Chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Bình Định:
Nông dân đã chọn lựa cây trồng đúng hướng !
18:18', 16/12/ 2005 (GMT+7)

Chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng giai đoạn 2001-2005 sắp kết thúc. Nhìn chung phần lớn các chỉ tiêu của ngành Nông nghiệp Bình Định như tăng trưởng hàng năm, cơ cấu giữa trồng trọt - chăn nuôi, nhiều cây trồng - vật nuôi... trong các năm qua đều đạt và vượt kế hoạch, đời sống nông dân và địa bàn nông thôn có nhiều đổi mới đáng phấn khởi. Nhiều cây trồng qua khuyến khích chuyển đổi được tiếp tục sản xuất với nhiều lợi thế so sánh, đem lại hiệu quả cao.

 

Ông Nguyễn Trích chăm sóc rau màu trồng trên đất lúa năng suất thấp chuyển sang.

 

Chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi nhằm khai thác, tận dụng và phát huy có hiệu quả tiềm năng đất đai, lao động, vốn và các điều kiện tự nhiên để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất từng bước nâng cao thu nhập cho nông dân. Thực hiện chủ trương này, các năm qua tỉnh đã tích cực triển khai đạt kết quả tương đối tốt. Nông dân theo khuyến cáo đã chọn lựa trồng cây gì, nuôi con gì hợp lý để đạt hiệu quả cao trong sản xuất. Nhờ vậy, giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp hàng năm liên tiếp tăng (năm 2004 tăng 5,9% so năm 2000), trong đó riêng ngành nông nghiệp tăng 6,6% với cơ cấu sản xuất theo hướng tăng dần tỷ trọng chăn nuôi và dịch vụ (29,3%). Sơ bộ có thể kể những cây trồng tăng cả về diện tích, năng suất và chất lượng sản phẩm như bắp, mì, đậu phụng, đậu nành, rau quả... Cây lúa tuy giảm diện tích nhiều (do chuyển đổi sang trồng cây khác, chuyển mục đích sử dụng và quá trình đô thị hóa...) nhưng năng suất và sản lượng lúa tăng (đạt trên 570.000 tấn) cao nhất từ trước đến nay. Cây điều (được cho là cây xóa đói giảm nghèo) và cây ăn quả đang được sản xuất theo hướng trang trại cải tạo mở rộng diện tích, thâm canh ngày càng tăng hiệu quả. Riêng các loại rau đậu, hoa, cây cảnh, trồng cỏ (chăn nuôi bò) đang được nông dân mở rộng sản xuất, tận dụng đất đai tối đa để tăng cao nguồn thu nhập. Cây nguyên liệu giấy cũng được nông dân ưa thích nhưng quỹ đất trồng có hạn (4.000 ha). Các cây có diện tích giảm là mía, dứa, dâu tằm và cây bông vải. Tuy nhiên, nhìn chung nông dân đang phát triển sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa phục vụ thị trường, tăng lợi nhuận.

Gặp và tìm hiểu về việc chọn lựa cây trồng để sản xuất, nhiều nông dân đều khẳng định trước hết là phải có lãi. Quan tâm đến lợi nhuận bởi vì mọi trang trải trong cuộc sống của họ đều dựa vào thu nhập từ sản xuất đem lại. Ông Nguyễn Trích ở HTX nông nghiệp số 2 Phú Phong (Tây Sơn) chuyển 2 sào đất trồng lúa sang trồng rau màu vì thu nhập từ rau màu cao gấp 4 lần trồng lúa. Ông Nguyễn Mạnh Hòa ở Canh Hiển (Vân Canh) cho biết, trước đây cả xã có đến trên 250ha mía nhưng vài năm trở lại đây nông dân đã chuyển sang trồng mì và cây trồng khác trên 200ha vì trồng mía liên tiếp bị nắng hạn không có lãi. Còn ông Lê Xuân Tòng ở thôn Giang Bắc, xã Phước Hiệp (Tuy Phước) chuyển đất lúa sang trồng hoa huệ, cho thu nhập tăng gấp 5 lần nên gia đình thoát nghèo.

Tới xã Ân Tín (Hoài Ân), gặp ông Phan Văn Hải đang chăm sóc vườn điều, ông khoe với chúng tôi vừa trồng thêm 100 cây điều ghép và gần 50 cây ăn quả như cam, bưởi, chôm chôm.. Ông cho biết, các cây trồng này phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu thời tiết ở địa phương, dễ tìm được giống, vốn đầu tư phù hợp với khả năng và không phức tạp trong khâu xử lý kỹ thuật... Trong việc chọn lựa cây trồng, nhiều nông dân còn bày tỏ ý kiến rất rõ là sản xuất cây gì mà sản phẩm có đầu ra, giá cả ổn định, dễ tiêu thụ. Tốt nhất là sản phẩm làm ra có thể lưu giữ được một thời gian để chờ giá mà không mất phẩm chất khi gặp thị trường mất giá hoặc bị ép giá ... (chính vì vậy mà cây dưa dù có thời điểm đạt lãi rất cao nhưng không được nông dân chọn trồng nhiều). Mặt khác, do không tích lũy được tài chính nên họ cần có nguồn thu rải đều trong năm để giảm bớt căng thẳng trong chi tiêu. Đây cũng vì lý do vì sao nông dân không chọn cây trồng có vốn đầu tư ban đầu nhiều, thời gian sinh trưởng dài đến vài năm, phức tạp trong xử lý kỹ thuật nhưng chỉ thu hoạch được một lần sau đó phải trồng lại mà lãi ít.

Với điều kiện đồng vốn có hạn, diện tích đất sử dụng ít, nhiều nông dân trong tỉnh bước đầu đã có nhận thức đúng đắn về nguyên tắc sản xuất gắn với thị trường.

  • Nguyễn Đình Thụy
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nuôi chình bông - một hướng đi mới nhiều triển vọng ở Bình Định  (16/12/2005)
Hoài Nhơn trong giấc mơ bay xa  (16/12/2005)
Ngày mới ở vùng cao An Toàn  (16/12/2005)
Men buồn làng rượu cổ  (16/12/2005)
Du lịch văn hóa Bình Định: Một tiềm năng  (16/12/2005)
Thơ  (16/12/2005)
Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên: Di sản Văn hóa phi vật thể thế giới  (16/12/2005)
Trùng tu, tôn tạo di tích Tháp Dương Long  (16/12/2005)
Xóm lưới ba màn  (16/12/2005)
Gian truân cũng một cái nghề  (16/12/2005)
"Muốn ăn bánh ít lá gai..."  (16/12/2005)
Chuyện ở binh trạm  (16/12/2005)
Ấm áp mùa đông  (16/12/2005)
Ngược dòng mà thành công  (16/12/2005)
Xã Mỹ Phong: Một đêm, hai vụ cướp  (16/12/2005)