rừng.

 

          Ông Lanh đang kiểm tra chình giống trong bể nuôi.

 

Ở Bình Định, phổ biến có 2 dòng: chình mun và chình bông. Vừa qua có một số hộ đã chọn nuôi thành công giống chình bông, với hiệu quả thu nhập rất cao, đã mở ra một hướng sản xuất mới nhiều triển vọng tại các huyện trung du và miền núi. Điển hình trong số này có ông Nguyễn Văn Lanh, ở xã Vĩnh Quang, huyện Vĩnh Thạnh. Ông bắt đầu nuôi chình bông cách đây 5 năm, ông chọn giống này vì nó dễ nuôi, ăn tạp, sinh trưởng nhanh, đặc biệt là ít bệnh tật. Con giống ông thu mua từ những người đánh bắt cá chuyên nghiệp tại các ao hồ chứa, sông suối… Cỡ giống đưa vào nuôi từ 20g đến 30g/con, với giá giống tại chỗ dao động từ 160.000đ - 180.000 đ/kg… Mùa nắng ông thả chình vào lồng đặt ở bờ sông Kôn để chúng phát triển trong môi trường nước tự nhiên; mùa đông nước lũ, ông đem về thả nuôi trong bể xi măng với mật độ từ 30-50 con/m2 mặt nước bể. Có hệ thống bơm đảo nước liên tục cả ngày đêm để tạo lượng oxy cần thiết cho chình phát triển, và cứ sau 2 ngày ông thay toàn bộ nước trong bể một lần để tránh ô nhiễm do lượng thức ăn bổ sung thường xuyên. Ngoài ra, trong mỗi bể ông còn bố trí nuôi thêm từ 3-5 con cá bống tượng để chúng tận dụng chất thải của chình làm thức ăn, làm sạch môi trường nuôi nhốt hoàn toàn.

Chình bông có tập quán ăn vào ban đêm, cứ khoảng 18 giờ chiều ông thả thức ăn gồm: cá vụn băm nhỏ, giun đất… vào một cái khay bằng tre đan, đặt chìm cách mặt nước 5cm để chúng ăn tự do. Ông cho biết: "Một con chình 20g nếu nuôi như vậy sau 8 tháng trọng lượng sẽ đạt mức trung bình 0,6kg/ con, để tạo ra 1kg chình thì phải tốn từ 10 đến 12kg thức ăn đạm. Nếu tính giá thức ăn đạm hiện nay (cá vụn, giun đất…) khoảng 5.000đ/ kg thì kết quả 1kg sản phẩm chình bông, người sản xuất trừ đi chi phí còn lãi từ 160.000đ - 170.000đ (giá thu mua trong nhiều năm qua luôn ổn định ở mức từ 220.000đ - 240.000đ/kg).

Ông Lanh còn cho biết thêm: Nếu nuôi chình bông thời gian kéo dài từ 18-24 tháng thì mức lãi sẽ cao hơn. Vì giai đoạn từ 0,7 kg trở lên chình rất nhanh lớn và hệ số tiêu tốn thức ăn hạ thấp hơn so với giai đoạn chình còn nhỏ. Từ thực tế qua nhiều năm nuôi, ông chưa thấy chình xuất hiện bệnh tật, tỉ lệ hao hụt ở chình bông rất thấp. Một kinh nghiệm nữa ông đưa ra là nếu nuôi chình ở nhiều lứa tuổi khác nhau thì nên bố trí tại các bể chứa riêng rẽ theo từng lứa để tránh cạnh tranh thức ăn, tạo điều kiện để có độ đồng đều cao. Như vậy, về hiệu quả chúng ta dễ thấy rằng: cứ nuôi 1kg chình giống sau một năm người nông dân có thể đạt mức lãi từ 6 triệu - 7 triệu đồng, một thu nhập có thể nói rằng là khá cao vì thực hiện trong điều kiện không đòi hỏi nhiều công sức, vốn liếng và kỹ thuật phức tạp. Kỹ sư Nguyễn Thế Vũ, công tác ở Trung tâm Khuyến ngư và Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật thủy sản Bình Định, qua theo dõi một số điểm nuôi chình thực tế đã khẳng định: "Chình bông là một giống đặc sản nước ngọt, nếu người nông dân đầu tư đúng cách thì hiệu quả mang lại sẽ rất cao, vì nó hội đủ các điều kiện: con giống tại chỗ có độ thích nghi cao, kỹ thuật nuôi đơn giản, ít bệnh tật, thị trường ổn định…".

Với thực tế này, rất mong bà con nông dân tham khảo, học tập để vận dụng vào kinh tế gia đình, làm phong phú hệ vật nuôi nước ngọt ở nông thôn, tăng thu nhập cho mọi người.

  • Thái Bình Trọng
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hoài Nhơn trong giấc mơ bay xa  (16/12/2005)
Ngày mới ở vùng cao An Toàn  (16/12/2005)
Men buồn làng rượu cổ  (16/12/2005)
Du lịch văn hóa Bình Định: Một tiềm năng  (16/12/2005)
Thơ  (16/12/2005)
Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên: Di sản Văn hóa phi vật thể thế giới  (16/12/2005)
Trùng tu, tôn tạo di tích Tháp Dương Long  (16/12/2005)
Xóm lưới ba màn  (16/12/2005)
Gian truân cũng một cái nghề  (16/12/2005)
"Muốn ăn bánh ít lá gai..."  (16/12/2005)
Chuyện ở binh trạm  (16/12/2005)
Ấm áp mùa đông  (16/12/2005)
Ngược dòng mà thành công  (16/12/2005)
Xã Mỹ Phong: Một đêm, hai vụ cướp  (16/12/2005)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (16/12/2005)